Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng 10,04%; trong đó, khu vực I tăng 4,9%, khu vực II tăng 17,53%, khu vực III tăng 11,76%. GDP bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/năm (Nghị quyết đề ra là 34 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực I giảm 1,62%, khu vực II tăng 0,69%, khu vực III tăng 0,93% so với năm 2013; tỷ trọng 3 khu vực cụ thể là 37,73% - 14,44%- 47,83%. Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.
Sau đây là tình hình thực hiện trên các lĩnh vực chủ yếu:
1. Về nông nghiệp, nông thôn
Tính theo năm lương thực 2014, diện tích gieo trồng 3 vụ lúa cả năm là 363.897 ha (giảm 3% so với năm trước); trong đó, có 112.737 ha lúa đặc sản (chiếm 31% tổng diện tích). Tổng sản lượng lúa đạt 2.265.000 tấn, vượt 10% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 2% so với cùng kỳ. Năm 2014, toàn tỉnh có 337 cánh đồng lớn (tăng 135 cánh đồng so với năm 2013), quy mô từ 20 ha đến 800 ha, thu hút 30.248 hộ tham gia (tăng 12.019 hộ). Nhờ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (khoảng 95% diện tích) nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch và chi phí giảm, chất lượng lúa đảm bảo; tình hình tiêu thụ lúa tương đối thuận lợi, nông dân hầu hết bán lúa tươi tại ruộng, giá lúa dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Các địa phương gieo trồng 63.308 ha màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tăng 0,3% so với năm trước. Năm nay, việc sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định; tuy nhiên diện tích mía giảm 442 ha ở huyện Cù Lao Dung do giá cả không ổn định, nông dân chuyển sang nuôi tôm.
Tình hình chăn nuôi gia súc gia cầm tiếp tục phát triển, tổng đàn tăng so với năm trước, tuy có phát sinh 06 ổ dịch cúm gia cầm với tổng số 5.451 con mắc bệnh nhưng đã được xử lý và khống chế kịp thời, không lây lan. Đàn heo toàn tỉnh hiện phát triển được 300.472 con (tăng 1,4% so với năm trước), đàn gia cầm 5,3 triệu con (tăng 10%), đàn bò 26.564 con (tăng 7,7%). Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa đang được triển khai tích cực, đã tổ chức 50 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cho 1.500 hộ.
Toàn tỉnh thả nuôi 64.924 ha thủy sản các loại; trong đó có 53.096 ha tôm nước lợ (gồm diện tích thả 46.765 ha và diện tích thiệt hại được khắc phục 6.331 ha), đã có 21.295 ha bị thiệt hại, mất trắng 18.808 ha (chiếm 35,4% diện tích thả nuôi). Nhìn chung, tình hình nuôi tôm năm nay gặp bất lợi về thời tiết, thiệt hại tăng khoảng 2% so với năm trước; tuy nhiên, do phát triển mạnh nuôi tôm thẻ (diện tích nuôi tôm thẻ chiếm trên 58%) cho năng suất cao (năng suất bình quân 3,7 tấn/ha) nên sản lượng tôm tăng 13% so với năm 2013. Giá tôm nguyên liệu tăng so với cùng kỳ, khoảng 67% số hộ nuôi có lãi. Tổng sản lượng thủy sản năm 2014 ước đạt 205.000 tấn (đạt 97% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 5% so với năm 2013); trong đó sản lượng khai thác 58.000 tấn (đạt 100% Nghị quyết, tăng 2,5%).
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã huy động được trên 2.468 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình; trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 33,4%, vốn tín dụng 59,5%, vốn doanh nghiệp 0,3%, vốn trong dân 6,7% và nguồn vốn khác chiếm 0,1%. Tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Trong 22 xã điểm, có 03 xã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới, gồm An Thạnh 1 (huyện Cù Lao Dung), Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên) và Long Hưng (huyện Mỹ Tú).
