Thu hút được nguồn vốn FDI khổng lồ, không chỉ đến từ một hay vài nguyên nhân chủ chốt mà là sự hợp lực của nhiều yếu tố. Và điều hiển nhiên, thành công hay thất bại còn đến từ chính nội lực mỗi địa phương.
Hợp lực của nhiều yếu tố
Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những thị trường trọng điểm tại châu Á cho nhà đầu tư nước ngoài và điểm đến cho doanh nghiệp trong ngành sản xuất.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam: "Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cho thấy Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập quốc tế, điều này đem lại nhiều cơ hội khi hàng rào thuế quan giảm và tạo thêm động lực để Việt Nam tái lập môi trường kinh doanh”.
"Sự tăng trưởng ngoạn mục có được cũng nhờ vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, định hướng xuất khẩu, các Hiệp định Thương Mại Tự do (FTA’s) được ký kết, cùng các vùng kinh tế trọng điểm được thành lập đã góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi với nguồn lao động dồi dào", chuyên gia của JLL nhận định.
Việt Nam còn được đánh giá là một quốc gia lý tưởng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu thế giới bởi sở hữu vị trí chiến lược để sản xuất và phân phối hàng hóa bằng đường bộ và đường biển.
Bên cạnh đó, ngoài lợi thế về mặt địa lý giáp với Trung Quốc, một trong những lợi thế cạnh tranh khác của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định và một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới - tất cả các yếu tố cho thấy môi trường đầu tư khá hấp dẫn.
Chưa kể, cơ sở hạ tầng luôn được các địa phương chú trọng, đặc biệt trong việc phát triển những khu công nghiệp. Thống kê cho thấy, hiện trên cả nước có 335 hecta đất được dành riêng cho hoạt động sản xuất công nghiệp vào năm 1986. Con số này đến 2018 đã đạt hơn 80.000 hecta.
Sự chủ động từ chính các địa phương
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, có 1.723 dự án mới đăng ký với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD. Phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỷ USD tăng 39,8% theo năm. Cũng trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp (IPs) và vùng kinh tế (EZs) thu hút gần 340 dự án FDI với tổng nguồn vốn gần 8,7 tỷ USD.
Thu hút được nguồn vốn FDI khổng lồ, như đã phân tích ở trên, không chỉ đến từ một hay vài nguyên nhân chủ chốt mà là sự hợp lực của nhiều yếu tố. Và điều hiển nhiên, thành công hay thất bại trong việc thu hút đầu tư còn đến từ chính nội lực mỗi địa phương. Minh chứng rõ ràng nhất có thể kể tới Thái Nguyên.
Thái Nguyên đang là điểm sáng thu hút đầu tư
Thái Nguyên đã có 131 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 7,29 tỷ USD của 9 quốc gia, trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đặc biệt là năm 2013 khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) triển khai dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên) đã đưa Thái Nguyên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 22 dự án cấp mới, tổng vốn trên 3,4 tỷ USD.
Để có được những kết quả vượt bậc trong thu hút đầu tư FDI, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, phổ biến lan tỏa các chính sách nhà nước, tăng cường sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế lớn và cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, huy động các nguồn vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp trọng điểm như: Điềm Thụy, Yên Bình, Nam Phổ Yên...
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư thật sự có năng lực về tài chính cũng như năng lực về chuyên môn, đặc biệt là quan tâm đến các lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ.... Các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở phối hợp, song hành cùng nhà đầu tư đảm bảo một môi trường an ninh bền vững giúp đỡ các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn bó lâu dài với Thái Nguyên...
Chưa dừng lại đó, với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc, trong vài năm trở lại đây, Thái Nguyên liên tục đẩy mạnh hạ tầng và cải cách hành chính để thu hút vốn đầu tư FDI từ nước ngoài.
Đặc biệt Tỉnh Thái Nguyên đang hoàn thiện đại lộ Đông – Tây, còn gọi là đường vành đai năm vùng Thủ đô Hà Nội, nối từ huyện Phú Bình sang thị xã Phổ Yên tại nút giao Yên Bình nhằm giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn của nhân dân, tăng cường thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Khu công nghiệp – Nông nghiệp công nghệ cao – Đô thị và Dịch vụ Yên Bình, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa khu vực phía tây nam của tỉnh.
Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2020, tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến Thái Nguyên, từ Thái Nguyên đến Hà Nội, giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa rất lớn giữa huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên, giảm tải cho Quốc lộ 37, đặc biệt là tuyến từ ngã tư Điềm Thuỵ sang thành phố Sông Công hiện nay nhỏ hẹp, thường xuyên ách tắc và tai nạn giao thông.
Mặt khác, đại lộ Đông – Tây mở ra cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Khu Công nghiệp – Nông nghiệp công nghệ cao – Đô thị và Dịch vụ Yên Bình rộng hơn tám nghìn ha, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình.
Theo Dân trí