I. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giá 2010 ước đạt 27.183 tỷ đồng, tăng 5,63% so với năm 2013 ( kế hoạch tăng 7%).
- GRDP theo giá hiện hành ước đạt 36.665 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 26,9 triệu đồng;
- Giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản (giá 2010) ước đạt 6.645 tỷ đồng, tăng 4,50% so với năm 2013 (kế hoạch tăng 5%);
- Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng (giá 2010) ước đạt 9.068 tỷ đồng, tăng 5,57% so với năm 2013 (kế hoạch tăng 7%);
- Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ (giá 2010) ước đạt 10.049 tỷ đồng, tăng 6,45% so với năm 2013 (kế hoạch tăng 8,6%);
- Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp, thủy sản 26,79%; công nghiệp-xây dựng 36,01%; dịch vụ 37,19% (kế hoạch: NLN 26,6%; CN-XD 41,1%; DV 32,3%);
- Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 696,6 triệu USD, tăng 15,8% so với năm 2013 (kế hoạch 630-650 triệu USD); Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.288,06 tỷ đồng, bằng 111,3% dự toán; Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 14,22 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2013 (kế hoạch 13,4 nghìn tỷ đồng);
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề ước đạt 52%, tăng 3% (trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 22,9%);
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,27% (kế hoạch 1,38%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 14,8% (kế hoạch 14,8%);
- Tỷ lệ dân số tham gia BHYT ước đạt 80% (kế hoạch 78%); có 90 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (đạt kế hoạch);
- Tỷ lệ hộ nghèo 10,22%, giảm 2,3% so năm 2013 (kế hoạch giảm 2% trở lên); số lao động được giải quyết việc làm 22,9 nghìn người; xuất khẩu lao động 2.705 người (kế hoạch 2.500 người);
- Số trường học đạt chuẩn quốc gia: ước đạt 48 trường (kế hoạch 43 trường);
- Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 87,5% (kế hoạch 87%); tỷ lệ khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa 86,5% (kế hoạch 85,5%), tỷ lệ khu dân cư có nhà văn hóa 99% (kế hoạch 100%); Phủ sóng truyền hình 100% diện tích và dân số (đạt kế hoạch);
- Dự kiến đến hết năm 2014 toàn tỉnh có 9 xã đạt chuẩn, 26 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (kế hoạch 5 xã đạt chuẩn, 26 xã cơ bản đạt chuẩn); tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 89% (đạt kế hoạch); tỷ lệ xã thu gom rác thải nông thôn tập trung ước đạt 48,16% (đạt kế hoạch); tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 50,6% (kế hoạch 50,5%).
So với mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh, có 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, 06 chỉ tiêu không đạt là: Tốc độ tăng GRDP; giá trị tăng thêm các ngành: nông lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; cơ cấu kinh tế; tỷ lệ khu dân cư có nhà văn hóa.
II. Kết quả thực hiện trong các ngành, lĩnh vực
1. Lĩnh vực kinh tế
1.1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới
Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn, đầu năm dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc xuất hiện tại một số địa phương; đợt mưa lũ tháng 9 gây thiệt hại cho sản xuất trên địa bàn các huyện: Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn . Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, các ngành và nhân dân có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo và thực hiện sản xuất, đã bảo đảm khung lịch thời vụ, hỗ trợ các chương trình nông nghiệp trọng điểm, phòng chống dịch bệnh, thiên tai để bảo vệ và phát triển sản xuất.
- Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm 121,4 nghìn ha đạt 100,2% kế hoạch, giảm 0,7% so với năm 2013, trong đó: diện tích lúa 69,6 nghìn ha đạt 100,9% kế hoạch, giảm 0,3% so với năm 2013; diện tích ngô 18,65 nghìn ha đạt 101,9% kế hoạch, tăng 0,5% so năm 2013. Năng suất lúa ước đạt 54,05 tạ/ha (giảm 0,33 ta/ha); năng suất ngô 45,9 tạ/ha (tăng 0,45 tạ/ha). Sản lượng lương thực ước đạt 461,8 nghìn tấn, giảm 0,5% so với năm 2013. Tổng diện tích chè 16,1 nghìn ha, năng suất ước đạt 98,5 tạ/ha (tăng 4,5 tạ/ha), sản lượng chè búp tươi ước đạt 142,7 nghìn tấn, tăng 4,8% so với năm 2013.
