Cộng đồng chung ASEAN (AEC) đã chính thức hình thành hơn một tháng qua, khoảng thời gian còn quá ngắn để có những con số đánh giá tác động của AEC đến với ngành du lịch Việt Nam.
Nhiều nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan thực hiện rất nhiều hoạt động để thu hút khách du lịch từ Việt Nam - Ảnh: Đào Loan |
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế của nguồn nhân lực, sản phẩm và sự chuẩn bị của doanh nghiệp và cơ quan quản lý thì có thể thấy ngành du lịch đang đi sau trong quá trình hội nhập. Dường như, thị trường rộng lớn với dân số khoảng 500 triệu và số lượng lớn khách quốc tế đến từ nước thứ ba chưa được ngành du lịch quan tâm đúng mức.
Khách ASEAN giảm mạnh
Trong những năm qua, trong khi khách du lịch Việt Nam đến các nước trong khu vực liên tục tăng trưởng, thậm chí nằm trong tốp những thị trường quốc tế hàng đầu của nhiều nước trong khu vực thì lượng khách từ chiều ngược lại lại giảm, thậm chí giảm rất mạnh so với những năm trước.
Cụ thể, nếu như năm ngoái, Campuchia đón hơn 1 triệu lượt khách từ Việt Nam thì Việt Nam chỉ đón hơn 227.000 lượt khách từ Campuchia sang, giảm đến 43,8% so với năm trước đó; du khách Việt sang Thái Lan vào khoảng 880.000 lượt nhưng chỉ có hơn 214.000 lượt đến từ chiều ngược lại, giảm 13,1%; với Singapore, chỉ trong vòng 11 tháng của năm 2015 đã đón hơn 387.000 lượt khách từ Việt Nam nhưng suốt cả năm, dù có tăng trưởng một chút nhưng cũng chỉ có hơn 236.000 lượt người Singapore đến Việt Nam... Những thị trường khác trong khối cũng tăng trưởng thấp hoặc có lượng khách ít.
Theo nhiều doanh nghiệp, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, trong đó có nguyên nhân về tiếp thị, sản phẩm, nguồn nhân lực, giá cả...
Về tiếp thị, các chương trình tiếp thị, xây dựng sản phẩm cho du khách ASEAN còn rất ít so với những thị trường mà ngành du lịch đang xem là trọng điểm như châu Âu, Nhật Bản. Trong khi đó, nhiều nước trong khối như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã xem Việt Nam là thị trường chính và từ nhiều năm qua đã thành lập các văn phòng đại diện du lịch để thực hiện các chương trình tiếp thị, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút khách.
Về lực lượng lao động, trong khi khách du lịch từ Việt Nam sang Thái Lan hay Singapore có thể được phục vụ bằng những hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Việt thì tại Việt Nam, có rất ít nhân viên trong ngành du lịch có thể nói được ngôn ngữ của các nước ASEAN. Ngay tại TPHCM, trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước thì việc tìm nhân viên du lịch có thể nói tiếng Khmer để phục vụ khách Campuchia, hay tìm nhân viên phục vụ khách Indonesia rất khó khăn.
Nguồn tin từ Sở Du lịch TPHCM cho biết, những ngôn ngữ này được xem là ngoại ngữ hiếm, từ nhiều năm qua số thẻ hướng dẫn viên được cấp rất ít, thậm chí trong suốt năm ngoái không cấp thêm được thẻ mới nào. Như vậy, làm sao doanh nghiệp có thể tìm người để phục vụ khách nếu muốn khai thác thị trường AEC.
