Một trong những nơi lưu giấu ký ức văn hóa, lịch sử rõ nét nhất của vùng đất Tây Đô có lẽ không đâu khác chính là chợ cổ Cần Thơ. Một ngôi chợ in hằn năm tháng qua bao thời kỳ thay đổi của Cần Thơ, kể từ thời Pháp chiếm đóng cho đến lúc hoàn toàn tự do, giải phóng. Một ngôi chợ mà không thể thiếu rời trong các câu chuyện khi nói đến bến Ninh Kiều, những giai thoại các giai nhân Tây Đô hay chuyện giao thương, trao đổi của các thương buôn đến từ nhiều tỉnh thành miền Tây Nam Bộ.
Chợ cổ Cần Thơ và tên gọi theo những thời kỳ lịch sử
Chợ Cần Thơ hiện tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, ngay trung tâm công viên bến Ninh Kiều của phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Trải qua dấu mốc hơn 100 năm hình thành, có lẽ ngôi chợ là nơi để lại cho người ta nhiều dấu hỏi nhất về quá khứ cũng như thực tại. Vốn dĩ như vậy, là vì đây từng là ngôi chợ trung tâm của Cần Thơ nói riêng và đất Nam Kỳ lục tỉnh thời bấy giờ. Minh chứng cho điều này, hẳn những ai từng biết lịch sử hình thành thì ngôi chợ đã từng mang nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi là gắn liền với một thời kỳ suy hay thịnh.
Để rõ hơn điều này, đầu tiên có thể nói đến tên gọi Lục Tỉnh, tên gọi đầu tiên của chợ cổ Cần Thơ khi mới đầu xây dựng khởi công xây dựng và khánh thành năm 1915 (cùng thâm niên với chợ Bến Thành và Bình Tây ở Sài Gòn). Trong khoảng thời gian này, chợ Lục Tỉnh là nơi tập trung giao thương, mua bán trao đổi hàng hóa của 6 tỉnh Nam Kỳ (gọi là Nam Kỳ lục tỉnh).
Chợ cổ Cần Thơ
Vốn dĩ lúc đầu xây dựng, chợ chưa có tên là Lục Tỉnh. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, với sự sầm uất như một trung tâm chính để trao đổi hàng hóa của 6 tỉnh Nam kỳ nên người ta gọi chợ là chợ Lục Tỉnh.
Khoảng chừng 40 năm sau (1950 – 1955), nét sầm uất của chợ Lục Tỉnh dần dần mất đi do sự chuyển hướng vận chuyển hàng hóa chủ yếu tập trung bằng đường sông. Đa phần lúc này, thương buôn đều trao đổi và mua bán hàng hóa trực tiếp tại các chợ nổi trên hai dòng sông Tiền và Hậu như: chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ nổi Cái Răng và Phong Điền (Cần Thơ), … do đó mà từ một ngôi chợ đang đóng vai trò trung tâm giao thương bỗng trở thành nơi tập trung của những gian hàng nhỏ lẻ. Và cũng từ đây, tên gọi chợ Lục Tỉnh mất đi và thay vào đó là chợ Hàm Dương. Tên gọi Hàm Dương ngụ ý chỉ một ngôi chợ tập trung nhiều gian hàng nhỏ lẻ vừa trên sống, vừa trên đất liền.
Tên gọi chợ Hàm Dương duy trì mãi cho đến năm 2005 thì có một sự thay đổi khác. Sự thay đổi này là ngôi chợ xưa đã xuống cấp quá tầm trọng, không thể sử dụng được nữa do đó mà chính quyền thành phố Cần Thơ đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng lại ngôi chợ trên nền tảng kiến trúc cũ và đặt tên là chợ Cần Thơ. Tuy nhiên, người dân nơi đây thì không gọi chợ Cần Thơ mà gọi là chợ cổ Cần Thơ vì chợ đã có tuổi đời hơn 100 năm tuổi.
Song cùng với tên gọi chợ cổ Cần Thơ, ngôi chợ còn được gọi thêm một tên khác là chợ lồng Cần Thơ. Tên gọi này là do ngay trong chợ có một nhà lồng chuyên phục vụ các món ăn, thức uống cho du khách khi đến tham quan.