- Về chăn nuôi, thủy sản: Tổng đàn trâu 70,1 nghìn con (giảm 0,8 nghìn con), tổng đàn bò 92,6 nghìn con (tăng 1,5 nghìn con), tổng đàn lợn 771,5 nghìn con (tăng 15,4 nghìn con), tổng đàn gia cầm 11,4 triệu con (tăng 100 nghìn con); tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 130,7 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2013. Diện tích nuôi thủy sản 10 nghìn ha tăng 1,4%, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 25,2 nghìn tấn, tăng 7,9% so với năm 2013.
- Về lâm nghiệp: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; diện tích trồng rừng tập trung 7,1 nghìn ha, khoán bảo vệ rừng 34 nghìn ha, chăm sóc rừng trồng 20,6 nghìn ha; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 374,2 nghìn m3, tăng 7,3% so với năm 2013.
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được chú trọng. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM" được triển khai sâu rộng; công tác kiểm tra giám sát, thông tin tuyên truyền và huy động các nguồn lực thực hiện chương trình được tăng cường; tổng các nguồn vốn của toàn xã hội xây dựng NTM ước đạt 1.407 tỷ đồng, trong đó bố trí lồng ghép các nguồn vốn TPCP, NSNN là 714 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 60 tỷ đồng xây dựng đường GTNT bằng bê tông xi măng). Dự kiến đến hết năm 2014 có 9 xã đạt 19 tiêu chí ; 26 xã đạt 15-18 tiêu chí (trong đó có 2 xã 18 tiêu chí, 10 xã 17 tiêu chí, 6 xã 16 tiêu chí, 8 xã 15 tiêu chí); 91 xã đạt 10-14 tiêu chí; 117 xã đạt 5-9 tiêu chí; 4 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Kết quả thực hiện các tiêu chí 247 xã toàn tỉnh tăng thêm 421 tiêu chí, bình quân đạt 10,1 tiêu chí/xã, tăng 1,65 tiêu chí so với năm 2013.
Tuy nhiên, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản còn những tồn tại, hạn chế như: sản xuất chưa bền vững, việc nhân rộng các mô hình sản xuất còn hạn chế; tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm so yêu cầu, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, tư tưởng chông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước còn lớn, chưa chú ý đến phát triển kinh tế, còn nặng về xây dựng hạ tầng.
1.2. Sản xuất công nghiệp:
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,2% so với năm 2013, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 8,1%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện khí đốt tăng 7,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%. Trong tổng số 22 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có 13 sản phẩm tăng so với năm 2013, trong đó một số sản phẩm tăng khá như: vải thành phẩm tăng 11,9%, quần áo may sẵn tăng 12,8%, cao lanh tăng 19,7%, xi măng tăng 12,6%, đá khai thác tăng 15,6%. Có 09 sản phẩm giảm so với năm 2013, trong đó có một số sản phẩm chủ lực: bia giảm 8,4% , chè chế biến giảm 4,4%, gạch xây giảm 6,19%, gạch Ceramic giảm 6,04%, thảm trải nền giảm 49%.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân chung cả nước. Nguyên nhân: sức mua của thị trường yếu; vật tư nguyên liệu đầu vào, cước vận tải tăng giá; một số dự án mới có giá trị sản xuất lớn chưa đi vào sản xuất kinh doanh ổn định trong năm 2014; công tác phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của một số ngành, địa phương còn thiếu chủ động, chưa sâu sát cơ sở để đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp gặp khó khăn; nhiều dự án vẫn khó khăn không triển khai XDCB được; dự án xây dựng xong chưa đưa vào sản xuất được hoặc đã sản xuất lại giảm sản lượng.
