TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2014
I. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT
1. Đánh giá chung
Bước vào năm 2014, trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội trong nước thuận lợi hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình căng thẳng ở biển Đông, thị trường thu hẹp, sức mua vẫn còn yếu, hậu quả nặng nề của cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 năm 2013 làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự đoàn kết và quyết tâm cao của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các tổ chức trong và ngoài nước; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 vẫn duy trì sự ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, năng suất lúa, sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay; sản xuất công nghiệp tuy vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và đạt kế hoạch đề ra; Chương trình nông thôn mới được quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt; du lịch Quảng Bình đã có bước phát triển vượt bậc, lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 2,716 triệu lượt, tăng 97,5% SCK; thu ngân sách tăng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được chú trọng đầu tư; đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư; công bố Nghị định của Chính phủ về thành lập thị xã Ba Đồn; Thành phố Đồng Hới được công nhận đô thị loại II; lĩnh vực văn hóa, xã hội có những chuyển biến tiến bộ; công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ổn định và có bước cải thiện; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế và ảnh hưởng nặng nề của bão lụt năm 2013 đã làm cho một số chỉ tiêu có tăng trưởng nhưng chưa đạt kế hoạch ; nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ đọng thuế còn lớn; các công trình trọng điểm còn thiếu vốn; cơ sở lưu trú, các dịch vụ giải trí còn thiếu, thời gian lưu trú thấp; các dự án đầu tư FDI vào tỉnh còn hạn chế; văn hóa, xã hội có chuyển biến nhưng còn chậm; tình hình an ninh trật tự, tệ nạn ma túy, cờ bạc, số đề, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng còn diễn ra; giải quyết việc làm, đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp còn khó khăn.
2. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu
a. Các chỉ tiêu kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,5% (kế hoạch cả năm tăng 7,5%, thực hiện cùng kỳ 7,1%);
- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,5% (kế hoạch cả năm tăng 3,0%, thực hiện cùng kỳ 3,9%);
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10% (kế hoạch cả năm tăng 10%, thực hiện cùng kỳ 9,5%);
- Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 8,7% (kế hoạch cả năm tăng 10%, thực hiện cùng kỳ 8,1 %);
- Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thuỷ sản chiếm 20,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 36,8%; dịch vụ chiếm 42,6% (kế hoạch 20,5% - 36,8% - 42,7%);
- Sản lượng lương thực đạt 29,9 vạn tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ, vượt 8,7% KH (kế hoạch 27,5 vạn tấn, thực hiện cùng kỳ 27,4 vạn tấn);
- Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.360 tỷ đồng, đạt 107,2% KH (dự toán cả năm 2.200 tỷ đồng, thực hiện cùng kỳ 2.108 tỷ đồng);
- GRDP bình quân đầu người đạt 25,2 triệu đồng (kế hoạch 25 triệu đồng);
b. Các chỉ tiêu xã hội
- Giải quyết việc làm cho 3,33 vạn lao động, đạt 104,1 % KH, bằng 106,1% so với cùng kỳ (KH cả năm 3,2 vạn lao động; thực hiện cùng kỳ 3,14 vạn lao động);
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,5% so với năm 2013 (kế hoạch giảm 3,5%);
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế: 75,5% (KH 75%);
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm 0,8% (KH giảm 1,5%);
- Tỷ lệ phổ cập THCS đạt 99,4% xã, phường thị trấn (KH đạt 99,4%).
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 56,1%; trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 33,1% (kế hoạch: 56%; trong đó qua đào tạo nghề 33%);
c. Các chỉ tiêu về môi trường
- Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 92,1% (kế hoạch 92%);
- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 80,3% (KH 80%);
- Tỷ lệ che phủ rừng 67,8% (kế hoạch 70%).
Trong 17 chỉ tiêu chủ yếu, có 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm: giá trị sản xuất dịch vụ, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng và tỷ lệ che phủ rừng.
II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN CÁC LĨNH VỰC
1. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu: Quy hoạch vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số đề án quy hoạch ngành, lĩnh vực khác tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Đã hoàn thành việc chia tách địa giới hành chính huyện Quảng Trạch và thành lập thị xã Ba Đồn theo Nghị quyết của Chính phủ. Thực hiện tốt việc chỉnh trang đô thị, nhất là ở thành phố Đồng Hới để chào mừng kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Đồng Hới là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng một số quy hoạch tiến độ còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác công bố, công khai và quản lý quy hoạch chi tiết của một số ngành, địa phương chưa đồng bộ.
2. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt kết quả khá, một số chỉ tiêu đạt cao và tăng so cùng kỳ. Kết quả trên phản ánh sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 7.040,8 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ, đạt 101,2% kế hoạch .
Trồng trọt: điều kiện thời tiết thuận lợi, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, bà con nông dân sản xuất theo đúng lịch mùa vụ và gieo trồng hết diện tích so với kế hoạch đề ra . Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 29,9 vạn tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ, đạt 108,8% kế hoạch . Đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa, sắn, ớt, bước đầu có hiệu quả. Cây công nghiệp dài ngày có xu hướng phát triển khá ; bước đầu đã hình thành vùng trồng cây tập trung. Đã tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 10, hoàn lưu bão số 11 năm 2013, tiến hành các biện pháp phục hồi vườn cây, trồng lại các diện tích cao su bị hư hại.
Chăn nuôi: Tiếp tục phát triển ổn định, tổng đàn từng bước được phục hồi, chất lượng đàn gia súc được nâng lên, tỷ lệ bò lai sind chiếm tỷ trọng khá. Chăn nuôi lợn, gia cầm theo mô hình sản xuất tập trung phát triển khá cả về số lượng và quy mô. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 61.926 tấn, tăng 4,8% so cùng kỳ, nâng tỷ trọng chăn nuôi lên 45,6% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp . Đã tập trung đẩy mạnh công tác tiêm phòng, triển khai các biện pháp phòng ngừa, khống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ; tăng cường hoạt động của các chốt, trạm kiểm soát liên ngành, nên cơ bản đã khống chế được dịch bệnh lây lan từ các tỉnh lân cận.
Lâm nghiệp: Đã tích cực chỉ đạo chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, triển khai trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng, gỗ rừng tự nhiên theo kế hoạch . Nhìn chung, diện tích rừng trồng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt khá. Hiệu quả của kinh tế rừng ngày càng được khẳng định, đặc biệt là rừng trồng phục vụ chế biến. Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, khô hạn, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng; đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ, động vật hoang dã trái phép, nhất là vùng ranh giới với Quảng Trị, Hà Tĩnh, các xã vùng đệm khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng .
Thủy sản: Đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi, cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước , dù bị ảnh hưởng của bão số 10, hoàn lưu cơn bão số 11 năm 2013 nhưng sản lượng thuỷ sản cả năm đã vượt kế hoạch, ước đạt 64.507 tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ, tăng 15,4% kế hoạch.
Về khai thác: trước tình hình phức tạp ở biển Đông, bà con ngư dân đã đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn để đánh bắt vùng biển xa, quyết tâm vươn khơi, bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương nên sản lượng khai thác thuỷ sản tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước, ước đạt: 53.434,4 tấn. Công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được tăng cường nên tình hình đánh bắt thủy sản sai tuyến, sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm sử dụng có xu hướng giảm, hạn chế ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Về nuôi trồng: đã đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, các doanh nghiệp, hộ nuôi mạnh dạn đầu tư ao hồ, trang thiết bị, cải tiến quy trình kỹ thuật, lựa chọn giống chất lượng và tích cực phòng chống dịch bệnh. Diện tích nuôi trồng 4.881,8 ha, tăng 4,7% cùng kỳ, sản lượng ước đạt 11.072,6 tấn, tăng 10,2% so cùng kỳ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được tập trung chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, đặc biệt là tập trung nguồn lực cho 11 xã đạt tiêu chí nông thôn mới trong năm 2014. Rà soát các xã có khả năng đạt tiêu chí nông thôn mới để đưa vào kế hoạch 2015. Đến nay, có 136/136 xã đã cắm mốc chỉ giới, đạt 100%; 134/136 xã có quy hoạch chi tiết trung tâm xã được phê duyệt, đạt 98,5%. Trong năm 2014, có thêm 11 xã hoàn thành 19 tiêu chí, nâng tổng số xã của tỉnh đạt nông thôn mới lên 12 xã.
