I. VỀ THỰC HIỆN MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH LĨNH VỰC
1. Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
a) Về tăng trưởng kinh tế: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) ước cả năm 2014 đạt 49.892 tỷ đồng, tăng 9,5% (năm 2013 tăng 9,3%), quý sau tăng cao hơn quý trước, quý 1 tăng 9,0%, quý 2 tăng 9,2%, quý 3 tăng 9,5% và quý 4 tăng 10,0%. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng 4,3% (năm 2013 tăng 4,8%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 16,2% (năm 2013 tăng 16,5%), trong đó ngành xây dựng tăng 4,4%; và khu vực dịch vụ tăng 9,6% (năm 2013, tăng 8,7%).
Tăng trưởng GRDP theo giá so sánh 2010 của Tổng cục Thống kê điều chỉnh: bình quân 03 năm 2011-2013 tăng 7,23%/năm (khu vực 1: tăng 4,4%, khu vực 2: tăng 13,8% và khu vực dịch vụ bao gồm thuế sản phẩm tăng 7,1%). Năm 2013 tăng 7,84% (khu vực 1: tăng 1,83%, khu vực 2: tăng 19,34% và khu vực dịch vụ: tăng 9,1%); dự kiến năm 2014 tăng 8,3% (khu vực 1: tăng 4%, khu vực 2: tăng 16,5% và khu vực dịch vụ: tăng 8,3%).
b) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, theo xu hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tỷ trọng khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 41,3% năm 2013 xuống còn 39,0% năm 2014 (kế hoạch 39,2%), tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng khá, tỷ trọng có xu hướng tăng từ 29,4% năm 2013 tăng lên 31,3% năm 2014 (kế hoạch 32,2%) và khu vực dịch vụ tăng từ 29,3% năm 2013 tăng lên 29,7% năm 2014 (kế hoạch 28,6%).Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố (năm 2014): cơ cấu kinh tế năm 2013, khu vực 1 chiếm 42,9%, khu vực 2 chiếm 22,5% và khu vực 3 chiếm 34,6%. Dự kiến năm 2014: khu vực 1 chiếm 40,8%, khu vực 2 chiếm 24,2% và khu vực 3 chiếm 35%.
2. Sản xuất nông lâm ngư nghiệp và phát triển nông thôn:
a) Sản xuất nông lâm ngư nghiệp: Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, ngư nghiệp ước cả năm 2014 tăng 4,3% (năm 2013 tăng 4,8%); trong đó, nông nghiệp tăng 4,4% (năm 2013 tăng 4,9%).
- Trồng trọt, tổng sản lượng cây lương thực có hạt thu hoạch đạt 1,38 triệu tấn, đạt 104,2% kế hoạch, tăng 1,4% so cùng kỳ; chủ yếu là sản lượng lúa đạt 1,37 triệu tấn, chiếm 99%, tăng 1,4% so cùng kỳ, năng suất đạt 58,8 tạ/ha (đều vượt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ). Riêng sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2013 - 2014 chiếm 47,1% tổng sản lượng lúa và có 11 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia thu, mua tạm trữ 94.000 tấn lúa quy gạo, đạt 100% kế hoạch phân bổ. Bên cạnh đó, có 288,2 ha lúa Hè Thu mới gieo sạ tại 02 huyện Gò Công Đông (270,3 ha) và Gò Công Tây bị chết trắng phải gieo sạ lại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố thiên tai, hạn hán thiệt hại sản xuất lúa Hè Thu năm 2014 trên địa bàn các huyện phía Đông thuộc Dự án ngọt hóa Gò Công tại Quyết định số 1785/QĐ-UBND ngày 23/7/2014. Về tiến độ thực hiện cánh đồng lớn về sản xuất lúa, đến nay các công ty đã thu mua trên diện tích 1.702/3.385 ha lúa được ký hợp đồng với sản lượng 11.245 tấn.
Đã gieo trồng được 4.075 ha bắp, giảm 5,6% so cùng kỳ với sản lượng đạt 14.332 tấn, giảm 3,7%; cây chất bột có củ trồng được 1.357 ha, giảm 17,7% so cùng kỳ; cây màu thực phẩm trồng được 45.754 ha, tăng 6%, với sản lượng thu hoạch 1.302.742 tấn, tăng 4,4%.
Năm 2014, toàn tỉnh có hơn 9.000 ha cây màu luân canh trên nền đất lúa (dưa hấu, bắp, ớt…) không những góp phần gia tăng lợi nhuận cho nông dân từ 1 - 2,6 lần mà còn giúp rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo cơ cấu mùa vụ đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng lũ, hạn, mặn của tỉnh. Bên cạnh đó việc đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất (trong đó khâu làm đất, bơm tát đạt 100% diện tích) đã phần nào giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các mùa vụ.
Trên cây ăn trái: cây trồng phát triển tốt, sản lượng cây ăn trái tăng 7,7% so cùng kỳ. Có 40 ha sản xuất thanh long được chứng nhận an toàn thực phẩm tại xã Lương Hòa Lạc và Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo).
- Chăn nuôi, giá heo hơi tiếp tục ổn định ở mức khá cao, mức giá hiện nay khoảng từ 5,3-5,7 triệu đồng/tạ, người nuôi có lãi; trong khi đó tình hình chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn nhất là các hộ nuôi gà công nghiệp khi giá thịt hơi, giá trứng giảm và khó tiêu thụ. Theo kết quả điều tra chăn nuôi, đến cuối năm 2014, tổng đàn heo của tỉnh có gần 578,5 ngàn con, giảm 0,7%; tổng đàn bò có 74,3 ngàn con, giảm 2,8%; tổng đàn gia cầm có 7,1 triệu con, giảm 0,8% so cùng kỳ. Đến nay, đã vận động được 277 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
- Nuôi trồng và khai thác thủy sản, tình hình nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, khai thác biển thuận lợi. Đa số giá bán của các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều ở mức cao hơn giá thành, người nuôi có lãi khá; riêng đối với giá cá tra thương phẩm gần với giá thành sản xuất nên người nuôi thường hòa vốn. Năm 2014, toàn tỉnh thả nuôi được 15.559 ha thủy sản các loại (tăng 3,8% so cùng kỳ); tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 235.731 tấn, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ, do hình thức nuôi thâm canh và nuôi lồng bè phát triển, riêng hình thức nuôi nhỏ lẻ trong hộ dân có xu hướng giảm.
- Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi: trên cây trồng, đã có 39.509 ha lúa có rầy nâu, giảm 5.768 ha so với cùng kỳ; cây nhãn, tỷ lệ nhãn phục hồi và cho trái ổn định trở lại rất tốt tại các vùng trồng nhãn chuyên canh nhưng tại các vùng trồng rải rác thì tỷ lệ tái nhiễm khá cao, đang vận động những diện tích này chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn; cây bưởi, sâu đục trái xuất hiện khá cao vào thời điểm trung tuần tháng 3 đến tháng 6; cây thanh long, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu đã giảm còn 475 ha. Đối với đàn vật nuôi, bệnh cúm gia cầm (cúm A H5N1) đã xảy ra tại 27 hộ nuôi gia cầm, 18 hộ nuôi chim cút và 01 hộ nuôi chim trĩ của 9 huyện, thị, thành, bệnh lở mồm long móng: đã xác minh 16 trường hợp gia súc bệnh lở mồm long móng tại 12 xã/7 huyện; tổ chức tiêu hủy toàn bộ số gia súc, gia cầm có bệnh gồm: 143.073 con (gia cầm, chim cút, chim trĩ), 83.317 quả trứng (cút, gia cầm), 95 con heo và 10 con bò, đồng thời yêu cầu các hộ nuôi cam kết không bán chạy và thông báo với cơ quan thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm có dấu hiệu bất thường.
Đối với thủy sản: đến nay có 248,5 ha tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh ở 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông nhiễm bệnh, chiếm 7,5% diện tích nuôi, nguyên nhân chủ yếu do tôm bị hoại tử gan, tụy và đốm trắng; đã sử dụng 44,4 tấn Chlorinne/130,25 ha/321 hộ để xử lý môi trường nuôi. Tổ chức 17 đợt quan trắc môi trường nước vùng nuôi tôm, nghêu, cá bè, cá tra, kết quả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép và thông báo kết quả trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để người nuôi biết.
