Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh cùng những thông tin không lạc quan về việc có thể nối lại thị trường du lịch quốc tế sớm, các đối tác nước ngoài tiếp tục hủy tour cho khách quốc tế đến Việt Nam. Nhiều công ty đã hủy đến quí 1-2021.
Phố cổ Hội An vắng du khách vì Covid-19. Ảnh: CTV chụp ngày 18-10.
Tin không vui tiếp tục đến
Nhiều doanh nhân kinh doanh mảng lữ hành quốc tế cho biết, gần như khả năng có thể khôi phục lại một phần hoạt động vào giữa năm sau là rất khó. Hiện tại, đối tác nước ngoài đã hủy tour cho khách quốc tế đến du lịch Việt Nam đến tận quí 1 năm sau. Thậm chí, có vài doanh nhân cho biết, khách đã hủy tour đến tháng 10-2021.
"Các tour cứ hủy dần. Đối tác ở Pháp đã hủy tour đến ngày 15-3-2021", ông Thierry Berger, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TransTravel nói với TBKTSG Online.
Hồi đầu dịch, doanh nhân này từng kỳ vọng sẽ đón khách trở lại vào cuối năm nay nhưng hiện tại, dù khâu khảo sát, chuẩn bị sản phẩm đã sẳn sàng nhưng thời điểm khách quay lại có thể sẽ kéo dài đến cuối năm sau.
Theo ông, mảng du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế sẽ chỉ có thể khởi động mạnh mẽ hơn khi vaccine ngừa SARS-CoV-2, virus gây đại dịch Covid-19 được phổ biến rộng rãi mà thời gian chờ để đến khi đó thì còn rất lâu.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc công ty Images Travel cũng cho biết tình hình tương tự. Tại công ty này, đối tác nước ngoài cũng đã hủy tour cho đến tháng 2 năm sau. Việc kết nối lại thị trường có vẻ càng lúc càng khó khăn vì tình hình dịch ở nhiều thị trường lớn tại châu Âu đang diễn biến phức tạp hơn.
"Chúng tôi không có nhiều kỳ vọng cho năm sau", ông nói.
Trong khi đó, một vài doanh nhân khác như ông Trần Hoàng Anh, CEO của Công ty Du lịch Bước chân Đông Dương lại cung cấp thông tin kém lạc quan hơn nữa là đối tác đã hủy tour đến tận đầu quí 4-2021.
Theo ông, rất khó có thể đánh giá diễn tiến của thị trường. Chẳng hạn, với thị trường châu Âu, hiện tất cả các tour đã hủy đến hết tháng 10 năm sau nhưng lại có một vài yêu cầu đặt chỗ cho năm 2022. Trong khi đó, thị trường châu Á vốn được kỳ vọng là sẽ khởi động sớm hơn thì lại không có bất cứ yêu cầu đặt chỗ nào.
"Thị trường đang rất mông lung", ông nói và cho biết đang nỗ lực để chuyển sang mảng du lịch nội địa để có thể duy trì hoạt động.
Còn rất lâu nữa thì mới có thể thấy những đoàn khách quốc tế đi tour tại TPHCM như thế này. Ảnh: Đào Loan
"Còn quá sớm để nói về chương trình mở cửa"
Hôm 15-10, khi đoạn phim 30 giây giới thiệu những sản phẩm du lịch và điểm đến hàng đầu của Việt Nam với thông điệp "Khi bạn sẳn sàng đi du lịch trở lại, tại sao không chọn Việt Nam?" được phát sóng trên kênh truyền hình nổi tiếng CNN, nhiều doanh nghiệp đã hy vọng có thể mở cửa thị trường quốc tế trong thời gian ngắn sắp tới.
Giới kinh doanh thậm chí còn đồn đoán về khả năng thị trường châu Á có thể sẽ được kết nối sớm vì Tổng cục Du lịch chọn kênh CNN châu Á để phát đoạn phim quảng cáo này. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, hôm 21-10, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 vào chiều ngày 19-10 là chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
"Thực ra, bây giờ có thể nói đây là thời điểm vẫn còn quá quá sớm để có thể nói về chương trình mở cửa thị trường quốc tế", ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trả lời vào chiều nay (23-10), khi TBKTSG Online hỏi về kế hoạch mở cửa thị trường quốc tế; trong kế hoạch đó, tổng cục tính đến mô hình nào, sẽ thử nghiệm đón khách từng bước như Thái Lan đang làm hay chờ đến khi dịch hết hẳn mới mở cửa?
Theo ông, là cơ quan quản lý du lịch, tổng cục đang theo dõi sát tình hình để có nghiên cứu về lộ trình mở cửa để Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Chính phủ. "Khi điều kiện chín muồi, chúng tôi sẽ để xuất mở cửa", ông nói.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, tổng thu từ khách du lịch của cả nước đạt 755.000 tỉ đồng. Trong đó, nguồn thu từ du lịch quốc tế là 421.000 tỉ đồng, chiếm 55,7% trong tổng thu. Nhiều doanh nhân cho rằng, thời gian kết nối lại thị trường càng kéo dài thì áp lực để có thể khởi động trở lại càng lớn và thời gian hồi phục càng dài.
Doanh nghiệp không chỉ phải giải quyết vấn đề tài chính cạn kiệt mà còn phải chịu áp lực lớn về giá cả, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực. Trong khi đó, sức mua lại rất khó dự đoán.
Theo ông Berger, Tổng giám đốc TransTravel, giá cả và chất lượng dịch vụ sẽ là vấn đề cân não. Hiện giá vé máy bay quốc tế đã tăng hơn trước do các hãng hàng không phải tốn thêm chi phí vận hành nhưng lại có ít khách hàng. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ sau dịch cũng là vấn đề lớn vì nhiều nhà hàng, khách sạn đã đóng cửa một thời gian dài nên sẽ khó có thể nhanh chóng cung cấp dịch vụ tốt như trước dịch.
"Du lịch sẽ khó có thể hồi phục nhanh sau dịch. Tôi cho rằng, phải mất nhiều năm nữa, lượng khách quốc tế mới có thể bằng thời điểm năm 2019", ông nói.