Tuy sản xuất nông nghiệp được mùa nhưng giá một số sản phẩm nông sản thấp, nhất là giá cao su, ớt do ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc; diện tích, sản lượng mũ cao su đạt thấp do ảnh hưởng của bão năm 2013; sản xuất chăn nuôi ở quy mô nhỏ, manh mún, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá thịt hơi xuất chuồng không tăng, tiêu thụ sản phẩm khó khăn; chất lượng quy hoạch cũng như công tác chỉ đạo phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG nông thôn mới còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
3. Sản xuất công nghiệp
Năm 2014 vẫn là năm gặp nhiều khó khăn đối với sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước phục hồi và có dấu hiệu tăng trưởng khá. Một số cơ sở công nghiệp lớn đi vào hoạt động, làm tăng năng lực sản xuất trong kỳ như: nhà máy Clinker Văn Hoá, Nhà máy May Hà Quảng giai đoạn 2; một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá như: xi măng sông Gianh, xi măng Vạn Ninh, Nhà máy may S&D tại thị trấn Quán Hàu, bia Hà Nội-Quảng Bình, khai thác vật liệu xây dựng, các ngành phục vụ nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, điện thương phẩm... Các sản phẩm có mức tăng khá như: clinker, bia các loại, đá xây dựng, điện thương phẩm... . Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển khá, tập trung vào các ngành, nghề: mộc mỹ nghệ, chế biến nông, lâm sản, mây tre đan, cơ khí nhỏ và gốm sứ... góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10%, đạt 100% kế hoạch đề ra (cùng kỳ tăng 9,5%), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% . Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng lớn của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hết sức khó khăn hiện nay.
Tuy vậy, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ do sức mua giảm... Một số nhà máy gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ như: giấy kraft, xi măng Áng Sơn 1, các cơ sở chế biến cao su, khai thác kaolin...
4. Các ngành dịch vụ
Hoạt động thương mại nội địa năm 2014 gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm nên thị trường trầm lắng. Dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 tăng so với cùng kỳ nhưng không đạt kế hoạch đề ra, ước đạt 16.880 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ, đạt 96,2% KH. Công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại được tăng cường. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được đẩy mạnh; khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm sản xuất trong tỉnh. Đã tổ chức thành công Hội chợ triển lãm thương mại - du lịch Quảng Bình năm 2014 và các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.
Xuất, nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu đạt 150,1 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,5% so cùng kỳ, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cao su, gỗ các loại, dăm gỗ, hàng thủy sản , thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc... Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 110,2 triệu USD , đạt 220,3% kế hoạch và tăng 4,3% so cùng kỳ, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ các loại, nguyên liệu sản xuất tân dược, gốm sứ, trâu bò sống, xăng dầu.
Hoạt động du lịch có bước phát triển mạnh và đột phá về số lượng, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng, mạng lưới cơ sở lưu trú phát triển khá, chất lượng phục vụ được nâng lên. Đã đưa vào khai thác các tuyến, điểm du lịch mới như: Tuyến du lịch chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới, khám phá hang động Tú Làn...; ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Trị giai đoạn 2014 - 2018... và chuỗi các hoạt động kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh, đã góp phần thu hút khách du lịch đến Quảng Bình tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao. Năm 2014 số lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 2,716 triệu lượt khách, tăng 97,5% so cùng kỳ , doanh thu du lịch đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2013.
Giá cả thị trường: Nhờ triển khai các giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường đã góp phần ổn định thị trường hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, ổn định thị trường ngoại tệ và vàng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 tăng 4,98% so với năm 2013.
Các loại hình dịch vụ khác: Vận tải biển, cảng biển và hàng không tiếp tục phát huy hiệu quả; Doanh thu vận tải ước đạt 2.307 tỷ đồng, tăng 13,1% so cùng kỳ. Các loại hình dịch vụ khác như: bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khám chữa bệnh, tư vấn pháp luật... tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Hạn chế: tình hình xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, mặc dù sản lượng xuất khẩu có tăng nhưng giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như: cao su giảm 28,8%, hải sản giảm 17,9%. Lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao nhưng thời gian lưu trú vẫn còn thấp, nguyên nhân chính là do chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các dịch vụ vui chơi, giải trí còn thiếu; nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng tăng giá vào thời gian cao điểm; mất an toàn trên các bãi tắm vẫn còn xảy ra.