- Lâm nghiệp, trồng được 2,1 triệu cây phân tán các loại, giảm 36,4% so cùng kỳ; rừng trồng mới được 95 ha, giảm 21,9% ở huyện Tân Phú Đông. Tổng diện tích rừng hiện có 3.936,6 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ là 1.594,22 ha, tập trung tại các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Tân Phước.
b) Về phát triển nông thôn
- Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đã có 40/40 xã được phê duyệt Đề án xây dựng NTM, đã thực hiện thanh quyết toán với số tiền 2.366/2.400 triệu đồng, đạt 98,5% vốn giao; có 139/139 xã được phê duyệt Đồ án quy hoạch NTM, trong đó có 135 xã đã thanh quyết toán với số tiền 22.874/23.820 triệu đồng, đạt 96% vốn giao. Về tiến độ đạt các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới của 11 xã điểm trên địa bàn tỉnh: Bình Nghị (19/19), Tân Mỹ Chánh (19/19 tiêu chí), Tân Thanh (19/19), Tam Bình (19/19), Mỹ Phong (18/19), Tân Điền (17/19), Bình Nhì (16/19), Phú Kiết (16/19), Tân Hội Đông (16/19), Thanh Bình (15/19), Tân Hòa Thành (14/19). Tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong năm 2014 đạt gần 1.517 tỷ đồng; trong đó, vốn hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 256,6 tỷ đồng.
- Về đầu tư hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, đã triển khai trên 21 công trình, hạng mục công trình đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn giao năm 2014 là 269,6 tỷ đồng, đã giải ngân 206,4 tỷ đồng, đạt 76,6% kế hoạch vốn giao.
- Về đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, các huyện, thị, thành đã triển khai thi công và hoàn thành 312 công trình, dài 175,67 km với tổng vốn thực hiện 101,7 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao.
- Về điện nông thôn, đến nay tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện sử dụng đạt 99,96%, số điện kế chính ở nông thôn là 374.119 điện kế, chiếm 97,5% trên tổng số hộ dân nông thôn có điện. Đã đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn từ nguồn vốn vay Ngân hàng tái thiết Đức được 26/27 tuyến trung thế (trong đó, đóng điện 4 tuyến) và 1.628/1.628 tuyến hạ thế (trong đó, đóng điện 1.624 tuyến). Về hỗ trợ kéo đường dây điện sau điện kế cho 165 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách chưa có điện với tổng kinh phí 1,03 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ là 587,3 triệu đồng.
- Về nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh đã tiến hành đầu tư 11 công trình với tổng vốn giao năm 2014 là 10.050 triệu đồng, đã giải ngân được 100% vốn giao. Năm 2014, tỷ lệ số dân được hưởng nước hợp vệ sinh đạt 93% và 63% hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
3. Về sản xuất công nghiệp – xây dựng và phát triển đô thị: giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng theo giá so sánh 2010 tăng 16,2% (cùng kỳ tăng 16,5%), trong đó công nghiệp tăng 17,9%, tăng thấp hơn cùng kỳ 0,2 điểm %, tuy nhiên đây là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Ngành xây dựng tăng trưởng còn ở mức thấp nên đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của khu vực công nghiệp – xây dựng. Nguyên nhân gặp khó khăn trong việc huy động vốn, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, thị trường bất động sản chưa khởi sắc,…đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng, ước cả năm 2014 tăng 4,4% (cùng kỳ tăng 6,6%).
a) Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
Ước chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) cả năm 2014 tăng 8,5% so với năm 2013; trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%; công nghiệp khai khoáng bằng 4,5% so cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 toàn tỉnh ước thực hiện 54.088,4 tỷ đồng, tốc độ tăng 18,7% so với năm 2013 (năm 2013 tăng 19,6%). Trong đó, khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,9% giá trị sản xuất toàn tỉnh, tăng 21,4%, do các doanh nghiệp chế biến thủy sản, may mặc đã dần phục hồi và đẩy mạnh sản xuất so với những tháng đầu năm; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 30,5%, tăng 20,9%, tăng nhanh do các doanh nghiệp trong khu vực này tiếp tục giữ mức phát triển ổn định, nhất là các doanh nghiệp sản xuất giày, túi xách, ống đồng...ở KCN Tân Hương, Long Giang, trong năm đã đầu tư mở rộng sản xuất, sản lượng tăng khá cao so cùng kỳ; khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng không đáng kể, chiếm 1,64%, tăng 10,5%.
b) Về công tác quản lý năng lượng:
- Về đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn: Công ty Điện lực Tiền Giang đã thực hiện đầu tư, cải tạo lưới điện hạ áp của các tổ điện đã bàn giao cho Công ty Điện lực Tiền Giang theo Đề án như: thực hiện tiếp nhận 4.351 tổ điện, với tổng chiều dài 2.532,6km; thực hiện đầu tư, cải tạo được 3.322 tổ điện, với tổng chiều dài 1.972km (đạt 77,86% chiều dài tiếp nhận), với tổng vốn 532,58 tỷ đồng. Công ty Điện lực Tiền Giang đang sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) 279,3 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 1), với khối lượng đường dây trung áp dài 23,9km, 28 trạm biến áp, tổng dung lượng 700kVA, đường dây hạ áp dài 1.049,3km. Đến nay, đã thi công xong 26/27 tuyến trung thế, đóng điện được 4/27 tuyến, còn 01 tuyến trên địa bàn huyện Cái Bè đã dựng trụ nhưng chưa kéo dây; đã thi công xong 1.628/1.628 tuyến hạ thế, đóng điện được 1.624/1.628 tuyến. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1110/QĐ-UBND ngày 15/7/2014 về hỗ trợ kinh phí kéo đường dây điện sau điện kế cho 165 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách năm 2014, với ngân sách tỉnh hỗ trợ là 587,34 triệu đồng, còn lại 446,4 triệu đồng do ngân sách huyện, xã và vận động nhân dân đóng góp, hiện nay đang triển khai thực hiện.
- Về sử dụng điện, đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 449.400/449.500 hộ sử dụng điện, đạt tỷ lệ 99,98%; dự kiến đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 442.990 điện kế chính, chiếm 98,55% trên tổng số hộ dân có điện.
c) Tình hình thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp:
- Về tình hình thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp (KCN): hiện có 04 KCN được thành lập và đi vào hoạt động gồm: KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương, KCN Long Giang, KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp với diện tích 1.101,47 ha. Tổng vốn đầu tư 100 triệu USD và 2.933,26 tỷ đồng. Còn lại 03 KCN: KCN Bình Đông, KCN Tân Phước I, KCN Tân Phước II đang mời gọi đầu tư và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Từ đầu năm đến nay, đã thu hút được 03 dự án (bằng 75% so với cùng kỳ về số lượng dự án), với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 18,2 triệu USD (đạt 35% so với cùng kỳ về vốn đầu tư), tổng diện tích thuê đất là 4,3 ha; nâng tổng số dự án trong các khu công nghiệp của tỉnh lên 73 dự án, trong đó có 46 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,27 tỷ USD và 3.993,6 tỷ đồng, tổng diện tích thuê 365,9 ha, đạt tỷ lệ 49,7% tổng diện tích các KCN. Ngoài ra, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án với nội dung chủ yếu là tăng vốn đầu tư, tăng, giảm diện tích thuê đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, bổ sung ngành nghề kinh doanh…
Tình hình triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN: hiện tại KCN Mỹ Tho và Tân Hương đã triển khai xây dựng hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; KCN Long Giang đang tiếp tục thi công các hạng mục hạ tầng; KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp hiện nay đã thu hút được 01 dự án, tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Dự án KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp đang thực hiện các thủ tục chuyển giao dự án KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về cho tỉnh từ Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam. UBND tỉnh đang trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao lại đất KCN này cho tỉnh quản lý. Việc đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào KCN Long Giang như: điện, đường đấu nối vào đường cao tốc, nhà ở cho công nhân và các hạ tầng dịch vụ khác phục vụ KCN chưa được triển khai nên ảnh hưởng công tác kêu gọi đầu tư vào KCN. Mặt khác, các hộ dân tại khu vực giải tỏa của KCN Long Giang hiện nay vẫn còn gây cản trở đơn vị thi công, đã làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư.
Tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khá ổn định, tổng giá trị sản xuất, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu đều tăng so cùng kỳ; giải quyết việc làm khoảng 60.000 người, trong đó có 401 lao động nước ngoài.
- Tình hình thu hút đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp:
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 04 cụm công nghiệp (CCN), bao gồm: CCN An Thạnh, quy mô 10 ha, đã lắp đầy 100% diện tích với 33 dự án; CCN Song Thuận quy mô 57,9 ha, đã thu hút 16 dự án (14 dự án đang hoạt động); CCN và TTCN Tân Mỹ Chánh, quy mô 23,6 ha, đã lắp đầy 100% diện tích với 20 dự án (04 dự án FDI); CCN Trung An, quy mô 17,5 ha, đã lắp đầy 100% diện tích, với 14 dự án (01 dự án FDI). Tổng số lao động ở CCN khoảng 12.000 người, trong đó có 15 lao động nước ngoài, đã cấp phép và thuộc diện miễn cấp phép 15 người.
Trong thời gian qua, những tồn tại, bất cập của các CCN như: các CCN được hình thành trước khi Quyết định 105/2010/QĐ-TTg có hiệu lực nên trong quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc trong đầu tư, thu hút đầu tư như: thiết kế hệ thống hạ tầng CCN, thủ tục thành lập, an ninh trật tự, PCCC,… Khi chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư không lập quy hoạch chi tiết chỉ lập dự án và triển khai xây dựng dẫn đến cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho hoạt động của các CCN như: không có đánh giá tác động môi trường, không có hệ thống PCCC toàn cụm, không có hệ thống xử lý nước thải, không có chi phí duy tu, bảo dưỡng cũng như các chi phí dịch vụ tiện ích khác như trồng cây xanh, vệ sinh, điện chiếu sáng,…
d) Về xây dựng và phát triển đô thị:
* Giá trị tăng thêm ngành xây dựng ước cả năm 2014 đạt 1.891 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 4,4% so cùng kỳ (năm 2013 tăng 6,6%), giá trị tăng thêm theo giá hiện hành đạt 2.466,5 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản năm 2013 và triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh năm 2014, thực trạng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở đối với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các KCN và nhà ở cho học sinh, sinh viên của tỉnh. Tháo dỡ các chung cư cũ và kế hoạch sử dụng các thửa đất sau khi đã tháo dỡ chung cư. Tiếp tục triển khai áp dụng các quy định mới của Trung ương về quản lý ngành và ban hành các quy định, hướng dẫn mới về quản lý đầu tư xây dựng góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
- Về xây dựng cụm, tuyến dân cư và các chương trình nhà ở, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ gồm 46 dự án được phê duyệt, gồm 03 dự án cụm dân cư, đến nay đã hoàn thành xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong năm 2012 như: hệ thống cấp, thoát nước tổng thể, hệ thống giao thông, hệ thống điện tổng thể,... Và 43 dự án bờ bao khu dân cư có sẵn, đến nay đã hoàn thành 43 dự án, bình xét cho các hộ dân vào xây dựng nhà ở.
- Về phát triển đô thị:
Triển khai lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Chương trình phát triển đô thị thị xã Cai Lậy; Chương phát triển đô thị thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công đến năm 2020.
Tổ chức công bố Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Tổ chức xây dựng các Đồ án Quy hoạch chung các đô thị An Hữu, Thiên Hộ, huyện Cái Bè; Mỹ Phước, huyện Tân Phước; Bình Phú, huyện Cai Lậy; Long Định, Vĩnh Kim, Tân Hiệp huyện Châu Thành; Tân Hòa, huyện Gò Công Đông.
Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 130/NQ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy còn lại; thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trong tháng 4/2014, tổ chức lễ ra mắt và đi vào hoạt động thị xã Cai Lậy trên cơ sở chia tách từ huyện Cai Lậy, hình thành trung tâm vùng phía Tây của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 01 thành phố, 02 thị xã và 08 huyện; có 173 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 144 xã, 22 phường và 07 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2014 đạt 15,4% (năm 2013 đạt 14,7%).
4. Về thương mại - dịch vụ:
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, ước cả năm 2014 tăng 9,6% (kế hoạch 2014 tăng 9,5-10,0%), cao hơn so với năm 2013 (cùng kỳ năm 2013 tăng 8,7%).
a) Hoạt động thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước cả năm 2014 đạt 44.300 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ, đạt 98,3% so kế hoạch; trong đó, kinh tế nhà nước tăng 22,7% so cùng kỳ, kinh tế ngoài nhà nước thực tăng 15,1% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 17,9%. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp tăng 13,2%; khách sạn, nhà hàng tăng 14,2%; du lịch tăng 31,2%; dịch vụ khác tăng 23,6% so cùng kỳ.
Đầu tư xây mới và sửa chữa, nâng cấp 7 chợ và 1 khu thương mại, tổng vốn đầu tư 39 tỷ đồng (vốn ngân sách 22 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 17 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện đầu tư các chợ như:
- Xây mới chợ Trung Hòa (huyện Chợ Gạo), diện tích 222m², tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh), đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Xây mới chợ Hội Xuân (huyện Cai Lây), diện tích 5.720m², tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ đồng (vốn xã hội hóa), đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Xây mới chợ Phú Phong (huyện Châu Thành), diện tích 7.678m², tổng vốn đầu tư 7,4 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh), đã hoàn thành nhà lồng chợ chính, đang vận động, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng để tháo dỡ, di dời bàn giao mặt bằng thi công các hạng mục công trình còn lại. Xây mới chợ Bình Nghị (huyện Gò Công Đông), diện tích 2.900m², tổng vốn đầu tư 2,9 tỷ đồng, đang xây dựng nhà lồng chợ (tiến độ đạt khoảng 70%). Xây mới Khu thương mại Thanh Bình (huyện Chợ Gạo), diện tích 5.700m², tổng vốn đầu tư dự kiến là 12,8 tỷ đồng, đang xây dựng (tiến độ đạt khoảng 45%). Xây dựng mới chợ Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), diện tích 2.000 m², tổng vốn đầu tư dự kiến là 4,7 tỷ đồng (vốn ngân sách), đang xây dựng (tiến độ đạt khoảng 20%).
- Nâng cấp, sửa chữa chợ Tân Phước (huyện Tân Phước), từ diện tích 9.600m² lên 17.530m², tổng vốn đầu tư là 12,5 tỷ đồng, trong đó, đầu tư giai đoạn 1 với vốn đầu tư là 5 tỷ đồng, đang sắp xếp các hộ tiểu thương vào chợ để buôn bán. Nâng cấp, sửa chữa chợ Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo), tổng vốn đầu tư là 190 triệu đồng, đang xây dựng (tiến độ đạt khoảng 20%).
- Dự án đầu tư xây mới siêu thị Co.opMart Gò Công (thị xã Gò Công), diện tích 7.868 m²; tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 50,3 tỷ đồng; do Liên Hiệp HTX Thương Mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) làm chủ đầu tư. Hiện đã hoàn thành thủ tục xin đầu tư dự án và đang chuẩn bị khởi công xây dựng.
