Không ít cử nhân tố số liệu "ma" mà các trường đại học cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm. Con số đẹp không tì vết đó được vẽ bởi cả những người phải làm những công việc thời vụ, tay chân...
Vỡ mộng nghề
Ra trường với tấm bằng giỏi ngành Hướng dẫn viên du lịch, L.T.P.H. (23 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM) đầy hứng khởi đi xin việc. Tuy nhiên, công việc N. có được sau đó không liên quan đến bất kỳ kiến thức nào được học ở giảng đường đại học. Bởi nữ cử nhân này đã ứng tuyển làm việc tại một cửa hàng nước ép trên địa bàn TPHCM.
Dư luận đang xôn xao mổ xẻ những bản thống kê tỷ lệ có việc làm "đẹp như mơ" của sinh viên các trường đại học (ảnh minh họa).
"Học hơn 3 năm, tôi kỳ vọng sẽ dễ tìm được một công việc đúng ngành nhưng thực tế mức lương quá thấp, áp lực công việc lại cao. Trường có cam kết 100% sinh viên ra trường sẽ có việc làm. Đúng là có thật, nhưng lại là đi làm phục vụ, bán thời gian để có tiền trang trải cuộc sống, chứ chẳng liên quan gì đến ngành mình học", H. bất lực, nói.
Làm việc tại cửa hàng nước ép, H. được lên chức quản lý với mức lương tạm gọi là ổn. Dù vẫn còn yêu nghề, tiếc nuối đam mê cũ nhưng H. vẫn đành rẽ ngang vì mọi việc đã trở nên quá khó khăn sau khi ra trường.
Nhớ lại cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm, H. ngán ngẩm vì thực tế khác xa. Được biết, sau hơn 3 năm học, H. đã đóng hơn 100 triệu đồng học phí, chưa kể các khoản chi tiêu sinh hoạt.
"Trước đó, trường có tổ chức 5 chuyến đi thực tập cho một khóa, từ Nam ra Bắc. Bản thân tôi vẫn còn đam mê nghề du lịch lắm, nhưng không biết đến bao giờ mới tìm được việc", H. bộc bạch.
Sinh viên bằng giỏi ra trường cũng không dễ tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo (ảnh minh họa).
Là cử nhân ngành luật tại một đại học nổi tiếng ở TPHCM, P.T.T.N. (23 tuổi, ngụ tại quận 7) vẫn phải chấp nhận một công việc trái ngược hoàn toàn ngành học. N. làm việc hơn 16 giờ/ngày, tại một quán bar khá xa phòng trọ.
Công việc áp lực và mệt mỏi, N. còn buồn bã hơn khi nhớ về những kỳ vọng của bố mẹ, gia đình khi cô bước chân vào giảng đường đại học.
"Trường có giới thiệu sinh viên đến doanh nghiệp và các tòa án khu vực lân cận để sinh viên có cơ hội được tiếp cận và học hỏi nhưng đó là thực tập. Còn khi ra trường, việc làm thời vụ, trái ngành rất nhiều nên con số 80% - 100% sinh viên ra trường có việc làm khá không đúng thực tế", N. chia sẻ.
Cam kết ra trường có việc làm không thực tế
H.K.L. (21 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) cũng tốt nghiệp loại khá ngành Quản trị khách sạn tại một trường cao đẳng. Trước khi đăng ký vào học, L. hi vọng rất nhiều vì nhà trường cam kết 100% sinh viên ra trường sẽ có việc. Thế nhưng, sau kỳ thực tập tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), L. cảm thấy thực sự mất định hướng.
Cam kết 100% người học ra trường có việc làm của nhiều trường đại học được cho chỉ là "nói miệng" (ảnh minh họa).
"Trường có cam kết nhưng chỉ là nói miệng thôi. Ra trường, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu, nên hỏi ai vì không quá thân thiết với thầy cô. Một số bạn bè may mắn làm đúng ngành, chọn được nơi làm việc theo ý muốn nhờ được thầy cô giới thiệu. Còn tôi mãi cứ hoang mang với nhiều thông tin tuyển dụng thật giả lẫn lộn", L. thở dài, nói.
Mất phương hướng, động lực ngay khi vừa tốt nghiệp, L. áp lực về những khoản sinh hoạt phí nên đành xin việc làm phục vụ tại một quán cà phê. Tại đây, L. nhận mức lương hơn 6 triệu đồng cho 8 tiếng làm việc mỗi ngày, từ 16h đến 0h. Công việc áp lực, chủ quán đối xử tệ, nhiều lúc L. áp lực đến bật khóc.
"Không có chuyện 100% sinh viên ra trường có việc làm. Vì bạn bè tôi cũng đang phải chật vật tự tìm việc, thậm chí phải làm những công việc thời vụ, lao động chân tay giản đơn với lương rất thấp để trang trải qua ngày. Theo tôi tự tìm việc làm cũng là một phần trách nhiệm của mình, nhưng cam kết 100% từ nhà trường rõ ràng là không thực tế", L. trải lòng.
Cô cũng nuôi kế hoạch thử ứng tuyển vào một nhà hàng, tạm gọi là liên quan đến ngành du lịch dịch vụ, hi vọng rồi mọi việc sẽ ổn.
Theo báo cáo năm 2022 của trường đại học Luật TPHCM, tỷ lệ sinh viên tại trường có việc làm sau một năm tốt nghiệp là 92,44%, trong đó 11% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm với ngành luật là 92,45%; ngành quản trị - luật là 90%; ngành quản trị kinh doanh là 94,23%; ngành ngôn ngữ Anh là 100%. Trong đề án tuyển sinh năm 2023 của trường đại học Giao thông vận tải TPHCM, khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường năm 2022 có việc làm với những con số phải nói đẹp hơn cả một giấc mơ. Theo khảo sát do trường công bố, tất cả các ngành đào tạo, 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm. Chỉ một số ngành chưa có số liệu như ngành ngôn ngữ Anh, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Nguyên cả bảng kết quả khảo sát của trường này, chỉ có đúng con số tuyệt đối 100% sinh viên ra trường có việc làm, không có bất cứ "sai số" nào khác. Công bố mới nhất của trường đại học Y dược TPHCM thể hiện tỷ lệ sinh viên sinh viên ra trường có việc làm sau một năm tốt nghiệp từ 80% đến 100% tùy ngành nghề. Trái ngược với những công bố trên, thực trạng sinh viên thất nghiệp đang khá phổ biến trên cả nước và đây là vấn đề nan giải nhiều năm nay. Tính riêng năm 2022, TPHCM báo cáo 150.000 lao động mất việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì 83.000 người là lao động phổ thông và gần 46.000 nhân sự có trình độ đại học trở lên. Hiện nay rất nhiều sinh viên ra trường đang phải làm các việc trái ngành để mưu sinh, thậm chí đi làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ.... |