Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, ngành gỗ vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng. Tính đến hết tháng 5-2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỉ đô la Mỹ, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính riêng đồ gỗ, kim ngạch đạt gần 5 tỉ đô la Mỹ, tăng 57% so với cùng kỳ.
Ngành gỗ tiếp tục lập kỷ lục tăng trưởng bất chấp Covid-19. Ảnh: Trọng Nghĩa
Từ đầu năm 2021, mỗi tháng Công ty TNHH gỗ Hiệp Long (Bình Dương) vẫn đều đặn xuất khẩu gần 40 container loại 40 feet sang Mỹ và châu Âu, giá trị mỗi container hàng gần 2 triệu đô la Mỹ. Dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng tốc độ xuất khẩu của doanh nghiệp này vẫn duy trì ổn định trong thời gian tới.
Tín hiệu khả quan cũng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khác, đơn cử như với Công ty TNHH SX TM&XNK Thiên Minh (Long An), kim ngạch xuất khẩu của công ty đã đạt gần 7 triệu đô la Mỹ, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Đại diện công ty này cho biết, đến thời điểm hiện tại công ty đã nhận đơn hàng đủ sản xuất cho đến hết tháng 11 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Thiên Minh, cho biết trước đó công ty chỉ khai thác thị trường Đức, nhưng hiện tại nhiều đối tác tại Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển cũng đã bắt đầu làm việc để đặt các đơn hàng trong thời gian tới.
Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5-2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỉ đô la Mỹ, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt gần 5 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng vẫn đang ngập trong khó khăn.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, con số này là kết quả của quá trình các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, mở rộng, tiếp cận nhiều thị trường mới trong bối cảnh dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới và Việt Nam.
Ông Phương cho biết, nhiều ngành khác chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh do sự đứt gãy giao thương, tuy nhiên đối với ngành gỗ nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu lại tăng lên. Các công trình xây dựng ở những thị trường này vẫn tiếp tục. Dịch bệnh khiến người dân ít ra đường, vì vậy người tiêu dùng có thêm thời gian và nhu cầu mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm, đồ gỗ nội thất trên mạng. Những yếu tố đó khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 9% ở thị trường toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)… Việt Nam có thế mạnh về nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ.
“Trước dịch, các doanh nghiệp trong ngành nhận tất cả các đơn hàng có thể. Nhưng hiện nay số lượng đơn hàng tăng lên khoảng 30% so với bình thường, do đó các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn những đơn hàng có giá trị cao, lợi nhuận tốt hơn để sản xuất”, ông Phương nói.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, mức độ tăng trưởng của ngành gỗ trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021 sẽ còn cao hơn. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn, cho biết thời điểm tháng 9, 10 và 11 là mùa cao điểm xuất khẩu của ngành gỗ. Phần lớn số lượng đơn hàng sẽ được hoàn thiện và giao cho đối tác trong khoảng thời gian này.
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021, và con số này hoàn toàn có thể vượt qua nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh tận dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm đa dạng hình thức tiếp cận khách hàng.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến năng suất lao động, giá trị sản phẩm. Đặc biệt doanh nghiệp cần lưu ý xu hướng của các nhà mua hàng hiện nay là tìm kiếm những nhà sản xuất sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện với môi trường, qua đó có thể giữ vững vị thế mới của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ thế giới.