- Về công tác quản lý thị trường được thực hiện thường xuyên theo đúng kế hoạch, đồng thời còn thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường, kiểm tra đột xuất các lĩnh vực (an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm), các mặt hàng (sữa, rượu, thủy sản, đồ chơi trẻ em, xe đạp điện, mũ bảo hiểm, bánh trung thu…). Từ đầu năm đến nay, đã kiểm tra và phối hợp kiểm tra tổng cộng 3.063 vụ, phát hiện vi phạm 863 vụ và xử lý 863 vụ, thu thành tiền 6,1 tỷ đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường và Đoàn kiểm tra liên ngành 127/TG đã kiểm tra 2.760 vụ (tăng 21,4% so cùng kỳ), phát hiện vi phạm 831 vụ (tỷ lệ vụ vi phạm/số vụ kiểm tra giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước); xử lý 840 vụ và thu thành tiền 6,06 tỷ đồng (chủ yếu là hàng nhập lậu). Vi phạm nhiều nhất là hàng cấm (chiếm 26% tổng số vụ vi phạm), thu phạt nhiều nhất trong vi phạm về chất lượng và đăng ký kinh doanh (chiếm 52%). Phối hợp, hỗ trợ các ngành kiểm tra 303 vụ, phát hiện vi phạm 32 vụ và xử lý vi phạm 23 vụ, thu phạt 73,4 triệu đồng.
b) Lĩnh vực bưu chính, viễn thông: nhìn chung các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không ngừng đầu tư phát triển mạng lưới, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng các dịch vụ thông tin và truyền thông của nhân dân. Dự báo đến cuối năm 2014, tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng là 210.852 thuê bao (bao gồm thuê bao điện thoại cố định và di động trả sau); mật độ điện thoại bình quân đạt 12,4 thuê bao/100 dân. Số thuê bao Internet hiện có đạt 56.466 thuê bao; mật độ Internet bình quân đạt 3,3 thuê bao/100 dân. Tổng doanh thu đạt 1.248 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2013.
* Về đánh giá chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT- Index 2014): theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông” qua các năm có xếp hạng các lĩnh vực như: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực ứng dụng CNTT, sản xuất kinh doanh CNTT, môi trường tổ chức chính sách,...thì cho thấy trong năm 2014 Tiền Giang xếp hạng 27/63 tỉnh, thành trong cả nước (năm 2011: xếp hạng 42/63, năm 2012: 55/63, năm 2013: 55/63). Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân dẫn đến chỉ số ứng dụng CNTT đạt thấp ở các năm vừa qua, nên trong năm 2014, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước nên đã cho thấy chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh đã được cải thiện đáng kể.
- Về hạ tầng công nghệ thông tin:
+ Đã triển khai xây dựng và nâng cấp mạng nội bộ cho UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Thị xã Gò Công và TP. Mỹ Tho.
+ Mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng diện rộng của tỉnh đảm bảo hệ thống an toàn an ninh thông tin như hệ thống tường lửa, lọc thư rác,…cho 35/35 cấp sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện.
+ Nâng cấp và đưa vào sử dụng chính thức mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm báo cáo ICT-Index tháng 6/2014, số cơ quan đã triển khai như: cấp sở, ngành: 19/24; cấp huyện: 11/11; xã, phường: 80/173,...đảm bảo an toàn an ninh thông tin phục vụ tốt cho việc triển khai các ứng dụng CNTT theo mô hình tập trung cho toàn tỉnh.
- Về ứng dụng công nghệ thông tin:
+ Triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên phạm vi toàn tỉnh, trên 18.000 tài khoản người dùng đã cấp phát sử dụng góp phần tăng số lượng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước.
+ Nâng cao tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức sử dụng hộp thư điện tử, tăng cường rà soát, cấp phát hộp thư điện tử công vụ cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đến nay có 5.051 tài khoản (trước tháng 4/2013 có 2.926 tài khoản).
+ Nâng cấp và mở rộng Cổng thông tin điện tử Tiền Giang với 01 cổng chính và 35 cổng thông tin thành phần cho các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện. Số lượng thủ tục hành chính công trên các cổng thông tin của các cơ quan, đơn vị được cải thiện, trong tổng số 1.435 dịch vụ công, có 1.320 dịch vụ trực tuyến đạt mức độ 2; 115 dịch vụ đạt mức độ 3 (trước tháng 4/2013, số lượng dịch vụ công mức 3 là 0).
+ Triển khai thí điểm phần mềm một cửa điện tử tại UBND huyện Chợ Gạo; triển khai một số một số phần mềm chuyên ngành phục vụ cho một số đơn vị như: phần mềm quản lý Đoàn viên, phần mềm quản lý học sinh,… Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Cơ sở dữ liệu nhân khẩu ngành công an (Dự án quản lý nhân khẩu ngành Công an do công an tỉnh làm chủ đầu tư); cơ sở dữ liệu dân cư, hộ tịch, quản lý công chứng (Dự án tin học hóa công tác quản lý của Sở Tư pháp - giai đoạn 2); cơ sở dữ liệu cán bộ công chức: Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về cán bộ, công chức, viên chức do Sở Nội vụ làm chủ đầu tư.
c) Ngành dịch vụ vận tải: hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 tuyến xe buýt với 153 xe hoạt động (trong đó có 4 tuyến liên tỉnh với 54 xe) và một doanh nghiệp taxi Mai Linh với 75 xe. Các đơn vị vận tải đã ổn định giá cước trong điều kiện giá nhiên liệu luôn biến động. Khối lượng hàng hóa vận chuyển được 13.518 ngàn tấn tăng 5,2% so cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 1.234.783 ngàn tấn.km, tăng 6,3% so cùng kỳ. Khối lượng hành khách vận chuyển được 33.264 ngàn lượt khách, tăng 2,6%; khối lượng hành khách luân chuyển thực hiện 1.173.127 ngàn lượt khách.km, tăng 11,6% so cùng kỳ.
d) Về du lịch: hoạt động du lịch tiếp tục phát triển bền vững trên cả 3 mặt về lượng khách, cơ sở vật chất và doanh thu. Lượng khách đến tham quan, du lịch tăng so với cùng kỳ năm 2013. Tình trạng cạnh tranh về giá tour, nạn cò mồi du lịch cơ bản đã khắc phục, tuy nhiên vẫn còn hoạt động lén lút tại các điểm du lịch, chủ yếu tại khu du lịch Thới Sơn. Việc triển khai các dự án du lịch còn chậm; thu hút đầu tư chưa tương xứng tiềm năng của tỉnh; giá trị gia tăng chưa cao, dịch vụ phục vụ khách du lịch chưa đa dạng.Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh là 1.433,1 ngàn lượt tăng 4,6% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 474,9 ngàn lượt, đạt 100,3% so cùng kỳ.
5. Xuất, nhập khẩu:
- Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu lũy kế đến tháng 11 năm 2014 đạt 1,345 tỷ USD (tăng 40,3% so cùng kỳ), trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 56%, tăng 67,2%; dự kiến cả năm kim ngạch toàn tỉnh đạt 1,48 tỷ USD, đạt 126,5% kế hoạch, tăng 23,8% so cùng kỳ (năm 2013 tăng 22,8%). Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tốc độ khá cao và ổn định chủ yếu nhờ các mặt hàng chủ lực của tỉnh như dệt may (tăng 47,1%, chiếm 20% kim ngạch); thủy sản (tăng 10,8%, chiếm 21,4% kim ngạch), trong đó mặt hàng cá tra chiếm 89,7% sản lượng xuất khẩu thủy sản; gạo (tăng 10,2%, chiếm 20% kim ngạch),… Ngoài các mặt hàng trên, hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang phát triển mạnh góp phần tăng trị giá xuất khẩu của tỉnh như giày dép (tăng 41%), sản phẩm nhựa (tăng 84,7%), hàng hóa khác (tăng 82,6% so cùng kỳ).
- Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lũy kế đến tháng 11 năm 2014 thực hiện được 776,1 triệu USD tăng 45,3% so cùng kỳ, trong đó kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện được 532 triệu USD tăng 54% so cùng kỳ. Chủ yếu là nhập nguyên, phụ liệu cho sản xuất (khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu); trị giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 166,8 triệu USD (tăng 118,9%), vải may mặc đạt 119,4 triệu USD (tăng 78%),... Dự kiến cả năm 2014 kim ngạch nhập khẩu đạt 878 triệu USD, đạt 146,3% kế hoạch, tăng 28,1% so với năm 2013.
6. Phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể:
- Về đăng ký kinh doanh, trong 11 tháng đầu năm tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 356 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 1.352,7 tỷ đồng, giảm 1,1% về số doanh nghiệp nhưng lại tăng 22,9% về vốn đăng ký. Có 217 doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn với tổng vốn tăng thêm 2.083 tỷ đồng, tăng 34,8% về số doanh nghiệp và tăng 3,3 lần số vốn đăng ký bổ sung. Ngoài ra, còn cấp giấy giấy chứng nhận đăng ký hoạt động 70 chi nhánh, 11 văn phòng đại diện (so cùng kỳ năm 2013 tăng 03 chi nhánh và bằng về số văn phòng đại diện). Ngoài ra, có 61 doanh nghiệp giải thể, có 39 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh do kinh doanh không hiệu quả (so với cùng kỳ năm 2013 có 65 doanh nghiệp giải thể và 19 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh); có 25 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình (tăng 04 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2013). Tính đến ngày 30/9/2014, trên toàn tỉnh có 5.290 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 37.729,5 tỷ đồng, tỷ lệ doanh nghiệp hiện còn đang hoạt động chiếm khoảng 62,6% trên tổng số doanh nghiệp.
Nhìn chung, trong 11 tháng đầu năm, tỉnh đã tập trung triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, giá cả, thị trường khá ổn định, cung - cầu hàng hóa được bảo đảm. Lãi suất được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình sản xuất kinh doanh có xu hướng được cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Doanh nghiệp hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin thị trường, các nguồn vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, đào tạo phát triển nguồn nhân lực,...
- Hoạt động kinh tế tập thể, dự kiến trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh hỗ trợ thành lập mới 17 tổ hợp tác, 07 hợp tác xã; tính đến cuối năm, toàn tỉnh có 01 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 102 hợp tác xã và 1.450 tổ hợp tác (trong đó chỉ có 451/1.450 tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực theo đúng Nghị định 151/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ. Tổng vốn hoạt động của các HTX, THT trong toàn tỉnh là 1.663,574 tỷ đồng, có 54.563 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 11.877 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã khoảng 30,4 triệu đồng/người/năm.
- Về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, quyết định thành lập 3 ban chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) và tổ giúp việc để thực hiện CPH tại các công ty TNHH một thành viên: Cấp nước Tiền Giang, Cấp nước nông thôn Tiền Giang và Công trình đô thị thị xã Gò Công. Hiện tại công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho đã thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án CPH và lập phương án sử dụng đất sau khi CPH. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thông qua Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang; bên cạnh đó xem xét không cho chuyển nhượng đối với dự án Cấp nước tại 05 xã cù lao của Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang.
II. CÙNG VỚI CẢ NƯỚC THỰC HIỆN MỤC TIÊU ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT:
1. Về giá cả và lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm 0,09% so tháng 10; so tháng 12 năm trước tăng 2,88%, bình quân 11 tháng năm 2014 so với bình quân 11 tháng năm 2013 tăng 4,29%. Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 12 năm 2014 do thời điểm cuối năm sẽ có xu hướng tăng nhẹ từ 0,2 đến 0,5% so với tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 tăng khoảng 3,1% đến 3,4% so với tháng 12 năm 2013 (cả nước dự kiến tăng 4,5-4,7%).
2. Tín dụng - ngân hàng:
Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tiền Giang tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chủ trương chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/01/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014.
- Về công tác huy động vốn, tuy lãi suất huy động thấp hơn so với các năm trước nhưng tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn thuận lợi và liên tục tăng trưởng từ đầu năm đến nay với tốc độ tăng trưởng bình quân là 1,7%/tháng, do tâm lý của người dân gửi tiền vào ngân hàng vẫn là ưu tiên trong thời buổi kinh tế khó khăn và giá vàng liên tục giảm trong năm. Kết quả đến ngày 28/10/2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 30.838 tỷ, tăng 4.979 tỷ so đầu năm, tỷ lệ tăng 19,3%. Dự kiến đến cuối năm 2014, tổng nguồn vốn huy động năm 2014 trên địa bàn tỉnh ước đạt 31.807 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm.
- Về công tác tín dụng, trong những tháng đầu năm 2014, tình hình cấp tín dụng gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng giai đoạn này rất thấp (khoảng 0,96%) do hệ thống các ngân hàng sẵn sàng cung cấp tín dụng và doanh nghiệp cũng cần vốn để sản xuất, kinh doanh nhưng doanh nghiệp đã vay hết trên tài sản thế chấp, ngân hàng không thể cho vay tiếp và do tình hình kinh tế khó khăn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, không có tài sản thế chấp nên ngân hàng cũng không thể cho vay. Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng với các thành phần kinh tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vốn cho các thành phần kinh tế như cơ cấu nợ, cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, tiếp cận các thành phần kinh tế. Theo xu hướng vào thời điểm cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc, người dân tập trung vốn để sản xuất hàng hoá, dự trữ cho dịp Tết Nguyên đán, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng. Kết quả, đến ngày 28/10/2014 tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 21.520 tỷ, tăng 1.912 tỷ so với đầu năm, tỷ lệ tăng 9,75%. Dự kiến năm 2014, tổng dư nợ cho vay đạt 22.157 tỷ, tăng 13% so với đầu năm; nợ xấu, chiếm tỷ lệ 2% trên tổng dư nợ cho vay với số dư 443 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,13% so năm 2013.
3. Thu, chi ngân sách:
Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2014 ước đạt 4.401 tỷ đồng, đạt 118,8% so dự toán, tăng 10,2% so với năm 2013. Bao gồm các khoản thu chủ yếu như: thu nội địa là 3.026 tỷ đồng (đạt 108,9%, tăng 6,3%), thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ đồng (đạt 241,5%, tăng 115,3%), thu xổ số kiến thiết 950 tỷ đồng (đạt 126,7%, bằng 99,8% so với năm 2013).
Ước thực hiện tổng chi ngân sách địa phương là 8.089,6 tỷ đồng, đạt 134% so với dự toán, tăng 24,7% so với năm 2013; trong đó chi đầu tư phát triển là 2.626,9 tỷ đồng, tăng 41,9% so với năm 2013, chi thường xuyên 4.830,8 tỷ đồng, đạt 110,8% so với dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
4. Huy động vốn đầu tư cho phát triển:
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm 2014 đạt 21.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 11,9% so với năm 2013 (năm 2013 tăng 13,3%). Trong đó:
a) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB): kế hoạch đầu tư XDCB từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong năm 2014 với tổng vốn đầu tư là 1.618,3 tỷ đồng. Trong đó: vốn trong cân đối ngân sách địa phương là 419,5 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 132,6 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc là 54,2 tỷ đồng, vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết là 750 tỷ đồng, vốn từ nguồn tăng thu xổ số kiến thiết năm 2013 chưa bố trí chuyển sang năm 2014 là 200 tỷ đồng và vốn ODA là 62 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cả năm 2014 là 1.844,3 tỷ đồng (tăng 226,9 tỷ đồng so kế hoạch).
Ước cả năm 2014, tổng giá trị khối lượng thực hiện là 1.991,1 tỷ đồng và giá trị giải ngân chung tất cả nguồn vốn là 1.845,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong đó: cấp tỉnh đã bố trí vốn triển khai thực hiện 110 công trình, cấp huyện 208 công trình và cấp xã là 454 công trình (chủ yếu là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô nhỏ của cấp xã). Ước thực hiện cả năm, cấp tỉnh hoàn thành 49/110 công trình, cấp huyện hoàn thành 160/208 công trình, cấp xã hoàn thành 409/454 công trình; các công trình còn lại đang tiếp tục thực hiện theo kế hoạch và chuyển tiếp sang năm 2015.
b) Tình hình thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm của Tỉnh:
- Dự án Quảng trường trung tâm tỉnh: đến nay đã có 521/601 hộ đồng ý nhận tiền, đạt 86,7% số hộ GPBM; đã thực hiện chi trả cho 514 hộ với số tiền 389,66 tỷ đồng và đã có 488/514 hộ bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 27,51/32,33 ha, đạt 85,1% diện tích GPMB; còn 80 hộ chưa đồng ý nhận tiền do chưa đồng ý về đơn giá đất, đơn giá vật kiến trúc và đề nghị được chính sách tái định cư. Hiện nay, UBND tỉnh đã thống nhất phương án bố trí tái định cư cho dự án, đang tiếp tục vận động các hộ còn lại nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thi công gói thầu san nền toàn khu thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật trong tháng 12/2014.