Chợ đêm Cần Thơ
Dần dần về sau, khi du lịch Cần Thơ trở thành trọng điểm của miền Tây Nam Bộ, lại thêm vị trí của chợ nằm ngay trên bến Ninh Kiều. Thành phố Cần Thơ triển khai đề án xây dựng tuyến phố đi bộ và khu ẩm thực tại khu vực bến Ninh Kiều với các hạng mục tuyến phố đi bộ, khu ẩm thực, khu chợ đêm và khu vực bán đồ lưu niệm. Do vậy mà ngôi chợ cổ lại có thêm tên gọi mới là chợ đêm Cần Thơ.
Thế là sau hơn 100 năm xây dựng, trùng tu. Chợ cổ Cần Thơ có đến 6 tên gọi khác nhau theo từng giai đoạn và thời kỳ khác nhau. Từ thời Pháp thuộc với tên gọi là Lục Tỉnh, đến lúc mất đi vị trí trung tâm với tên gọi là Hàm Dương, và khi du lịch Cần Thơ phát triển thì có 4 tên gọi cùng lúc là chợ Cần Thơ, chợ cổ Cần Thơ, chợ Lồng Cần Thơ và chợ đêm Cần Thơ.
Chợ cổ Cần Thơ với sức hút du lịch ngày nay
Mặc dù độ sầm uất vốn có của ngày nào không còn hiện hữu như trước, thế nhưng chợ cổ Cần Thơ hôm nay đóng một vai trò mới rất quan trọng trong bộ mặt du lịch của Cần Thơ.
Hiện nay, chợ đang đóng chức năng vừa là điểm tham quan, mua sắm, giải trí, vui chơi của du khách trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ. Với vị trí đắc địa nằm sát bờ sông Hậu và ngay trong lòng công viên bến Ninh Kiều, chợ là nơi diễn ra các hoạt động lý thú để phục vụ cho du khách hàng ngày.
Chợ Cần Thơ về đêm
Đến tham quan chợ vào buổi sáng, du khách có thể lang thang đến những gian hàng bày bán nhiều món ngon đặc sản của Cần Thơ như há cảo, bún mắm, cơm tấm, bánh tầm bì, bánh lọt, bánh mì …. hay lang thang đến quán cafe thể hiện đa dạng các phong cách, từ cổ điển đến hiện đại để vừa nhâm nhi chút hương vị buổi sáng, vừa ngắm nhìn không cảnh bình yên của ngô chợ cổ trăm năm bến bến Ninh Kiều thơ mộng.
Các quán chè ở chợ đêm Cần Thơ
Nếu có một chút gì đó muốn tìm lại hoài niệm, du khách có thể di chuyển thẳng vào không gian bên trong chợ để chiêm ngưỡng kiến trúc Pháp xưa cũ. Hay lang thang đến những cửa hàng lưu niệm, sắm sửa cho mình nhiều món quà để tặng người thân. Đặc biệt, du khách có thể tìm đến nhà hàng Sao Hôm, một nhà hàng của nhiều không gian với lối cảnh trí thiên nhiên bên bờ sông mát rượi để thả hồn theo cơn gió trong lành.
Khung cảnh chợ đêm Cần Thơ về đêm
Khác với không gian vào buổi sáng, chiều đến đêm về chợ là nơi được quý như trung tâm mua sắm, khám phá ẩm thực không thể không đến.
Có thể nói, khi đêm về, chợ cổ Cần Thơ (chợ đêm Cần Thơ) là nơi số 1 để khách du lịch tìm đến để vui chơi. Với hàng trăm giang hàng, hàng quán trong nhà và ngoài đường bày bán thức ăn nhanh, thức uống đa phong cách, thời trang quần áo chia thành 2 khu vực riêng biệt. Một chuyến vui chơi, dạo bộ tại chợ đêm Cần Thơ sẽ làm du khách thỏa chí khi quyết định chọn Cần Thơ là nơi dừng chân.
Một đêm vui chơi ở chợ đêm Cần Thơ
Không những vậy, nhờ vị trí ngay sát bờ sông và trong công viên bến Ninh Kiều. Chuyến dạo cảnh, lang thang tại chợ cổ Cần Thơ sẽ tuyệt vời hơn bao giờ hết khi đôi mắt được ngắm nhìn, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp, vẻ kiêu sa của chợ cổ Cần Thơ và bến ninh Kiều của Cần Thơ.
Thông tin tham quan chợ cổ Cần Thơ
Địa chỉ: Chợ đêm Cần Thơ – đường Hai Bà Trưng – phường Tân An – Quận Ninh Kiều – Thành phố Cần Thơ.
Thời gian: 6h00 – 22h00.
Giá vé: miễn phí.