Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ TT&TT đã có bước chuyển mình quan trọng cả về xây dựng thể chế chính sách cũng như thúc đẩy chuyển đối số quốc gia.
Ngành TT&TT đang có đóng góp lớn cho đất nước
Ngày 29/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ TT&TT đã có những thành tựu rất cơ bản. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, trước những nhiệm vụ, trọng trách lớn được giao, Bộ TT&TT đã có bước chuyển mình quan trọng, là một trong những bộ năng động, cả trong bình diện xây dựng thể chế chính sách, phát huy vai trò quản lý nhà nước, cũng như trong thúc đẩy phát triển 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia.
Người đứng đầu Quốc hội cũng đánh giá cao Bộ TT&TT trong công tác quản lý báo chí; đảm bảo an toàn thông tin mạng, nỗ lực quét “rác” trên không gian mạng; trong việc tham mưu cho Chính phủ để thay đổi nhận thức, cách làm với công tác truyền thông chính sách của cơ quan nhà nước; và đặc biệt là công tác xây dựng thể chế. “Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ TT&TT đã có những thành tựu rất cơ bản”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành TT&TT có đóng góp rất lớn cho đất nước, đang là động lực chính cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững, với doanh thu 1 năm trên 160 tỷ USD. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, TT&TT là một ngành về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ nhưng tất cả đều xoay quanh công nghệ số, là công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngành đang có đóng góp rất lớn cho đất nước, là động lực chính cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thay mặt Bộ TT& TT báo cáo với đoàn công tác, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành là 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7%; nộp ngân sách 98.982 tỷ đồng, tăng 24,8%. Lao động toàn ngành là trên 1,5 triệu người, tổng số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn ngành là gần 85.000 đơn vị, trong đó có khoảng trên 70.000 doanh nghiệp công nghệ số.
Thứ trưởng Phạm Đức Long báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội về sự phát triển của ngành TT&TT. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Bên cạnh phát triển sản xuất kinh doanh, ngành TT&TT cũng đã tập trung xây dựng, phát triển thể chế. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bộ TT&TT đã và đang xây dựng 4 Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Công nghiệp công nghệ số. Các Luật dự kiến xây dựng trong thời gian tới là các Luật về bưu chính, báo chí, xuất bản và chính phủ số dự kiến sẽ được xây dựng, sửa đổi trong thời gian tới.
Năm 2023 đã được chọn là năm dữ liệu số, với các định hướng lớn sẽ được tập trung như: năm thực thi các chiến lược đã ký; Cách tiếp cận mới - Có lợi cho người dân, tạo ra giá trị, chất lượng, bền vững; Cải cách hành chính, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, nâng cao thứ hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam; quản lý các nền tảng xuyên biên giới; sử dụng các công nghệ lớn để giải các bài toán nhỏ của Việt Nam; thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài cũng là nội dung sẽ được Bộ tập trung trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng thông tin về các kết quả đạt được của chuyển đổi số Việt Nam. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Cập nhật về kết quả chuyển đổi số quốc gia từ năm 2020 đến nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia về chính phủ số, chính phủ điện tử, với chỉ số thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. An toàn thông tin mạng đã tăng 75 bậc, hiện xếp thứ 25/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đóng góp của kinh tế số vào GDP Việt Nam theo ước tính của Bộ TT&TT đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% vào năm 2022. Về xã hội số, Việt Nam đang làm tốt việc phổ cập điện thoại thông minh, tài khoản thanh toán số đến người dân và cáp quang băng rộng đến hộ gia đình.
“Liên tục trong 3 năm từ 2020 đến 2022, kết quả đánh giá của Bộ TT&TT cũng khá tương đồng với Liên hợp quốc, chỉ số chuyển đổi số quốc gia và các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đều tăng qua các năm”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin.
Cam kết nỗ lực góp sức tổ chức hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu
Công tác chuẩn bị cho hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và chuyến công tác cấp cao của Quốc hội đến một số nước Mỹ Latin cũng là nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung trao đổi tại buổi làm việc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì phiên thảo luận tại buổi làm việc với Bộ TT&TT. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Diễn ra vào trung tuần tháng 9/2023, hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Trên cơ sở chủ đề chung, các phiên thảo luận chuyên đề tại hội nghị sẽ tập trung vào 3 chuyên đề: Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nêu đề xuất của Bộ về 10 nội dung cho các phiên chuyên đề hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Về chuẩn bị cho chuyến thăm của đoàn công tác Quốc hội tới một số nước Mỹ Latin, Bộ TT&TT cũng báo cáo Chủ tịch Quốc hội về các hợp tác trong lĩnh vực TT&TT cũng như đề xuất thông điệp trong phát biểu của Chủ tịch Quốc hội với sinh viên Đại học Quốc gia Uruguay.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà trao đổi tại buổi làm việc. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Các thành viên đoàn công tác của Quốc hội đều đánh giá cao đề xuất nội dung về chuyển đổi số của Bộ TT&TT. Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định, 10 nội dung cho phiên chuyển đổi số của Bộ TT&TT rất phù hợp. Đồng quan điểm, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, trong 10 nội dung Bộ TT&TT đề xuất, có thể chọn từ 4- 6 nội dung để thảo luận tại hội nghị như chuyển đổi số và cơ hội thay đổi thứ hạng quốc gia, chuyển đổi số và nghị sĩ số, Nền tảng số kết nối nghị sĩ thế giới…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị chọn từ 4- 6 chủ đề Bộ TT&TT đề xuất để thảo luận tại hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Kết luận buổi làm việc, nhấn mạnh đây là cơ hội rất tốt để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam với thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tích cực đóng góp cho việc tổ chức hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, cụ thể là về nội dung và tuyên truyền.
Người đứng đầu Quốc hội cũng mong Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp lớn của ngành sẽ tích cực tham gia cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT tổ chức triển lãm thành tựu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và sản phẩm OCOP.
Đai diện các doanh nghiệp ngành TT&TT, Chủ tịch VNPT Tô Dũng Thái khẳng định, để quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế quốc gia, các việc được Quốc hội, Bộ TT&TT phân công, các doanh nghiệp sẽ nỗ lực hết sức mình, bàn bạc với nhau để có thể làm tốt nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sách tem về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ sẽ lĩnh hội đầy đủ các chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tổ chức triển khai với tinh thần nghiêm túc nhất, tạo ra kết quả cuối cùng hiệu quả nhất, đặc biệt là việc xây dựng và hoạch định thể chế số mở đường cho chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi số trở thành 1 phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp đẩy nhanh và rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ TT&TT cam kết sẽ chuẩn bị tốt nhất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số tại hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ chuyến thăm chính thức 1 số nước Mỹ Latin của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; đảm bảo chất lượng, thời gian với các dự án luật do Bộ TT&TT dự thảo tham mưu Chính phủ trình Quốc hội.
Bên cạnh cam kết hỗ trợ xây dựng Quốc hội điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn đề xuất 3 nội dung để Quốc hội Việt Nam đóng góp với IPU, đó là hỗ trợ kết nối hội nghị giữa và với các Quốc hội toàn cầu; xây dựng cơ sở dữ liệu về luật pháp toàn cầu bằng tiếng Anh, đi cùng các công cụ tìm kiếm trợ lý ảo để Quốc hội các nước có thể khai thác tri thức, thể chế toàn cầu; xây dựng một nền tảng số nhắn tin, trao đổi bằng text để các nghị sĩ tương tác trao đổi trong môi trường đa ngôn ngữ.