- Dự án Quảng trường (Sân lễ) và Dự án Hạ tầng kỹ thuật: Dự án đã được chuyển đổi chủ đầu tư từ Sở Xây dựng sang Ban Quản các dự án tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, dự án Hạ tầng kỹ thuật đang tong giai đoạn xét thầu và chuẩn bị thi công gói thầu “San nền toàn khu”, phấn đấu đến cuối năm 2014 có mặt bằng tổ chức hội chợ tại khu vực này trong dịp Tết Nguyên đán 2015. Riêng dự án Sân lễ Quảng trường trung tâm đang hoàn tất hồ sơ thủ tục đầu tư theo quy định để làm cơ sở bố trí vốn và triển khai thực hiện trong năm 2015.
Về vốn đầu tư, tỉnh đã bố trí và tạm ứng cho Tiểu dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Quảng trường trung tâm tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 1) với số vốn là 457,7 tỷ đồng, riêng trong năm 2014 là 387,2 tỷ đồng và cho dự án Hạ tầng kỹ thuật – Quảng Trường Trung tâm tỉnh là 10 tỷ đồng, đủ vốn để thực hiện công tác GPMB và thi công trong các tháng cuối năm 2014.
- Dự án Khu tái định cư Đạo Thạnh: gồm 02 tiểu dự án như sau:
+ Tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng (8,44 ha): đến nay đã có có 84/111 hộ đồng ý nhận tiền, đạt 75,7% số hộ GPBM, đã thực hiện chi trả cho 83 hộ với số tiền 49,2 tỷ đồng. Đến nay, đã có 72/111 hộ đã bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 5,56/8,44 ha, đạt 65,9% diện tích GPMB. Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang phối hợp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP.Mỹ Tho tiếp tục vận động 27 hộ còn lại nhận tiền và bàn giao mặt bằng đến hết năm 2014.
+ Dự án Đầu tư hạ tầng Khu tái định cư Đạo Thạnh: đã hoàn thành công tác rà phá bơm mìn, đang tổ thức thi công gói thầu “san lấp mặt bằng, hệ thống thoát nước và nền đường” dự kiến trong năm 2014 đạt 49% khối lượng.
Về vốn đầu tư, tỉnh đã bố trí cho 02 tiểu dự án thuộc dự án Khu tái định cư Đạo Thạnh là 71,7 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 41,7 tỷ đồng, đủ vốn để thực hiện công tác GPMB và thi công trong các tháng cuối năm 2014.
- Các dự án trường học (Trường Trung học phổ thông chuyên Tiền Giang và Khoa Khoa học Cơ bản - Trường Đại học Tiền Giang): đang thi công theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Trong đó:
+ Trường Trung học phổ thông Chuyên Tiền Giang: đã nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục chính “Khối hành chánh, lớp học, phòng học bộ môn, nhà đa năng”, hiện đang triển khai các hạng mục phụ và dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trước năm học mới 2015.
+ Khoa Khoa học Cơ bản - Trường Đại học Tiền Giang: đã nghiệm thu đưa vào sử dụng các đơn nguyên 1, 2, 3 và đang thi công các đơn nguyên 4, 5, 6 đạt 60% khối lượng; dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 6/2015 để đưa vào sử dụng, phục vụ cho sinh viên lên học trong năm học 2015-2016.
Về vốn đầu tư đã bố trí vốn cho các dự án như sau: Trường Trung học phổ thông chuyên Tiền Giang: tổng số vốn đã bố trí là 162,2 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 43 tỷ đồng. Khoa Khoa học Cơ bản - Trường Đại học Tiền Giang với tổng số vốn đã bố trí là 205,7 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 45 tỷ đồng.
- Dự án Đường Lê Văn phẩm (đoạn 2):
+ Giai đoạn 1 (đoạn từ đường Nguyễn Thị Thập đến đê Hùng Vương): đang thi công xây dựng nền mặt đường, hệ thống thoát nước, bó vỉa, vỉa hè, cầu và cống qua đường, dự kiến trong năm 2014 hoàn thành 60% khối lượng xây lắp; đồng thời đã tiến hành chi trả tiền cho 47/51 hộ đạt 92,2%, còn loại 04 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường do chưa đồng ý về đơn giá đất, vật kiến trúc và chính sách tái định cư.
Hiện đang tiếp tục vận động, củng cố hồ sơ chi trả cho các hộ còn lại. Phấn đấu hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cuối năm 2014 và thi công hoàn thành công trình đồng bộ với Dự án Trường Trung học phổ thông chuyên Tiền Giang trong 2015. Tổng số vốn đã bố trí cho dự án là 51 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 9 tỷ đồng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 1 do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
+ Giai đoạn 2: đầu tư dự án Khu nhà ở thương mại kết hợp đầu tư giai đoạn 2 đường Lê Văn Phẩm (đổi đất lấy hạ tầng). Chủ đầu tư dự án (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang) đã phối hợp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP. Mỹ Tho hoàn thành công tác kiểm kê, áp giá theo Luật Đất đai mới năm 2013 cùng Nghị định hướng dẫn có liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, dự kiến đến cuối năm 2014 hoàn thành công tác trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và thông báo cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Dự kiến sẽ hoàn tất hồ sơ thủ tục và thực hiện chi trả cho dân trong quí I/2015 và tiến hành thi công xây dựng công trình trong quí II/2015.
- Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang: Sở Y tế đang phối hợp tư vấn hoàn chỉnh quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa mới có quy mô 1.000 giường với tổng mức đầu tư khoảng 2.345 tỷ đồng trên khu đất quy hoạch rộng 08 ha (Khu đất Đồng Sen) tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tỉnh đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức tài trợ để vận động nguồn vốn ODA thực hiện dự án. Đồng thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 để lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư dự án.
Các khó khăn, vướng mắc hiện nay là dự án quy mô vốn đầu tư lớn trên 2.345 tỷ đồng, khả năng huy động các nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, tỉnh đã giao cho Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu, phân chia giai đoạn đầu tư theo các tiểu dự án ưu tiên hoặc theo từng khu chức năng, từng yêu cầu điều trị chuyên sâu để đa dạng hóa các hình thức kêu gọi đầu tư và huy động các nguồn vốn đầu tư khác nhau.
Đồng thời, để khắc phục nhanh tình trạng quá tải giường bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tỉnh đã cho cho thực hiện xã hội hóa đầu tư công trình Khu điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao và chuẩn bị Cải tạo sửa chữa BVĐK Trung tâm Tỉnh tại Khu Bệnh viện hiện hữu trong cuối năm 2014.
- Dự án Trụ sở làm việc các sở, ngành tỉnh: Dự án đã được chuyển đổi chủ đầu tư từ Sở Xây dựng sang Ban Quản các dự án tỉnh Tiền Giang. Chủ đầu tư đã hoàn chỉnh hồ sơ dự án và thiết kế cơ sở theo ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định gửi Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế cơ sở theo quy định dự án nhóm A. Dự kiến trình thẩm định phê duyệt dự án cuối năm 2014 đầu năm 2015.Trên cơ sở dự án được duyệt, chủ đầu tư tiếp tục lập kế hoạch kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện dự án. Phấn đấu khởi công trong năm 2016.
- Các dự án Ký túc xá sinh viên: Các dự án Ký túc xá sinh viên tỉnh Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh và Ký túc xá sinh viên trường Đại học Tiền Giang đã được chuyển đổi chủ đầu tư từ Sở Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Tiền Giang sang Ban Quản lý các dự án tỉnh.
Ban Quản lý các dự án tỉnh và các đơn vị có liên quan đã hoàn chỉnh hồ sơ dự án và trình UBND tỉnh phê duyệt văn bản đăng ký vay vốn gửi Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định việc cho vay vốn Chương trình xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP.
Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc vay vốn từ Chương trình xây dựng nhà ở xã hội theo quy định đối tượng là Doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý các dự án tỉnh không thuộc đối tượng được tiếp nhận vốn vay.
Ban Quản lý các dự án tỉnh đã hoàn chỉnh dự án gửi hồ sơ và làm việc Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, hỗ trợ cho Ban Quản lý các dự án tỉnh được trực tiếp vay vốn từ Chương trình xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện các dự án ký túc xá sinh viên. Hiện nay tỉnh đang chờ văn bản phê duyệt chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và mức vốn cho vay thực hiện dự án.
