Thực hiện nhiệm vụ năm 2014, Nghị quyết số 117/NQ-HĐND ngày 13/12/2013 của HĐND tỉnh "Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014"; trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Kinh tế trong nước phục hồi chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Trong tỉnh, kinh tế tăng trưởng chậm, sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn, sức mua duy trì ở mức thấp, thị trường bất động sản chưa phục hồi; nhu cầu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường sống và đầu tư phát triển ngày càng cao trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp...
Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình công tác năm 2014, giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 và chỉ đạo, điều hành quyết liệt 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm . Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2014 của Tỉnh đã thu được những kết quả quan trọng, có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển đúng hướng và có bước phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực.
1. Về phát triển kinh tế
1.1. Kinh tế tăng trưởng khá, đạt mức cao của kế hoạch đề ra
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP, giá so sánh 1994) ước tăng 8,8% (kế hoạch 8-9%), cao nhất trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cao hơn mặt bằng chung của cả nước , trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành đều đạt kế hoạch đề ra: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 901,2 tỷ đồng, tăng 4% cùng kỳ; Công nghiệp và xây dựng ước đạt 9.329,7 tỷ đồng, tăng 7,5% cùng kỳ; Dịch vụ ước đạt 8.452,8 tỷ đồng, tăng 11% cùng kỳ. GDP bình quân đầu người ước đạt 3.500 USD , tăng 18% cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế (giá hiện hành) tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng: Nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 5,8%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 50%, Dịch vụ chiếm 44,2% .
1.2. Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chuyển biến tích cực
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) ước đạt 32.845 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vưc công nghiệp Trung ương ước đạt 19.687 tỷ đồng, tăng 1,3%; công nghiệp địa phương 4.894 tỷ đồng, bằng 80,6%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 8.264 tỷ đồng, tăng 77,5%.
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ: Than sạch 38,723 triệu tấn, tăng 1,5%; than tiêu thụ 36,085 triệu tấn, giảm 7,4%, trong đó xuất khẩu 8,052 triệu tấn, giảm 26,5%; điện sản xuất 15.086 triệu Kwh, tăng 41,4%; xi măng 2,405 triệu tấn, tăng 11%; Clinker 4,803 triệu tấn, tăng 2,9% cùng kỳ; sợi bông cotton 109.069 tấn, tăng 157%; gạch nung 1.079 triệu viên, tăng 15,6%; dầu thực vật 205,6 ngàn tấn, tăng 15,1%...
Sản xuất công nghiệp đã từng bước ổn định và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Công nghiệp khai khoáng tăng trưởng thấp (tăng 1,5%); công nghiệp chế biến chế tạo, điện nước tăng trưởng cao (tăng 7,1% và 33,9%); đặc biệt, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh (tăng 77,5%), thể hiện sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm công nghiệp khai khoáng, phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến.
1.3. Sản xuất nông nghiệp vượt qua khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định
- Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây các loại đạt 68.799,7 ha, bằng 99,4% kế hoạch, giảm 1,2% cùng kỳ (giảm 116,3 ha ) . Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn tới vụ xuân và gây thiệt hại đáng kể cho vụ mùa, nhưng sản lượng lương thực vẫn ổn định, ước đạt 233,2 ngàn tấn bằng 100,2% cùng kỳ, năng suất lúa bình quân đạt 48,8 tạ/ha.
- Chăn nuôi: Tình hình ổn định , các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi duy trì quy mô đàn, mở rộng sản xuất. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 85.744,9 tấn (tăng 3,9% cùng kỳ) . Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được chú trọng. Thực hiện Chương trình "Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới", đã trao tặng 226 con bò giống cho 226 hộ nghèo tại 3 xã của huyện Bình Liêu.
- Lâm nghiệp: Khai thác gỗ các loại đạt 430.000 m3, tăng 12,7% cùng kỳ; trồng mới rừng tập trung đạt 13.285 ha, vượt 15,9% kế hoạch, tăng 4,8% cùng kỳ; trồng trên 344 nghìn cây phân tán các loại. Công tác sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc rừng bảo đảm chất lượng, đã gieo tạo được 29 triệu cây giống (chủ yếu là Keo). Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường.
- Thủy sản: Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 94 nghìn tấn, tăng 3,5% cùng kỳ, vượt 6,8% kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 55,9 nghìn tấn, tăng 2,1% cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 38,1 nghìn tấn, tăng 5,5% cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 8.763 tàu cá lắp máy , trong đó loại tàu có công suất từ 90 CV trở lên 262 cái tăng 58 tàu. Tuy nhiên, số lượng tàu đánh bắt tại vùng biển xa bờ ít, vùng lộng và vùng ven bờ có mật độ tàu tham gia khai thác cao, dẫn đến nguy cơ sụt giảm nguồn lợi.
