Trung Quốc hiện sử dụng ngành du lịch như là một công cụ ngoại giao và kinh tế để gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, VOA đưa tin.
Ảnh minh họa. Nguồn VOA |
Đối với Trung Quốc, khách du lịch ra nước ngoài tạo cho nước này quyền lực đáng kế trong bất cứ cuộc đàm phán nào với các nước láng giềng và không ngần ngại sử dụng chiêu này.
Với quy mô dân số lớn và thu nhập đầu người ngày càng gia tăng, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài và dễ dàng trở thành thị trường khách du lịch chủ yếu và cùng với đó là nguồn ngoại tệ đáng kể cho các nước láng giềng.
Tuy vậy, các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng trở nên thận trọng khi để Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp du lịch của mình do Trung Quốc thường sử dụng du lịch như một công cụ ngoại giao.
Theo Daniel Meesak, chuyên gia phân tích về du lịch, đối với các quốc gia láng giềng đang phát triển của Trung Quốc, ngành du lịch chiếm tỷ trọng lớn hơn trong lĩnh vực xuất khẩu so với các quốc gia phát triển hơn. Bất cứ động thái nào từ phía Trung Quốc nhằm gây gián đoạn thu nhập từ du lịch cũng có thể gây ra những bất ổn về kinh tế và chính trị.
Hiện các nước/lãnh thổ láng giềng mạnh của Trung Quốc đang trở thành các nước tiên phong trong việc nỗ lực đa dạng hóa ngành du lịch của mình, thay vì để Trung Quốc chi phối ngành này trong cơ cấu nền kinh tế của mình.
Đài Loan đang thực hiện chính sách “Hướng Nam” nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, trong đó có ngành du lịch. Chính sách này đã phát huy hiệu quả khi số lượng khách vào Đài Loan tăng kỷ lục trong năm 2016 dù khách từ Đại Lục giảm. Tương tự, Hàn Quốc và Hong Kong đang hướng tới các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Đài Loan
Nhằm thể hiện sự phật ý với việc chính quyền mới của Đài Loan muốn thêm độc lập, Trung Quốc nhanh chóng giới hạn số lượng đoàn khách du lịch tới Đài Loan.
Dù chưa ban hành một lệnh hạn chế công khai nào, song người ta hiểu ngầm rằng các công ty lữ hành Trung Quốc được “khuyến nghị” hạn chế số tour tới Đài Loan. Về mặt công khai, Trung Quốc chỉ đưa ra lý do rằng khách Trung Quốc cần tránh đến Đài Loan trong bối cảnh “bất trắc chính trị” và trong tâm thế “không được chào đón”.
Số khách từ Trung Quốc Đại lục đến Đài Loan đã giảm 30-40% kể từ tháng 5/2016 khi người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn, vốn có tư tưởng phản đối chính sách “Một Trung Quốc” lên nắm quyền. Sự sụt giảm khách này ảnh hưởng đến các khách sạn và các hãng xe du lịch.
Hàn Quốc
Chỉ sau Đài Loan, Hàn Quốc có lẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các chính sách của TQ sử dụng vị thế thị trường khách du lịch lớn và là nước nhập khẩu các sản phẩm văn hóa. Việc Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chống đạn đạo THAAD của Mỹ đã khiến Trung Quốc ra tay.
Tương tự trường hợp Đài Loan, Trung Quốc không chính thức tuyên bố bất kì biện pháp trả đũa nào trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Thay vào đó, giới chức Trung Quốc thắt chặt các sản phẩm âm nhạc K-pop và truyền thông nước này rêu rao rằng quyết định triển khai THAAD sẽ khiến khách Trung Quốc tránh đến Hàn Quốc.
Một số báo cáo mới đây của Hàn Quốc cho thấy Chính phủ nước này có thể đưa vấn đề này ra trọng tài WTO để kiện Bắc Kinh về các biện pháp trả đũa được cho là không chính đáng.
