VPBank và SMBCCF - công ty con thuộc tập đoàn tài chính SMBC Group của Nhật Bản - hôm nay cùng thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit.
Như vậy, sau 6 tháng kể từ ngày hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng Tư vừa qua, mọi thủ tục cần thiết đã kết thúc và Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) chính thức trở thành một cổ đông lớn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Tuy nhiên, thương hiệu FE Credit tiếp tục được giữ nguyên. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.
Với kinh nghiệm của một công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản, và đang hoạt động tích cực tại các thị trường châu Á khác như Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc, sự tham gia của SMBCCF được cho là sẽ thổi một nguồn năng lượng mới vào FE Credit - công ty đang chiếm tới 50% thị phần tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.
Tại Đại hội đồng cổ đông VPBank diễn ra tháng 4 vừa qua, một lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này khẳng định việc bán 49% vốn tại FE Credit không đồng nghĩa với việc VPBank từ bỏ "gà đẻ trứng vàng", và nhấn mạnh những quả trứng vàng sẽ tiếp tục được sinh ra ở FE Credit với sự tham gia của SMBCCF.
Nhưng đối với VPBank, tác động từ thương vụ chuyển nhượng vốn này còn lớn hơn nữa. Việc hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của FE Credit cho SMBCCF sẽ mang lại cho VPBank một lượng vốn rất lớn. Đây chính là bước đệm để hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn điều lệ của ngân hàng trong năm 2022 đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua.
Theo kế hoạch này, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng lên 75.000 tỷ đồng trong năm 2022, từ mức 25.300 tỷ đồng hiện tại, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Nguồn để tăng vốn điều lệ sẽ đến từ nguốn chủ sở hữu, dự kiến sẽ đạt 90.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2021. Tính đến hết quý III, vốn chủ sở hữu của VPBank là hơn 57.000 tỷ đồng. Ngân hàng đang hoàn tất phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu từ nguồn cổ tức và thặng dư cổ phần để nâng vốn điều lệ lên 45.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Như vậy, nguồn vốn đáng kể giúp VPBank đạt được mục tiêu 90.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu sẽ đến từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit, điều đã trở thành hiện thực vào ngày hôm nay.
Nền tảng vốn tốt là một lợi thế không nhỏ đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng khi nền tảng vốn lớn sẽ nâng cao khả năng mở rộng được hoạt động kinh doanh và phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn. Dự kiến hệ số an toàn vốn của VPBank sẽ tăng lên 17% sau thời điểm thương vụ chuyển nhượng vốn FE Credit hoàn tất. Đây là tỷ lệ an toàn vốn thuộc nhóm cao nhất hệ thống.
Tại Đại hội Đồng cổ đông, lãnh đạo cũng đã chia sẻ sẽ tìm hướng để tận dụng nguồn vốn để phát triển mạnh hơn nữa những phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, ngân hàng mở rộng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở các mảng mới như ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Rõ ràng, ở thời điểm khi mà thương vụ FE Credit-SMBCCF đã hoàn tất, VPBank đã hoàn thành xong quá trình chuẩn bị vốn để hướng đến những mục tiêu lớn lao hơn.