1.4. Các ngành dịch vụ gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá
- Tình hình cung cầu hàng hóa được đảm bảo, giá cả cơ bản ổn định. Siêu thị BigC, Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long đi vào hoạt động đã góp phần kích cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 47.335 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch, tăng 12,5% cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tăng dưới 5% cùng kỳ.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn ước đạt 1.939 triệu USD, bằng 95,4% kế hoạch, tăng 0,5% cùng kỳ . Trong đó, khu vực kinh tế trung ương bằng 73,2% cùng kỳ; khu vực kinh tế địa phương tăng 14,9% cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 41,8% cùng kỳ.
- Các hoạt động du lịch được đặc biệt quan tâm; nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức, nhiều dự án đầu tư về du lịch của các nhà đầu tư lớn được triển khai đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch . Công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch được thực hiện nghiêm túc. Các giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu được triển khai tích cực. Tổng số khách du lịch ước đạt 7,5 triệu lượt, đạt 97% kế hoạch, bằng cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 2,55 triệu lượt, đạt 93% kế hoạch, bằng 98% cùng kỳ. Khách lưu trú 3,6 triệu lượt, đạt 95% kế hoạch, tăng 20% cùng kỳ . Sau sự kiện phức tạp ở Biển Đông, khách du lịch Đông Bắc á giảm mạnh, song tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các giải pháp để chuyển hướng thị trường nên lượng khách du lịch Châu Âu, Mỹ, Úc tăng cao . Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ.
- Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; Mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng được mở rộng đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh. Dự kiến đến 31/12/2014 so với 31/12/2013: Tổng nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng đạt 83.000 tỷ đồng, tăng 9,3%, trong đó vốn huy động tại địa phương đạt 70.000 tỷ đồng, tăng 14%; tổng dư nợ tín dụng đạt 66.500 tỷ đồng, tăng 7,6%, trong đó dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh đạt 55.800 tỷ đồng, tăng 7,65%; cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn: 7.000 tỷ đồng, tăng 4%; nợ xấu 1.650 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,5% tổng dư nợ.
- Khối lượng vận chuyển hàng hoá ước đạt 38 triệu tấn, tăng 10,3% cùng kỳ; vận tải hành khách ước đạt 45,5 triệu lượt, tăng 8,3% cùng kỳ. Tổng doanh thu vận tải ước đạt 8.512 tỷ đồng, tăng 9,9% cùng kỳ.
- Dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục được duy trì; công tác chuyển phát nhanh hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm được phục vụ đảm bảo an toàn, nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu . Số thuê bao điện thoại ước đạt 684.959 thuê bao, đạt tỷ lệ 157 thuê bao/100 dân; thuê bao Internet ước đạt 26.278 thuê bao, đạt tỷ lệ 11 thuê bao/100 dân. Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, quản lý, vận hành có hiệu quả các hệ thống thông tin của tỉnh.
1.5. Về đầu tư phát triển
- Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Quảng Ninh. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh; Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội; Hội nghị công bố quy hoạch chiến lược của tỉnh với chủ đề Quy hoạch mới - Chiến lược phát triển mới - Cơ hội đầu tư mới. Chỉ số PCI được cải thiện đáng kể, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố ; thứ 4 trong nhóm 7 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và đứng thứ nhất trong các tỉnh khu vực phía Bắc…điều đó cho thấy những nỗ lực của tỉnh đã được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư ghi nhận.
- Kết quả thu hút vốn FDI: Mặc dù kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, song đã mời gọi và đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư . Kết quả thu hút vốn FDI tăng cao: Ước năm 2014, cấp mới và điều chỉnh 39 dự án FDI, với tổng vốn 819,8 triệu USD, bằng 200% so với năm 2013. Đặc biệt, ngày 15/11/2014 Tập đoàn Texhong đã khởi công Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hải Hà tạo tiền đề để các dự án đầu tư thứ cấp sẽ được triển khai trong những năm tiếp theo. Trên địa bàn tỉnh có 105 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 5 tỷ USD.
- Thu hút đầu tư trong nước: Nhiều nhà đầu tư chiến lược đẩy mạnh đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch, thương mại. Ước cả năm 2014, cấp mới, điều chỉnh GCNĐT 60 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 25.600 tỷ đồng (tương đương 1.214 triệu USD), tăng 18% so với năm 2013 (25.600 tỷ đồng/21.681 tỷ đồng).
- Đầu tư xã hội: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 45.638,7 tỷ đồng, tăng 9,1% cùng kỳ, trong đó: vốn nhà nước ước đạt 18.536 tỷ đồng, chiếm 40,6%, tăng 11,6% cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 13.959,8 tỷ đồng, chiếm 30,5%, tăng 5,1% cùng kỳ; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 13.143 tỷ đồng chiếm 28,9%, tăng 10% cùng kỳ.
