Trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được tăng cường thường xuyên. Việc tham mưu xây dựng chính sách phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp đạt được hiệu quả nhất định, tạo chính sách thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư, thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhằm tìm hiểu cụ thể hơn bước đột phát trong thu hút đầu tư của tỉnh góp phần gắn kết hơn nữa với nhà đầu tư. Nguyễn Bách thực hiện.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh Cao Bằng trong bối cảnh thu hút đầu tư hiện nay?
Từ năm 2005 (khi Luật Đầu tư ban hành) đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 182 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó, 13 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 51,5 triệu USD. Với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và giàu về trữ lượng, ngành công nghiệp thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản được coi là một thế mạnh của tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên, do chính sách cắt giảm đầu tư công, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về nguồn tài chính, nguyên liệu, thị trường đầu ra của sản phẩm nên ngành công nghiệp này dần bị thu hẹp, các nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực này. Bởi vậy, năm 2014, tỉnh đã tăng cường kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng cơ sở trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó, tạo tiền đề cho hướng đi mới về phát triển dịch vụ du lịch, dự án công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị...
Trong số 29 dự án được cấp phép trong năm 2014, có 2 dự án có quy mô khá lớn với tổng vốn trên 100 tỷ đồng, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy tuyển quặng siêu mịn, công suất 600.000 tấn/năm do Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang làm chủ đầu tư, tổng vốn đăng ký 808,250 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở Nà Cạn của Tổng Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu, tổng vốn đăng ký 180,743 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án đầu tư vào những lĩnh vực khá mới mẻ, hứa hẹn tiềm năng, như: Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè xanh chất lượng cao tại huyện Nguyên Bình của Công ty TNHH Xây dựng miền Tây, tổng vốn đăng ký 10 tỷ đồng; Dự án Nhà máy chiết nạp LPG của Công ty cổ phần Xây lắp, tổng vốn đăng ký 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế cửa khẩu, bởi đây là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực lan toả cho các vùng kinh tế khác. Mặc dù trong năm 2014, toàn tỉnh không thu hút được dự án có vốn đầu tư nước ngoài, song đến nay, tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh (Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang) đã có 48 dự án trong nước được cấp chứng nhận đầu tư và 9 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có 25 dự án đi vào hoạt động. Việc xây dựng chính sách phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp đã đạt hiệu quả nhất định, tạo chính sách thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư, thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp.
Để đảm bảo các dự án đầu tư trên địa bàn hoạt động có hiệu quả nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư của tỉnh. Vậy tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện những chính sách nào để gắn kết hơn nữa với các nhà đầu tư, thưa ông?
Ngày 22/9/2014, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015 nhằm thực hiện Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư. Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015 với nội dung trọng tâm là: Tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư. Tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về môi trường đầu tư. Thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ đó phát huy được hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh được xây dựng nhằm tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và kết cấu hạ tầng; khuyến khích và thực hiện các cơ chế, chính sách của nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Theo Chương trình, trong năm 2015 toàn tỉnh có 13 dự án kêu gọi đầu tư; trong đó, danh mục 5 dự án kêu gọi đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Chu Trinh; Khu phi thuế quan tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng; Dự án Trạm xử lý nước thải thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa; Trung tâm thương mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, chợ biên giới tại Khu danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc; Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp. 8 dự án kêu gọi đầu tư về thủy điện, trồng và chế biến gỗ: Nhà máy thủy điện Khuổi Ru; Thủy điện Bản Ngà; Thủy điện Hồng Nam; Thủy điện Bản Riển; Thủy điện Khuổi Luông; Thủy điện Bản Chiếu; Thủy điện Bạch Đằng và dự án Trồng và chế biến gỗ. Tập trung kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó ưu tiên dự án có công nghệ cao, du lịch, dịch vụ cao cấp.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh đã tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, các đơn vị đầu mối tích cực tham gia các hội thảo, chương trình xúc tiến đầu tư liên ngành, liên vùng do các bộ, ngành Trung ương tổ chức trong các lĩnh vực kêu gọi đầu tư; hỗ trợ chương trình xúc tiến đầu tư tại các huyện, Thành phố trên địa bàn nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế và thế mạnh của tỉnh.
Bên cạnh tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và kết cấu hạ tầng, năm 2015, định hướng của tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp theo hướng lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư khu công nghiệp để triển khai các dự án khu công nghiệp đã được quy hoạch. Thu hút đầu tư có định hướng và chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng, như: dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các ngành có giá trị tăng cao và có tỷ trọng xuất khẩu lớn, các dự án tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, đảm bảo môi trường và an ninh Quốc gia…
Với định hướng rõ ràng, tin tưởng rằng, năm 2015 sẽ là một năm sôi động trên lĩnh vực xúc tiến, mời gọi đầu tư của tỉnh với nhiều đột phá.
Theo VBF