Đại dịch Covid-19 khiến ngành sản xuất ô tô gặp nhiều khó khăn, cùng với lo ngại kinh tế thế giới suy thoái nên nhu cầu tiêu dùng cao su ở mức thấp, kéo xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm mạnh.
Ảnh minh họa.
Ngày 14/5, giá cao su ngày tiếp tục đà giảm, sau khi ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo cảnh báo suy thoái Mỹ “tồi tệ đáng kể” so với bất kỳ sự suy thoái nào kể từ chiến tranh thế giới thứ 2, và cam kết sử dụng sức mạnh của Fed nếu cần thiết.
Tại Sàn giao dịch Tokyo (TOCOM), giá cao su sáng 14/5/2020, kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,6 yên/kg, tương đương mức 151,5 yên/kg.
Covid-19 kéo giá cao su xuống thấp nhất 11 năm qua
Ngành sản xuất công nghiệp và các sản phẩm cao su tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại từ giữa tháng 3, nhưng điều này vẫn không giúp thị trường cao su sáng lên.
Ngày 30/3/2020, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, giá cao su trên Sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) giảm xuống 143 yên/kg, thấp chưa từng có kể từ tháng 3/2009.
Nguyên nhân, hoạt động sản xuất nhiều ngành trên thế giới đình trệ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt; hàng loạt nhà máy sản xuất lốp xe trên thế giới và khu vực phải đóng cửa.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 4/2020 đạt khoảng 55 nghìn tấn, trị giá 71 triệu USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 18,5% về trị giá so với tháng 3/2020, giảm 26,3% về lượng và giảm 33,7% về trị giá so với tháng 4/2019; giá xuất khẩu bình quân giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 1.291 USD/tấn.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của nước ta ước đạt 283 nghìn tấn, trị giá 402 triệu USD, giảm 31,7% về lượng và giảm 27,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; giá xuất khẩu bình quân tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 1.423 USD/tấn.
Thị trường cao su trong nước vẫn trầm lắng, giá mủ cao su nguyên liệu ổn định trong tháng 4/2020, giá tại Đồng Nai 12.000 đồng/kg.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới nhu cầu tiêu dùng cao su ở mức thấp do đại dịch Covid-19 khiến ngành sản xuất ô tô gặp nhiều khó khăn và thị trường lo ngại kinh tế thế giới suy thoái. Điển hình như Tập đoàn ô tô Toyota cho biết sẽ giảm sản lượng xe thành phẩm 40% tại Nhật Bản trong tháng 5/2020 do nhu cầu toàn cầu giảm bởi đại dịch Covid-19. Hay tháng 3/2020, doanh số bán ô tô tại Trung Quốc giảm 43,3% so với tháng 3/2019. Sản lượng lốp xe trong quí I/2020 của Tập đoàn Goodyear Tire & Rubber GT.O giảm 18% và doanh số bán giảm khoảng 17%.
Xuất khẩu sụt giảm tại hầu hết các thị trường
Trong quý I/2020, Trung Quốc vẫn đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, với khối lượng đạt 142.837 tấn, tương đương 203,1 triệu USD, giảm 34,8% về lượng và giảm 29,3% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 62,7% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước và chiếm 61,3% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu cao su sang EU - thị trường lớn thứ 2 cũng giảm mạnh 40% về lượng và giảm 31,2% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, đạt 15.458 tấn, trị giá 22,54 triệu USD, chiếm gần 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Xuất khẩu cao su sang thị trường Ấn Độ đạt 14.252 tấn, trị giá 21,67 triệu USD (giảm mạnh 52% về lượng và giảm 46,5% về kim ngạch).
Việt Nam cũng là nước xuất khẩu cao su lớn thứ 3 vào thị trường Hàn Quốc, sau Indonesia và Thái Lan. Theo số liệu thống kế của cơ quan hải quan Hàn Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu cao su của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 10,47 nghìn tấn, trị giá 16,6 triệu USD, giảm 13,5% về lượng và giảm 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020 chiếm 8,6%, gia3m so với mức 8,8% của 3 tháng đầu năm 2019.
Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Malaysia là 5 thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn nhất cho Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020. Song, cơ cấu thị trường cung cấp cao su tự nhiên cho Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Việt Nam, Thái Lan, Malaysia giảm, trong khi thị phần của Inodnesia và Myanmar tăng.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, ảnh hưởng Covid-19, trong ngắn hạn xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, cùng mối lo về sự suy thoái toàn cầu đang diễn ra làm giảm cơ hội mở rộng thị trường của cao su Việt Nam.
Bên cạnh đó, do ngành sản xuất xe hơi suy giảm, dẫn đến sự đình trệ của sản xuất lốp xe, kéo theo nhu cầu về cao su giảm mạnh cùng với giá dầu trong xu thế giảm cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu về cao su của thế giới.
Trong bản cập nhật hàng tháng mới nhất ngày 06/5/2020, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã hạ dự báo tiêu thụ cao su thế giới năm 2020 xuống còn 13,016 triệu tấn, giảm 5,1% so với năm trước. Con số này thấp hơn 516.000 tấn so với dự báo tháng trước với triển vọng là 13,532 triệu tấn, tăng trưởng -1,5%.
Tuy nhiên, nhiều công ty sản xuất lốp xe Italia Pirelli PIRC.MI, Ford Motor Co F.N, General Motors Co GM.N và Fiat Chrysler Automobiles NV FCHA.MI, FCAU.N có kế hoạch mở cửa trở lại các nhà máy tại Bắc Mỹ ngày 18/5/2020. Đây được xem như tín hiệu giúp cho thị trường cao su có triển vọng lạc quan hơn thời gian tới.