Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự điều hành tập trung, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung vào 04 lĩnh vực đột phá mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, thành phần kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định; dự báo 21/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, cụ thể kết quả ước thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2014 như sau:
(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) đạt 15,52%. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 25,0 triệu đồng/người/năm.
(2) Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 1994) đạt 4.528,9 tỷ đồng, đạt 100,6% so với kế hoạch. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 107,2%.
(3) Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá cố định năm 1994) 2.242,9 tỷ đồng. Sản lượng lương thực trên 33,99 vạn tấn, đạt 102% kế hoạch.
(4) Trồng mới 13.771 ha rừng tập trung (trong đó diện tích rừng sản xuất 13.306 ha).
(5) Làm mới 455 km đường bê tông thôn, bản, đạt 103% kế hoạch.
(6) Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội 12.871 tỷ đồng, đạt 107,3% kế hoạch và tăng 59% so với năm 2013.
(7) Giá trị xuất khẩu hàng hóa 61,44 triệu USD, đạt 102% kế hoạch.
(8) Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trên 1.440,73 tỷ đồng; trong đó thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 1.050 tỷ đồng.
(9) Thu hút 1.000 nghìn lượt khách du lịch; doanh thu du lịch trên 920 tỷ đồng.
(10) Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học; duy trì 100% xã, phường, thị trấn giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
(11) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 17,1% (kế hoạch 17,1%); đạt 7,2 bác sỹ/10.000 dân (kế hoạch 7,1 bác sỹ/10.000 dân).
(12) Cấp 40.973 thẻ bảo hiểm y tế cho người nông dân.
(13) Tạo việc làm cho 20.950 lao động, trong đó xuất khẩu 531 lao động đi làm việc ở nước ngoài; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42,7%.
(14) Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,93% xuống còn 13,09% (giảm 4,84%).
(15) Tỷ lệ thôn, bản, tổ nhân dân đạt danh hiệu văn hóa 70,7% (kế hoạch 70,7%); hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa 82,5% (kế hoạch 82,5%).
(16) Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96,2% (kế hoạch 96,1%).
(17) Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60% (kế hoạch trên 60%).
(18) Tỷ lệ hộ dân thành thị được sử dụng nước sạch 98%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 71,5%.
(19) Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên 90% (kế hoạch 90%).
(20) Tỷ lệ chất thải rắn thông thường được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt trên 90% (kế hoạch 90%).
(21) Tỷ lệ các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt trên 80% (kế hoạch 80%).
I. Về phát triển kinh tế
1. Sản xuất công nghiệp
Tiếp tục thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang; huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Long Bình An và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề nghị Chính phủ bổ sung Khu công nghiệp Sơn Nam vào quy hoạch Khu công nghiệp của cả nước.
Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp. Công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng; giá trị sản xuất công nghiệp (Giá cố định năm 1994) đạt 100,6% kế hoạch, tăng 32% so với năm 2013. Một số sản phẩm chủ yếu tăng khá so với năm 2013, như: điện thương phẩm, bột barite, bột fenspat, hàng dệt may, chè chế biến, gỗ tinh chế,... Đưa vào sản xuất Nhà máy luyện gang Tuyên Quang (giai đoạn I); Nhà máy Giấy tráng phấn cao cấp. Tiếp tục triển khai thực hiện dự án Nhà máy luyện Antimon Lâm Bình, Nhà máy Thủy điện Yên Sơn, và một số dự án khác.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới
Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng cam sành tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014-2020; xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu mía đường của tỉnh.
Sản xuất nông, lâm nghiệp đúng khung thời vụ; sản lượng lương thực trên 33,99 vạn tấn (trong đó thóc 26,47 vạn tấn, ngô 7,52 vạn tấn); phát triển ổn định các vùng chuyên canh với trên 8.530 ha chè, 10.717 ha mía nguyên liệu và trên 7.000 ha cây ăn quả. Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; diện tích nuôi thả cá 11.228 ha, sản lượng thuỷ sản 6.183 tấn.
Tuyên truyền, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân tập trung các điều kiện đẩy nhanh tiến độ trồng rừng; diện tích trồng rừng ước 14.337 ha đạt 103,9% kế hoạch (trong đó trồng rừng tập trung 13.771 ha, đạt 103,5% kế hoạch); tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%.