5. Xây dựng cơ bản
Công tác quản lý đầu tư và xây dựng đã dần đi vào nề nếp. Các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung bố trí vốn cho các công trình hoàn thành, chuyển tiếp, đối ứng dự án ODA, hạn chế tối đa bố trí vốn khởi công mới. Các dự án khởi công mới là các dự án thực sự cấp thiết, được bố trí đảm bảo theo tỷ lệ quy định; đồng thời, quản lý chặt chẽ quy mô, tổng mức đầu tư của dự án, loại bỏ các hạng mục không cần thiết, không sử dụng vật liệu đắt tiền; chỉ đạo nâng cao trách nhiệm các chủ đầu tư, tư vấn; tổ chức kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh; chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ việc tạm ứng vốn... Đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm như: Cầu Nhật Lệ 2, Trụ sở Tỉnh ủy, Trung tâm Văn hóa tỉnh, đường về nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ...Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình hạ tầng, trụ sở các đơn vị, cơ quan của huyện Quảng Trạch. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều tiến bộ, nhất là các dự án mở rộng Quốc lộ 1A, dự án hệ thống tín hiệu cất hạ cánh tự động, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I... Công tác giám sát đầu tư được tăng cường, đã tổ chức nhiều đợt giám sát đối với các chương trình dự án. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014 ước đạt: 7.872 tỷ đồng, tăng 53,1% so cùng kỳ. Công tác giải ngân, thanh, quyết toán vốn đầu tư có nhiều tiến bộ, tỷ lệ giải ngân đạt đến cuối tháng 10/2014 đạt 70% dự toán.
Hạn chế: năng lực một số đơn vị tư vấn yếu, một số chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, năng lực yếu. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện và thực hiện chưa đúng quy định. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án còn gặp khó khăn. Nguồn vốn hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ các chương trình, dự án.
6. Tài chính - tín dụng, ngân hàng
- Thu ngân sách: Trong điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời phải thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, gia hạn, giãn thời gian nộp thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đã ảnh hưởng đến thu ngân sách trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp thu, tập trung thu hồi nợ đọng thuế, phát triển quỹ đất để tăng nguồn thu nên thu ngân sách vượt kế hoạch, ước đạt 2.360 tỷ đồng, bằng 107,2% dự toán địa phương, tăng 11,9% so cùng kỳ.
- Chi ngân sách: Tổng chi ngân sách địa phương đạt 6.723,6 tỷ đồng, bằng 108,02% dự toán địa phương giao. Chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, đúng quy định. Chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm chi theo chủ trương của Chính phủ.
Tín dụng: Hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng đã thực hiện nghiêm túc các chính sách tiền tệ, tín dụng, tập trung cho vay khắc phục hậu quả bão lụt, 5 lĩnh vực ưu tiên, các đối tượng chính sách. Chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với ngân hàng; điều chỉnh giảm dần lãi suất cho vay, kể cả các khoản dư nợ cho vay cũ về mức lãi suất thấp; thực hiện gia hạn, giãn nợ, kéo dài thời hạn nợ, cho vay mới để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các giải pháp để huy động vốn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Năm 2014, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 20.220 tỷ đồng, tăng 22,8% so đầu năm; tổng dư nợ cho vay 22.000 tỷ đồng, tăng 15% so đầu năm.
Tuy vậy, nợ đọng thuế vẫn còn cao, nguyên nhân chính là do khó khăn của các doanh nghiệp. Dù lãi suất giảm mạnh, các ngân hàng đang thừa nguồn, nhưng một số doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, do không đáp ứng được điều kiện vay vốn.
7. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư
Công tác ngoại vụ: Chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Khăm Muộn, Savanakhet và các tỉnh lân cận của nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan... Việc quản lý đoàn vào, đoàn ra được thực hiện đúng quy định . Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đi công tác nước ngoài. Tạo điều kiện cho các đoàn phóng viên báo chí đến tác nghiệp đưa tin quảng bá hình ảnh, các sự kiện của tỉnh.
Các dự án ODA: Đã tích cực làm việc với Trung ương, các tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn vốn cho các dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới như: WB, ADB, IFAD, JICA; ODA của Hàn Quốc, Hungary, Đan Mạch . Các dự án chuẩn bị kết thúc đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện để kết thúc theo hiệp định . Các dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới đang đẩy nhanh tiến độ thi công và tiến độ giải ngân vốn. Tổng số vốn các dự án ODA đã giải ngân: 529 tỷ đồng, trong đó vốn ODA: 424 tỷ đồng, vốn đối ứng 105 tỷ đồng.
Các dự án NGO: Trong năm 2014 đã vận động viện trợ thực hiện 34 chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh với tổng mức vốn cam kết là 9,0 triệu USD. Các dự án tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và người nghèo, khắc phục thiên tai lụt bão, phòng chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ sản xuất tiếp cận thị trường...
Các dự án FDI triển khai còn chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự hiệu quả do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới nên gặp khó khăn trong huy động vốn. Một số dự án gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục về đất đai như dự án nhà máy xử lý rác thải Đồng Hới...
