I. LĨNH VỰC KINH TẾ
1. Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ, các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế đều có bước phát triển khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2014 theo giá so sánh ước đạt 19.735,9 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2014 cao hơn so với mức tăng của năm 2013 (năm 2013 tăng 10,26%, năm 2014 tăng 11,28%). Cả ba khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng, trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng có sự tăng trưởng tích cực nhất tăng 17,45% so với năm 2013; khu vực dịch vụ tăng 14,33% và khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,07% so với năm 2013.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế là khu vực dịch vụ tăng từ 40,92% năm 2013 lên 42,3% năm 2014; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 24,92% năm 2013 lên 26,65% năm 2014; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 34,16% năm 2013 xuống 31,05% năm 2014.
2. Kiểm soát giá cả thị trường, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu - tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư, tái cơ cấu một số lĩnh vực kinh tế theo chủ trương chung của Chính phủ
2.1- Kiểm soát giá cả thị trường
Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, quan tâm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, kiểm tra, việc niêm yết, kê khai giá và bán theo giá niêm yết; chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong 10 tháng đã tổ chức kiểm tra, xử lý được 1.987 vụ vi phạm, thu phát hành chính 3,36 tỷ đồng. Giá cả hàng hóa tăng mạnh ở 2 tháng đầu năm, các tháng sau giảm nhẹ hoặc tăng nhẹ. Tính chung 10 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ và tăng 3,08% so với 31/12/2013 (bình quân tăng 0,31%/tháng). Chỉ số giá năm 2014 dự kiến là năm tăng thấp nhất so với những năm gần đây (năm 2011 tăng 23,28%, năm 2012 tăng 9,48%, năm 2013 tăng 11,06%, năm 2014 dự kiến tăng khoảng 4,03%).
2.2- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu – tiết kiệm chi NSNN
Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách, thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời, đôn đốc thu nộp các khoản nợ thuế và thực hiện các biện pháp để tăng thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước địa phương 10 tháng đạt 8.113 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 9.570 tỷ đồng, bằng 110,6% dự toán và tăng 7,2% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn 10 tháng đạt 2.497 tỷ đồng, ước cả năm đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 32,7% so với dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 24,7% so với dự toán HĐND tỉnh giao.
Chi ngân sách đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thực hiện các chế độ, chính sách. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách và sử dụng tài sản công, tạm dừng việc bố trí kinh phí cho những nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách. Tổng chi ngân sách địa phương 10 tháng 7.411 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 9.390 tỷ đồng, bằng 108,7% dự toán.
2.3- Hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động ổn định, tăng trưởng huy động và cho vay đạt khá
Tổng huy động vốn tại địa phương đến tháng 10 đạt 8.860 tỷ đồng, ước đến hết năm 2014 đạt khoảng 9.100 tỷ đồng, tăng 16,77% so với năm 2013. Tổng dư nợ cho vay đến tháng 10 đạt 16.200 tỷ đồng, ước đến hết năm 2014 đạt khoảng 16.500 tỷ đồng, tăng 11,86% so với năm 2013.
Nhìn chung, hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện giảm lãi suất cho vay theo đúng chỉ đạo của hệ thống, tập trung huy động và ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các đối tượng chính sách với lãi suất cho vay phổ biến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức thấp nhất 7%-8%/năm; lãi suất cho vay thông thường từ 9%-10,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và từ 11%-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn; lãi suất cho vay đối với hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo giảm 50% với mức vay tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề; lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, học sinh, sinh viên là 7,2%/năm.
Các ngân hàng thương mại đến nay đều hoạt động an toàn, không có ngân hàng nào nằm trong diện phải sắp xếp lại. Riêng hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở do xảy ra rủi ro (cháy Quỹ tín dụng nhân dân xã Chiềng Sung ngày 18/3/2014) nên phải xây dựng phương án sáp nhập Quỹ tín dụng nhân dân xã Chiềng Sung vào Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Hát Lót.
Nợ xấu 84 tỷ đồng, chiếm dưới 1% tổng dư nợ. Ngoài ra, còn khoản nợ xấu theo dõi ngoại bảng là 162 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã rà soát cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giảm lãi suất cho một số đối tượng khách hàng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ không có khả năng trả nợ.
