Giá vàng có khả năng phá kỷ lục trong năm nay, song đầu tư vàng ngắn hạn vẫn có thể lỗ nặng. Dù vậy, mua vàng “bỏ ống” vẫn là hình thức tiết kiệm tốt cho nhà đầu tư nhỏ.
Trong vòng 1 năm qua, người mua vàng đã lãi 11% khi giá vàng từ mức 56 - 57 triệu đồng/lượng đã tăng lên 63 triệu đồng/lượng
Vàng có cơ hội phá đỉnh kỷ lục mọi thời đại
Cuối tuần qua, giá vàng thế giới đã có lúc leo vọt lên 1.900 USD/oz, cơ hội phá đỉnh kỷ lục mọi thời đại 2.000 USD/oz năm 2020 là rất lớn.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, vàng đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như: lạm phát toàn cầu tăng phi mã, căng thẳng địa chính trị thế giới. Bên cạnh đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm vào tháng 3/2022 và nâng số lần tăng lãi suất lên 4-5 lần năm nay thay vì 3 lần như dự tính. Vì vậy, năm nay, giá vàng có thể vượt mức 2.000 USD/oz.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 100 USD/oz (tăng 5%), giá vàng bán ra trong nước cũng tăng khoảng 2,8%, lên mức 63,1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, do khoảng cách mua vào - bán ra được các doanh nghiệp vàng doãng rộng, nên người mua vàng đầu năm nay mới chỉ lãi chưa đầy 1%. Tuy vậy, nếu tính trong vòng 1 năm qua, người mua vàng cũng đã kịp lãi 11% khi giá vàng từ mức 56 - 57 triệu đồng/lượng đã tăng lên 63 triệu đồng/lượng.
Mặc dù vậy, nguy cơ vàng “quay đầu” khi căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt vẫn rất lớn. Thêm vào đó, USD tăng năm 2022 (do Fed tăng lãi suất) cũng sẽ khiến đà tăng của vàng bị hạn chế.
“Năm 2022, trong kịch bản tốt, giá vàng thế giới có thể vượt mức giá cao nhất lịch sử là trên 2.000 USD/oz. Còn trong kịch bản xấu, kết thúc năm 2022, giá vàng vẫn đứng vững trên 1.800 USD/oz, tức tương đương với đầu năm”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng dự báo.
Các chuyên gia nhận định, trước đây, vàng gây sốt vì giá biến động mạnh, hơn nữa người dân hầu như không có kênh đầu tư nào khác vàng, ngoại tệ, tiết kiệm, bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài các kênh đầu tư truyền thống, thì các kênh đầu tư mới phát triển mạnh và mang lại cổ tức lớn như: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, bảo hiểm, tiền số…, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Tuy vậy, vàng vẫn là kênh đầu tư có vị thế riêng.
Nhìn vào số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, có thể thấy, các ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư lớn vẫn trong vị thế nắm giữ, số lượng mua vẫn áp đảo số lượng bán. Theo thống kê, trong 20 năm qua, mức lợi suất trung bình của khoảng 12%, đứng top 4 trong các kênh đầu tư sau cổ phiếu của các quốc gia mới nổi, bất động sản Mỹ và chứng khoán Mỹ.
Diễn biến của giá vàng năm 2022 rất khó dự đoán, song ngay cả khi giá vàng tăng mạnh, nhà đầu tư chưa chắc đã có lời. Nguyên nhân là thị trường vàng trong nước đang bị các nhà vàng làm giá, chênh lệch giá mua - giá bán và chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới quá rộng. Diễn biến giá vàng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào người bán khiến người mua đu "sóng" vàng có thể bị nhấn chìm bất cứ lúc nào.
“Thị trường vàng Việt Nam không phù hợp để đầu tư lướt sóng, bởi diễn biến rất khó lường, không theo giá thế giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên.
Chỉ nên coi vàng là hình thức tiết kiệm, không phải là kênh đầu tư
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, so với nhiều kênh đầu tư khác, vàng ngày càng kém hấp dẫn bởi biên độ biến động không lớn. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… ngày càng thu hút luồng tiền.
Đồng tình với ý kiến trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, coi vàng là kênh tiết kiệm, một hình thức “tích sản” thì đúng hơn là kênh đầu tư. Mặc dù không mang lại lợi nhuận lớn như các kênh khác, nhưng vàng là có nhiều lợi thế khác: an toàn, không đòi hỏi số vốn lớn, tăng khá đều qua các năm, thanh khoản cao… Hơn nữa, nếu đầu tư dài hạn, tỷ suất sinh lời của vàng vẫn hấp dẫn hơn gửi lãi suất tiết kiệm.
Với tính an toàn, phòng thủ tốt, trên thế giới, vàng vẫn được nhiều quỹ đầu tư lớn lựa chọn, chiếm 5-10% danh mục tài sản của các quỹ này. Với thu nhập trung bình của người Việt Nam hiện nay, mỗi tháng trích tiền để mua một lượng vàng nhất định có thể là cách tiết kiệm, tích sản hiệu quả thay vì đầu tư nhà đất, chứng khoán, tiền ảo… có độ rủi ro cao, đòi hỏi vốn lớn và kiến thức sâu rộng.