1.3. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục được tuyên truyền đẩy mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 19.209 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2013. Giá cả thị trường cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây "sốt" giá; các trung tâm thương mại lớn (BigC, Prime) hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của nhân dân.
Hoạt động kinh doanh vận tải tiếp tục phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, khối lượng vận tải hàng hóa tăng 11%, vận tải hành khách tăng 6,5%. Dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển, xây dựng mới 104 trạm BTS nâng tổng số trạm BTS lên 1.650 trạm; doanh thu viễn thông ước đạt 1.200 tỷ đồng tăng 22,4% so năm 2013. Hoạt động du lịch có khởi sắc, các khu du lịch trọng điểm (Đền Hùng, đảo Ngọc Xanh) thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng; xây dựng, giới thiệu quảng bá 12 tua du lịch về cội nguồn với các hãng lữ hành lớn; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, lễ tân cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn; thành lập Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch trực thuộc Sở Văn hóa thể thao và du lịch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch, xúc tiến du lịch, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, tua, tuyến du lịch của tỉnh. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 696,6 triệu USD, tăng 15,8%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 689,6 triệu USD, tăng 14,6% so với năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng khoảng 3-3,2% so với năm 2013.
Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp; việc tổ chức mạng lưới cung ứng vật tư gắn với thu mua, tiêu thụ nông sản còn hạn chế; giá trị xuất khẩu của khu vực kinh tế trong tỉnh chiếm tỷ trọng nhỏ; cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch còn hạn chế, lượng khách lưu trú ít, mức chi tiêu thấp; tăng trưởng tín dụng không đều.
1.4. Về xây dựng và đầu tư phát triển:
Năm 2014, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đã tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của Trung ương trong bố trí kế hoạch các nguồn vốn: hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, đối ứng ODA, vốn tín dụng đầu tư, vay vốn nhàn rỗi của kho bạc nhà nước Trung ương; ứng trước kế hoạch vốn TPCP, ngân sách Trung ương để đẩy nhanh tiến độ một số dự án cấp bách. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 ước đạt 14.222 tỷ đồng, bằng 104,8% kế hoạch, tăng 5,7% so với năm 2013, trong đó: vốn đầu tư qua ngân sách tỉnh 4.412 tỷ đồng, tăng 7,2%; vốn đầu tư bộ ngành, DNNN 3.245,2 tỷ đồng, tăng 4,3%; vốn đầu tư của tư nhân, dân cư 5.760 tỷ đồng, tăng 6,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 805,7 tỷ đồng, giảm 4,1% so với năm 2013.
Công tác chỉ đạo đầu tư XDCB được tăng cường, tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh tăng quy mô, tổng mức đầu tư dự án; rà soát, xem xét dừng triển khai một số dự án kéo dài quá thời gian quy định. Triển khai rà soát tổng thể tình hình nợ XDCB trên địa bàn tỉnh, ban hành kế hoạch xử lý nợ XDCB giai đoạn 2014-2015 ở 3 cấp ngân sách; đẩy nhanh tiến độ quyết toán công trình hoàn thành ; tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ; triển khai thực hiện nghiệm túc Luật Đấu thầu năm 2013, và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật đấu thầu; Tập trung thực hiện Kết luận số 94-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án, sớm có mặt bằng sạch đi vào xây dựng; thu hồi 21 dự án không triển khai, không hiệu quả, đầu tư không đúng nội dung trong Giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện không đúng quy trình đầu tư.
Các dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo, đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Việt Trì mới, 13 km còn lại của đường tránh Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì; lập phương án đầu tư xây dựng cầu Việt trì - Ba Vì theo hình thức BOT; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, thủy lợi, y tế được đầu tư bằng nguồn vốn TPCP, vốn NSTW, vốn ODA. Công tác vận động các dự án ODA được triển khai tích cực, trong năm có thêm 02 dự án mới được duyệt với tổng mức đầu tư 362 tỷ đồng , nâng số dự án ODA đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 23 dự án với tổng mức đầu tư 4.501,6 tỷ đồng (trong đó có 6 dự án hoàn thành, 15 dự án chuyển tiếp, 02 dự án khởi công mới), vốn giải ngân năm 2014 ước đạt 648,4 tỷ đồng (455,5 tỷ đồng vốn ODA và 192,9 tỷ đồng vốn đối ứng).
Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư được chú trọng, đã triển khai sửa đổi Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục đầu tư theo hướng giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND về hỗ trợ các dự án ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Công tác xúc tiến đầu tư từng bước được đổi mới theo hướng vận động trực tiếp các tập đoàn, tổng công ty lớn có năng lực tài chính, công nghệ và thị trường. Trong 10 tháng đầu năm cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 29 dự án, gồm 8 dự án FDI tổng vốn đầu tư 19,47 triệu USD, 21 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đầu tư 2.417 tỷ đồng; giá trị thực hiện các dự án ước đạt 967 tỷ đồng; một số dự án đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đi vào hoạt động cuối năm 2014, đầu năm 2015 trong đó có nhà máy gạch ốp lát cao cấp Tasa công suất 20 triệu m²/năm, vốn đầu tư 1.135 tỷ đồng, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Namuaga, tổng vốn đầu tư 40 triệu USD.
Tuy nhiên, tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư nhiều dự án còn chậm; một số chủ đầu tư chưa chủ động triển khai các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Thu hút đầu tư còn hạn chế do hạ tầng khu, cụm công nghiệp thiếu và yếu, vị trí địa kinh tế kém lợi thế cạnh tranh; việc triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 có những khó khăn, vướng mắc; một số dự án đang đầu tư chưa hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh.
1.5. Tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước:
- Thu ngân sách nhà nước: Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; nhờ tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2014 ước đạt 3.288,06 tỷ đồng, bằng 111,3% dự toán; trong đó: thu nội địa ước đạt 3.067,06 tỷ đồng bằng 112,1% dự toán (có 11/13 chỉ tiêu thu vượt dự toán); thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 201 tỷ đồng bằng 100% dự toán; thu xổ số kiến thiết ước đạt 20 tỷ đồng bằng 117,6% dự toán.
- Chi ngân sách tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên và đảm bảo an sinh xã hội; các khoản chi sự nghiệp y tế, giáo dục, chi lương đều đạt tiến độ và tăng so với năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 10.459,5 tỷ đồng, bằng 125,7% dự toán; trong đó chi cân đối ngân sách địa phương là 8.159,4 tỷ đồng, bằng 111,8% dự toán.
1.6. Công tác quản lý điều hành hoạt động tiền tệ, tín dụng trên địa bàn được tăng cường; thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng vận hành theo đúng chỉ đạo điều hành của Chính phủ và NHNN Việt Nam, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm 1,5-2%/năm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất . Tổng vốn huy động cả năm ước đạt 25,53 nghìn tỷ đồng tăng 20% so năm 2013, trong đó tiền gửi dân cư tăng 22%; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so năm 2013. Các tổ chức tín dụng đã tập trung cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh góp phần phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Hội nghị ký kết hỗ trợ vốn vay giữa các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông dòng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh; các dịch vụ tiện ích ngân hàng tiếp tục được mở rộng và phát triển; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ dưới 3%. Song, tăng trưởng tín dụng không đều trong năm; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn; còn tiềm ẩn các yếu tố phát sinh nợ xấu.
1.7. Tình hình phát triển doanh nghiệp; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tập thể:
- Về phát triển doanh nghiệp: Trong 10 tháng đầu năm cấp đăng ký thành lập mới 319 doanh nghiệp tăng 2,4%, số vốn đăng ký 1.789 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ; cấp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho 457 doanh nghiệp, tăng 8% so với cùng kỳ; có 43 doanh nghiệp giải thể, 147 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn , 12 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động từ năm 2013 quay trở lại sản xuất kinh doanh. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 4.567 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 4.100 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 23,2 nghìn tỷ đồng đang hoạt động và có kê khai thuế hàng tháng, hàng quý với cơ quan thuế (chiếm 89,8%); số còn lại là các doanh nghiệp mới đăng ký chưa đi vào hoạt động và doanh nghiệp dừng hoạt động, chờ giải thể.
- Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước: Tiếp tục tiến hành cổ phần hóa 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ và Công ty TNHH MTV quản lý quỹ nhà ở và kinh doanh bất động sản); triển khai thực hiện kế hoạch thoái vốn tại 03 doanh nghiệp: Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Việt Trì, Công ty cổ phần môi trường đô thị thị xã Phú Thọ và Công ty cổ phần xi măng Phú Thọ.
- Phát triển kinh tế tập thể: 10 tháng đầu năm thành lập mới 7 HTX, 10 tổ hợp tác; đến nay toàn tỉnh có 481 HTX, 1.443 tổ hợp tác. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã hỗ trợ 5,01 tỷ đồng cho 38 dự án phát triển sản xuất; nguồn vốn nông thôn mới hỗ trợ 3,1 tỷ đồng cho 57 HTX xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa trong sản xuất. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho 395 lượt cán bộ HTX; tổ chức 12 lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho 589 lượt cán bộ HTX.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, một số phải ngừng hoạt động; nội lực các HTX còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu năng lực cạnh tranh.
1.8. Hoạt động khoa học và công nghệ được triển khai đồng bộ, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước và cấp tỉnh hướng vào lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đổi mới công nghệ sản xuất trong công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường . Hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ trên các lĩnh vực: tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, kiểm soát an toàn bức xạ hạt nhân, thông tin khoa học công nghệ, thanh tra kiểm tra về khoa học công nghệ được chú trọng. Thực hiện hỗ trợ 12 doanh nghiệp đổi mới công nghệ với tổng kinh phí 3,02 tỷ đồng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân được đẩy mạnh, đến nay có 27 trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành và dịch vụ hành chính công, 04 đơn vị xây dựng và sử dụng hệ thống một cửa điện tử, hầu hết các đơn vị đã thực hiện tin học hóa tại bộ phận một cửa nhằm nâng cao năng lực phục vụ, công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; toàn tỉnh có 190 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tỷ lệ hộ gia đình có máy vi tính đạt 23%, trong đó 70% kết nối Internet.
1.9. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định của Chính phủ về thực hiện Luật Đất đai, ban hành quy định cụ thể về quản lý sử dụng đất và bồi thường hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch và phương án kiểm kê đất đai năm 2014 theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 và tổ chức thực hiện theo quy định; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất 277 xã, phường, thị trấn và 11 huyện. Chỉ đạo rà soát danh mục các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các dự án có sử dụng đất trồng lúa năm 2014, năm 2015 để trình HĐND tỉnh thông qua theo quy định; quản lý tốt diện tích đất lúa trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các huyện, thành, thị lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015. Tiếp tục đôn đốc thực hiện cắm mốc giới đất nông lâm trường; xây dựng bảng giá đất tỉnh Phú Thọ 5 năm giai đoạn 2015-2019. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 692,4 nghìn Giấy chứng nhận cho các loại đất với diện tích 244 nghìn ha, đạt 92,4% tổng diện tích cần cấp Giấy chứng nhận; hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính 218 xã, phường, thị trấn với diện tích đã lập bản đồ địa chính là 258.418 ha, đạt 73,14% diện tích đất tự nhiên ; giao đất cho 80 dự án với diện tích 493,7 ha. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường; triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm đối với các đơn vị nằm trong khu, cụm công nghiệp; công tác thu gom xử lý rác thải được quan tâm chỉ đạo, nhất là thu gom rác thải tại các vùng nông thôn tập trung.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về tài nguyên, môi trường được tăng cường; xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô, khai thác trái phép khoáng sản ở các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba, Hạ Hòa; kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông Bứa thuộc địa bàn các huyện Tam Nông, Thanh Sơn. Hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên trên địa bàn tỉnh được chấn chỉnh, đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án tổng thể lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm; chưa hoàn thành lập phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; công tác thực hiện chỉnh lý biến động về đất đai còn hạn chế; quản lý tài nguyên, khoáng sản có lúc có nơi chưa chặt chẽ; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn cải thiện còn chậm.
