Sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong hai tháng đầu năm 2016 đã bật mạnh trở lại, với mức tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, một số người trong cuộc cho rằng chưa thể an âm với những diễn biến thị trường gần đây.
Xuất khẩu thủy sản tăng, nhưng vẫn còn nhiều lo lắng. Trong ảnh là nhân công chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh
Theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bước sang tháng 1-2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đạt 578 triệu đô la Mỹ, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho biết xuất khẩu thủy sản cả nước trong hai tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là ba thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam khi chiếm đến khoảng hơn 40% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trở lại, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), cho rằng trong những tháng đầu năm ngoái, có một thời gian giá xuất khẩu tôm - mặt hàng chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành - của Việt Nam cao hơn thế giới, cho nên có rất ít đơn hàng đặt mua tôm, làm kim ngạch xuất khẩu sụt giảm.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng mới có hai tháng đầu năm, thì chưa thể có đánh giá chính xác. “Nhưng, kim ngạch xuất khẩu tăng có thể xuất phát từ việc giá bán của những đơn hàng gần đây tăng vì hiện nguồn cung trong nước lẫn thế giới đang thiếu hụt”, ông Hòe giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Hòe, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2016 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn; và việc có giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: thứ nhất, giá thành sản xuất nguyên liệu trong nước; thứ hai, nguồn cung sắp tới có thuận lợi hay không trong bối cảnh diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh hoành hành như hiện nay; và thứ ba là diễn biến thị trường sắp tới, nhất là vấn đề cung-cầu trên thế giới.
“Phải từ sau tháng ba, khi các hội chợ về thủy sản lớn như Brussels và Boston diễn ra, thì lúc đó mới nắm bắt được nhu cầu và có đánh giá kỹ được”, ông Hòe nhận định.
Trong khi đó, ông Kịch của Cafatex, cho rằng thị trường sắp tới sẽ không mấy lạc quan, bởi kinh tế châu Âu vẫn còn xấu; Nhật Bản thì chưa tốt. “Còn Mỹ, năm ngoái họ cũng đã mua quá nhiều, cho nên dự báo tình hình sắp tới cũng bình thường, chứ không có xảy ra hút hàng đột biến lắm”, ông Kịch nói.
Năm 2016 ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu đạt tổng xuất khẩu là 7,6 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 900 triệu đô la Mỹ so với con số 6,7 của năm 2015.
Trung Chánh / thesaigontimes.vn