Ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký ban hành nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy, một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022 - 2025.
Ông Lê Duy Thành - Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 19-NQ/BCSĐ thực hiện đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp tổ chức bộ máy, một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022 - 2025.
"Sắp xếp, giảm số lượng phòng chuyên môn thuộc sở, ngành; sắp xếp giảm số lượng đơn vị trực thuộc chi cục; giảm cơ cấu tổ chức bên trong chi cục theo hướng mỗi chi cục không quá 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ", nghị quyết nêu rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (Ảnh: V.P).
Sáp nhập nhiều cơ quan, đơn vị
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, Vĩnh Phúc nghiên cứu đề xuất sáp nhập hoặc tổ chức lại các Trường Cao đẳng thuộc tỉnh theo hướng chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 19/2017 của Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất thực hiện cơ chế tự chủ về chi phí hành chính, tiền lương và tiến tới tự chủ về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo toàn cơ sở vật chất hiện có do nhà nước đầu tư.
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sẽ đánh giá kết quả thực hiện việc sáp nhập các Trường THPT và nghiên cứu đề xuất việc tách các trường THPT để bảo đảm nâng cao chất lượng quản lý và dạy học thuộc địa bàn huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên.
Nghiên cứu đề xuất thành lập thêm một trường THPT mới trên địa bàn huyện Vĩnh Tường phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Rà soát đánh giá toàn bộ khối các trường THCS, Trường Tiểu học để có đề xuất về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng quản lý, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên nhất là vùng sâu, vùng xa.
Nghiên cứu chuyển đổi Trường THCS Dân tộc Nội trú Tam Đảo thành Trường THCS công lập sau khi kết thúc năm học 2023-2024.
Vĩnh Phúc sẽ thực hiện sáp nhập trường Mầm non, cấp tiểu học, cấp THCS trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường.
Đối với đơn vị sự nghiệp y tế, Nghị quyết số 19 yêu cầu rà soát đánh giá về công tác quản lý nhà nước, hoạt động của các Trung tâm Y tế cấp huyện để có đề xuất nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng khám chữa bệnh; nghiên cứu tổ chức lại các phòng chức năng thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện theo Thông tư 07/2021 của Bộ Y tế.
Nghiên cứu, đề xuất chuyển các Trung tâm Y tế cấp huyện thuộc Sở Y tế về UBND cấp huyện quản lý (khi có hướng dẫn của Bộ Y tế); sắp xếp, giảm đầu mối phòng chuyên môn trong các trung tâm trực thuộc Sở Y tế. Sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh.
Với các đơn vị sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ thực hiện sáp nhập, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào đơn vị khác thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc.
Nghiên cứu thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện trên cơ sở hợp nhất và chuyển giao một số đơn vị trực thuộc các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với trạm khuyến nông, khuyến ngư cấp huyện.
Đối với các đơn vị sự nghiệp khác, Vĩnh Phúc chỉ đạo rà soát đánh giá kết quả hoạt động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.
Đề xuất thành lập Ban Quản lý khu du lịch quốc gia tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý khu du lịch Đại Lải, Ban Quản lý khu danh thắng Tây Thiên.
Theo nghị quyết vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành ký duyệt, các ban quản lý dự án, ban giải phóng mặt bằng cấp huyện sẽ được rà soát, đánh giá kết quả hoạt động, tháo gỡ khó khăn.
Thực hiện sáp nhập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển cụm công nghiệp thuộc UBND huyện Yên Lạc.
Đánh giá kết quả hoạt động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng hoạt động của các Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước.
Giai đoạn 2022 - 2025, sáp nhập Công ty TNHH MTV thủy lợi Lập Thạch và Công ty TNHH MTV thủy lợi Tam Đảo thành Công ty TNHH MTV thủy lợi số 1 Vĩnh Phúc.
Sáp nhập Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn và Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên thành Công ty TNHH MTV thủy lợi số 2 Vĩnh Phúc làm cơ sở để tiếp tục hợp nhất thành một công ty thủy lợi vào những năm tiếp theo.
Một góc thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Ảnh: Quế Chi).
Tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong sắp xếp
Nghị quyết số 19-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm cá nhân về nhiệm vụ được phân công, lãnh đạo chỉ đạo nhưng không làm thay.
Đồng thời rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, tồn tại, vướng mắc trong sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương.
"Sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với quy định; những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau đề xuất sáp nhập, hợp nhất. Đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp đề xuất giải thể, chuyển giao nhiệm vụ cho đơn vị khác thực hiện hiệu quả cao hơn. Hạn chế chia nhỏ, phân tán chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Đẩy mạnh xã hội hóa, tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; giảm số lượng đơn vị sự nghiệp hợp lý", nghị quyết nêu rõ.
Trước đó, thông qua sắp xếp, khối quản lý nhà nước toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm được 5 chi cục và 84 phòng chuyên môn.