Công tác xúc tiến đầu tư: UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh; trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư đến từ: Đức, Ấn Độ, Nga, Séc, Hàn Quốc đến khảo sát cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đặc biệt, đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình. Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư và ký thoả thuận hợp tác đầu tư: 23 dự án, với tổng số vốn đầu tư: 20.108 tỷ đồng. Trong đó: đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án với số vốn: 8.508 tỷ đồng; ký thoả thuận hợp tác với 5 nhà đầu tư để triển khai 10 dự án với số vốn: 11.600 tỷ đồng. Đây là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với cách làm mới, sáng tạo, các dự án mang tính khả thi cao. Hiện nay, đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đốc thúc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai công tác khảo sát, thực hiện dự án theo cam kết.
Tuy vậy, các dự án đầu tư FDI vào tỉnh còn hạn chế; tiến độ triển khai thực hiện của một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn chậm, do khó khăn trong việc huy động, thu xếp nguồn vốn.
8. Phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế
Trong điều kiện khó khăn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rà soát, tổ chức lại bộ máy; tiết kiệm chi phí, giảm giá thành; chủ động tìm kiếm thị trường để duy trì và mở rộng sản xuất. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp để lắng nghe, chia sẽ, động viên và trực tiếp trả lời, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Công tác đổi mới, sắp xếp DNNN: Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được triển khai theo kế hoạch. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện lộ trình cổ phần hóa đối với 02 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình và Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình theo kế hoạch. Hiện nay, công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Quảng Bình đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp. Hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn chỉnh điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, phương án sắp xếp lại lao động, phương án sử dụng đất để thẩm định theo đúng quy định.
Công tác đăng ký kinh doanh: đã thành lập mới 375 doanh nghiệp , tăng 1,3% so cùng kỳ với số vốn đăng ký 1.537 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký lên 3.752 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 17.000 tỷ đồng. Công tác hậu kiểm được chú trọng, đã tiến hành 40 đợt hậu kiểm, thu hồi 112 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh . Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 245 doanh nghiệp.
Kinh tế tập thể: Kinh tế tập thể tiếp tục phát huy vai trò, vị trí trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên, người lao động. Nhiều mô hình hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại, liên kết hộ trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
Tuy vậy, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nguyên nhân chính là giá thành cao, công nghệ lạc hậu, sản phẩm tiêu thụ chậm. Một số doanh nghiệp đã giải thể, tạm ngừng hoạt động. Quy mô, số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn nhỏ, năng lực tài chính yếu, năng lực cạnh tranh thấp (bình quân vốn đăng ký 4,2 tỷ đồng/doanh nghiệp).
9. Tài nguyên và môi trường
Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất tỉnh giai đoạn 2011- 2015. Công tác giới thiệu địa điểm, giao đất, cho thuê đất kịp thời, đáp ứng yêu cầu sử dụng đất của các doanh nghiệp và tổ chức . Việc phát triển quỹ đất được đẩy mạnh, nhất là đất giá rẻ cho người thu nhập thấp, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 545.148 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 566.389,41 ha, đạt 95,34%. Rà soát đề nghị thu hồi 61 công trình, dự án, với diện tích 2.260,43 ha đất . Chỉ đạo giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc và người dân sống gần rừng để ổn định sản xuất. Đã tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn.
Công tác quản lý tài nguyên tiếp tục được tăng cường, hoạt động kiểm tra, thanh tra, khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép được chú trọng. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng khai thác cát sạn lòng sông trái phép; đồng thời, thực hiện cấp phép tạm thời khai thác cát cho các tổ chức, cá nhân để giải quyết tình trạng khan hiếm cát. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo thực hiện, tiếp tục thực hiện lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu vực do hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn lưu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và thu phí nước thải công nghiệp theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản và môi trường.
Hạn chế: công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một số nơi vẫn còn chậm, một số doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản còn để gây ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường sau khai thác chưa thực hiện nghiêm túc. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số chợ, bệnh viện, khu công nghiệp, khu du lịch vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.
10. Giáo dục đào tạo
Triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, lớp học; tập trung các nguồn lực để khắc phục, sửa chữa các trường, lớp bị ảnh hưởng do bão năm 2013 gây ra. Tiếp tục củng cố và phát triển vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, phổ cập tiểu học - đúng độ tuổi, đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS. Chất lượng giáo dục được nâng lên, số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đồng đều ở các cấp học. Giáo dục miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được chú trọng, chất lượng có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Công tác xã hội hoá giáo dục được quan tâm, cơ sở vật chất trường học được chú trọng đầu tư. Mạng lưới trường, lớp ở các cấp học, cơ sở đào tạo và trình độ đào tạo tiếp tục được củng cố và phát triển hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân . Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT được tổ chức an toàn, đúng quy chế. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp khối THPT đạt 99,32%, bổ túc THPT đạt 96,93%. Đã chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm và quản lý thu, chi các khoản đóng góp tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
Đào tạo Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề. Đa dạng hóa các ngành nghề, các loại hình đào tạo, duy trì và phát triển quy mô đào tạo. Công tác cử tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng được chỉ đạo thực hiện đúng quy trình và thời gian quy định. Từng bước xây dựng mối quan hệ hợp tác với các cơ sở sản xuất kinh doanh để tổ chức cho sinh viên, học viên thực tập nghề và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm.
