Một trong những chiến dịch mới nhất của ngành du lịch là quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam trên truyền hình quốc gia, tuy nhiên điều mà Bộ trưởng VHTTDL quan tâm là hiệu quả kinh tế, vị thế du lịch Việt Nam thay đổi ra sao.
Ảnh minh họa.
Quảng bá bằng tiền tư
Cái bắt tay giữa Bộ VHTTDL và VTV với mục tiêu phát triển du lịch lần này chính là hệ thống chương trình chuyên sâu về du lịch VTVTrip- Du lịch cùng VTV. Số đầu ra mắt đúng ngày Du lịch thế giới 27/9. Tại lễ ký kết, ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc Đài THVN cho biết, kinh phí do VTV huy động, không sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn khởi đầu có sự đóng góp lớn của tập đoàn Sun Group.
Bên cạnh nhiều chương trình du lịch trước đó của VTV như S Việt Nam,Hành trình di sản hay Du lịch qua màn ảnh nhỏ, chiến dịch quảng bá dịp này gồm bốn phiên bản: Quảng bá điểm đến dài 30 giây lúc 16h50 trên VTV3 từ thứ hai đến thứ sáu. Quảng bá điểm đến dài 2 phút lúc 18h50 trên VTV3, lúc 21h30 trên VTV1. Phóng sự và bình luận 10 phút lúc 20h30 trên VTV1 chủ nhật hằng tuần từ 9/10, trừ chủ nhật cuối cùng của tháng dành để phát Tạp chí VTVTrip dài 30 phút.
“Chiến dịch này hiệu quả trên ba phương diện: Nâng cao nhận thức của người dân, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch, tạo giao diện để khách du lịch tiếp cận các dịch vụ du lịch, điểm đến tin cậy nhất. Tất cả hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng khách du lịch”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói. Không chỉ các chương trình trên VTV, người xem và du khách có thể tiếp cận thông tin và tương tác qua trang web quảng bá, ứng dụng trên di động.
Sự hợp tác này mở ra hy vọng đẩy mạnh mô hình công-tư trong hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch, bởi xưa nay phần lớn trông chờ ngân sách nhà nước. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch bên lề cuộc họp khẳng định, thời gian tới huy động nguồn lực doanh nghiệp cho một loạt hoạt động quảng bá phong phú, chuyên nghiệp hơn từ quảng bá trên truyền thông, tham gia hội chợ quốc tế, đón đoàn khảo sát. Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Sun Group nói: “Những gì chúng ta làm chưa tương xứng với tiềm năng du lịch. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi thấy có trách nhiệm đẩy mạnh quảng bá. Đó cũng là mong muốn chung của nhiều doanh nghiệp, muốn đóng góp đưa sản phẩm du lịch đến với du khách quốc tế”.
Không thể nói suông
“Tôi mong kết quả mang lại sau chương trình như thế này phải có tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn, sau một thời gian khách du lịch đến Việt Nam tăng lên bao nhiêu, thu nhập của người dân tăng bao nhiêu, cuộc sống của họ phát triển thế nào, vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế tăng lên bao nhiêu”, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nói. Hiệu quả của chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch rất khó đong đếm và luôn cần độ lùi thời gian nhất định, nhưng không thể vin vào đó để hô hào suông và không đưa ra tiêu chí cụ thể.
Lãnh đạo ngành du lịch đánh giá chiến lược quảng bá hình ảnh trên là “quy mô lớn, thường xuyên, đồng bộ, hiện đại, tận dụng lợi thế của công nghệ”. Tần suất dày đặc của chương trình này phần nào tác động và làm thay đổi nhận thức của người dân, cải thiện chất lượng du lịch. Bởi như Bộ trưởng VHTTDL khẳng định: Bên cạnh nhân rộng việc làm tốt đương nhiên phải điểm mặt những yếu kém, hạn chế của những doanh nghiệp làm du lịch. Có vậy mới mong cải thiện hình ảnh, chất lượng du lịch nước nhà.
Việc thu hút và níu chân du khách quốc tế không thể chỉ dựa vào quảng bá, xúc tiến. Thời gian qua nhiều chuyên gia, người hoạt động du lịch chỉ ra bất cập khi sản phẩm, chất lượng du lịch chưa tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam mỗi năm chỉ 2 triệu USD, chưa bằng số lẻ của Thái Lan, Malaysia - vài chục triệu USD mỗi năm.
“Chưa khi nào Chính phủ quan tâm du lịch như thế”, Bộ trưởng Thiện nói. Trong cuộc làm việc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tháng 8 tại Hội An, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc và tạo cơ hội thuận lợi cho du lịch phát triển từ xuất nhập cảnh, xúc tiến quảng bá du lịch, quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng du lịch. Ông Nguyễn Văn Tuấn nói, Chính phủ đồng ý thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Tháng 9 này Bộ VHTTDL trình hồ sơ. Ngân sách nhà nước cấp vốn ban đầu khoảng 200-300 tỷ đồng, nguồn thu từ một phần phí thị thực, phí tham quan du lịch, đóng góp các doanh nghiệp.
Có thể cán mốc 10 triệu khách quốc tế
Tổng cục Du lịch công bố có hơn 7,2 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm, tăng 25,7%. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 297 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm nay đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế. Trước con số thống kê 9 tháng, lãnh đạo ngành đặt kỳ vọng du lịch cán mốc 10 triệu du khách quốc tế. Lãnh đạo ngành thừa nhận hạn chế về quản lý hoạt động của du khách tại một số thị trường và hướng dẫn viên nước ngoài, gia tăng tai nạn ở khách du lịch, kiểm soát chất lượng cơ sở lưu trú chưa chặt chẽ.
Toan Toan / Báo Tiền Phong