2.4- Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư; tiếp tục sắp xếp kế hoạch đầu tư công, nâng cao hiệu qủa sử dụng các nguồn vốn nhà nước:
Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 ước đạt 13.052 tỷ đồng, cơ bản đạt kế hoạch đề ra (bằng 96,7% kế hoạch), trong đó vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đạt 5.546,8 tỷ đồng (gồm cả vốn di dân TĐC thủy điện Sơn La); vốn tín dụng đầu tư phát triển đạt 2.071 tỷ đồng; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp 3.519 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 153 tỷ đồng; vốn đầu tư của các tổ chức phi Chính phủ 2,4 tỷ đồng; vốn đầu tư nước ngoài (ODA) 260 tỷ đồng; vốn của Tập đoàn EVN đầu tư dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La 800 tỷ đồng; vốn các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ và các nguồn vốn huy động khác đầu tư trên địa bàn 1.678 tỷ đồng.
Nguồn vốn nhà nước tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả sử dụng. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, danh mục dự án tại Nghị quyết 39/NQ-HĐND ngày 14/3/2013 của HĐND tỉnh, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo hướng tập trung ưu tiên thanh toán nợ; tăng cường kiểm soát các danh mục dự án khởi công mới từ khâu cho chủ trương lập dự án, quyết định đầu tư (kể cả quyết định điều chỉnh dự án) để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn ở từng cấp ngân sách. Trong triển khai kế hoạch vốn năm 2014, căn cứ khả năng cân đối của một số nguồn vốn (vốn Đề án 1584 được Chính phủ cho phép tiếp tục đầu tư, vốn tăng thu ngân sách năm 2013, vốn sự nghiệp kinh tế,..) và tính chất cấp thiết của một số dự án, giải quyết yêu cầu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh cho phép được tiếp tục cho đầu tư trở lại một số dự án thuộc danh mục giãn tiến độ đầu tư và một số danh mục ngoài Nghị quyết 39/NQ-HĐND tỉnh.
Tổng nợ đọng XDCB qua báo cáo của các chủ đầu tư tính đến ngày 31/12/2013 là 512,5 tỷ đồng (gồm: nguồn ngân sách nhà nước 482,53 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 29,97 tỷ đồng), trong đó kế hoạch năm 2014 đã bố trí xử lý được 260 tỷ đồng (nguồn ngân sách nhà nước 247,1 tỷ đồng, nguồn trái phiếu Chính phủ 13 tỷ đồng).
Trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, các cấp, các ngành đã chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trực tiếp đi cơ sở cùng chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân thanh toán số vốn giao, đẩy mạnh các biện pháp thu hồi tạm ứng nhất là số dư tạm ứng từ các năm trước còn lại, tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình thực hiện các dự án.
Đến hết tháng 10 năm 2014, tổng các nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ năm 2014 giải ngân thanh toán đạt 3.558,9 tỷ đồng, bằng 64,2% kế hoạch. Trong đó, các nguồn ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển đạt 1.169,3 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch (gồm: vốn bổ sung cân đối đạt 314,7 tỷ đồng, bằng 79,7% kế hoạch; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đạt 304,3 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 286,6 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch; vốn ngân sách khác đạt 70,4 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch); vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân thanh toán đạt 2.243 tỷ đồng, bằng 76,4% (gồm: vốn TPCP hỗ trợ đầu tư các dự án giao thông, thuỷ lợi, y tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đối ứng các dự án ODA đạt 193,4 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch; dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La đạt 2.050/2.543 tỷ đồng (tính cả vốn chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014), bằng 80,6% kế hoạch vốn giao); vốn nước ngoài ODA đạt 146,6 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trong 10 tháng, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 3.081 tỷ đồng, 02 dự án sử dụng vốn tổ chức phi Chính phủ (NGO) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,4 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư các dự án của các nhà đầu tư trong nước ước thực hiện khoảng 1.194 tỷ đồng (chủ yếu của các dự án thủy điện vừa và nhỏ, khai thác vật liệu xây dựng, khoáng sản, sản xuất giày da, chế biến chè, sữa, ngô, sắn và một số dự án nông nghiệp trồng rau, hoa chất lượng cao). Hiện trên địa bàn toàn tỉnh đang triển khai thực hiện 08 dự án FDI với tổng mức vốn đăng ký đầu tư tương đương 3.092 tỷ đồng, đến nay đã đầu tư được 2.770 tỷ đồng, riêng 10 tháng năm 2014 đã đầu tư được 126,8 tỷ đồng (chủ yếu của các dự án mỏ Nikel Bản phúc, huyện Bắc Yên và một số dự án trồng chè và chế biến chè, rau quả của nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan). Các dự án đầu tư của các tổ chức phi chính phủ chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, y tế với số vốn đầu tư trong năm khoảng 2 tỷ đồng.