2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
2.1. Giáo dục - đào tạo:
Mạng lưới trường tiếp tục được sắp xếp, củng cố tăng cường; đội ngũ giáo viên ổn định về số lượng, từng bước được chuẩn hoá, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy được chú trọng; việc kiểm tra, đánh giá học sinh bảo đảm đúng quy định, phản ánh sát thực trình độ của học sinh. Chất lượng giáo dục các cấp học được giữ vững và nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, bổ túc đạt cao hơn năm học trước ; kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT có 44 học sinh tham dự kỳ thi đoạt giải. Tiếp tục giữ vững, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập được chú trọng, khen thưởng, động viên kịp thời cho giáo viên, học sinh có thành tích cao và học sinh nghèo vượt khó. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được triển khai tích cực; hết năm 2014 ước có thêm 48 trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia của toàn tỉnh lên 525 trường, đạt 57,4%.
Công tác đào tạo và dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động được quan tâm chỉ đạo. Năm 2014 tổ chức tuyển sinh trên 100 mã ngành nghề đào tạo, trong đó có trên 40 mã ngành đào tạo đại học. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức sát nhập các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp khi có hướng dẫn của Trung ương. Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức 25 lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ cho 2.412 cán bộ công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã và lãnh đạo các hội, quỹ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục mũi nhọn giảm so với năm học trước, không có học sinh đạt giải quốc tế; chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng chậm được rút ngắn.
2.2. Công tác y tế, dân số:
Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện tiếp tục được đầu tư, thiết bị y tế từng bước được trang bị hiện đại. Công tác y tế dự phòng, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh được tăng cường nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: sởi, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc phòng, chống bệnh dại; không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn; chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh do virut Ebola theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện ở cả 3 tuyến. Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em được chú trọng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 14,8%, giảm 0,17% so cùng kỳ.
Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được chú trọng thực hiện, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99,5%, tăng 0,8%; tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3%. Công tác tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về dân số/KHH gia đình được tăng cường, mạng lưới cung cấp dịch vụ được duy trì cả 3 tuyến. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra 3.064 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, qua kiểm tra có 2.461 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm 80,32%); xử phạt 50 cơ sở vi phạm với số tiền 70 triệu đồng, nhắc nhở 549 cơ sở, tiêu hủy 12 loại sản phẩm của 04 cơ sở. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, có 550 trường hợp điều trị tại 3 cơ sở, tăng 270 trường hợp so với cùng kỳ; hoàn thành kế hoạch xây dựng 39 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 90 trạm, đạt 32%. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, thực hiện Pháp lệnh dân số chưa sâu rộng, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng ; việc thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân gặp khó khăn.
2.3. Các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao; thông tin, báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật, phát thanh truyền hình:
Tổ chức thực hiện tốt công tác quán triệt, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các hoạt động văn hóa cơ sở và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục phát triển. Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ được tổ chức tại các địa phương bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm xã Đào Xá - huyện Thanh Thủy, Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng và 45 năm thực hiện Di chúc của Người; tổ chức thành công Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014. Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được chú trọng, tập trung triển khai các nội dung bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng 01 di tích cấp quốc gia, 06 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; tổ chức lập quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi 7 di tích quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh.
Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển; các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động TDTT trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Công tác tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng thể thao được chú trọng; đào tạo tập trung 207 vận động viên năng khiếu, duy trì đào tạo 115 vận động viên thành tích cao; Đoàn thể thao của tỉnh tham gia thi đấu 13 giải thể thao khu vực và toàn quốc, giành 60 Huy chương (14 HCV, 20 HCB, 26 HCĐ).