- Đầu tư từ ngân sách: Ước thực hiện chi đầu tư phát triển năm 2014 đạt 6.003 tỷ đồng, xấp xỉ 45% tổng chi ngân sách địa phương, trong đó: Trung ương phân bổ là 816.100 triệu đồng cho 68 công trình; cấp tỉnh phân bổ 3.414.138 triệu đồng cho 124 chương trình và các dự án; cấp huyện phân bổ là 1.772.762 triệu đồng.
Tỉnh đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp về đầu tư phát triển nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công, thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, các công trình động lực nên đã góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến tìm cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh, cụ thể:
+ Trong quá trình điều hành ngân sách, tỉnh đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung vốn cho đầu tư phát triển như: các nguồn tiết kiệm dự toán chi năm 2013 chuyển sang năm 2014, nguồn dự kiến tăng thu ngân sách năm 2014, nguồn trái phiếu chính quyền địa phương… Qua đó, đã bổ sung đáng kể vốn cho đầu tư phát triển so với kế hoạch đầu năm.
+ Hạn chế khởi công các dự án mới, ưu tiên vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản theo tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương .
+ Tập trung vốn cho các công trình trọng điểm và các công trình quan trọng theo Nghị quyết của Tỉnh ủy .
+ Đa dạng hóa hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) với các mô hình “Lãnh đạo công - Quản trị tư”, “Đầu tư công - Quản lý tư”, “Đầu tư tư - Sử dụng công” nhằm tái cơ cấu đầu tư, góp phần thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư và quản lý theo hình thức hợp tác Công - Tư do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng Ban và ban hành danh mục 64 công trình thí điểm áp dụng hình thức đối tác Công - Tư; giao nhiệm vụ đầu mối thực hiện cho 14 địa phương và 12 Sở, ban, ngành thuộc tỉnh .
- Phát triển doanh nghiệp: Ước số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.161 doanh nghiệp, tăng 4,1%, với tổng vốn đăng ký 4.565 tỷ đồng . Mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng số doanh nghiệp đăng ký mới tăng hơn so với năm 2013, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 310 doanh nghiệp, tăng 183 doanh nghiệp (năm 2013: 127 doanh nghiệp) đã tạo việc làm cho trên 7.000 lao động, tăng 4% cùng kỳ; tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 6.638 doanh nghiệp, tăng 5% cùng kỳ, trong đó: 3.608 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tăng 21% cùng kỳ; 3.030 hoạt động cầm chừng, giảm 9% cùng kỳ cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc.
1.6. Đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường
Triển khai thực hiện chủ đề năm 2014 "Đồng hành cùng doanh nghiệp" UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1983/KH-UBND ngày 21/04/2014 và triển khai thực hiện quyết liệt: UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với Tập đoàn CN Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và Liên minh HTX-Doanh nghiệp ngoài quốc doanh để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; tổ chức các Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, tọa đàm Khoa học và Công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp; thành lập nhiều đoàn công tác đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp theo từng ngành, từng lĩnh vực… Đã tiếp nhận và giải quyết có hiệu quả 258 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp như: Tháo gỡ khó khăn cho ngành than, các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, gửi hàng kho ngoại quan, các doanh nghiệp du lịch, hoạt động vui chơi có thưởng của Khách sạn Hồng Vận, thành phố Móng Cái... Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức 06 Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay đồng hành cùng doanh nghiệp, qua đó đã có 100 doanh nghiệp, hộ dân được ký kết hợp đồng tín dụng với tổng giá trị 2.802 tỷ đồng .
1.7. Thu chi ngân sách nhà nước
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 2% dự toán, trong đó: thu nội địa ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 16,4% dự toán; thu XNK ước đạt 17.000 tỷ đồng, bằng 91% dự toán.
Thu nội địa vượt 16,4% dự toán (tăng 2.259 tỷ đồng) và đạt cao nhất từ trước tới nay, góp phần bù đắp cho phần hụt thu của xuất nhập khẩu (giảm 1.750 tỷ đồng so với kế hoạch). Đây là kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để Tỉnh có thêm nguồn lực triển khai các Chương trình, dự án động lực, đảm bảo an sinh xã hội và tạo tiền đề triển khai thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.
- Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 13.881 tỷ đồng, tăng 17% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 6.003 tỷ đồng, tăng 44,3% dự toán; chi thường xuyên 7.545 tỷ đồng, tăng 3% dự toán. Ước thực hiện một số khoản chi lớn: chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo 2.711,7 tỷ đồng, bằng 100% so với dự toán; chi sự nghiệp y tế 666,8 tỷ đồng, bằng 100% dự toán...
Ban Chỉ đạo thu chi ngân sách từ cấp tỉnh tới các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục được kiện toàn, hoạt động tích cực, hiệu quả, đảm bảo nhiệm vụ thu, tăng cường quản lý chi tiêu, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, huy động thêm các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển.