2.5- Tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước
Công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp nhà nước, trong đó duy trì 01 công ty TNHH 100% vốn nhà nước, hoàn thành xong việc cổ phần hóa 02 doanh nghiệp, hiện đang tiếp tục sắp xếp 06 doanh nghiệp (thoái vốn nhà nước 01 doanh nghiệp; chuyển sang Ban quản lý rừng phòng hộ 02 doanh nghiệp; nghiên cứu sắp xếp, phá sản hoặc giải thể 03 doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thua lỗ kéo dài), đang làm thủ tục phá sản 03 doanh nghiệp.
Mặc dù có nhiều khó khăn song một số ngành, lĩnh vực sản xuất trong những tháng đầu năm 2014 có dấu hiệu phục hồi, nhờ việc quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hệ thống các ngân hàng tích cực trong việc cho vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh nên số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Trong 10 tháng đầu năm, có 149 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 81,7% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc các lĩnh vực sau: 75 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; 34 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng; 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản,..
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn và thị trường nên so với cùng kỳ số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng, tổng số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động 87 doanh nghiệp, trong đó: tạm ngừng hoạt động 13 doanh nghiệp, giảm 52% so với cùng kỳ; làm thủ tục giải thể 74 doanh nghiệp, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng.
Trong 10 tháng, thành lập mới thêm 15 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 163 hợp tác xã. Các hợp tác xã đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho các xã viên và người lao động; đồng thời tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
3. Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế:
3.1- Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì phát triển ổn định; tập trung chỉ đạo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới
Giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá so sánh ước đạt 10.411 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 3,3% so với năm trước, trong đó: ngành nông nghiệp tăng 3,3%, lâm nghiệp tăng 1,3%, thuỷ sản tăng 9,05%.
a) Nông nghiệp:
Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh, giá cả đầu vào của sản xuất cao nhưng các địa phương đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, đưa các giống mới vào sản xuất, năng suất đa số cây trồng tăng, một số địa phương đã chuyển đổi diện tích một số loại cây trồng kém hiệu quả như ngô, dong giềng sang trồng một số loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn. Dự kiến sản lượng lương thực có hạt đạt 84,2 vạn tấn, bằng 104,5% kế hoạch và tăng 0,7% so với năm 2013. Sản lượng mía đạt 350,5 nghìn tấn, tăng 7,5% (tăng 24,4 nghìn tấn) so với năm 2013. Sản lượng sắn đạt 371,3 nghìn tấn, tăng 7,4% (tăng 25,5 nghìn tấn) so với năm 2013.
Chăm sóc, thâm canh diện tích cây công nghiệp, cải tạo vườn cây ăn quả, trồng mới thêm 925 ha cà phê, 242 ha chè, 148 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cà phê lên 10.915 ha, tăng 2,8% so với năm 2013; tổng diện tích chè 4.013 ha, tăng 5,1% so với năm 2013; tổng diện tích cây ăn quả các loại lên 18.189 ha. Ước thực hiện cả năm, sản lượng cà phê nhân đạt 10.382 tấn, sản lượng chè búp tươi đạt 29.369 tấn, sản lượng hoa quả các loại đạt 99.600 tấn. Chương trình phát triển cây cao su tập trung chuẩn bị cây giống để trồng tái canh và phục hồi diện tích cây cao su đã trồng, tổng diện tích cây cao su hiện có 6.577 ha, trong đó diện tích đã có thể cho sản phẩm 70 ha.
