Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết 58, góp phần cùng các tỉnh, TP trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Ngoài việc được Bộ Chính trị ban hành Nghị Quyết số 58; Quốc hội cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thông qua Nghị quyết 37, tỉnh Thanh Hóa còn có thêm nhiều cơ hội, lợi thế để phát triển hơn nữa khi vừa qua Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị "về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, phát biểu tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị hôm 16-11. Ảnh: TTXVN
Lấy Khu kinh tế Nghi Sơn làm hạt nhân
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết số 58, góp phần cùng các tỉnh, TP trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình để vươn lên.
Cụ thể, Thanh Hóa sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2022. Trên cơ sở đó, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt; ưu tiên các nguồn lực để phát triển 3 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ du lịch; 4 vùng kinh tế động lực, là Khu kinh tế Nghi Sơn, TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn - Thạch Thành; 5 vùng liên huyện và 6 hành lang kinh tế nhằm tạo ra không gian, dư địa mới cho tỉnh phát triển, đồng thời tạo thuận lợi để mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh nội vùng và liên vùng.
Xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo; trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành trung tâm năng lượng của cả nước với hạt nhân chính là các sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, các ngành công nghiệp năng lượng; thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, như: Điện tử viễn thông, công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: Xi-măng, thép…
Một góc TP Thanh Hóa hôm nay
Với vị trí chiến lược, có cảng nước sâu Nghi Sơn (quy hoạch là cảng đặc biệt; IA), Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng và cả nước; trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ vận tải biển và logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực, có tính liên kết cao với các khu kinh tế, cảng biển khác trong vùng và cả nước; khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân.
Bên cạnh đó, xây dựng Thanh Hóa thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước, trong đó du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa được quan tâm hơn cả, quan tâm xây dựng đô thị biển Sầm Sơn trở thành khu du lịch bốn mùa, trọng điểm của cả nước. Tiếp tục coi trọng việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chú trọng tới việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh… hướng tới nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân.
Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn - Khu kinh tế trọng điểm của cả nước tại Thanh Hóa
Trung ương tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế chính sách
Tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị hôm 16-11, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - ông Đỗ Trọng Hưng đã có bài phát biểu. Theo Bí thư Thanh Hóa, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các tỉnh, TP, tỉnh Thanh Hóa đề xuất với Trung ương, các địa phương trong vùng một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến việc huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển, như: Khuyến khích đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai, biển, đảo, khoáng sản… nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông suốt; phân bổ, tăng chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, khu công nghiệp, đô thị, chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa để các địa phương đẩy nhanh quá trình phát triển; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để tạo sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Thứ 2, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có bờ biển dài gần 1.800 km với thềm lục địa rộng lớn, có tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, nền văn hóa đặc sắc… Để tạo động lực thúc đẩy liên kết – phát triển vùng, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cho phát triển, đề nghị Trung ương quan tâm sớm ban hành quy hoạch vùng liên tỉnh; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Nhà máy đường Việt Đài tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa - nơi tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tạo nguồn thu cho hàng ngàn người dân vùng nguyên liệu
Thứ 3, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông theo trục Bắc - Nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; đề nghị Trung ương quan tâm ưu tiên nguồn lực mở rộng đường Hồ Chí Minh, phục vụ phát triển khu vực phía Tây, các huyện biên giới của các địa phương trong vùng do tuyến đường này được đầu tư đã lâu, đến nay đã quá chật hẹp; quan tâm đầu tư các trục giao thông theo hướng Đông - Tây, hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây để kết nối với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng nhằm sử dụng hiệu quả các cảng biển trong vùng, làm cửa ngõ "ra-vào" cho hàng xuất nhập khẩu từ Myanma, Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Thứ 4, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 5 địa phương được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển; Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù; trong đó, Bộ Chính trị, Quốc hội đã xác định các mục tiêu, định hướng phát triển cụ thể nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của từng tỉnh, TP. Tuy nhiên, có những nhiệm vụ nếu chỉ từng địa phương thực hiện thì hiệu quả không cao, cần có sự hợp tác liên kết trong vùng và từng tiểu vùng. Đề nghị Trung ương sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển giữa các tỉnh trong vùng.