Trung Quốc đang tăng mua cao su thiên nhiên để dự trữ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất, là lực đẩy tại phiên giao dịch cuối tuần (7/5) khiến giá cao su tăng mạnh tại các sàn châu Á và kéo giá cao su trong nước lên.
Ảnh minh họa.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2021 ghi nhận mức 256,7 Yen/kg, tăng 19,2 Yen so với phiên giao dịch trước đó.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2021 ghi nhận mức 14.235 Nhân dân tệ/tấn, tăng 185 Nhân dân tệ so với phiên giao dịch trước đó.
Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 65% lượng cao su xuất khẩu
Trong nước giá cao su tiểu điền được các thương lái thu mua quanh mức 315 – 325 đồng/độ mủ ở Đông Nam bộ.
Ngày 07/5/2021 giá mủ cao su được các thương lái thu mua giao động từ 315 – 325 đồng/ độ mủ. Cụ thể, tại Bình Long, Phú Riềng, Đồng Phú, Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) giá mua mủ nước tại vườn 315 – 325 đồng/độ mủ. Giá mua mủ nước tại nhà máy: 315 – 325 đồng/độ TSC.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), diện tích cao su trên cả nước đạt gần 1 triệu ha, trong đó có khoảng gần 70% diện tích đang khai thác mủ với sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn/năm.
Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới, mỗi năm có khoảng 80% cao su thiên nhiên từ Việt Nam xuất khẩu tới 80 nước trên thế giới (bao gồm lượng nhập khẩu từ Campuchia và Lào). Các sản phẩm cao su sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 170 thị trường.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 - 15/4/2021, xuất khẩu cao su đạt 439.931 tấn, trị giá 734.350.057 USD, so với cùng kỳ tăng 77,38% về lượng và tăng hơn 2,05 lần. Tháng 3/2021, giá cao su xuất khẩu bình quân ở mức 1.752 USD/tấn, tăng 6% so với tháng 2/2021 và tăng 21,8% so với tháng 3/2020.
Tháng 3/2021, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm 65,18% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 72,95 nghìn tấn, trị giá 121,51 triệu USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 1,5% về trị giá so với tháng 2/2021; tăng 114,7% về lượng và tăng 162% về trị giá so với tháng 3/2020.
Giá xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tháng 3/2021 trung bình 1.666 USD/tấn, tăng 4,3% so với tháng 2/2021 và tăng 22% so với tháng 3/2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 290,16 nghìn tấn cao su, trị giá 463,07 triệu USD, tăng 103,1% về lượng và tăng 128% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân Trung Quốc tăng mua cao su thiên nhiên từ Việt Nam vì thị trường này thường tăng nhập khẩu cao su vào những tháng trước khi bắt đầu mùa nghỉ khai thác mủ (sau Tết Nguyên đán đến đầu tháng 4 hàng năm) để dự trữ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất.
10 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021
Nguồn Cục XNK
Doanh nghiệp ngành cao su nắm cơ hội
Nhìn chung từ đầu năm 2021 đến nay, giá cao su thiên nhiên trên thế giới bình quân tăng đều mỗi tháng, vì giá cao su thường được điều chỉnh bởi các yếu tố cung - cầu, giá dầu, tỷ suất hối đoái, yếu tố địa chính trị và sức khỏe của nền kinh tế thế giới…
Vì vậy, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi khá nhanh, cùng với việc tăng tốc phủ sóng tiêm vaccine toàn cầu, tác động từ gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Chính phủ Mỹ - một trong những biện pháp kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử của Hoa Kỳ, đã góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Dự báo trong những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ sẽ phục hồi trong bối cảnh nguồn cung cao su thiên nhiên hạn hẹp đã tạo tâm lý rất tốt với các thị trường.
Đối với thị trường trong nước, có những lúc giá cao su tăng, giảm theo diễn biến thị trường nhưng nhìn chung giá cao su tăng vẫn trong xu thế liên tiếp kể từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su hoạt động ổn định và báo lãi “khủng”.
Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (HoSE: GVR) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với doanh thu đạt 4.849,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.216,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 76,7% và 261,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,7% lên 28,8%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 172,3% lên 1.396,2 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 22,3% về 186,5 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 64,9% lên 114,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 50,4% lên 94,3 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 20,2% lên 309,6 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét theo cơ cấu doanh thu, doanh thu sản xuất và kinh doanh mủ cao su tăng 112,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 1.440,4 tỷ đồng lên 2.719,5 tỷ đồng; doanh thu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su tăng 120% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 436,8 tỷ đồng lên 800,9 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, doanh thu tại GVR tăng đột biến trong kỳ nhờ sản xuất và kinh doanh mủ cao su, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su.