- Các dự án Đường tỉnh 878, Đường tỉnh 871B và Đường tỉnh 867:
+ Dự án Đường tỉnh 871B: Hiện nay đang tiến hành các quy trình, thủ tục kiểm kê, áp giá, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Luật Đất đai mới năm 2013 cùng Nghị định hướng dẫn có liên quan. Dự kiến đến cuối năm 2014 hoàn thành công tác trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Phấn đấu khởi công xây dựng công trình vào đầu năm 2015.
+ Dự án Đường tỉnh 878: UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh dự án; trong đó chuyển đổi chủ đầu tư từ Sở Giao thông vận tải sang Ban Quản lý các dự án tỉnh, chuyển đổi hình thức đầu tư từ Hợp đồng BT sang đầu từ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Đoạn nhánh rẽ 700m từ Đường tỉnh 878 đến nút giao Thân Cửu Nghĩa, Công ty TNHH phát triển KCN Long Giang cam kết tìm nguồn vốn đầu tư.
+ Dự án Đường tỉnh 867 (đoạn từ QL.1 đến Trường THCS Long Định; xây dựng cầu Ba Râu, cầu Dừa): hiện đang tiến hành thi công phần đường và hệ thống thoát nước các đoạn đã được giải phóng mặt bằng đạt 30% khối lượng. Địa phương đã hoàn thành công tác kiểm kê, áp giá theo Luật Đất đai mới năm 2013 cùng Nghị định hướng dẫn có liên quan trình thẩm định, phê duyệt theo qui định. Dự kiến trong năm 2015, tiến hành chi trả cho dân và thực hiện thi công hoàn thành phần đường, hệ thống thoát nước và cầu Ba Râu, cầu Dừa.
- Dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án TP. Mỹ Tho (có tổng mức đầu tư là 1.152,5 tỷ đồng trong đó, vốn ODA chiếm 70%, vốn đối ứng 30%), được thực hiện từ năm 2012 đến hết năm 2017. Hiện dự án đang được triển khai các hạng mục đầu tư giai đoạn 1 gồm: 06 trường học, 03 nhà văn hóa, đường Lộ Me và Khu tái định cư Mỹ Phong, 06 khu Lia (5, 6, 10, 11, 12, 14), cải tạo Rạch Bạch Nha đạt 15% tổng khối lượng. Công tác giải phóng mặt bằng đã tiến hành chi trả tiền cho các hộ dân như sau: đường Lộ Me được 60/60 hộ đạt 100%, Khu tái định cư Mỹ Phong được 112/135 hộ đạt 82%, 06 khu Lia (5, 6, 10, 11, 12, 14) được 417/547 hộ đạt 76,2%, cải tạo Rạch Bạch Nha được 80/115 hộ đạt 70%.
Đánh giá chung, tình hình triển khai thực hiện các công trình, hạng mục công trình thuộc dự án cơ bản còn chậm so với tiến độ kế hoạch của chương trình, dự án đã được phê duyệt. Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu là công tác GPMB. Trong đó, công trình Khu Tái định cư Mỹ Phong còn 26/131 hộ chưa đồng ý nhận tiền, còn khiếu nại về vấn đề giá đất, giá nhà, vật kiến trúc, giá nền tái định cư. TP. Mỹ Tho sẽ tiếp tục công tác vận động, chi trả cho các hộ dân và củng cố hồ sơ để thực hiện cưỡng chế trước một số hộ để có mặt bằng triển khai thi công công trình trong quý IV/2014.
b) Vốn tín dụng đầu tư: dự kiến trong năm 2014, Quỹ Đầu tư Phát triển của tỉnh và Ngân hàng Phát triển chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã giải ngân cho các đơn vị (cho vay các dự án, cho vay hỗ trợ phát triển HTX) với số tiền là 200,4 tỷ đồng, đạt 90,3% so kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ.
c) Vốn ODA, tiếp tục thực hiện 07 dự án đã triển khai; ước giá trị giải ngân vốn ODA cả năm 2014 đạt 444,7 tỷ đồng (vốn ODA: 233,3 tỷ đồng, vốn đối ứng: 211,4 tỷ đồng); tỷ lệ giải ngân đạt 83,6% so với kế hoạch đề ra. Các dự án ODA có tổng mức đầu tư lớn như: dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiểu dự án TP. Mỹ Tho, dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam, dự án đầu tư Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL và Dự án Xử lý chất thải y tế.
d) Đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 2014 đã cấp mới 07 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 26,7 triệu USD, giảm 01 dự án và giảm 69% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ; ngoài ra, có 06 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng mức đầu tư tăng thêm là 46 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 72,7 triệu USD, giảm 62% so với cùng kỳ. Vốn FDI ước cả năm 2014 thực hiện khoảng 93,3 triệu USD, giảm 38%; nộp ngân sách đạt 40,5 triệu USD, tăng 58%; tạo việc làm cho 56.000 lao động, tăng 24% so với năm 2013. Tình hình thu hút vốn đầu tư mới, vốn đăng ký bổ sung và vốn thực hiện thấp hơn so với cùng kỳ; tuy nhiên thu ngân sách đã tăng đáng kể so với năm 2013, do năm 2013 các doanh nghiệp FDI đã tập trung tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nên năm 2014 doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định để khai thác tối đa nguồn vốn đã đầu tư vào máy móc, thiết bị và nhà xưởng qua đó thu được nhiều lợi nhuận.
III. GIÁO DỤC ĐÀO TẠO, KHOA HỌC CÔNG NGHỆ:
1. Giáo dục và đào tạo:
Giáo dục và đào tạo tiếp tục ổn định và phát triển về qui mô; chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo ở các ngành học, bậc học được giữ vững và ngày càng nâng cao. Mạng lưới trường lớp được kiện toàn và phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
- Về số học sinh,năm học 2014-2015, nhà trẻ 4.950 cháu, tỷ lệ huy động 8,0% so dân số độ tuổi; mẫu giáo 51.300 cháu, đạt tỷ lệ 69,5% so độ tuổi; tiểu học 138.270 học sinh, đạt tỷ lệ 100% so với độ tuổi; trung học cơ sở 102.700 học sinh, đạt tỷ lệ 98% so độ tuổi; trung học phổ thông 37.880 học sinh, chiếm tỷ lệ 49,9% so với dân số trong độ tuổi.
- Về đội ngũ giáo viên,toàn ngành có 20.764 cán bộ, giáo viên và nhân viên, cơ bản đáp ứng nhu cầu số lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức cho các cấp học. Thực hiện kiện toàn công tác quản lý cán bộ và công tác quy hoạch cán bộ của ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ.
- Về cơ sở vật chất, tập trung xây dựng mới phòng học, phòng hành chính quản trị, phòng thực hành thí nghiệm, thay thế dần các phòng học xuống cấp nặng; mua sắm thêm thiết bị dạy học, tạo điều kiện quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường và đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 9.750 phòng học, giảng đường ở giáo dục mầm non, phổ thông, THCN, cao đẳng, đại học; trong đó có 7.036 phòng học kiên cố, chiếm tỉ lệ 73% tổng số phòng.
- Về đào tạo đại học, quy mô học sinh, sinh viên đang học tại Trường Đại học Tiền Giang là 9.819 sinh viên. Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 được tổ chức nghiêm túc và kỷ cương; công tác chấm thi và công bố kết quả thi của Trường đảm bảo đúng quy định, kết quả có 1.483 sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng năm 2014, đạt 60,5% chỉ tiêu.
- Về đào tạo nghề, đến nay, các trường đã tiếp nhận nhập học được 463 hồ sơ tuyển sinh trung cấp, cao đẳng nghề. Các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã chiêu sinh và tổ chức dạy nghề cho 7.250 học viên sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Các huyện và cơ sở dạy nghề cấp tỉnh đã tổ chức 178 lớp với 4.960 lao động. Ước đến cuối năm sẽ đào tạo khoảng 10.000 học sinh; trong đó hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn khoảng 6.700 lao động.
2. Hoạt động khoa học công nghệ:
Tập trung đưa khoa học công nghệ gắn liền phát triển kinh tế qua các chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.
- Về lĩnh vực quản lý đề tài, dự án, đến nay đã tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện, nghiệm thu giai đoạn 18 chương trình, đề tài, dự án chuyển tiếp; đã tổ chức nghiệm thu kết thúc 07 chương trình, đề tài, dự án cấp tỉnh và 06 đề tài, dự án cấp cơ sở.
