Được mệnh danh là những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất, đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), đèo Khau Phạ (Yên Bái), Đèo Pha Đin…còn nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ làm đắm say lòng người….
Mã Pì Lèng – vua của các con đèo Việt Nam
Hà Giang – mảnh đất địa đầu Tổ quốc không chỉ nổi tiếng với hoa tam giác mạch, với cột cờ Lũng Cú nơi điểm cực bắc mà còn nổi tiếng với những vách núi cheo leo, những đỉnh đèo huyền thoại mà Mã Pì Lèng là một trong số đó.
Đèo Mã Pí Lèng nổi tiếng với cảnh đẹp hùng vĩ. Nguồn ảnh: DutchTa (Flickr) |
Đèo Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là cung đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam.
Đèo dài 20km, uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Để làm con đường này đã có hàng chục nghìn nhân công từ khắp các tỉnh miền Bắc ngày đêm miệt mài đục đá, riêng đoạn qua Mã Pì Lèng được các thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường.
Nơi đây được mệnh danh là vua của các loại đèo. Nguồn ảnh: Lê Thanh Sơn (Flickr). |
Một góc Mã Pí Lèng. Ảnh: FB Son Tran |
Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pì Lèng với 9 khúc quanh uốn bên vách đá dựng đứng, dưới là vực thẳm hun hút đã trở thành một kỳ tích được ví như một “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam.
Trên đỉnh đèo đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo, đây cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hi sinh, góp cả tính mạng mình làm nên con đường Hạnh Phúc.
Đèo Khau Phạ (Yên Bái) – Một trong tứ đại đỉnh đèo lừng lẫy Tây Bắc
Đèo Khau Phạ là đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32, được mệnh danh là một trong “tứ đại đèo” với độ dài trên 30 km. Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam vượt qua đỉnh núi Khau Phạ. Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm…
Vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên ở đèo Khau Phạ - Yên Bái - Ảnh: Hachi8 |
Nằm ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Đèo vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải. Tên gọi của đỉnh núi này trong ngôn ngữ của dân tộc Thái nghĩa là “Sừng Trời” (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), do các chóp núi thường nhô lên giữa biển mây bao quanh như một chiếc sừng.
Vẻ đẹp của đèo Khau Phạ khi phóng tầm mắt từ “sừng trời’ - Ảnh: T_N_T |
Nằm ở độ cao trên 1.200 mét so với mực nước biển nên thời tiết ở Khau Phạ mát mẻ quanh năm như cao nguyên Đà Lạt. Một ngày ở Khau Phạ có tới 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Khau Phạ thường xuyên mịt mù mây phủ và có năm trời quá lạnh, băng tuyết phủ kín trên đỉnh đèo.
Cánh đồng dưới chân đèo Khau Phạ - Ảnh: Linhce |
Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng mờ ảo trong sương sớm. Đây là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo nhìn Khau Phạ hiện ra rực rỡ giữa đất trời xanh thẳm, mang vẻ đẹp hùng vĩ tới nao lòng.
Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin còn được gọi là Dốc Pha Đin, có độ dài 32km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên).
Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Pha Đin (hay “Phạ Đin” theo tiếng Thái) nghĩa là “Trời Đất” - Ảnh: Le Hong Ha |
Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.
Sự hiểm trở, hùng vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng của Pha Đin - Ảnh: Le Hong Ha |
Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống du khách sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.
Đèo Mã Phục – Cao Bằng
Đèo cách thành phố Cao Bằng khoảng 20 km về phía đông, thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Đây là con đèo nổi tiếng của đất Cao Bằng gắn liền với truyền thuyết về người anh hùng dân tộc Tày tên là Nùng Trí Cao. Đèo khá hiểm trở song có nhiều cảnh đẹp.
Đèo Mã Phục nổi tiếng bởi cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Ảnh: Internet |
Đèo Mã Phục dài 3,5 km, cao khoảng 700 m so với mực nước biển. Đèo quanh co, uốn lượn theo triền núi đá vôi. Từ chân đèo lên đến đỉnh đèo tính ra có đến 7 tầng dốc gấp khúc. Một bên đèo là vách núi cao chót vót, một bên là vực sâu với những khe núi hẹp.
Qua đèo Mã Phục, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ mà bình dị của một vùng biên ải. Thung lũng dưới chân đèo trải rộng với những nương đậu, rẫy bắp tươi tốt. Những bản nhỏ bên đường có hàng rào đá bao quanh vững chãi và đẹp mắt.
Lên đến đỉnh đèo, cả một vùng nước non hùng vĩ thu vào trong tầm mắt. Núi tiếp núi nhấp nhô, trùng trùng, điệp điệp. Những thửa ruộng bậc thang xanh tốt nhuộm vàng trong nắng chiều. Cảnh sắc vừa thơ mộng, bình yên vừa hùng vĩ khiến du khách không nỡ rời chân…
Đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân cắt ngang dãy núi Bạch Mã, nằm ở giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đèo Hải Vân còn có tên gọi là Đèo Ải Vân hay Đèo Mây có chiều dài 20km, có độ cao 500m so với mặt nước biển.
Đèo Hải Vân là một trong những đường đèo ven biển đẹp và ấn tượng bậc nhất thế giới. Cung đường Hải Vân chênh vênh, khúc khuỷu, nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn núi non hùng vĩ. Có lúc nó cong mình uốn lượn ôm theo triền núi.
Khúc cua chữ C trên đèo Hải Vân thuộc địa phận Đà Nẵng. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Cung đường uốn lượn trên đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Hải Vân được mệnh danh là con đèo hiểm trở nhất Việt Nam. Chính điều đó lại đem đến cho du khách những cảm giác thú vị và thách thức. Từ trên đèo có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng trời, dãy Bạch Mã nối nhau trùng điệp ẩn hiện sau làn sương mờ, tuyến tàu hỏa Bắc – Nam lượn mình phía đưới và xa hơn là biển xanh chạm đường chân trời.
Đứng phía Bắc đèo có thể nhìn thấy làng chài và vịnh Lăng Cô xanh màu ngọc bích với bãi cát trắng trải dài, đẹp như tranh vẽ. Còn đứng phía Nam đèo là cả thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, cù lao Chàm và bán đảo Sơn Trà xanh mướt được nhìn từ trên cao.
Đèo Hải Vân cách thành phố Đà Nẵng 20km và cách thành phố Huế 80km. Để thuận tiện, bạn có thể di chuyển đến thành phố Đà Nẵng bằng nhiều phương tiện như máy bay, tàu hỏa, xe khách… sau đó thuê xe đến đèo Hải Vân.
H.T
Tổng hợp