Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, bình chọn của trang Condé Nast Traveler mới đây cho thấy, Việt Nam là 1 trong top 20 quốc gia được yêu thích nhất dựa trên những đánh giá về ẩm thực, danh lam thắng cảnh và chi phí hợp lý cho đi du lịch.
Đứng đầu danh sách là Hy Lạp với những thị trấn ven biển đẹp như mơ ở địa điểm du lịch này khiến ai cũng muốn ghé thăm một lần. Đứng thứ 20 là Việt Nam được mô tả là một địa điểm du lịch đến tràn đầy năng lượng và hi vọng. Đến Việt Nam du khách có vô vàn cơ hội để khám phá lịch sử hào hùng và tìm hiểu các món ăn tuyệt ngon nằm ẩn trong những con phố nhỏ cổ kính, người dân thân thiện.
Cũng theo Tổng cục Du lịch, gần đây báo chí nước ngoài đánh giá cao chính sách phát triển du lịch Việt Nam. Theo Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc Tập đoàn The Economist (Anh), Việt Nam đang triển khai những giải pháp nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển lên tầm cao mới.
Theo nhận định của EIU, Việt Nam đang triển khai những giải pháp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm thúc đẩy ngành du lịch, đưa ngành này trở thành một trụ cột ngày càng quan trọng của nền kinh tế.
Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây. Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn, từ những thành phố mang đậm dấu ấn lịch sử như Hà Nội, Huế... đến thị trường sôi động ở TP. Hồ Chí Minh, từ vùng núi Sapa đến những bãi biển đẹp ở Nha Trang, Đà Nẵng...
Sáng kiến miễn thị thực du lịch cho công dân Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý cũng góp phần tăng số lượng du khách nước ngoài. Được biết Chính phủ sẽ triển khai hệ thống cấp thị thực điện tử từ năm 2017 nhằm hỗ trợ ngành du lịch phát triển. Mục tiêu doanh thu của ngành du lịch đạt 30 tỷ USD vào năm 2020, đóng góp 10 - 12% GDP. Rõ ràng, ngành du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng để hoàn thành mục tiêu này.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã thu hút 6,5 triệu lượt du khách nước ngoài, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015. Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng được kỳ vọng tăng lên 15 triệu lượt vào cuối thập niên, giúp tạo thêm 3,5 triệu việc làm.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để có thể đạt được những mục tiêu nêu trên và trở thành một nước phát triển mạnh về du lịch ở khu vực cũng như toàn cầu.
Ở một số tỉnh thành, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện chưa thể đáp ứng được số lượng du khách nước ngoài ngày càng tăng. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chưa tính toán sát những nhu cầu của ngành du lịch trong tương lai. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, khiến nỗ lực quảng bá du lịch vấp phải khó khăn. Thực tế này giải thích tại sao những điểm đến hấp dẫn như cố đô Huế lại chỉ thu hút rất ít du khách ghé thăm.
Theo EIU, doanh thu của ngành du lịch sẽ tăng mạnh nếu du khách quốc tế quay lại Việt Nam nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn.
Theo Tin Tức - TTXVN