Chẳng hạn, thị trường EU, Nhật Bản vẫn gặp thách thức, khi châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch, còn kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi. Vì thế, lượng xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang hai thị trường này chưa thể tăng trở lại năm nay.
Thị trường Mỹ khả quan hơn nhờ tốc độ tiêm vaccine đang được đẩy nhanh tại quốc gia này và gói kích thích kinh tế trị giá gần 2.000 tỷ USD được chính quyền Tổng thống Biden "tung" ra nhằm hồi phục nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Theo dự báo của McKinsey, với kịch bản sớm nhất, đến quý III/2022, dệt may toàn cầu mới phục hồi trở lại như năm 2019, còn kịch bản chậm là quý IV/2023.
Đại dịch đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng hàng may mặc trên toàn cầu. Người tiêu dùng tăng nhu cầu hàng mặc thông thường (casual wear), hàng thể thao (Sport wear) trong khi hàng công sở (sơ mi, veston, quần âu...) vốn là thế mạnh của Vinatex chưa phục hồi. Vì thế, có đơn hàng tới hết quý III, nhưng phần lớn giá đơn hàng thấp, hiệu quả không cao.
Bên cạnh đó, khách hàng vẫn yêu cầu duy trì chính sách kéo dài thời gian thanh toán như năm 2020. Thách thức nữa là lạm phát dự báo tăng dẫn đến tăng lãi suất ngân hàng, đẩy chi phí tài chính tăng.
Không chỉ xu hướng tiêu dùng, Covid-19 cũng thay đổi phương thức kinh doanh, cùng sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng, đòi hỏi ngành thích ứng với các điều kiện bình thường mới: nâng cao năng lực sản xuất theo mô hình OEM; chuyển đổi số trong quản trị sản xuất - tồn kho - logistics...
Mục tiêu của Vinatex năm 2021 là doanh thu công ty mẹ đạt 1.552 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 200 tỷ, tăng hơn 37% so với 2020. Quý I, tập đoàn này đã thực hiện khoảng 22% mục tiêu doanh thu và 31% lợi nhuận cả năm. Họ cũng sẽ tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp không hiệu quả theo kế hoạch vốn đã được duyệt.