Kim ngạch xuất khẩu gỗ sang thị trường EU tăng trưởng liên tục trong 7 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên đến tháng 8 kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sang châu Âu bắt đầu chững lại. Các chuyên gia dự báo tốc độ xuất khẩu của ngành này trong những tháng cuối năm sẽ còn tiếp tục sụt giảm so với tốc độ trong những tháng đầu năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 396,9 triệu đô la Mỹ, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung tất cả các thị trường, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 9,57 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 64% so với cùng kỳ năm trước. Ngành gỗ là một trong những điểm sáng xuất khẩu trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.
Đức và Pháp là hai quốc gia trong khối EU nhập khẩu lớn nhất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Cụ thể đối với thị trường Đức, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức khả quan hơn, đạt 80,3 triệu đô la Mỹ, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chính xuất khẩu tới thị trường Đức trong 7 tháng đầu năm 2021, chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức.
Đối với thị trường Pháp, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Pháp tăng trưởng mạnh. Tỷ trọng xuất khẩu gỗ sang thị trường này chiếm 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Pháp.
Tuy nhiên, đến tháng 8 tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ sang thị trường châu Âu bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU đạt 28,4 triệu đô la Mỹ, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia trong ngành dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU trong nửa cuối năm 2021 giảm từ 10 đến 12% so với nửa đầu năm 2021.
Dịch bệnh Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ chịu ảnh hưởng nặng nề, ngoài ra giá cước vận tải tăng cao là những nguyên nhân chính cản trở đà tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn còn yếu cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu của ngành này chững lại.
Đa số các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này là vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế, khả năng quản trị và chất lượng nguồn nhân lực chưa đủ mạnh so với các nước xuất khẩu gỗ lớn trên thế giới như Ý, Đức… Do đó mặc dù có rất nhiều lợi thế khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) chính thức đưa vào thực thi đã được hơn một năm nhưng giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang châu Âu vẫn chưa có sự bứt phá.