I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Thực hiện kế hoạch năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, xung đột chính trị, lãnh thổ xảy ra ở nhiều nơi, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam; ở trong nước, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức mua của nền kinh tế còn ở mức thấp, thị trường bất động sản chưa phục hồi; tỉnh ta còn gặp những khó khăn riêng do rét đậm, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống nhân dân. Song, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đã vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới sau khi khởi công dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh để thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của tỉnh vẫn giữ được ổn định và tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:
1. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và vượt mục tiêu kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,6%, vượt mục tiêu kế hoạch (11,5%) và cao hơn 2 năm trước (năm 2012 đạt 10,3%, năm 2013 đạt 11,2%). Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 18,8%, giảm 0,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 40,9%, tăng 0,9%; dịch vụ chiếm 40,3%, tương đương so với cùng kỳ. GDP bình quân đầu người ước đạt 1.365 USD, vượt mục tiêu kế hoạch (1.320 USD).
1.1. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả tương đối toàn diện; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 5,2% so với cùng kỳ, vượt mục tiêu kế hoạch (3,4%). Sản xuất nông nghiệp được mùa lớn, năng suất lúa và sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay; năng suất lúa ước đạt 58,6 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,737 triệu tấn, vượt 2,7% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Việc phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất có chuyển biến tích cực. Chăn nuôi phát triển theo mô hình trang trại, gia trại; đàn trâu, bò tăng so với cùng kỳ; đàn gia cầm đạt 17,7 triệu con; sản lượng thịt hơi tăng 2,1%; công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tăng cường, không có dịch lớn xảy ra; đang triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa tại Như Thanh, Yên Định.
Khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc, bảo vệ rừng được thực hiện theo kế hoạch; trồng rừng tập trung ước đạt 11.169 ha, vượt 2,8% kế hoạch, tăng 4,3% so với cùng kỳ; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 51,5%, hoàn thành mục tiêu kế hoạch. An ninh rừng cơ bản được giữ vững, đã hạn chế được tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và số vụ cháy rừng.
Sản xuất thủy sản tăng trưởng khá; giá trị sản xuất ước đạt 1.255 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản ước đạt 132,7 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong đó khai thác tăng 4,2% (riêng đánh bắt xa bờ tăng 10,8%); một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộng, như: tôm chân trắng, tôm sú, ngao, cá rô phi.
Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tiến bộ; đến nay, toàn tỉnh hiện có 45 xã và 6 bản đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 11,7 tiêu chí, tăng 2,02 tiêu chí so với đầu năm 2014.
1.2. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện còn nhiều khó khăn; giá trị sản xuất ước đạt 30.489 tỷ đồng, bằng 99,5% kế hoạch, tăng 12,4% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp chế biến tăng 9,1%, công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước gấp 2,17 lần, công nghiệp khai thác mỏ tăng 8,7%. Hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng so với cùng kỳ, trong đó có sản phẩm tăng khá như: điện sản xuất, gang luyện, ô tô tải, clinker, quần áo, đá ốp lát, đường, thuốc lá, sản phẩm gỗ; một số sản phẩm có tỷ lệ hàng tồn kho giảm như: xi măng, vật liệu xây dựng, đồ uống, thuốc lá. Đã đưa vào hoạt động một số cơ sở sản xuất công nghiệp như: tổ máy số 2 Nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhà máy tinh bột sắn Ngọc Lặc, ferocrom Thanh Hóa; một số cơ sở mở rộng quy mô sản xuất như: giày HongFu, may Việt Nhật, gỗ Minh Quang, gạch Vicenza, góp phần gia tăng sản lượng công nghiệp của tỉnh.
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp được quan tâm phát triển, nhiều sản phẩm duy trì được sản lượng, thị trường xuất khẩu như: đồ gỗ mỹ nghệ, thêu tranh, mây giang xiên, đan đèn lồng, khâu bóng, chế biến hải sản..., góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Giá trị sản xuất ước đạt 6.251 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, đóng góp 20,6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
1.3. Các ngành dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng khá; hoạt động thương mại nội địa cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 52.474 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 13,2%. Công tác quản lý thị trường được tăng cường; giá cả hàng hóa, dịch vụ ổn định; chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 ước tăng 3,71% so với năm 2013.
Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng khá do hàng may mặc, giày, xi măng, tinh bột sắn giữ được thị trường xuất khẩu ổn định; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,042 tỷ USD, vượt 4,3% kế hoạch, tăng 12,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu chính ngạch đạt 864,4 triệu USD, tăng 11,3%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 448 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động du lịch, lễ hội diễn ra sôi động; công tác quản lý, tổ chức hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ở Sầm Sơn, nên lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng khá; ngành du lịch ước đón 4,5 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng 12,4%; doanh thu du lịch ước đạt 2.510 tỷ đồng, tăng 11,5%. Công tác chuẩn bị tổ chức Năm du lịch quốc gia 2015 được khẩn trương thực hiện. Sân golf Quảng Cư đang được đầu tư xây dựng, dự kiến đầu năm 2015 sẽ hoàn thành giai đoạn 1, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân; vận tải ước đạt 41,1 triệu tấn hàng hóa và 25,9 triệu lượt khách, so với cùng kỳ tăng 7,3% về hàng hóa và 18,9% về lượt khách. Hoạt động của Cảng hàng không Thọ Xuân ngày càng phát huy hiệu quả; hiện có 3 hãng hàng không đang khai thác đường bay Thanh Hóa - TP. Hồ Chí Minh với tần xuất 21 chuyến/tuần; hệ số sử dụng ghế bình quân đạt 85%; đã hoàn thành lắp đặt hệ thống thiết bị hạ cánh và khởi công xây dựng nhà ga hành khách mới. Chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng được nâng lên; số thuê bao điện thoại, internet, truyền hình trả tiền, phát hành báo chí đều tăng so với cùng kỳ; mật độ điện thoại ước đạt 78,6 máy/100 dân, vượt mục tiêu kế hoạch (68 máy/100 dân).
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các quy định của Trung ương trên địa bàn; việc tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp giảm lãi suất cho vay, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; trong năm, số doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng tăng 7,6%, dư nợ tăng 3,3% so với cùng kỳ. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước đạt 39.511 tỷ đồng, tăng 17,7% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt 48.864 tỷ đồng, tăng 13%; dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ước đạt 20.553 tỷ đồng, chiếm 43,7% tổng dư nợ.
Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán và tăng cao so với cùng kỳ, ước đạt 7.526 tỷ đồng, vượt 34,4% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ, trong đó: thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất) đạt 5.526 tỷ đồng, vượt 1.146 tỷ đồng so với dự toán, nếu loại trừ 420 tỷ đồng dự kiến hoàn trả theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần thì dự ước tăng thu 726 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh 619 tỷ đồng, ngân sách huyện xã 107 tỷ đồng). Một số lĩnh vực có số thu tăng cao so với dự toán gồm: thu từ doanh nghiệp FDI (gấp 2,44 lần), tiền sử dụng đất (tăng 87,5%), thuế thu nhập cá nhân (tăng 67,7%), thu phí, lệ phí (tăng 21,4%). Chi ngân sách địa phương ước đạt 23.123 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực.
1.4. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm; đã thành lập mới 1.082 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 5.077 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 2,5% về số doanh nghiệp và 3,2% về vốn đăng ký. Hoạt động của các doanh nghiệp tuy còn nhiều khó khăn, nhưng có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ, phản ánh qua một số chỉ tiêu như: có 7.142 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6% so với cùng kỳ; bình quân hàng tháng có 6.341 doanh nghiệp phát sinh doanh thu, tăng 41%, trong đó: 3.890 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tăng 35%; có 1.753 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, giảm 4%. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt 104 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; nộp ngân sách 4.330 tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng thu nội địa (cùng kỳ là 61%), tăng 48,6%; có 446 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh đã quay lại hoạt động, tăng 62% so với cùng kỳ.
1.5. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 85.530 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch, gấp 1,6 lần cùng kỳ, trong đó: vốn NSNN 10.550 tỷ đồng, tăng 4%; vốn DNNN 1.210 tỷ đồng, tăng 3%; vốn tín dụng đầu tư 8.710 tỷ đồng, tăng 4%; vốn đầu tư nước ngoài 37.220 tỷ đồng, gấp 4,1 lần; vốn dân cư và các thành phần kinh tế khác 27.840 tỷ đồng, tăng 17%. Trong năm, đã khởi công xây dựng một số dự án lớn như: sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế tại Sầm Sơn, đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn, đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, tòa nhà hỗn hợp FLC Complex Thanh Hóa, cầu Thắm, cầu Bút Sơn; hoàn thành đưa vào hoạt động Khách sạn Mường Thanh; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 152 dự án (10 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 27.058 tỷ đồng và trên 100 triệu USD; so với cùng kỳ gấp 2,53 lần về số dự án và 32,6% về vốn đầu tư đăng ký; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm 107,6 triệu USD.
Đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN, TPCP, ODA được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt; các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, nên kết quả thực hiện đạt khá so với kế hoạch. Giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 4.205 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch (năm 2013 là 95%); giải ngân đạt 4.242 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch, số vốn còn lại chưa giải ngân thuộc nguồn vốn TPCP bổ sung trong năm và vốn ứng trước ngân sách Trung ương năm 2015 (được giải ngân đến 31/3 và 30/6/2015). Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng được tăng cường; việc quản lý, sử dụng vốn có chuyển biến tích cực; lũy kế số dư tạm ứng đến 10/11 còn 965 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm. Trong năm đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo 23 km đường tỉnh, 505 km đường nông thôn; 30 km đê sông; tăng năng lực tưới cho 3.750 ha; đưa vào sử dụng 83 công trình cấp nước sinh hoạt; tăng 50 giường bệnh công lập, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân.
2. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tiến bộ; các vấn đề xã hội bức xúc từng bước được giải quyết; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời
2.1. Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh; đã triển khai thực hiện 179 nhiệm vụ (13 nhiệm vụ cấp nhà nước), nghiệm thu 32 nhiệm vụ; một số nhiệm vụ được ứng dụng thành công vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao như: mô hình sinh thái trang trại nông nghiệp gà - mía; công nghệ nuôi cá hồi thương phẩm; cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò; cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cho Công ty CP Tiến Nông. Công tác thanh tra, kiểm tra tiêu chuẩn đo lường chất lượng được tăng cường, tập trung vào cơ sở kinh doanh thép, xăng dầu, đồ điện, điện tử, mũ bảo hiểm, đồ chơi; đã thanh tra, kiểm tra 155 cơ sở, phát hiện và xử phạt 30 cơ sở vi phạm.
2.2. Hoạt động văn hóa, thông tin đã tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh; tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 6 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 60 năm đón tiếp đồng bào, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc; kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập TP. Thanh Hóa; lễ hội du lịch hè Sầm Sơn; lễ hội Lam Kinh và các hoạt động tuyên truyền, phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện; trong năm, có 120 làng, bản, khu phố, 758 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa, 22 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 2 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Công tác quản lý các hoạt động văn hóa, lễ hội được tăng cường.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và tiếp tục phát triển; đã tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VII, 09 giải thể thao cấp tỉnh, 133 giải thể thao cấp huyện và nhiều giải thể thao phong trào khác, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên ước đạt 34%, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Thể thao thành tích cao đoạt 391 huy chương (136 HCV) ở các giải đấu quốc gia và quốc tế, trong đó đoàn thể thao của tỉnh tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII đoạt 100 huy chương (41 HCV), xếp thứ 4 toàn đoàn. Đội bóng đá Thanh Hóa lần đầu tiên đoạt huy chương đồng mùa giải Vô địch quốc gia năm 2014.
2.3. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,75%; kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014, có 18 học sinh đỗ thủ khoa, tăng 4 thủ khoa so với năm 2013 và 3 trường nằm trong top 200 trường có điểm thi cao nhất cả nước; kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014, học sinh tỉnh ta giành 67 giải (1 giải nhất), xếp thứ 6 toàn đoàn. Toàn ngành đã triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trước hết là thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học thông qua nhận xét và chuẩn bị cho tổ chức kỳ thi quốc gia chung năm 2015; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm mon cho trẻ 5 tuổi; tình trạng lạm thu đầu năm học, dạy thêm học thêm sai quy định được chấn chỉnh; tình trạng thừa thiếu giáo viên từng bước được giải quyết; đã quan tâm bố trí việc làm cho học viên tốt nghiệp thuộc Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài. Trong năm, có thêm 78 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn lên 46,7%. Đã thành lập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa, Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.
2.4. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; các bệnh viện tuyến tỉnh đã đưa trên 80 kỹ thuật cao vào khám, điều trị và chuyển giao 310 kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện, góp phần giảm bệnh nhân phải chuyển tuyến. Công tác y tế dự phòng được tăng cường, không có dịch lớn xảy ra; tiêm vắc xin sởi - rubella đợt 1 cho trẻ từ 1 - 14 tuổi đạt 97,8% kế hoạch, đợt 2 ước đạt 91,6%; công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản được duy trì; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 18,2%; thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP được quan tâm; đã kiểm tra 10.395 cơ sở, phát hiện và xử lý 1.461 cơ sở vi phạm. Trong năm, có thêm 62 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn lên 31,6%, vượt mục tiêu kế hoạch (25%); đã đưa vào hoạt động 2 bệnh viện ngoài công lập (Phúc Thịnh và ACA) với quy mô 135 giường bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
2.5. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tuyển sinh, đào tạo nghề cho 55 nghìn người; giải quyết việc làm cho 61 nghìn lao động, hoàn thành mục tiêu kế hoạch, trong đó xuất khẩu 9 nghìn lao động. Các chính sách an sinh xã hội, người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đã hỗ trợ 1.032 tấn gạo cho các đối tượng đặc biệt khó khăn; việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công được triển khai theo kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,07% so với đầu năm, riêng các huyện miền núi giảm 5,5%; giải quyết chế độ thất nghiệp cho 9.549 lao động theo quy định. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
(Trích Báo cáo số 158/BC-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngày 25/12/2014)
Nguồn: www.baochinhphu.vn