Có tới một nửa thời gian nằm trong tháng Ngâu nên tiêu thụ ô tô tháng 8/2023 ở Việt Nam đã giảm trông thấy, bất chấp thị trường đang có rất nhiều ưu đãi về giá.
Kết thúc tháng 8, lượng tiêu thụ ô tô mới ở Việt Nam sụt giảm so với tháng 7 trước đó, mà nguyên nhân đến phần lớn vì một nửa thời gian rơi vào tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch), vốn có quan niệm của người dân hạn chế mua sắm lớn để tránh xui xẻo.
Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tháng 8/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường là 22.540 xe (giảm 9% so với tháng 7/2023 và giảm 27% so với tháng 8 cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, bao gồm 17.335 xe du lịch (giảm 10%), 5.036 xe thương mại (giảm 5%) và 169 xe chuyên dụng (tăng 14%).
Trong tổng số 22.540 xe đã bán được trong tháng 8 theo báo cáo VAMA, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 13.118 xe (giảm 3% so với tháng trước) và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.422 xe (giảm 15%)
Số liệu bán xe thống kê theo các tháng do VAMA công bố.
Nếu cộng cả doanh số bán hàng của TC Group trong tháng 8 là 3.145 xe (giảm 22% so với tháng 7), thị trường ô tô Việt đã bán tổng cộng 25.658 xe (Vinfast không công bố số liệu tháng từ tháng 8/2023), giảm 3.037 xe so với tháng 7.
Theo báo cáo VAMA và TC Group, thương hiệu Hyundai đã để mất ngôi đầu bảng trong tháng 8 (bán 3.145 xe), trả lại vị trí cho Toyota với 3.922 xe (tăng 16,7% so với tháng 7), đồng thời rớt xuống vị trí số 3. Vị trí số 2 thuộc về KIA với 3.309 xe (tăng 15,6%), Mazda vươn lên vị trí số 4 khi bán được 3.032 xe (tăng 13,7%), Ford trở lại vị trí số 5 khi bán 2.795 xe (tăng 13,8%).
Thống kê xe nhập khẩu và xe lắp ráp theo tháng do VAMA công bố
Dự đoán thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 9 này sẽ khó có thể bứt tốc khi một nửa tháng vẫn nằm trong lịch tháng 7 âm. Bên cạnh đó, sức mua của người dân vẫn chưa có dấu hiệu trở lại dù chính sách cho vay ngân hàng đã "dễ thở" hơn cũng như các ưu đãi lệ phí trước bạ từ hãng xe và chính Phủ. Vì vậy, con số 400 ngàn xe/năm sẽ rất khó để đạt được như năm 2022.