Ruộng bậc thang tại xã Chiềng Ân đến thời điểm này mới bắt đầu chuyển màu, tạo thành một bức tranh phong cảnh riêng của núi rừng Sơn La những ngày cuối thu.
Nằm cách trung tâm thành phố Sơn La 70 km về hướng Đông, một mặt giáp với tỉnh Yên Bái, Chiềng Ân là xã thuộc huyện Mường La với diện tích 85,33 km2, có mật độ dân số thưa thớt.
Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường La (lại là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh), Chiềng Ân được rất ít người biết đến. Dù cách nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á không xa, nhưng hiện tại rất nhiều nơi trong xã vẫn chưa có điện sinh hoạt.
Đường lên trung tâm xã chỉ mới có một đoạn ngắn được rải nhựa, còn phần lớn là đường đất đá. Thậm chí đường vào các bản sâu xa nhất là hành trình vượt rừng, vượt suối với rất nhiều gian khổ.
Nằm ở vị trí biệt lập, Chiềng Ân sở hữu một vẻ đẹp rất hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của bên ngoài cũng như làn sóng du lịch.
Do cấu tạo địa chất Sơn La gồm rất nhiều đồi trọc, ruộng bậc thang tại Chiềng Ân có sự đa dạng màu sắc đặc trưng. Bạn sẽ thấy từ màu vàng của lúa đến các mảng màu của đồi trọc pha lẫn màu của các nương ngô trồng rải rác khắp nơi...
So với Lào Cai, Yên Bái... tháng 11 mới chính thức là "mùa vàng" ruộng bậc thang ở Chiềng Ân.
Hình ảnh người Mông trên những thửa ruộng bậc thang ở Chiềng Ân trong mùa gặt thu hoạch lúa.
Ở những góc khác trong thung lũng, bạn có thể nhận thấy vẫn còn rất nhiều ruộng bậc thang mà lúa trên nương vẫn đang xanh rì...
"Mâm xôi vàng" đầy đặn và no ấm của xã, hình ảnh gợi nhắc đến mâm xôi vàng nổi tiếng tận xứ Mù Cang Chải, nhưng khác là không hề có bóng dáng của khai thác du lịch.
Phần lớn dân cư sống tại Chiềng Ân là đồng bào Mông với tục cất nhà trên những ngọn núi cao. Dù cuộc sống vẫn còn đặc biệt khó khăn, nhưng thời gian gần đây Chiềng Ân đã bắt đầu được chú ý, quan tâm của các cấp lãnh đạo cũng như các tổ chức, cá nhân, hứa hẹn một tương lai mới đầy khởi sắc cho xã vùng cao này.
Theo Nam Chấy