1.8. Chương trình xây dựng nông thôn mới
Đạt hiệu quả thiết thực, tạo động lực, niềm tin và sự chung sức của toàn dân trong xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đánh giá Quảng Ninh nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc và dẫn đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về Xây dựng nông thôn mới. Ước thực hiện năm 2014, toàn tỉnh có thêm 22 xã dự kiến về đích , nâng tổng số xã về đích trên toàn tỉnh đến nay đạt 56 xã. Các Chương trình “Hỗ trợ vật liệu đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn” và Chương trình “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới” được tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả , từng bước tạo được nét riêng của Chương trình nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh.
Các mô hình sản xuất mới được các địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng và nhân rộng ; triển khai thực hiện 311 dự án phát triển sản xuất và hạ tầng vùng sản xuất tập trung với tổng kinh phí là 420.541 triệu đồng . Chương trình “Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tích cực . Tập trung hoàn thiện các tiêu chí hạ tầng đảm bảo hoàn thành các mục tiêu chung, triển khai thực hiện 906 công trình giao thông, thủy lợi với tổng kinh phí là 592.786 triệu đồng . Tỷ lệ số dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đến nay ước đạt 93,1% đạt kế hoạch đề ra.
2. Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; công tác văn hóa, giáo dục đào tạo và y tế
- Mặc dù Nhà nước tiếp tục phải thực hiện cắt giảm chi tiêu công, nhưng công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn được Tỉnh đặc biệt quan tâm: Đã thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các đối tượng chính sách. Ước tổng chi cho đảm bảo an sinh xã hội đạt 795 tỷ đồng cho 984.337 lượt đối tượng tăng 9,7% cùng kỳ; các hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng xã hội, người có công dịp Tết nguyên đán, kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ được triển khai kịp thời, chi trả đúng đối tượng . Bên cạnh đó, Tỉnh đã chủ động chỉ đạo, theo dõi, nắm chắc tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm (Cơn bão số 02, số 03 và sự cố vỡ đập phụ công trình thủy lợi hồ Đầm Hà Động), kịp thời chỉ đạo các giải pháp khắc phục hậu quả và tổ chức cứu trợ, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
- Kết quả giảm nghèo và giải quyết việc làm: Năm 2014, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,65%, đạt kế hoạch ; giải quyết việc làm mới cho trên 2,6 vạn lao động, đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch tích cực .
- Các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao tiếp tục được quan tâm: Văn hóa phát triển đa dạng, đúng hướng, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tích cực thông tin, tuyên truyền về các sự kiện chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Đổi mới công tác tổ chức chương trình Carnaval Hạ Long năm 2014 và các hoạt động kỷ niệm 20 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới …. theo hướng xã hội hóa được nhân dân và dư luận xã hội đánh giá cao. Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động thể thao, đặc biệt quan tâm thể thao thành tích cao .
- Về Giáo dục - Đào tạo: Cơ sở vật chất trường lớp được đảm bảo, có 385 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 60,3%, tăng 8,4% cùng kỳ; tỷ lệ trường học kiên cố hóa đạt 90,1%, tăng 5,6% cùng kỳ. Tiếp tục thực hiện việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm; chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn được giữ vững và phát triển; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi ở các cấp học tăng ; tỷ lệ học sinh thi đỗ cao đẳng, đại học cao . Trường Đại học Hạ Long đã được Chính phủ quyết định thành lập , dự kiến ra mắt trong năm 2014 và tuyển sinh năm 2015.
- Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; khám chữa bệnh , chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới... được quan tâm chỉ đạo: (1) Thực hiện chủ đề năm về “đảm bảo an toàn thực phẩm”, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh được kiện toàn và tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về ATTP ; tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm . Các vụ ngộ độc thực phẩm đều được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định . Dịch bệnh đường tiêu hoá truyền qua thực phẩm được kiểm soát. (2) Tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc, theo dõi biến động giá thuốc đảm bảo thị trường thuốc ổn định; kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh , không để xảy ra dịch bệnh lớn, các dịch bệnh nhỏ đều được khống chế kịp thời; thực hiện tốt công tác an toàn tiêm chủng ; đưa Bệnh viện Sản Nhi vào hoạt động . Ước năm 2014, có 962.334 người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân đạt 79,5%; thu BHXH, BHYT, BHTN là 3.539 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch; Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 121 tỷ đồng, chiếm 3,45% kế hoạch thu, bằng cùng kỳ.
Về công tác dân tộc: Tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương đường lối, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi. Các chính sách dân tộc được tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhận thức cho đồng bào dân tộc, nhiều hộ chủ động vươn lên thoát nghèo. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) cấp huyện và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Ninh lần thứ II năm 2014.
(Nguồn: www.baochinhphu.vn)