Hy vọng có thể sớm nối lại mảng du lịch quốc tế được nhen nhóm khi độ phủ vaccin ngừa Covid-19 dần rộng hơn và Chính phủ bắt đầu tính đến kế hoạch cho người đã tiêm vaccin ở nước ngoài nhập cảnh.
Khách du lịch tại Phú Quốc. Ảnh: Đào Loan
Cánh cửa dần được mở
Thứ Sáu tuần rồi, trong cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã tiêm vaccin ngừa Covid-19 ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam an toàn, phục vụ mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Cùng với yêu cầu của Phó thủ tướng, Ban Chỉ đạo lưu ý ngành y tế cần chuẩn bị để sớm tập trung nghiên cứu, cải tiến, chuẩn bị các điều kiện sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh) để phát hiện SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19.
Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng cho biết cơ quan này đang bàn với Hiệp hội Du lịch về kế hoạch nối lại mảng du lịch quốc tế.
Khi bàn về những điều kiện cần thiết để mở lại mảng du lịch quốc tế an toàn, doanh nghiệp đề cập đến ba yếu tố, gồm năng lực xét nghiệm nhanh để phát hiện virus ngay tại cửa khẩu, độ phủ của vaccin và quy trình mở cửa. Những động thái mới vừa kể trên cho thấy cơ quan chức năng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, “cánh cửa” thị trường đang dần được mở ra sau gần một năm tạm đóng để ngăn đại dịch.
“Đây thực sự là tin vui, nếu đẩy nhanh kế hoạch để có thể mở cửa trước Thái Lan thì Việt Nam sẽ có lợi thế truyền thông lớn”, ông Phạm Hà, CEO của Lux Group nói.
Tuy chưa công bố thời điểm chính thức nhưng những thông tin gần đây cho thấy có thể Thái Lan sẽ đón khách quốc tế trở lại vào đầu tháng 7 tới. Ngày 2-3 vừa qua, một số công ty du lịch lớn của Thái Lan đã phát động chiến dịch “Mở cửa Thái Lan an toàn”, kêu gọi chính phủ cho phép đón khách quốc tế từ ngày 1-7. Tiếp sau đó, Thủ tướng Thái Lan cũng cho biết nước này đang nghiêm túc nghiên cứu về ý tưởng “hộ chiếu vaccin” để chuẩn bị sử dụng trong tương lai.
Những động thái của đối thủ đáng gờm này cùng kế hoạch đón khách của Singapore, Indonesia... đã khiến doanh nghiệp trong nước sốt ruột. “Nhiều nước trong khu vực đã có kế hoạch rõ ràng, thậm chí đã bắt tay vào việc nối lại thị trường. Như Singapore đã mở cửa dần cho khách hội nghị, cho phép các hội nghị lớn kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến nên Việt Nam càng chậm thì càng mất lợi thế thu hút khách vì có cùng thị trường nguồn với họ”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định.
Do mùa đông khách quốc tế của du lịch Việt Nam thường kéo dài từ tháng 10 năm cũ đến tháng 3 năm mới nên nhiều doanh nhân cho rằng thời điểm mở cửa nên là quí 3, chậm nhất là vào quí 4 tới và phải công bố sớm để chuẩn bị nhằm có thể có khách ngay khi được phép.
Tuy nhiên, cũng có doanh nhân cho rằng ngay cả khi mở cửa vào tháng 6 tới nhưng công bố sớm trước hai tháng thì du lịch vẫn có khách từ các thị trường gần. “Nếu được như vậy thì từ tháng 6 cho đến hết năm nay, cứ mỗi tháng chúng tôi sẽ có khoảng 4.000 khách, 90% là khách Thái Lan”, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist, nói. Ông cho biết nhiều nhiều đối tác ở Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông vẫn giữ vé máy bay đi và đến Việt Nam cho khách hàng và hứa là sẽ gửi khách ngay khi Việt Nam mở cửa.
