UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt Kế hoạch khuyến công tỉnh giai đoạn 2016-2020 với nhiều mục tiêu mới và những giải pháp “sát sườn”. Chương trình khuyến công được kỳ vọng tiếp tục đem lại sự thay đổi cho công nghiệp nông thôn tỉnh.
Khuyến công Cao Bằng đã giúp nhiều cơ sở CNNT tạo sản phẩm mới |
Hiệu quả lớn
Sau 7 năm triển khai (2009- 2015), hoạt động khuyến công tỉnh đạt được những hiệu quả đáng kể: Số cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đã tăng từ 1.526 cơ sở năm 2009 lên 1.650 cơ sở năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 1.202 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng; số lao động làm việc tại các cơ sở CNNT tăng từ 7.039 người lên 9.000 người.
Khuyến công Cao Bằng cũng tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề và đào tạo mới cho 1.270 lao động, hơn 740 người tìm được việc làm sau đào tạo; tổ chức tập huấn về công tác khuyến công cho 200 người; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Kết quả có 17 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh, 5 sản phẩm và 1 nhóm sản phẩm công nhận cấp khu vực.
Đặc biệt, với nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học vào sản xuất, Khuyến công Cao Bằng đã giúp nhiều cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ mới, tạo sản phẩm mới. Cụ thể, hoạt động khuyến công hỗ trợ 8 mô hình trình diễn kỹ thuật nghề chế biến lâm sản, tạo việc làm cho 350 lao động, thu hút 600 triệu đồng vốn đối ứng từ các cơ sở; hỗ trợ thiết bị sản xuất sản phẩm mới và nghề truyền thống cho 8 cơ sở, giải quyết việc làm cho 300 lao động…
Chương trình cũng góp sức khôi phục nghề truyền thống như: Đúc, rèn, giấy dó và phát triển thêm nhiều nghề mới… Các nghề này vẫn duy trì ổn định, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Nhiều mục tiêu mới
Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động khuyến công đạt được, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt Kế hoạch khuyến công tỉnh giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, khuyến công tỉnh sẽ tổ chức các khóa đào tạo nghề, truyền nghề cho 650 lao động, trong đó, hỗ trợ đào tạo cho nhóm nghề chế biến lâm sản 200 lao động; gia công cơ khí 100 lao động; nghề truyền thống thủ công 100 lao động… Các khóa đào tạo chủ yếu là ngắn hạn từ 1-3 tháng và gắn với nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT.
Với nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, khuyến công tỉnh tập trung xây dựng một số mô hình trình diễn để phổ biến công nghệ sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp… Dự kiến trong 5 năm hỗ trợ 8 cơ sở thực hiện; 8 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.
Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện nhiều hoạt động, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng đăng ký thương hiệu; liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển cụm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công…
Tỉnh phối hợp với các phương tiện truyền thông, tuyên truyền về công tác khuyến công, CNNT. Đặc biệt là chính sách xã hội hóa hoạt động khuyến công; gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo và sử dụng lao động nhằm tận dụng thiết bị, cơ sở vật chất của doanh nghiệp, đồng thời tạo việc làm cho người lao động.
Riêng về nguồn lực thực hiện, bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công quốc gia, hàng năm, tỉnh sẽ bố trí kinh phí hợp lý cho hoạt động khuyến công ; lồng ghép các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, Chương trình Xây dựng nông thôn mới…nhằm huy động thêm nguồn lực thực hiện các đề án.
Chương trình khuyến công tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020 có tổng kinh phí thực hiện dự kiến 11.200 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 7.600 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 3.600 triệu đồng. |