Toàn tỉnh hiện có 108 hợp tác xã đang hoạt động với tổng số 79.266 xã viên; trong đó, có 85 hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản (chiếm tỷ lệ 75%), 16 hợp tác xã thương mại – dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (chiếm tỷ lệ 14%), 12 quỹ tín dụng nhân dân (chiếm tỷ lệ 11%). Nhìn chung các hợp tác xã được thành lập mới gần đây đã hoạt động có hiệu quả về kinh tế và xã hội với nhiều ngành nghề, lĩnh vực; mô hình phổ biến, phù hợp với trình độ phát triển ở nông thôn. Thu nhập bình quân của xã viên 15,2 triệu đồng/năm. Về chất lượng hoạt động, có 63% hợp tác xã xếp loại khá tốt; 25% xếp loại trung bình và 12% xếp loại yếu kém.
Từ đầu năm đến nay, mưa dông kèm theo lốc xoáy, triều cường dâng cao làm 03 người bị thương, gây thiệt hại 195 căn nhà và 03 phòng học, nhiều diện tích lúa, hoa màu và thủy sản bị thiệt hại và một số công trình khác cũng bị ảnh hưởng như trụ điện, bờ bao bị sạt lỡ; ước tổng thiệt hại 15,5 tỷ đồng. Tỉnh đã chi hỗ trợ 921 triệu đồng cho các hộ dân bị thiệt hại.
2. Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ
Hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá cố định 1994) đạt 9.559,8 tỷ đồng (vượt 13,8% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 15,8% so với năm 2013); trong đó, chế biến tôm tăng 20%, đường kết tinh tăng 10%, bia tăng gấp đôi. Riêng giá trị sản xuất trong Khu công nghiệp An Nghiệp ước đạt 2.300 tỷ đồng (chiếm 24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh).
Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 650 triệu USD, vượt 32,6% chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 21% so với năm trước; trong đó xuất khẩu thủy sản 610 triệu USD (vượt 41,8% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 23,1%). Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa năm 2014 là 82,5 triệu USD, tăng 1,2% so với năm trước.
Trong năm, toàn tỉnh có thêm 205 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 33% so cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký là 1.220 tỷ đồng (tăng 32,54%), có 90 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với tổng số 254 tỷ đồng (tăng 17,8% so cùng kỳ); bên cạnh đó, có 60 doanh nghiệp giải thể (giảm 7,7%). Nâng tổng số toàn tỉnh có trên 2.090 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 14.800 tỷ đồng, bình quân số vốn đăng ký mỗi doanh nghiệp là 7 tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chủ yếu do sức mua giảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2014 ước đạt 43.500 tỷ đồng, vượt 3,57% chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 16% so với năm trước; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 33.067 tỷ đồng, tăng 17,3%. Trong năm 2014, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu ổn định, mức tăng, giảm không nhiều. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2014 giảm 0,42% so với tháng trước; tính chung 11 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,83%.
Công tác quản lý thị trường, bình ổn giá được thực hiện thường xuyên, chủ yếu tập trung về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2014, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện 265/693 vụ vi phạm (chiếm tỷ lệ 38,2% số vụ kiểm tra), thu phạt hành chính 2,42 tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, nhất là hành vi kinh doanh, vận chuyển thuốc lá nhập lậu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.
Tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tương đối ổn định, vốn tín dụng được tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; lãi suất cho vay và nợ xấu giảm so với đầu năm. Mức lãi suất cho vay tối đa ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu là 8%/năm (giảm 3,93%), lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác là 12,3%/năm (giảm 3,5%), lĩnh vực phi sản xuất là 13,19% (giảm 3,8%). Ước đến cuối năm 2014, doanh số cho vay đạt 36.954 tỷ đồng, giảm 7,6% so với năm 2013. Ước đến cuối tháng 12/2014, tổng dư nợ tín dụng 22.739 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng tín dụng 12%; trong đó, vốn tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu chiếm 61% tổng dư nợ; nợ xấu chiếm khoảng 3,51% tổng dư nợ (giảm 0,36% so với đầu năm).
Tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Sóc Trăng 2014 với nhiều hoạt động thiết thực. Thông qua Diễn đàn, đã tập hợp được nhiều sáng kiến, giải pháp để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL.
3. Về tài chính, đầu tư công
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước đạt 1.989,3 tỷ đồng, vượt 10,5% dự toán; trong đó, thu trong cân đối 1.079 tỷ đồng (vượt 19,8% dự toán), thu xổ số kiến thiết 320 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương ước là 5.425 tỷ đồng (đạt 98,9% dự toán).
