Thời gian gần đây, lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam tăng đột biến. Thậm chí một số nơi, số lượng du khách Hàn còn vượt qua cả khách Trung Quốc.
Trước hiện tượng này, báo SCMP của Hong Kong đã có bài viết để tìm hiểu lý do phía sau.
Toàn cảnh bức tranh ngành du lịch Việt
Từ lâu, Việt Nam được biết tới như một thiên đường dành cho khách du lịch balô. Quốc gia này thu hút du khách mê khám phá nhờ văn hóa ẩm thực đường phố sôi động, hàng loạt các di sản thế giới đầy màu sắc, cảnh thiên nhiên ngoạn mục. Mở đầu bài viết trên SCMP, tác giả Crystal Tai nhận định như vậy.
Tuy nhiên mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Những thị trấn ven biển “buồn tẻ” một thời giờ đã biến thành khu nghỉ dưỡng 5 sao. Nhà nghỉ cũ kỹ, các khu tập thể trên phố được thay thế bằng trung tâm thương mại sầm uất, hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Ngành du lịch và khách sạn Việt Nam trong những năm qua đang mở rộng nhanh chóng. Bên cạnh các điểm nóng du lịch quốc tế như Iceland và Mông Cổ, năm 2017, Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc xác nhận nằm trong “Top 10 những điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới”.
Trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam đã đón 8 triệu khách quốc tế, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch ước tính đạt 312 nghìn tỷ đồng (13,4 tỷ USD). Con số này cao hơn 22,5% so với nửa đầu năm 2017.
Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch đầy tham vọng khi hướng tới 20 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm vào năm 2020. Đổi lại, mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành có giá trị 35 tỷ USD mỗi năm, chiếm 10% GDP cả nước.
Tới “cơn bão” bùng nổ của khách Hàn Quốc
Năm ngoái, Trung Quốc đại lục chiếm lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất với 3,4 triệu lượt. Hàn Quốc đứng ngay sau với 3,16 triệu khách, tăng 46,5% so với năm trước.
Các hãng hàng không Hàn Quốc Asiana và Jeju Air bắt đầu cung cấp chuyến bay hàng ngày giữa Busan và Đà Nẵng, tăng công suất đường bay lên tới 86%. Do đó, Đà Nẵng, từ một bãi biển còn nguyên sơ đã trở thành điểm đến nước ngoài hàng đầu của người Hàn kể từ mùa hè năm ngoái. Thông tin do trang web thương mại điện tử Ticket Monster của Hàn cung cấp.
Nhiều du khách Hàn thích tới khám phá phố cổ Hội An, nơi chỉ cách Đà Nẵng khoảng 30km. Theo báo cáo từ phía Việt Nam, hơn 240.000 khách Hàn đã tới Hội An năm ngoái, tăng 70% so với năm 2016. Hiện số lượng khách Hàn cũng vượt xa du khách Trung Quốc.
Ngôi nhà thứ 2
Tháng 3 năm ngoái, Yoo Hyong-rok mới có chuyến xuất ngoại đầu tiên. Anh sinh ra ở Seoul. Gia đình anh thường chọn tới thăm những vùng nông thôn hay đảo Jeju vào dịp nghỉ lễ, bởi vậy, du lịch nước ngoài chưa bao giờ là lựa chọn hàng đầu.
Trong khoảng từ 1960 đến cuối 1980, người Hàn không được du lịch tự do. Hộ chiếu của họ chỉ được cấp vì những lý do đặc biệt. Năm 1988, Hàn Quốc mới bắt đầu cho phép người dân thoải mái du lịch. Tầng lớp trung lưu tại đây tăng trong 3 thập kỷ liên tiếp khiến nhiều người có nhu cầu khám phá thế giới.
Sau nhiều năm xem các chương trình giới thiệu Việt Nam cũng như mạng xã hội chia sẻ về văn hóa ẩm thực tại quốc gia này, Yoo quyết định tới Hà Nội.
Khi đặt chân tới thủ đô, Yoo ngạc nhiên khi chứng kiến số lượng lớn các nhà hàng Hàn Quốc, từ thịt nướng tới chuỗi siêu thị tiện ích, quán cafe. Nhiều khách Hàn khác cũng có những ấn tượng tương tự.
“Tôi thấy nhiều thương hiệu và quán cafe phong cách Hàn tại đây. Người Việt Nam cũng rất yêu văn hóa Hàn Quốc”, anh Yoo nhận định. Cũng như nhiều nước châu Á khác, làn sóng văn hóa KPop đã ảnh hưởng nhiều tới giới trẻn.
Ông Mark Gwyther, chủ công ty tư vấn du lịch MGT Management Consulting ở TP.HCM, cho biết, ngoài phim ảnh và âm nhạc, công dân Hàn Quốc hiện đang được hâm mộ nhất ở Việt Nam có lẽ là HLV Đội tuyển bóng đá quốc gia, ông Park Hang Seo.
Trở lại với câu chuyện của anh Yoo. Lần đầu xuất ngoại và anh lại chọn điểm đến là Việt Nam. Anh cho biết, khi tới Hà Nội như có cảm giác ở nhà. “Tôi tới những nhà hàng mang phong cách Hàn Quốc và đồ ăn giống như ở quê hương. Nguyên liệu thậm chí còn tươi ngon hơn”, anh tỏ ra rất hài lòng.