Chăn nuôi duy trì phát triển tổng đàn và sản lượng sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, dịch bệnh xảy ra rải rác ở một số nơi được khống chế và dập tắt kịp thời. So với năm trước, đàn trâu tăng 2%, đàn bò tăng 4%, trong đó đàn bò sữa tăng 18,3%, đàn lợn tăng 9,2%, đàn dê tăng 6,3%, đàn gia cầm tăng 4,2%, tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt 53.180 tấn, tăng 2,8%. Sản lượng sữa tươi ước đạt 57.700 tấn, tăng 17% so với năm 2013.
b) Lâm nghiệp:
Các dự án trồng rừng đã trồng mới 2.747 ha rừng tập trung, bằng 103,3% kế hoạch, tăng 56% so với năm 2013, trong đó: rừng phòng hộ và đặc dụng đạt 1.884 ha, rừng sản xuất đạt 863 ha; trồng cây phân tán đạt 404 nghìn cây.
Tổng diện tích rừng được chăm sóc 7.201 ha, một số diện tích rừng đã phục hồi, hình thành rừng và được chuyển sang bảo vệ, diện tích được giao khoán bảo vệ đạt 634.638 ha; khoanh nuôi tái sinh đạt 94.038 ha; diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 416.272 ha, bằng 65,5% tổng diện tích rừng hiện có.
c) Thủy sản: tiếp tục nhân rộng phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế ở những vùng thuận lợi, có điều kiện, các hình thức nuôi lồng bè. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.488 ha, bằng 98,5% kế hoạch; sản lượng thủy sản ước đạt 6.489 tấn, bằng 98,3% kế hoạch, tăng 2% so với năm trước.
d) Phòng, chống lũ bão, giảm nhẹ thiên tai: trong những tháng đầu năm đã xảy ra một số hiện tượng thời tiết như rét đậm, rét hại kèm theo sương muối kéo dài làm chết 850 con gia súc, gia cầm các loại, gây thiệt hại 2.016 ha cây trồng (cà phê 1.467 ha, mía 540 ha, cây hàng năm khác 549 ha); mưa lớn hình thành lũ cục bộ ở một số nơi làm thiệt hại về người và tài sản: làm 07 người chết, 01 người mất tích, 13 người bị thương, 55 nhà bị đổ sập, cuốn trôi, 1.615 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 207 nhà phải di chuyển khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, 143 nhà bị nhập nước, diện tích lúa bị thiêt hại 1.418,7 ha, diện tích ngô bị đổ gẫy 2.593 ha, diện tích cây công nghiệp lâu năm bị thiệt hại 1.176 ha, làm chết 1.356 con gia súc, 972 con tiểu gia súc, 13.615 con gia cầm, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 112 ha, 82 công trình thủy lợi bị hư hỏng... Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 169,6 tỷ đồng. Các cấp, các ngành đã tập trung triển khai công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai, khẩn trương di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, trợ cấp lương thực cho đồng bào bị thiệt hại, khắc phục tạm thời hạ tầng cơ sở thiết yếu để đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
đ) Xây dựng nông thôn mới:
Tiếp tục làm đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành phê duyệt Đồ án quy hoạch xã nông thôn mới 188 xã, đạt 100% kế hoạch, trong đó đã công bố quy hoạch được 184 xã, đạt 98% kế hoạch; hoàn thành phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới 188 xã, đạt 100% kế hoạch; tổ chức cắm mốc thực địa 177 xã, đạt 94% kế hoạch.
Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, kế hoạch năm 2014 đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó tổng kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình là 208,765 tỷ đồng (vốn chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới hỗ trợ 9,765 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ 128 tỷ, vốn XDCB tập trung hỗ trợ 16 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 55 tỷ). Đẩy mạnh thực hiện phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã triển khai huy động nguồn lực và đóng góp từ nhân dân để thực hiện chương trình. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 171 công trình, trong đó đã hoàn thành 05 công trình bàn giao đưa vào sử dụng. Tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 40/2013/NQ-HĐND ngày 14/3/2013 và Nghị quyết số 63/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của HĐND tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã triển khai đầu tư 148,2 km với tổng số tiền đầu tư 161,73 tỷ đồng, trong đó: vốn nhà nước hỗ trợ 57,8 tỷ đồng, chiếm 35,7%; vốn nhân dân đóng góp 103,93 tỷ đồng, chiếm 64,3%; theo Nghị quyết 41/2013/NQ-HĐND ngày 14/3/2013 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư 90,396 km đường giao thông nội bản, tiểu khu, tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn với tổng mức đầu tư 64,88 tỷ đồng, trong đó: vốn nhà nước hỗ trợ 20,52 tỷ đồng, chiếm 31,2%; vốn nhân dân và doanh nghiệp đóng góp 44,36 tỷ đồng, chiếm 68,8%.
Phấn đấu đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 03 xã đạt 14-16 tiêu chí, 21 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 74 xã đạt từ 5-8 tiêu chí.
3.2- Sản xuất công nghiệp khắc phục khó khăn giữ tốc độ tăng khá
Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 6.020,7 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến đạt 3.609,8 tỷ đồng, tăng 8,25% so với năm 2013; ngành công nghiệp sản xuất phân phối điện, nước ước đạt 1.315,4 tỷ đồng, tăng 8,25% so với năm 2013; ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 998,64 tỷ đồng, tăng gấp 12,6 lần so với năm 2013 (do mỏ Nikel Bản Phúc đi vào sản xuất)
Sản xuất công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn song các cơ sở sản xuất tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là một số cơ sở có quy mô lớn, tạo ra giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng lớn như ngành công nghiệp chế biến sữa, đường, xi măng; ngành công nghiệp khai khoáng xuất hiện năng lực mới tăng thêm của Công ty TNHH mỏ Nikel Bản Phúc đã đi vào hoạt động và cho sản phẩm tinh quặng Nikel (9,5%) sản lượng ước đạt 60.000 tấn; xưởng tuyển gắn với khai thác Đồng Sao Tua – Mộc Châu dự kiến sản xuất được 600 tấn tinh quặng Đồng. Cụm công nghiệp Mộc Châu đã hoàn thành đi vào hoạt động Xưởng triết nạp Gas, dự kiến trong năm hoàn thành thêm nhà máy chế biến Tre ép ở Mộc Châu. Nhà máy tinh bột sắn Mai Sơn hiện đang đầu tư nâng công suất lên 100 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày, dự kiến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Trong năm 2014 hoàn thành thêm 06 công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp đặt 56,4 MW.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2014 ước tăng 20% so với năm 2013, một số sản phẩm chủ yếu sản lượng sản xuất ra tăng khá so với năm trước như: xi măng tăng 84,8%; chè xanh nguyên chất tăng 25%; nước máy thương phẩm tăng 12,75%; điện sản xuất tăng 3,7%, gạch xây tăng 3,45%.
Bên cạnh đó, còn một số cơ sở sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ như nhà máy xi măng Chiềng Sinh vẫn ngừng hoạt động, một số sản phẩm sản xuất giảm so với năm trước: than đá giảm 59,1%, đá xây dựng các loại giảm 33,7%, đường chưa luyện giảm 12,2%.
3.3- Thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá
Hoạt động thương mại phát triển khá, thị trường hàng hoá, dịch vụ cơ bản đáp ứng các hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 15.642 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 69,5 triệu USD, tăng 46 lần so với năm trước, tăng chủ yếu do xuất khẩu tinh quặng Nikel, chè, xi măng. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,48 triệu USD, giảm 23,1% so với năm trước.
Giao thông vận tải thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của nhân dân, đặc biệt trong các dịp lễ tết lượng khách tăng cao. So với năm trước, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tăng 5,2%; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước tăng 6,1%; khối lượng hành khách vận chuyển ước tăng 3%; khối lượng hành khách luân chuyển ước tăng 4,5%.
Dịch vụ du lịch năm 2014 tiếp đón khoảng 1.543 lượt khách, tăng 34% so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 626 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2013.
(Nguồn: baochinhphu.vn)