Những con tôm mập ú, chắc nịch chuyển sang màu hơi hồng khi tiếp xúc với hỗn hợp giấm gạo, chanh rất thích hợp để khai vị trước bữa tiệc đồ nướng.
Có khá nhiều thực khách e ngại chuyện thưởng thức đồ sống hoặc tái, tuy nhiên không ít người thừa nhận những món ăn này kích thích vị giác rất tốt, khiến họ cảm thấy ngon miệng hơn trong bữa chính. Món tôm sú tái ở quán nhỏ nằm trong hẻm Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, là một trong những món ăn như thế.
Một thố được chế biến từ 1 đến 2 lạng tôm sú, với mức giá 80.000 đồng/lạng, con nào con nấy rất tươi và to. Khi đến đây, trước khi gọi đồ nướng trên đá muối hay ngói, nhiều thực khách bắt đầu với món tôm sú tái và đầu tôm đi cùng.
Tôm sú tái thường được chấm với sốt cà chua, sốt chanh dây. Ảnh: Thảo Nghi.
Tôm sú tái được lột vỏ cẩn thận, lấy đường chỉ trên sống lưng, chừa lại phần đuôi. Sau khi đã làm sạch sẽ, tôm được nhúng vào hỗn hợp gồm giấm gạo, chanh, rau thơm và vài lát ớt xắt nhỏ. Phần tỷ lệ giấm gạo và chanh phải nhiều, ngập một đốt tay thì tôm mới mau tái.
Khi bỏ tôm sú vào hỗn hợp, chỉ ít phút sau bạn sẽ thấy phần tôm đổi màu, từ hơi xám chuyển sang hồng, là có thể ăn được. Chỉ cần nhìn thố tôm lúc đó cũng đủ khiến bạn cảm thấy cồn cào, muốn lấy đũa gắp ăn ngay.
Đặc biệt ở quán này, bạn không chấm tôm với mù tạt nước tương, mà dùng kèm với hỗn hợp tự pha chế, gồm nước sốt chanh dây và cà chua. Cả hai đều có vị hơi chua tự nhiên, nhưng khá dễ chịu.
Đầu tôm được chiên giòn vàng rụm, ăn vào chỉ hơi có vị mặn nên khá ngon. Ảnh: langngoida.
Đi kèm với món tôm sú tái là đầu tôm rang muối. Thay vì bỏ đầu tôm như nhiều chỗ khác, ở đây lại tận dụng phần này cho lên chảo chiên giòn, xong rắc muối do quán tự chế lên trên.
Hai món này thích hợp vào những buổi chiều trời mưa mát, khi đó thực khách vừa nhâm nhi với bạn bè, vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị bên bàn ăn.
Theo Tường Ý