Nhật Bản
Trung Quốc đã tận dụng tầm quan trọng ngày càng lớn của du khách Trung Quốc đối với nền kinh tế Nhật để chống lại các công ty và địa điểm ở Nhật mà Trung Quốc đánh giá là đối xử không tốt với người Trung Quốc. Đáng chú ý truyền thông Trung Quốc đã tấn công tổ hợp khách sạn APA của Nhật do các sách lịch sử mang tính xét lại được đặt trong các phòng khách sạn. Các hãng lữ hành Trung Quốc sau đó bị gây Cơ quan quản lý du lịch nước này gây áp lực hủy bỏ các tour có liên quan đến chuỗi khách sạn này.
Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa hai nước đã từng dẫn đến các cuộc biểu tình và tẩy chay hàng Nhật tại Trung Quốc. Tranh chấp chưa dừng tại các đảo đó vẫn là một mối đe dọa đối với sự tăng trưởng mạnh du khách Trung Quốc đến Nhật.
Malaysia
Giống như Philippines dưới thời Tổng thống Duterte, Malaysia trong vài năm gần đây luôn muốn thu hút khách Trung Quốc. Sự gia tăng khách du lịch TQ tới Malaysia dường như là sự xoa dịu cho những biến động kinh tế và chính trị xung quanh lùm xùm đến quỹ đầu tư 1MDB của nước này, và sau sự cố máy bay MH370.
Giới chức trách Malaysia xác định rằng thiết lập lại lòng tin với công chúng và chính quyền Trung Quốc sau sự cố MH370 là một ưu tiên lớn. Với việc dòng vốn đầu tư và du lịch Trung Quốc vào Malaysia tăng mạnh trong năm 2016 nhờ các biện pháp lấy lòng Trung Quốc, Malaysia đang nỗ lực hết sức để tránh bị Trung Quốc đưa ngành du lịch vào tầm ngắm lần nữa.
Philippines
Dù có lợi thế về bãi biển, mua sắm giá rẻ và khoảng cách địa lý gần Trung Quốc, song Philippines từng nhiều năm thua xa Thái Lan và Việt Nam trong việc thu hút khách Trung Quốc.
Tuy vậy, với việc Tổng thống Duterte lên nắm quyền và chính sách xích lại Trung Quốc, trong những tháng sau khi Duterte nhậm chứ, khách Trung Quốc đến Philippines đạt kỷ lục mới. Theo chức trách Philippines, số lượng hồ sơ xin visa của Trung Quốc hiện đạt mức 1.400/ngày, so với mức 400/ngày trước đó.
Việt Nam
Căng thẳng chính trị cũng tác động lớn tới du lịch Trung Quốc sang Việt Nam. Sau sự kiện giàn khoan 981 vào giữa năm 2014, bạo động và biểu tình nổ ra ở Việt Nam khiến Trung Quốc phải khuyến cáo công dân không đến Việt Nam. Các tour ngay lập tức bị hủy và số lượng khách giảm mạnh. Sau đó, khách Trung Quốc đến Việt Nam đã phục hồi nhanh.
Các nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai nước đã đưa số khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng kỷ lục, đạt gần 2,7 triệu người trong năm 2016, tăng 55% so với 2015. Con số này chiếm gần 30% trong tổng số hơn 10 triệu du khách nước ngoài tới Việt Nam trong năm ngoái.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2017, có 247.000 lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2, khách từ Trung Quốc tăng mạnh nhất với 403.663 lượt người, tăng tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm số lượng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo Daniel Meesak, do ngành du lịch đóng vai trò lớn ở nhiều nước đang phát triển như Việt Nam, nên nếu Bắc Kinh ngưng số du khách này tới một nước nào đó thì nó sẽ gây ra nhiều xáo trộn.
Theo Frederick Burke thuộc tập đoàn luật đa quốc gia Baker & McKenzie ở TP.HCM, lao động ngành du lịch chiếm 1/8 tổng lực lượng lao động của Việt Nam, và ngành du lịch chiếm 6,6% GDP của Việt Nam năm 2016.
Minh Tuấn / BizLIVE