Ngoài đảm bảo an toàn, ngành du lịch hướng đến xây dựng tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lưu trú dài ngày, giảm giá nhưng không giảm chất lượng.
Tại hội nghị trực tuyến về giải pháp khôi phục du lịch sau Covid-19 chiều 6/5, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, mục tiêu trước hết của ngành là khôi phục thị trường nội địa, đồng thời tính toán tới thị trường quốc tế.
Theo ông, trong giai đoạn cả nước phòng, chống dịch bệnh, hoạt động du lịch phải gắn liền với tính an toàn. Đây cũng là thời điểm những vùng không dịch như Tây Bắc, đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ... đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch.
Ông Thọ cho rằng, đối với khách nội địa, ngành du lịch cần tạo các sản phẩm tour du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày để giảm di chuyển. Đặc biệt không nên tổ chức chương trình du lịch liên tỉnh, xuyên Việt mà tập trung vào một địa phương.
Du khách nội địa tăng mạnh ở một số địa phương trong dịp nghỉ lễ 30/4 là tín hiệu tích cực của ngành du lịch. Ảnh: Xuân Ngọc.
Khác với các chương trình kích cầu du lịch từng vùng trước đây, giữa tháng 5, liên minh kích cầu cần mở rộng trên toàn quốc. Về phía Nam, cần triển khai sớm du lịch đồng bằng sông Cửu Long để phát triển đồng bộ với các địa phương khác trên cả nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thêm ở khu vực Đông Nam Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai...
Ở miền Bắc, Hiệp hội tập trung tới các sản phẩm tour theo dải ven biển, kéo dài từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ngoài ra là các tỉnh Tây Bắc và vòng cung Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên... với điểm mạnh 2 công viên địa chất toàn cầu.
Về phía du lịch miền Trung, trung tâm của đợt kích cầu là Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế. Ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cần mở rộng tới Kon Tum và Đắk Nông, bên cạnh 4 tỉnh đã được các doanh nghiệp lữ hành phát triển tour trong lần kích cầu đợt một vào tháng 2.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, các hiệp hội cần chung tay để thúc đẩy du lịch. Cụ thể, hiệp hội lữ hành, khách sạn có thể kết hợp cùng hàng không tạo ra những sản phẩm du lịch giảm giá nhưng không giảm chất lượng, hoặc giữ nguyên giá nhưng tăng thêm dịch vụ, để thu hút du khách. Chính quyền địa phương cần tổ chức họp và thống nhất với các khu du lịch, điểm tham quan để giảm giá vé.
"Đây là cuộc cạnh tranh, nếu địa phương này làm không tốt, khách sẽ đến với địa phương khác nên điểm đến cần tạo hình ảnh thân thiện nhất với du khách", ông Bình nhấn mạnh.