Thêm vào đó, còn có một nguyên nhân nữa là doanh nghiệp còn chưa quan tâm lắm đến thị trường này. Cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhưng có rất ít doanh nghiệp khai thác sâu thị trường ASEAN và số lượng doanh nghiệp có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở những nước này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Từ khi AEC bắt đầu hình thành cùng với những quy định liên quan đến việc luân chuyển lao động, trong đó có lao động du lịch trong khối, giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý bắt đầu bàn về việc cạnh tranh trong cộng đồng chung. Vấn đề nổi bật được thảo luận là làm sao để người lao động du lịch Việt Nam có thể cạnh tranh được với những người có kỹ năng nghề, có ngoại ngữ tốt tại nhiều nước trong AEC nhưng bài toán về làm sao để cạnh tranh thu hút du khách trong khối, cũng như kéo khách từ nước thứ ba đến lại chưa được đặt ra một cách nghiêm túc để tìm lời giải.
Doanh nghiệp bắt đầu lo
Về ngoại ngữ, doanh nghiệp cho biết có thể dễ dàng tìm nhân viên nói tiếng Anh để phục vụ khách Mỹ, châu Âu nhưng lại rất khó khăn để tìm được người có thể nói một số ngôn ngữ trong AEC - Ảnh: Đào Loan |
Với dân số hơn 500 triệu, trong những năm qua, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Khi cộng đồng chung hình thành, vấn đề của ngành du lịch không chỉ là việc luân chuyển lao động mà còn là việc khai thác lợi thế cộng đồng chung để thu hút khách và đến thời gian gần đây, khi AEC chính thức thành lập thì doanh nghiệp mới bàn nhiều đến chuyện này.
Trong đó, những câu chuyện về việc làm sao để cạnh tranh khi vào AEC trong cuộc họp tổng kết năm 2015 của ngành du lịch TPHCM được đánh giá như những chuyển biến tích cực trong nhận thức của doanh nghiệp và cơ quan quản lý với cuộc cạnh tranh mới tuy còn nhiều người thừa nhận là chưa sẵn sàng.
Ông Lại Minh Duy, Giám đốc Công ty Du lịch TST Tourist, cho biết du lịch TPHCM khó mà cạnh trạnh được với các điểm đến trong khối từ nhân sự, sản phẩm đến giá thành, và bản thân doanh nghiệp cũng chưa thể tìm ra những sản phẩm thực sự khác biệt với các nước trong khối để thu hút khách. Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn nhân lực cũng là một thách thức lớn. Chính vì vậy, doanh nghiệp không thể tự tham gia cuộc cạnh tranh mới mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý và hiệp hội nghề nghiệp.
"Với việc phát triển thị trường ASEAN, chúng tôi cần sự hợp sức từ cơ quan quản lý để biết bán sản phẩm nào là thích hợp, sản phẩm này đang bị cạnh tranh với ai. Nguồn nhân lực cũng vậy, hoạt động đào tạo thì nhiều nhưng chưa đi đúng hướng cho thị trường này", ông Duy nói.
Tuy nhiên, trong vô số những lo ngại và bài toán lớn chưa giải được để nâng cao tính cạnh tranh nhằm thu hút khách nội vùng của nhiều doanh nghiệp thì hiện tại cũng đã có vài công ty đã bắt đầu cho cuộc cạnh tranh mới. Doanh nghiệp đã xây dựng mạng lưới bán rộng lớn hơn trong khu vực, mở thêm văn phòng đại diện cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp để đủ sức cạnh tranh với những công ty nước ngoài, dự kiến sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.
"Để thắng trong cuộc cạnh tranh này thì không chỉ phòng thủ ở sân nhà mà phải đi ra, phải ra ngoài để giành lấy thị trường. Chúng tôi đã có ba văn phòng ở Singapore, Thái Lan, Campuchia và sẽ mở thêm ở Malaysia, Indonesia - những nước có dân số lớn, thị trường du lịch phát triển tốt để lấy khách", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, nói.
Doanh nghiệp này cho rằng, lượng khách du lịch trong khối ASEAN mà công ty đón được hiện còn ít nhưng với việc thành lập AEC cùng với những biện pháp kinh doanh mới thì chắc chắn rằng lượng khách này sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới.
Đào Loan / TBKTSG