Tìm mô hình mở cửa
Cho đến thời điểm này, mô hình “hộ chiếu vaccin”, tức cho phép những người đã tiêm vaccin ngừa Covid-19 nhập cảnh mà không phải cách ly y tế được nhiều doanh nhân cho rằng phù hợp nhất. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, một số biện pháp kỹ thuật khác cũng được đề cập như yêu cầu du khách phải có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch; mua bảo hiểm Covid-19; thậm chí đề nghị cho nhân viên du lịch được tiêm vaccin sớm để bảo đảm an toàn khi phục vụ.
Ông Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ủng hộ “hộ chiếu vaccin” và cho rằng, dù chọn mô hình nào thì điều kiện quan trọng vẫn là công bố sớm bộ tiêu chí đón khách an toàn và đánh giá lại tình trạng thực tế của doanh nghiệp nhằm tính cách hỗ trợ để có thể đón khách trở lại.
Cả nước có hơn 2.700 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thì khoảng 600 công ty đã xin rút phép, số doanh nghiệp còn lại cũng hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Khách sạn, nhà hàng cũng vậy, nhiều nơi vẫn còn đóng cửa nên cần phải tính lại lực lượng và chất lượng dịch vụ để đưa ra kế hoạch phù hợp.
Về thị trường, ông cho rằng nên mở cửa trước với những thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì đây là thị trường nguồn, chiếm đến 75% trong tổng số khách quốc tế của du lịch Việt Nam. Đây cũng là những thị trường gần, dễ tiếp cận bằng đường hàng không để thu hút khách. Thêm vào đó, nhiều nước trong khu vực đã kiểm soát dịch Covid-19 tốt nên sẽ an toàn hơn khi đón khách.
Trong lần trao đổi gần đây với TBKTSG, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, cũng đánh giá Việt Nam có cơ hội đón khách sớm từ các thị trường du lịch lớn và gần như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore vì khi các chuyến bay thương mại quốc tế được khôi phục, du khách sẽ có xu hướng đi du lịch gần.
Tuy nhiên, nhiều doanh nhân cho rằng khó có thể dự đoán về thị trường sau đại dịch dựa trên những căn cứ như thời điểm bình thường. Hiện tại, chưa kể các mối quan hệ bị đứt gãy do thị trường đình trệ quá lâu, do đối tác đóng cửa... thì việc dự báo sức mua và xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong mùa tới để tìm cách tiếp cận là bài toán rất khó của các công ty du lịch.
“Bình thường, khi bán hàng và phục vụ khách là chúng tôi có dữ liệu để dự báo xu hướng và sức mua cho năm tới nhằm tính toán chiến lược sản phẩm, tiếp thị, nhưng thị trường hiện đã thay đổi hoàn toàn. Đối tác ở nước ngoài cũng lúng túng, không biết thị trường sau dịch sẽ ra sao”, ông Ngô Minh Đức, CEO của HG Holdings, nói. Ông cũng đề cập đến việc phải có bộ tiêu chí mở cửa rõ ràng, công bố sớm để doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động tính các bước tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết hiện chưa thể nói chi tiết về các kế hoạch đang thảo luận. Tuy nhiên, có thể nói, việc mở cửa sẽ được tính toán hết sức thận trọng với tiêu chí đầu tiên là an toàn. Ban đầu, du lịch có thể sẽ mở với những thị trường nguồn có lượng khách lớn, dễ tiếp cập để thu hút khách. Những du khách đi theo tour trọn gói, đến các khu nghỉ dưỡng biệt lập có thể sẽ là những khách được chào đón đầu tiên trong kế hoạch mở cửa lại.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Pegas Misr Travel Việt Nam - công ty chuyên tổ chức các chuyến bay đưa khách Nga đến nghỉ dưỡng dài ngày, nói rằng có thể áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn như yêu cầu khách phải tiêm vaccin, cung cấp giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2..., nhưng cần tháo gỡ quy định cách ly y tế thì mới có thể đón khách trở lại.
“Pegas sẵn sàng cất cánh ngay khi Việt Nam mở cửa bầu trời nhưng khách sẽ không chịu lên đường nếu biết đến nơi phải cách ly”, bà nói.