Trong giai đoạn 2021-2025, TP. HCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố…
Ảnh minh họa.
Thông tin được UBND TP. HCM đưa ra tại hội nghị tổng kết thực hiện chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021; định hướng thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2022, giai đoạn 2021-2025.
PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2025 KHÔNG CÒN HỘ NGHÈO
Theo báo cáo của UBND TP. HCM, trong giai đoạn 2016-2020, từ thành phố đến cơ sở đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, lồng ghép Chương trình giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch từng ngành, lĩnh vực để huy động tối đa các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố.
Qua đó, thành phố đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo hàng năm và giai đoạn 2016 - 2020; hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 – 2020 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X về “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn.
Kết quả này đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nhất là góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn (56/56 xã hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo); thu nhập người nghèo tăng ổn định và kiểm soát được đáy nghèo của thành phố, đạt 28 triệu đồng/người/năm).
Đồng thời, đã có 4 - 5 chỉ số thiếu hụt cơ bản hoàn thành, không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần từng chỉ số mà có tác động lớn đến kinh tế hộ, đời sống vật chất, tinh thần từng hộ nghèo và của cộng đồng xã hội, góp phần đáng kể trong giữ an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và trợ giúp xã hội) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.
BỔ SUNG GIẢI PHÁP HỖ TRỢ TRỰC TIẾP CHO NGƯỜI NGHÈO
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cùng với việc tập trung thực hiện các kế hoạch hành động phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề xã hội tồn đọng sau đại dịch, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cần được chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, với những biện pháp hiệu quả và đột phá.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân. Ảnh - Minh Hiệp.
Ông đề nghị rằng thành phố tiếp tục phát huy mạnh mẽ những nhân tố tích cực tạo nên kết quả thời gian qua, đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập, yếu kém còn tồn tại vướng mắc, để đề ra những biện pháp hiệu quả, quyết liệt trong thời gian tới. Toàn hệ thống chính trị thành phố phải tiếp tục xem giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, luôn nỗ lực hành động.
Bí thư Thành ủy TP. HCM cũng đề nghị cần thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, kế hoạch giảm nghèo bền vững bổ sung các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ cận nghèo, đó là vốn, nghề nghiệp, việc làm, bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu của thành phố.
Các tổ chức toàn hệ thống phải khơi dậy niềm tin, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Điều này đòi hỏi sự tận tâm, tận tụy của hệ thống chính trị, của những người có trách nhiệm với xã hội, nhất là ở cơ sở; đồng thời cần cổ vũ động viên tiếp thêm nghị lực cho người nghèo vượt khó, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, tôn vinh những gương sáng trong đời sống xã hội.
Lãnh đạo Thành ủy TP. HCM cũng nhấn mạnh rằng giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, trách nhiệm, nhân nghĩa, đạo lý mang tính nhân văn của con người Việt Nam. Do vậy, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng; toàn hệ thống chính trị của thành phố cần phát huy tối đa, mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan được xây dựng.
Bên cạnh đó, cần tổ chức lồng ghép có hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia như nông thôn mới, chương trình nhà ở. Phải chăm lo bộ máy, chăm lo cán bộ làm công tác có liên quan đến giảm nghèo bền vững.
Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “thi đua vì người nghèo, không để ai lại phía sau”. Hoạt động thi đua phải vì người nghèo, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tấm gương giàu nghị lực vươn lên thoát nghèo.a