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2014 là 1.888,8 tỷ đồng và vốn ODA là 104 tỷ đồng. Ước giá trị giải ngân các nguồn vốn (trái phiếu Chính phủ và ODA) sẽ đạt 100% kế hoạch; riêng vốn ngân sách đạt khoảng 99%, do vốn bổ sung mục tiêu cho dự án khu công nghiệp An Nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có văn bản thông báo bố trí chính thức nên không thể giải ngân.
4. Về khoa học công nghệ và tài nguyên môi trường
Trong năm 2014, ngành Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện 21 đề tài, dự án, tập trung vào các lĩnh vực như: nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, lai tạo lúa giống, xây dựng thương hiệu nông sản, phòng chống dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Toàn tỉnh đã cấp 411.741 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong đó, cấp cho tổ chức 4.488 giấy với tổng diện tích 12.413,74 ha (đạt tỷ lệ 91,93% so với tổng diện tích phải cấp), cấp cho hộ gia đình và cá nhân 407.253 giấy với tổng diện tích 263.908,2 ha (đạt tỷ lệ 96,95%). Tỉnh đã hoàn thành công tác phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2011 - 2015) đối với 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Trong năm, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại 330 cơ sở, phát hiện và xử phạt 33 cơ sở với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án đầu tư Nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp An nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư 104,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước đóng góp 27%, vốn tư nhân đóng góp 73%.
5. Về văn hóa - xã hội
Trong năm, các hoạt động truyền thông, văn hóa, văn nghệ, thể thao tiếp tục được tổ chức sôi nổi, thiết thực phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện quan trọng; đặc biệt là các hoạt động kết hợp của Lễ hội Ooc Om Boc nhân dịp Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Sóc Trăng 2014. Tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao tỉnh Sóc Trăng lần thứ VII năm 2014; tham gia các giải thể thao quốc gia đoạt 28 huy chương vàng, 41 huy chương bạc và 47 huy chương đồng (các môn bắn cung, cầu mây, bóng rổ, Judo, quần vợt, cử tạ,...).
Năm 2014, toàn tỉnh đón 1.022.792 lượt khách đến tham quan (tăng 6,5% so với năm trước), trong đó có 27.064 khách quốc tế (tăng 41,6%), 196.250 khách lưu trú (tăng 6%); tổng doanh thu dịch vụ du lịch năm 2014 khoảng 367 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Tuy nhiên, công tác quản lý du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế, việc giữ gìn vệ sinh và trật tự ở một số điểm tham quan chưa tốt, tình trạng chèo kéo khách còn diễn ra.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường huy động học sinh đến lớp. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 được tổ chức thực hiện an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tỷ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục phổ thông là 99,59% (năm trước là 99,03%), hệ giáo dục thường xuyên là 87,59% (năm trước là 62,63%). Công tác khai giảng năm học mới 2014 – 2015 được tổ chức chu đáo, đặc biệt là việc chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh con em đồng bào dân tộc Khmer. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 175 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 31% so với tổng số trường (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 31%).
Công tác khám chữa bệnh tiếp tục được quan tâm, cải thiện về chất lượng, đặc biệt là công tác khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế được thuận tiện hơn. Công tác y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng được thực hiện đầy đủ, an toàn; kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường nên trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh không xảy ra các sự cố về tiêm chủng, cũng như không xảy ra các ổ dịch, các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có 73,39% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2014 đạt 77,32%; trong đó, đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoàn toàn là 51,76%, đối tượng được hỗ trợ một phần là 16,6%, đối tượng tham gia bắt buộc là 3,82% và tự nguyện đạt 5,5%. Tính đến giữa tháng 11/2014, toàn tỉnh phát hiện 818 ca sốt xuất huyết (giảm 56% so với cùng kỳ); 2.606 ca tay chân miệng (tăng 94%); 1.588 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 64 ca dương tính với sởi, đến nay chưa có trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi.
Tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng lần II năm 2014. Chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thiết thực, ý nghĩa nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Đôl Ta của đồng bào Khmer. Tổ chức 146 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án, chính sách dân tộc cho các vị là chức sắc các tôn giáo, Ban Quản trị các chùa, người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số,.... với 5.811 lượt người tham dự.
(Nguồn: www.soctrang.gov.vn)