Rà soát, xây dựng kế hoạch và huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới cho 07 xã điểm và 02 xã bổ sung đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015; triển khai xây dựng mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân tại các xã điểm. Đến nay 7/7 xã điểm đã hoàn thành các tiêu chí về: quy hoạch, thủy lợi, bưu điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và giáo dục; có 2/7 xã đạt tiêu chí về điện; 4/7 xã đạt tiêu chí trường học; 2/7 xã đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới đảm bảo đạt tiêu chí Nhà văn hóa xã. Dự kiến đến hết năm 2014, 7/7 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất, y tế và môi trường, toàn tỉnh có 03 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
3. Thương mại, du lịch và dịch vụ
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá cả; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được tăng cường. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở tất cả các vùng trong tỉnh.
Dịch vụ thông tin và truyền thông tiếp tục phát triển nhanh, tổng số thuê bao điện thoại đạt 716.600 máy (trong đó phát triển mới 115.000 thuê bao). Đưa vào hoạt động 02 tuyến xe buýt: Thị trấn Sơn Dương - Đại học Tân Trào và Trung tâm huyện Yên Sơn - Thành phố Tuyên Quang - Km20 đường Tuyên Quang Hà Nội. Dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách tiếp tục phát triển, vận chuyển 7.105 nghìn hành khách; vận chuyển 9.450 nghìn tấn hàng hóa.
Chất lượng phục vụ đón khách du lịch được chú trọng; xây dựng tour du lịch về miền đất Mẫu Tuyên Quang; thu hút trên 1.000.000 lượt khách du lịch, đạt 105,3% kế hoạch; tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2013, doanh thu xã hội về du lịch đạt 920 tỷ đồng, đạt 104,6% kế hoạch, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2013.
4. Phát triển các thành phần kinh tế; thu hút đầu tư
Tiếp tục thực hiện Đề án“Tiếp tục sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; kế hoạch về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; cổ phần hóa 02 công ty. Chỉ đạo thực hiện về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục đầu tư. Từ ngày 01/01/2014 đến ngày 22/12/2014 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 95 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 460,2 tỷ đồng; tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.033 doanh nghiệp, chi nhánh trực thuộc công ty nhà nước với tổng số vốn đăng ký là 7.972,3 tỷ đồng (không bao gồm 05 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014-2019 Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Tuyên Quang; Đại hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014-2019. Hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) về: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, giảm nghèo, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, năm 2014 tổng số vốn giải ngân được 74.782 triệu đồng; các dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO); dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Belarus, Singapore. Cấp mới giấy chứng nhận đầu tư 18 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 430 tỷ đồng; nâng tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lên 111 dự án với tổng vốn đăng ký trên 18.100 tỷ đồng (trong đó có 05 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 2.500 tỷ đồng).
5. Quy hoạch, đầu tư xây dựng
Lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" , hoàn thành công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thành phố Tuyên Quang, trung tâm huyện lỵ huyện Lâm Bình; cầu Ba Đạo; tuyến đường Thổ Bình - Thượng Lâm; đường Đà Vị - Hồng Thái, Yên Hoa - Côn Lôn; nâng cấp tuyến đường ĐT189 (đoạn xã Bình Xa - Yên Thuận), đường ĐT187 (đoạn Đài Thị - Kéo Mác)... Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 29/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố Tuyên Quang. Tập trung đầu tư bê tông hoá các tuyến đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; ước thực hiện năm 2014, toàn tỉnh thực hiện bê tông hoá 455 km đường giao thông thôn, bản đạt 103% kế hoạch. Tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn tỉnh Tuyên Quang.
Tiếp tục thực hiện dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, ưu tiên triển khai các hạng mục hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho đồng bào tái định cư.
6. Tài chính, tín dụng
Tổ chức thực hiện tốt Luật Quản lý thuế; thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp chủ yếu nhằm ổn định kinh tế, kiềm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; triển khai đồng bộ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách; quản lý thắt chặt chi tiêu công, rà soát các khoản thu hụt để có kế hoạch khai thác nguồn thu bù đắp đảm bảo thực hiện hoàn thành dự toán thu được giao. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.440,7 tỷ đồng; trong đó thu cân đối ngân sách Nhà nước 1.050 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương 5.521,24 tỷ đồng (không bao gồm chi chuyển nguồn năm trước chuyển sang), tăng 106,7% so với dự toán đầu năm, trong đó chi đầu tư phát triển 946,52 tỷ đồng; chi thường xuyên 4.293,55 tỷ đồng.
Thực hiện các chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Hoạt động tín dụng tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng, huy động và sử dụng các nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các đối tượng chính sách xã; tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 9.555 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2013; tổng dư nợ cho vay 9.809 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2013.
7. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Đất đai 2013 sửa đổi. Lập đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến năm 2020. Triển khai Dự án điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gắn với chương trình quy hoạch nông thôn mới. Hết tháng 11 năm 2014 toàn tỉnh cấp được 470.755 Giấy chứng nhận cho 310.645 lượt tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với diện tích 241.883 ha/269.266,9 ha, đạt 89,8% tổng diện tích cần cấp và 96% diện tích đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; đảm bảo sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhất là trong trong lĩnh vực công nghiệp, nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá; tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ. Đánh giá, nghiệm thu các đề tài, dự án kết thúc và tổng kết các mô hình ứng dụng. Tổ chức Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang.
Hạn chế trong lĩnh vực kinh tế: Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp giảm so với năm 2013, như: Trang in, đường kính, xi măng; một số dự án công nghiệp, xây dựng chậm tiến độ. Diện tích mía nguyên liệu không đạt kế hoạch, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt thấp. Tiến độ giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp thực hiện chậm. Tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép còn xảy ra ở một số nơi.
II. VĂN HÓA XÃ HỘI
1. Giáo dục - đào tạo
Thực hiện Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 15/01/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tổng kết Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 17/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khóa XV) về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh và đón nhận Cờ công nhận tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế với tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đạt 98,51% (năm 2013 đạt 94,8%). Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Làm tốt công tác tuyển sinh hệ đại học khóa I Trường Đại học Tân Trào. Tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật; Đề án thành lập trường Cao đẳng Y tế Tuyên Quang. Thực hiện tốt các điều kiện khai giảng năm học năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động trẻ đi mẫu giáo đạt 100%, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 100%, THCS 98,3%, THPT 88,3%.
2. Văn hóa, thể dục, thể thao
Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tổ chức thành công, ấn tượng các hoạt động trong Lễ hội Thành Tuyên, đặc biệt là Đêm hội Thành Tuyên... tổ chức tốt Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Pú Bảo (huyện Lâm Bình), Bằng di tích Quốc gia Thành Nhà Bầu; lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; hoàn thành việc lập hồ sơ hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu tỉnh Tuyên Quang trình Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.
Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020. Xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;... Duy trì sản xuất, truyền dẫn, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình; triển khai thực hiện Đề án Phát thanh - Truyền hình tiếng dân tộc Mông. Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2012-2020". Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, toàn tỉnh có 24,2% số người tập thể thao thường xuyên; 3.889 số đội thể thao cơ sở; trên 43.000 vận động viên cơ sở; 290 câu lạc bộ thể thao.
3. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Tăng cường y đức, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và chất lượng chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân lực để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sởi, cúm A/H7N9, bệnh dại. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, chế độ bảo hiểm. Công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Tổng số lượt khám bệnh toàn tỉnh là 1.558.829 lượt người, đạt 112,1% kế hoạch. Triển khai thực hiện Dự án "Hỗ trợ y tế các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ", sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB).
Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được thực hiện đồng bộ. Phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2014 với nhiều hoạt động và triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác Dân số được duy trì hoạt động thường xuyên; tuyên truyền, giáo dục, thay đổi hành vi; tổ chức thực hiện tốt việc tuyên truyền hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7; tuyên truyền giáo dục về thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 97% kế hoạch. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,2%, mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,3‰.
4. Giải quyết việc làm, giảm nghèo và các vấn đề về xã hội
Triển khai kế hoạch giải quyết lao động việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động và giới thiệu tuyển lao động đi làm việc tại các tỉnh trong nước năm 2014. Tạo việc làm mới cho 14.825 lao động; đưa 531 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 132,8% kế hoạch; giới thiệu, tuyển 5.594 lao động đi làm việc tại các địa phương trong nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42,7% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 25,5%).
Triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo còn 13,09% (giảm 4,84%). Thực hiện công tác cứu trợ xã hội, thời kỳ giáp hạt, khắc phục thiên tai đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, kết quả: đã trợ giúp cho 11.309 lượt hộ, với 40.894 nhân khẩu thiếu lương thực với 613.541 kg gạo. Thực hiện chi trả kịp thời cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định. Tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em đặc biệt khó khăn.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Triển khai thực hiện chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2013-2015 và tổ chức thực hiện việc quản lý cai nghiện ma túy theo quy định và mô hình mới.
Hạn chế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học còn chậm; quy mô cơ sở đào tạo nghề còn hạn chế, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề phát triển chưa cân đối, đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp; công tác quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa cơ sở, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nơi chưa nghiêm; tình trạng trả lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn xảy ra. Tỷ lệ các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã còn thấp. Chất lượng giảm nghèo ở một số nơi chưa bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
(Nguồn: www.tuyenquang.gov.vn)