Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý để Bạc Liêu thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, với diện tích giai đoạn 1 là 200 héc ta. Như vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam có khu nông nghiệp công nghệ cao cho com tôm.
Một nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu bên ao tôm đạt chứng nhận ASC. Ảnh: TL
Thông tin này được đưa ra vào sáng ngày 20-9 tại buổi làm việc giữa Chính phủ với tỉnh Bạc Liêu tại Hà Nội, được đăng tải trên Cổng thông tin Chính phủ (www.chinhphu.vn)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bạc Liêu, khi Bộ NN&PTNT đưa ra đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho các tỉnh thành, tỉnh Bạc Liêu đã dựa vào thế mạnh về nuôi trồng thủy sản để lập đề án tái cơ cấu theo hướng nuôi tôm công nghệ cao. Theo đó, Bạc Liêu đặt mục tiêu sẽ trở thành "thủ phủ" của ngành tôm của Việt Nam, trong đó, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao là mấu chốt.
Năm 2015, đã có ba công ty thủy sản ở Bạc Liêu được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên trong cả nước phát triển mô hình nuôi tôm "siêu thâm canh" trong nhà kính theo hướng công nghệ cao với năng suất cao gấp hàng chục lần so với phương pháp nuôi thông thường.
Đây chính là cơ sở để Bạc Liêu muốn có khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển nuôi tôm nhằm thu hút thêm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khác. Nuôi tôm trong nhà kính là một công nghệ mới, giải quyết được bài toán mật độ thả nuôi khi có thể tăng mật độ thả nuôi lên gấp nhiều lần so với cách nuôi thông thường.
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, năm 2015, tổng diện tích mặt nước nuôi tôm "siêu thâm canh" của tỉnh ước đạt gần 8 héc ta, mật độ thả trung bình 250-300 con/mét vuông, cao hơn 5-10 lần so với nuôi thâm canh, bán thâm canh. Vì thế, năng suất bình quân đạt 40-50 tấn/héc ta/vụ; trong khi, nuôi tôm sú thâm canh năng suất trung bình khoảng 3-4 tấn/héc ta, còn tôm thẻ chân trắng vào khoảng 6-7 tấn/héc ta.
Năm 2016, dự kiến diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của Bạc Liêu sẽ tăng lên hơn 28 héc ta, với sản lượng tôm ước tính cho mô hình này khoảng 2.540 tấn/năm.
Theo Bộ NN&PTNT, Bạc Liêu và Cà Mau là hai tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. Hiện Bạc Liêu có khoảng 130.000 héc ta nuôi trồng thủy sản, trong đó, có khoảng 19.000 héc ta là nuôi tôm (tôm sú và tôm thẻ chân trắng).
Ngọc Hùng / thesaigontimes.vn