Tiếng nói và chữ viết
Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có tiếng nói riêng, một số dân tộc còn có chữ viết riêng. Những tiếng nói, chữ viết riêng này đang ngày một giàu thêm về số từ vựng, tinh tế hơn, chính xác hơn về sức diễn đạt, truyền cảm.
Trong số các dân tộc ở Việt Nam, tiếng nói, chữ viết của dân tộc Việt được sử dụng rộng rãi nhất và trở thành tiếng nói, chữ viết phổ thông, ngôn ngữ chính thức trên toàn đất nước Việt Nam.
Về chữ viết, trong một thời gian dài dưới thời Bắc thuộc, Việt Nam sử dụng chữ Hán (của Trung Quốc) trong giao dịch, giáo dục, trong các văn bản của nhà nước phong kiến. Việc sử dụng chữ Hán còn kéo dài đến đầu thế kỷ 20. Đến thế kỷ thứ 10, song song với việc sử dụng chữ Hán, người Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm (dùng đặc tính tượng hình của chữ Hán để ký âm tiếng Việt). Sự xuất hiện của chữ Nôm (có thể) đánh dấu sự trưởng thành trong ý thức dân tộc của người Việt và giúp cho nền văn học Việt Nam phát triển rực rỡ. Đến thế kỷ 16, chữ Quốc ngữ xuất hiện sau đó thay thế cả chữ Hán và chữ Nôm.
Từ khi có chữ Hán, chữ Nôm và sau này là chữ Quốc ngữ thì văn học dân gian đã là chất men tạo nên văn học bác học thực sự của dân tộc và phát triển thành nền văn học Việt Nam hiện nay. Đó là con đường đi cũng như đặc điểm ra đời và sự liên quan của văn học dân gian và văn học bác học Việt Nam.
Văn học hiện đại
Cho tới ngày nay đã thực sự hình thành một lực lượng văn học Việt Nam. Các nền văn học lâu đời trên thế giới, mỗi giai đoạn phát triển đều trải qua những thập kỷ, những thế kỷ. Đối với văn học Việt Nam một trăm năm qua, các bước tiến tương tự đều được rút ngắn.
Văn học quốc ngữ từ buổi đầu đã mau chóng dấy lên cao trào đổi mới, hoàn chỉnh các thể loại từ văn xuôi, thơ, nghiên cứu lý luận phê bình.
Các nhà văn Việt Nam đã thể hiện trong tác phẩm những chuyển biến của lịch sử từ con người đến gia đình, cộng đồng. Nội dung và tư tưởng của các tác phẩm đều mang tính hiện thực và dự báo trong từng giai đoạn, tạo thành một sắc thái riêng.
Đặc biệt, hơn nửa thế kỷ qua văn học Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam vừa trải qua hai cuộc kháng chiến anh hùng, ngày nay bước vào thời kỳ xây dựng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Văn học Việt Nam đã có phong trào, có lực lượng. Lớp lớp người cầm bút không ngừng nảy sinh và số hội viên ngày một hùng hậu.
Văn học dân gian
Văn học Việt Nam từ sơ khai đã phong phú dòng văn học dân gian truyền miệng. Ca dao, tục ngữ, các truyện kể đời này qua đời khác thành một kho tàng đồ sộ và quý báu.
Người Mường ở Bắc Trung Bộ có trường ca Đẻ đất đẻ nước, người Thái ở Tây Bắc có Xống chụ xôn xao, dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên có Đam San, Xinh Nhã, mỗi trường ca này gồm hàng nghìn câu... Còn ở vùng đồng bằng Bắc bộ thì có truyện kể về Nòi giống Lạc Hồng, Thánh Gióng, Tấm Cám, Bánh chưng bánh dày...
Điểm sơ qua một số ít tác phẩm truyền miệng tiêu biểu. Trong dòng văn học dân gian Việt Nam có nhiều thể loại như thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ, tục ngữ, câu đố, cao dao, vè. Văn học dân gian là sản phẩm tinh thần của người bình dân, nảy sinh trong quá trình sinh hoạt, lao động, xây dựng và đấu tranh. Chính vì vậy, kho tàng văn học dân gian ở dân tộc nào cũng có hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm dưới các dạng thức khác nhau; ở mỗi vùng, thậm trí ở mỗi làng xã lại có những tác phẩm dân gian riêng. Đấy là linh hồn và sức sống của dân tộc. Ngày nay, đối với mỗi dân tộc đều có các công trình nghệ thuật và văn học dân gian đã được sưu tầm và bảo tồn. Trên nền tảng văn học dân gian này, bằng tiếng nói và chữ viết đã xây nên tư tưởng chân chính cho văn học bác học của Việt Nam.
Nguồn: www.vietnam-tourism.com