Tuy vậy, công tác phổ cập giáo dục một số địa phương còn gặp khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chất lượng giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo chưa đồng đều giữa các vùng miền và giữa các loại hình. Cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy học, nhà ở giáo viên miền núi còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
11. Khoa học và công nghệ
Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được tăng cường. Chú trọng hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý các đề tài, dự án khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, xét chọn, đánh giá, nghiệm thu đề tài, dự án khoa học, công nghệ. Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được quản lý chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và đo lường; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở SXKD và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ được đẩy mạnh. Tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc gia “Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển”; Hội thảo khoa học "Các giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Bình", qua Hội thảo đã đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đối với cây cao su trong thời gian tới.
Hạn chế: tiến độ thực hiện một số đề tài còn chậm, chất lượng chưa cao, đưa vào ứng dụng thực tế còn gặp khó khăn. Đội ngũ làm công tác khoa học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Công tác xã hội hóa các hoạt động khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế.
12. Y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ
Chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh: dịch cúm A (H1N1, H5N1), sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết nên đã kịp thời xử lý, sớm bao vây dập tắt dịch. Chỉ đạo việc phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến điều trị và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế; tổ chức đấu thầu mua thuốc năm 2014 theo quy định. Thực hiện tốt các Chương trình MTQG và các chương trình y tế. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác hành nghề y, dược tư nhân. Công tác xã hội hóa về y tế phát triển khá, góp phần phục vụ chẩn đoán và nâng cao chất lượng điều trị. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đến nay toàn tỉnh hiện có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế xã, phường có bác sỹ làm việc, trong đó có 151/159 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ biên chế làm việc tại trạm (đạt 95%) . Thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Tuy vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có lúc đáp ứng yêu cầu, trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận bác sĩ, nhân viên y tế còn hạn chế; đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu, nhất là thiếu bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn sâu; cơ sở vật chất y tế chưa đồng bộ, điều kiện trang, thiết bị y tế còn thiếu; cơ sở vật chất y tế đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, điều kiện trang, thiết bị y tế ở tất cả các tuyến còn thiếu. Một số phòng khám đa khoa khu vực cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp hoặc có quy mô không đáp ứng nhu cầu triển khai các hoạt động chuyên môn.
13. Văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông
Hướng tới các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh, các hoạt động văn hoá, thông tin, phát thanh truyền hình, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh . Đặc biệt, đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, mà điểm nhấn là Lễ mit tinh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Chương trình nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình; khai mạc Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh lần thứ VII; kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Đồng Hới và công bố quyết định thành phố Đồng Hới là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh. Phong trào thể dục, thể thao có những chuyển biến mạnh, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân, các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn với nhiều hình thức ngày càng phong phú, đa dạng. Thể thao thành tích cao ngày càng được chú trọng và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ .
Hoạt động quản lý báo chí, xuất bản, in và phát hành; bưu chính và thông tin truyền thông được đẩy mạnh, đã thực hiện tốt đề án phát sóng quảng bá kênh truyền hình Quảng Bình lên vệ tinh Vinasat 1. Công tác thông tin, tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình kinh tế, xã hội, các vấn đề thời sự trong tỉnh... Đặc biệt, trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta ở Hoàng Sa, đã tập trung chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng, có các hành động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc theo đúng quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Trung ương. Mạng lưới bưu chính, viễn thông được đầu tư ngày đồng bộ, hiện đại, thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và phòng, chống bão lụt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước đã được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh.
Hạn chế: việc quản lý kiểm tra chất lượng hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa chưa thường xuyên; một số lĩnh vực văn hoá chuyển biến còn chậm; việc quản lý thông tin trên báo điện tử còn gặp nhiều khó khăn; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động xã hội hoá lĩnh vực văn hoá thông tin, thể dục thể thao chưa mạnh.
(Trích Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình)
Nguồn: baochinhphu.vn