Trong hai ngày 9 - 10/11, tại tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu Việt Nam năm 2022.
Ảnh minh họa: Nguyên Dung/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 220.000 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng hồ tiêu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để các sản phẩm tiêu của Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành hồ tiêu cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
“Ngoài ra, ngành hồ tiêu cần áp dụng các công nghệ quản lý sản xuất, truy xuất và kết nối khách hàng. Đồng thời, định hướng lại chiến lược xây dựng hình ảnh, tăng cường sự hiện diện một cách có chiến lược ở các thị trường chủ chốt, có chiến lược cụ thể, hiệu quả về phát triển sản phẩm mới vào các thị trường cao cấp”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị có 4 phiên làm việc với các nội dung chính như: Tổng quan về thị trường hồ tiêu toàn cầu, chiến lược canh tác và phát triển hồ tiêu bền vững theo yêu cầu của thị trường, triển vọng hồ tiêu Việt Nam. Ngoài ra, hội nghị đã tập huấn kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững thuận tự nhiên và hồ tiêu các-bon thấp, tập huấn về một số lưu ý trong bảo vệ thực vật an toàn cho sầu riêng xen với hồ tiêu, quản lý sâu bệnh hại trên hồ tiêu cho hơn 150 nông dân sản xuất đến từ các tỉnh, thành.
Hội nghị nhằm giúp nông dân hiểu rõ những quy định mới từ thị trường quốc tế dẫn đến yêu cầu cần phải điều chỉnh quy trình canh tác phù hợp. Đây là dịp để các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu hồ tiêu trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và những khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp khắc phục nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam. Hội nghị còn là dịp để đại biểu cập nhật yêu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu, qua đó giúp các bên trong chuỗi cung ứng ngành hồ tiêu Việt Nam đánh giá thực trạng cũng như đưa ra các giải pháp kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nhập khẩu.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, hội nghị là dịp gắn kết và giao thoa giữa người mua với người bán, cũng là dịp quảng bá hình ảnh, con người, tiềm năng của tỉnh Đắk Lắk – địa phương trồng tiêu trọng điểm của cả nước. Theo bà Hoàng Thị Liên, để đảm bảo giá trị ngành hàng hồ tiêu và phát triển bền vững, luôn luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất. Phải đặt nông dân ở vị trí trung tâm và nông dân cần nâng cao kiến thức canh tác. Ngoài ra, cần sự hợp tác của doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu, cụ thể là cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hoặc liên kết với hợp tác xã, nông dân.
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, diện tích hồ tiêu toàn cầu là 745.000 ha vào năm 2021, tăng 42,8% so với năm 2020. Tại Việt Nam, diện tích hồ tiêu giảm đáng kể do giá giảm mạnh, ảnh hưởng của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, từ 152.000 ha năm 2017 xuống còn 130.000 ha vào năm 2021. Trong hơn một thập kỷ qua, ngành hồ tiêu Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi có thời điểm đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg, có thời điểm giá giảm xuống mức 34.000 đồng/kg. Hiện nay, giá hồ tiêu ở mức 60.000 đồng/kg. Các nhà kinh tế cho rằng, thời gian tới, nông dân trồng hồ tiêu gặp một số thách thức như: sự biến đổi khó lường của khí hậu và vấn đề sâu bệnh, quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường quan trọng cũng dẫn đến các rào cản thương mại.
Dịp này, 32 nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi, doanh nghiệp, tổ chức có thành tích liên kết sản xuất và xuất khẩu xuất sắc năm 2022 được tuyên dương tại hội nghị.