Hoạt động thông tin, báo chí, văn học nghệ thuật, phát thanh, truyền hình có nhiều tiến bộ, chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thông tin về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh; tuyên truyền sâu rộng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", về tình hình Biển Đông và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền biển đảo, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động "Vì biển đảo thân yêu" , qua đó định hướng đúng đắn dư luận xã hội, cổ vũ động viên các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh; đưa vào hoạt động hệ thống phục vụ hội nghị trực tuyến giữa tỉnh với 13 huyện, thành, thị; triển khai đầu tư trang thiết bị và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã theo kế hoạch; phát sóng kênh truyền hình Phú Thọ trên vệ tinh, phủ sóng 100% diện tích và dân số. Tuy nhiên, hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở còn thiếu và yếu, có nơi bị xuống cấp chưa được duy tu bảo dưỡng kịp thời, chưa hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà văn hóa khu dân cư; công tác chỉ đạo phát triển văn hóa cơ sở một số địa phương còn hạn chế.
2.4. Công tác giải quyết việc làm được chú trọng, giải quyết việc làm cho 22,9 nghìn người tăng 3,3%, tạo việc làm mới 14,5 nghìn người tăng 3,5% so năm 2013; xuất khẩu lao động 2.705 người; tổ chức đào tạo nghề cho 23,1 nghìn lao động . Công tác giải quyết việc làm từ nguồn vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm đạt kết quả tốt, giải quyết cho vay vốn từ quỹ quốc gia việc làm 24 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 1.500 lao động. Các địa phương đã chủ động lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tạo thêm việc làm mới; quan tâm tạo việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế (người tàn tật, lao động là người dân tộc, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp). Tuy nhiên, cơ sở vật chất dạy nghề còn khó khăn; đội ngũ giáo viên dạy nghề hạn chế về trình độ; chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
2.5. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thăm hỏi và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ; bảo đảm chế độ cho các đối tượng chính sách. Công tác bảo trợ xã hội được quan tâm, thực hiện tốt việc trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, cấp thẻ BHYT cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Các hoạt động nhân đạo từ thiện, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”; hỗ trợ khắc phục thiên tai được đẩy mạnh; các cấp, các ngành đã hỗ trợ 63,87 tấn gạo, tặng 89,3 nghìn xuất quà trị giá 21,55 tỷ đồng cho các gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách, người nghèo trong các dịp lễ, tết Nguyên Đán. Quỹ "Vì người nghèo" đã hỗ trợ xây dựng 53 ngôi nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và hỗ trợ các đối tượng nghèo khám chữa bệnh với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng; Quỹ "Mái ấm công đoàn" hỗ trợ 51 công nhân lao động nghèo xây dựng nhà với kinh phí 1,64 tỷ đồng.
Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, cho vay vốn đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc phát triển sản xuất ; tập trung huy động các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã ATK, huyện nghèo Tân Sơn; tổng nguồn vốn đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2014 ước đạt trên 393 tỷ đồng. Đời sống các tầng lớp dân cư tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,3%. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, việc bình xét hộ nghèo một số cơ sở còn nể nang; việc thực hiện kết luận thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về xác định thương binh chưa chính xác, còn chậm so với yêu cầu.
2.6. Công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng, tổ chức thành công Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số lần thứ 2 năm 2014; các chính sách hỗ trợ đối với các đồng bào dân tộc, miền núi thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình định canh định cư, Chương trình 134 kéo dài và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống của đồng bào dân tộc được cải thiện. Hoạt động tôn giáo trên địa bàn được quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động theo quy định của pháp luật; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi được giữ vững.
2.7. Hoạt động đối ngoại và viện trợ phi chính phủ: Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, công chức đi tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài và các đoàn khách nước ngoài đến làm việc tại tỉnh. Các nội dung về thông tin và văn hóa đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai tích cực và hiệu quả. Công tác vận động, quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích; tổng kinh phí cam kết viện trợ của trên 20 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế cho các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh đạt trên 6 triệu USD, giá trị giải ngân năm 2014 ước đạt 3,1 triệu USD.
(Nguồn: www.phutho.gov.vn)