Xuất khẩu thủy sản vượt qua một năm đầy khó khăn để đạt kết quả rất đáng tự hào, với kỷ lục kim ngạch đạt hơn 10 tỷ USD.
Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt mốc 10 tỷ USD
Xuất khẩu thuỷ sản năm nay dự kiến cán đích 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021 - mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Dự báo, 2023 tiếp tục sẽ là một năm đầy khó khăn với sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Kỷ lục mới trước đà suy giảm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 11/2022 - lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 780 triệu USD, mức thấp nhất kể từ Tết nguyên đán.
Luỹ kế tới hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10,2 tỷ USD, vẫn tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 11/2022, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 - 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có mực, bạch tuộc và các loại cá biển xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng dương lần lượt là 9% và 6%.
Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh 63% đạt gần 2,3 tỷ USD; tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14%; cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40% đạt 941 triệu USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30% đạt 704 triệu USD.
Thị trường Mỹ đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thuỷ sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông và Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD. Thị trường EU đến cuối tháng 11 đã mang về trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc là trên 882 triệu USD.
Khối các nước CPTPP (bao gồm cả Nhật Bản), chiếm trên 26% tổng xuất khẩu thuỷ sản với gần 2,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, thành tựu trên 10 tỷ USD tính đến cuối tháng 11 là kết quả của sự tăng trưởng mạnh 3 quý đầu năm, với thuận lợi nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.
Tuy nhiên, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu quý 4/2022. Trong tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, sang tháng 11/2022 thấp hơn hẳn 14% so với tháng 11/2021.
Dự báo, tháng 12, xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023.
Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý 1/2023 gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.
Cần sẵn sàng với mọi khó khăn phía trước
Phát biểu tại lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD tối ngày 10/12/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Hôm nay chúng ta có mặt tại đây tổ chức sự kiện mừng lễ xuất khẩu thuỷ sản hơn 10 tỷ USD. Trước những kết quả nêu trên, một lần nữa tôi xin biểu dương và đánh giá cao các hoạt động của VASEP, cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân trong xây dựng mối liên kết với nông, ngư dân sản xuất nguyên liệu, đồng thời, tích cực chủ động trong việc tổ chức mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ, phản ánh kịp thời những vướng mắc, những chính sách Nhà nước chưa phù hợp với thực tế để có biện pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Hoạt động xuất khẩu thuỷ sản đã bứt phá rất mạnh mẽ vượt qua những khó khăn thị trường, nguyên liệu để đạt được mục tiêu kỷ lục trên 10 tỷ USD trước cuối năm là nhờ những yếu tố thuận lợi của giai đoạn nửa đầu năm như: Nhu cầu nhập khẩu tăng cao, giá xuất khẩu sang các thị trường tăng mạnh 15 – 50%, nguồn nguyên liệu dồi dào từ lượng tồn kho sau làn sóng COVID-19 trong quý 3/2021.
Tuy nhiên, từ quý 2/2022 đã bộc lộ những khó khăn, thách thức khiến cho sản xuất – xuất khẩu tăng trưởng chậm lại so với nửa đầu năm. Năm 2023, sẽ vẫn còn đó những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản xuất khẩu.
Kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hoá và thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022; lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản; thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng; doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến
Doanh nghiệp và bà con nông ngư dân đều khó tiếp cận vay vốn trước thực trạng các ngân hàng đóng hết các room tín dụng, không giải ngân làm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn đến đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu; thẻ vàng IUU vẫn chưa được tháo gỡ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU.
Trước những thách thức đó, cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản đã nhận thức và có những giải pháp nhất định cho mình để vượt qua năm 2023 đầy sóng gió, coi đó là năm chuẩn bị sẵn sàng đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển.
“Trước sự kiện xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vượt 10 tỷ USD năm 2022, chúng ta chúc cho những lô hàng thủy sản tiếp tục thuận buồm xuôi gió, vượt qua mọi khó khăn thách thức, vướng mắc đang hiện hữu, cản trở sự phát triển. Chúc cho toàn ngành thủy sản đoàn kết, đồng lòng để tiếp tục hoàn thành xuất sắc kế hoạch, mục tiêu năm 2023 và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.