Mảnh đất Cà Mau vốn nổi tiếng với vẻ đẹp bình yên của vùng sông nước. Nơi đây chứa đựng bao sản vật quý hiếm của sông hồ, từ ba khía, mực đến các loại cá,… và đặc biệt là món rùa rang muối trứ danh. Thưởng thức món ăn này, du khách có thể cảm nhận hết hồn quê cũng như tình cảm của người dân nơi đây.
Các món ăn từ thịt rùa được xem là đặc sản của vùng đất mũi Cà Mau. Rùa là một loài động vật hoang dã, rất phong phú về chủng loại, nào là rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém…
Nhưng theo lời người dân bản địa, ăn ngon nhất vẫn là rùa vàng, kế đến là rùa nắp. Nếu không có hai loại trên, thực khách mới phải “xài đỡ” rùa quạ, nhưng tuyệt nhiên không được nếm thử rùa hôi hay rùa dém bởi chúng có mùi vị không dễ chịu một chút nào.
Trước đây, rùa sống trong tự nhiên rất nhiều nên người dân Cà Mau đổ xô đi săn bắt và chế biến. Hiện nay, vì có các chính sách để bảo vệ động vật hoang dã và rùa cũng nằm trong danh sách này nên người ta chuyển sang buôn bán rùa nuôi (giống như nuôi tôm, cua, sò huyết hay nghêu).
Thịt rùa rang muối là món ăn được nhiều thực khách ưa chuộng. (Ảnh: dulichcamau.info) |
Rùa có thể làm được rất nhiều món ăn ngon và bổ, nhưng ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa đúng hương vị và cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau.
Trước khi cho rùa vào rang chung với muối, người ta cắt cổ rùa để lấy huyết. Rượu đế trong như mắt mèo hay rượu nếp trắng pha huyết rùa là thức uống người sành ăn không bao giờ bỏ qua. Theo lời của nhiều người, rượu pha huyết rùa rất bổ dưỡng, có tác dụng không kém rượu pha huyết rắn hổ hay rượu ngâm ngọc dương.
Đem rùa đã cắt cổ trụng nguyên con vào nước sôi chừng vài phút rồi vớt ra cạo rửa rùa cho sạch nhớt. Cắt cổ rùa hơi khó, không có kinh nghiệm sẽ rất khó cắt thành công. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thực hiện công đoạn này.
Nồi để rang rùa thường là nồi đất. Muối dùng để rang rùa nhất thiết phải là muối hột, cứ 1kg rùa cho 1kg muối. Để nguyên con rùa đã làm sạch và muối vào nồi đậy nắp kín, đun to lửa cho muối nổ. Đến khi hết tiếng nổ, ta bắt đầu lấy rùa ra, chẻ vỏ và bỏ bộ lòng. Rùa thường ăn các loại nấm, kể cả nấm độc nên tuyệt đối không được ăn bộ lòng rùa.
Thịt rùa mà nhâm nhi với rượu thì quả thực không gì sánh bằng. (Ảnh: dulichcamau.info) |
Phần thịt rùa, thực khách hãy từ từ xé thịt cho vào dĩa, vậy là bạn có thể thưởng thức món rùa rang muối chấm muối tiêu chanh hoặc muối ớt kèm với rau răm. Cái hương vị thơm giòn, ngon ngọt, béo ngậy của thịt rùa, vị cay cay của rau răm, rau húng, hay tiêu như còn đọng mãi trong vòm miệng. Với dân nhậu, có thể nhâm nhi vài ly rượu nếp cùng với thịt rùa thì càng thêm hấp dẫn, thú vị.
Ngoài rùa rang muối, du khách đến đất mũi Cà Mau cũng đừng bỏ qua món chuột đồng chiên sả ớt, bánh tầm hay vô vàn các món đặc sản khác. Nhiều người cho rằng, đến Cà Mau mà chưa ăn chuột đồng chiên sả ớt thì là một điều đáng tiếc.
Không nhiều thực khách dám thử thịt chuột đồng nức tiếng Cà Mau. (Ảnh: tuhaoviet) |
Các món ăn từ chuột đồng là món đặc sản đặc trưng của đồng ruộng miền Tây. Món ăn dân dã này được chế biến thành nhiều món khác nhau và một trong những kiểu chế biến ngon nhất là chiên sả ớt. Chuột đồng được làm sạch để ráo nước, tẩm gia vị và cho lên chảo chiên đều tay. Thịt chuột chín vàng ươm, bắt mắt với mùi thơm quyến rũ cả những thực khách sành ăn nhất.
Cá thòi lòi cũng là một loại cá đặc trưng của vùng ngập mặn, người dân còn gọi là cá leo cây. Loài cá này hình dáng kì dị nhưng thịt ngọt thơm, mềm mại. Thịt cá thòi lòi không mỡ nên khi nướng cá thường được phết thêm bên ngoài chút mỡ nước để nướng cho khỏi cháy. Nướng cá trên lửa than hồng, cá chín mùi rất thơm.
Bánh tầm gà cay. (Ảnh: dulichcamau.info) |
Cuối cùng, món bánh tầm gà cay là sự kết hợp tuyệt vời và khéo léo giữa bánh tầm với cà ri gà thành một món ăn đặc trưng của miền đất phương Nam. Dĩa bánh tầm được chan nước cà ri gà thêm phần thịt, mề và huyết được băm nhỏ chan lên ăn kèm với rau sống.
Hoàng Ngọc / dnatri
Tổng hợp