Tuần rồi, khi Chính phủ Thái Lan vừa công bố nới lỏng các hoạt động kinh doanh, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã công bố chiến lược ba giai đoạn phục hồi du lịch trong trạng thái "bình thường mới".
Sự tăng tốc của điểm đến đáng gờm này đặt ngành du lịch Việt Nam trong một "cuộc chiến" cam go hơn nữa để thu hút khách quốc tế, phục hồi du lịch sau Covid-19.
Phạm Hải Yến (áo đỏ) và Dương Thị Cẩm Lài, hai hướng dẫn viên du lịch không có việc làm vì Covid-19 đang bày biện trái cây, bánh chuối để bán tại sự kiện do Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TPHCM tổ chức vào sáng 6-6. Ảnh: Đào Loan
Người Thái đã "chạy"
Ở góc độ kiểm soát dịch bệnh, Thái Lan không có lợi thế bằng Việt Nam. Tháng trước, khi dịch bệnh ở Việt Nam tạm lắng, Chính phủ nới lỏng việc giãn cách xã hội thì Thái Lan vẫn phải căng mình đối phó với dịch bệnh.
Tuy nhiên, vào tuần trước, khi Chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn ngừa dịch, nới lỏng hoạt động kinh doanh thì ngay lập tức Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) công bố chiến lược ba giai đoạn phục hồi du lịch.
Nổi bật nhất trong chiến lược này là việc TAT đưa ra những chính sách bảo vệ sức khỏe, ưu đãi cho du khách cũng như xác định phải hỗ trợ doanh nghiệp để có giá tốt cho khách hàng và thực hiện tiếp thị điểm đến.
Trong giai đoạn 1, TAT xác định để bắt đầu lại, ngành du lịch phải chấp hành các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cho đến khi vắc-xin được đưa ra thị trường. Điều này sẽ tác động, làm thay đổi hành vi và mô hình của hoạt động du lịch, du lịch truyền thống bắt đầu từ vận tải hàng không.
Cơ quan này không quá tách bạch khoảng thời gian dành cho giai đoạn 2 và 3 nhưng xác định giai đoạn 2 có thể được bắt đầu khi các chuyến bay quốc tế được phép mở trở lại.
Ở thời điểm này, du khách quốc tế đến Thái Lan là những người sống ở vùng đã an toàn. Để nhập cảnh vào Thái Lan, du khách bắt buộc phải kiểm tra có dương tính với virus nCoV (SARS-CoV-2) hay không và sẽ khởi hành đến khu vực cách ly, không dừng lại ở bất kỳ chỗ nào.
Du khách sẽ được yêu cầu tải và sử dụng ứng dụng theo dõi trên điện thoại nhằm đảm bảo an toàn khi lại trong và ngoài khu vực cách ly. TAT cũng sẽ thúc đẩy du lịch địa phương ở mỗi tỉnh và các tỉnh lân cận hoặc các tỉnh không có ca nhiễm.
Thái Lan sẽ tập trung vào phân khách khách du lịch quốc tế cao cấp với hình ảnh là một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới và sẽ thực hiện các sự án như "Chào mừng các siêu anh hùng đến với Thái Lan” cho nhân viên y tế trên khắp thế giới...
TAT cho rằng phải có giá tốt thì mới thu hút du khách quay lại. Mức giá tốt này sẽ có được bằng cách trợ cấp cho khách sạn, nhà điều hành du lịch để doanh nghiệp có thể giảm giá nhằm thúc đẩy sự phục hồi lâu dài, bền vững. Phía hàng không và nhà điều hành du lịch cũng được xem xét hỗ trợ tiền để quảng bá và tiếp thị.
Thêm vào đó, được tính như miễn lệ phí xin visa, nới lỏng giờ giới nghiêm vào ban đêm trong các khu vực có du khách quốc tế cũng được tính đến để kích thích nền kinh tế.
Doanh thu lữ hành, lưu trú và ăn uống tại nhiều địa phương đã giảm rất mạnh vì Covid-19. Đồ họa: Đào Loan
Việt Nam sẽ bất lợi vì độ trễ của chính sách?
Như đã đề cập ở trên, ngành du lịch Việt Nam đã đi trước Thái Lan một bước trong việc lập ra kế hoạch ứng phó, hồi phục du lịch sau đại dịch.
Từ đầu tháng 2-2020, Tổng cục Du lịch đã có kịch bản ứng phó, đề ra từng giai đoạn dịch cùng với những hành động cần thực hiện. Kế hoạch này sau đó đã không thể thực hiện đúng theo dự định vì tình hình dịch bệnh lan rộng quá nhanh ở trong nước và thế giới.
Đến đầu tháng 5-2020, khi tình hình ở Thái Lan chưa yên ắng, Việt Nam đã bắt tay vào kế hoạch kích cầu du lịch nội địa và bắt đầu thảo luận nhiều hơn đến kế hoạch hồi phục thị trường quốc tế.
Cũng như Thái Lan, cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp, Hội đồng Tư vấn Du lịch... đặt ra những việc cần làm để kéo khách quốc tế quay lại. Trong đó, có tăng cường quảng bá điểm đến an toàn, thành công trong chống dịch; nới lỏng thủ tục visa, miễn lệ phí visa, nối lại những chính sách đơn phương miễn visa các các thị trường đã phải tạm ngừng trong dịch.
Thêm vào đó là phải xác định lại thị trường trọng điểm sau dịch để đón tiếp, nơi nào tại Việt Nam có thể đón khách trước; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách; đưa ra các chính sách kích cầu về giá và đương nhiên, phải hỗ trợ doanh nghiệp "sống" được cho đến thời điểm đó thì mới có thể kéo du khách đến Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, rất nhiều các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng... cho doanh nghiệp cũng như chính sách dành cho du khách chưa được triển khai trong thực tế. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đang lo lắng là sẽ không thể tiếp tục trụ nổi trong vài tháng tới.
Thông tin trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hôm thứ Tư này (3-6) đã cho thấy phần nào sự u ám của ngành du lịch.
Theo đó, trong quí 1 và quí 2-2020, có khoảng 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động; 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%.
Để cập nhật thông tin cho đối tác và chuẩn bị các kế hoạch nhằm có thể quay lại thị trường ngay khi được phép, doanh nghiệp đang rất muốn biết nhiều thông tin.
Trong đó, khi nào các chính sách về visa được nối lại; nếu có ưu đãi mới thì sẽ áp dụng cho thị trường nào; nhà nước có ưu đãi cho doanh nghiệp để tiếp tục giảm giá cho khách trong bối cảnh tài chính cạn kiệt như hiện nay hay không.
Thêm vào đó là thông tin về số lượng các khách sạn tại địa phương đã mở cửa trở lại, các dịch vụ đã sẳn sàng, số lượng nhân viên du lịch có thể làm việc ngay...
Việc thu hút du khách quốc tế quay lại cần rất nhiều thời gian, cần chuẩn bị ngay khi chưa thể mở cửa thì mới có thể bắt tay vào hành động ngay khi được "bật đèn xanh", nếu không sẽ khó thắng nổi trong cuộc chiến phục hồi du lịch đầy khó khăn sau đại dịch.