- Về lĩnh vực quản lý sở hữu trí tuệ và sản phẩm chủ lực, hỗ trợ xác lập quyền các đối tượng sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các cơ sở, doanh nghiệp đối với 40 nhãn hiệu hàng hóa, 02 Sáng chế/giải pháp hữu ích; hoàn chỉnh dự án Quảng bá và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) Chợ Gạo cho sản phẩm Thanh Long, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chờ thông qua Hội đồng phê duyệt nội dung lần II; hoàn tất, nhận Quyết định hợp lệ các hồ sơ đăng bạ nhãn hiệu công nghiệp (NHCN), NHTT: Yến sào Gò Công, Mãng cầu xiêm Tân Phú Đông, Rau an toàn Gò Công.
- Về lĩnh vực quản lý đo lường chất lượng, thường xuyên tiến hành kiểm định các cơ sở kinh doanh dụng cụ ngành nước, công tơ điện, cơ sở kinh doanh vàng bạc, xăng dầu,…trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã kiểm định tổng số 42.493 lượt phương tiện đo với tỉ lệ sai hỏng 2%, giảm 1,5% so cùng kỳ.
IV. Y TẾ, LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, PHÚC LỢI XÃ HỘI, GIẢM NGHÈO VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC:
1. Về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân:
Công tác phòng chống dịch bệnh được theo dõi, giám sát thường xuyên, không xảy ra dịch. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2013 có 10 bệnh tăng (sốt phát ban; liên cầu lợn; bệnh cúm thông thường; ho gà; thương hàn-phó thương hàn; viêm não; viêm gan virus; bệnh thủy đậu), 4 bệnh giảm (bệnh lỵ trực trùng; bệnh tiêu chảy; bệnh Quai bị; Cúm AH1N1), một số bệnh tương đương hoặc không xảy ra. Trong 9 tháng đầu năm, bệnh sốt xuất huyết xảy ra 534 ca, giảm 56% so với cùng kỳ và có 02 trường hợp tử vong; phát hiện 06 ca bệnh sốt rét, tương đương so cùng kỳ; số bệnh nhân tâm thần mới phát hiện 705 người, giảm 25,4% so với cùng kỳ. Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên được tổ chức kiểm tra. Trong kỳ đã xảy ra 06 vụ ngộ độc thực phẩm với 145 người mắc, trong đó có 2 cas tử vong do ngộ độc con So biển.
Tình hình khám chữa bệnh tại các tuyến tương đối ổn định, vẫn còn tình trạng quá tải cục bộ tại một số đơn vị, trong đó có quá tải về khám BHYT. Vì vậy, ngành y tế đã chủ động xây dựng Đề án giảm quá tải bệnh viện và trước mắt là hướng dẫn các đơn vị xây dựng chi tiết Đề án giảm tải trong khám chữa bệnh bằng giải pháp phòng khám vệ tinh. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 101% nhưng tại các phòng khám thuộc trung tâm y tế còn thấp, đạt 65,8%. So với cùng kỳ năm 2013, số lần khám chữa bệnh giảm 0,8%, số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 2,01%, số ngày điều trị nội trú tăng 0,45%.
Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn giữ vững tiến độ theo kế hoạch; ngành tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về dân số-chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, song song với chỉ đạo tuyến chuyên môn kỹ thuật để nâng cao chất lượng chăm sóc và hạ đến mức thấp nhất tỷ suất tử vong ở bà mẹ mang thai, duy trì giảm thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.
2. Về lao động, việc làm:
Công tác cho vay giải quyết việc làm,do Trung ương không bổ sung vốn, các địa phương giải ngân các dự án cho vay hỗ trợ việc làm trên cơ sở vốn thu hồi. Tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm 82.990 triệu đồng; doanh số cho vay đến nay là 18.662 triệu đồng, với trên 1.473 dự án vay; thu hồi vốn 21.697 triệu, dư nợ 78.958 triệu đồng.
Về công tác xuất khẩu lao động, đã xuất cảnh được 138 lao động, hiện còn 18 lao động đang chờ xuất cảnh, dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ xuất khẩu được 150 lao động, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm.
Về giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đến nay có 7.344 trường hợp đăng ký, trong đó có 6.850 trường hợp đã có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả tương đương 54,5 tỷ đồng.
Ước năm 2014 sẽ tạo việc làm cho 24.000 lao động, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm.
3. Về công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và các vấn đề xã hội khác:
a) Về công tác giảm nghèo, thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo như tín dụng, hỗ trợ sản xuất, y tế, giáo dục, tiền, hiện vật...tổ chức tặng quà hỗ trợ 28.336 hộ nghèo đón tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 với tổng kinh phí là 5.667,2 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương; vận động xã hội hỗ trợ quà cho người nghèo đón Tết gồm: 33.296 phần quà, với tổng số tiền 9.572,5 triệu đồng; 19.271 phần quà cho hộ cận nghèo với số tiền là 5.813,8 triệu đồng; tổ chức đoàn kiểm tra giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo tại các huyện, thành, thị nhằm nắm bắt tình hình thực hiện, đánh giá những thuận lợi, khó khăn vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ và tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế trong giai đoạn 2013-2015.Ước năm 2014 có 5.200 hộ thoát nghèo, đạt 86,7% so kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 5,17% (kế hoạch 5%).
b) Thực hiện chính sách với người có công, tổ chức vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được gần 9,8 tỷ đồng. Từ nguồn vận động đã tổ chức bàn giao đưa vào sử dụng 114 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí là 4,2 tỷ đồng; sửa chữa 53 căn, tổng kinh phí 860 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 394 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 16,9 tỷ đồng, sửa chữa 64 ngôi nhà với kinh phí trên 1,4 tỷ đồng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các đoàn thăm hỏi tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 với tổng trị giá trên 11,8 tỷ đồng.
c) Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trong 9 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã cấp 16.284 thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, nâng đến nay toàn tỉnh đã cấp 150.026/150.808 thẻ, chiếm tỷ lệ 99,48%.Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động đến thăm, tặng quà và tổ chức Tết Trung thu cho 20.116 trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; riêng cấp tỉnh đã tổ chức Đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm và tặng quà Trung thu cho 12 đơn vị xã, phường, thị của 11 huyện, thành, thị và trẻ em Trung tâm Bảo trợ Xã hội với 1.515 phần quà, tổng kinh phí 168 triệu đồng. Đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động được 5 tỷ đồng (trong đó tiền mặt 01 tỷ đồng; hàng hóa 04 tỷ đồng). Từ nguồn vận động đã tổ chức giúp đỡ cho trên 7.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh.
d) Phòng chống tệ nạn xã hội,tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức với nội dung tuyên truyền về tác hại của tệ nạn mại dâm, ma túy, ngăn ngừa tệ nạn mua bán người; tổ chức triển khai các Mô hình về phòng, chống mại dâm năm 2014 tại xã Song Bình huyện Chợ Gạo và xã Trung An TP. Mỹ Tho. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh tiếp nhận mới và tổ chức cai nghiện cho tổng số 186 đối tượng. Đến nay, toàn tỉnh có 117 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
4. Về văn hóa, thông tin, thể dục thể thao:
Các hoạt động văn hoá được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi với nội dung phong phú đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, gắn liền với những ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước.Thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đến nay có 429.088 hộ/429.159 hộ trên địa bàn toàn tỉnh đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 99,9%; có 951/1.018 ấp, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 93,4%; về xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng có 26 chợ văn hóa, 9 công viên văn hóa, 188 con đường văn hóa và 273 cơ sở thờ tự văn hóa.
Hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao được chú trọng. Phong trào quần chúng được duy trì từ tỉnh đến cơ sở; đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh Tiền Giang lần VII năm 2014 với 2.300 vận động viên tham gia thi đấu 19 môn của Đại hội. Thể thao thành tích caonăm 2014 đạt được 60 huy chương tại các giải, trong đó có: 10 huy chương vàng, 20 huy chương bạc và 30 huy chương đồng.
(Nguồn: www.tiengiang.gov.vn)