Chợ Bắc Hà họp vào chủ nhật hàng tuần từ sáng đến 2h. Đây là phiên chợ lý tưởng để khám phá vẻ nguyên sơ, mang đậm bản sắc các dân tộc Tây Bắc.
Nằm trên vùng núi cao và cách thành phố Lào Cai khoảng 76 km, du khách đến Bắc Hà sẽ phải đi qua những con đèo gấp khúc uốn lượn, càng lên cao càng dốc đứng rợn gáy - đặc trưng địa hình Tây Bắc. Dọc đường đi, cứ cách vài km lại thấy lác đác người dân tộc Mông, Dao trong trang phục sặc sỡ địu gùi sau lưng, đi bộ, dắt trâu ngựa lên núi để bán. Đôi lúc, vài chiếc xe máy chở người, thồ hàng vụt qua cho kịp giờ lên phiên.
Được nhiều người biết đến là chợ vùng cao lớn nhất Lào Cai, tụ tập nhiều thương lái ở các dân tộc xa gần về trao đổi, buôn bán nhưng Bắc Hà còn nức tiếng hơn bởi vẻ nguyên sơ, đậm chất dân tộc. Chợ đã được xây mới trên nền bê tông, không còn trên một quả đồi thoai thoải nhưng giao thương vẫn giữ được nhiều nét truyền thống. Đến đây có thể tìm thấy bất kỳ vật dụng nào cần thiết cho cuộc sống của người dân tộc từ cuốc, xẻng tới đồ thổ cẩm hay thậm chí là trâu ngựa, được phân chia khá rõ ràng thành các khu chợ nhỏ hơn để dễ tìm kiếm.
Khu bày bán đồ thổ cẩm rực rỡ sắc màu.
Đại chợ phiên Bắc Hà phân khu nhiều nhất dành cho các sản vật thổ cẩm của chị em dân tộc vùng cao. Từ bên ngoài lối vào tụ tập nhiều sạp lớn nhỏ bán túi, ví, khăn thêu tay sặc sỡ. Vào sâu trong chợ, các hàng váy, mũ đủ sắc màu bày dưới đất, treo lên cao. Hàng thủ công thêu tay mất ngót nghét cả tháng đến năm trời mới hoàn thành sản phẩm, tùy kích cỡ, độ khó. Nên tinh ý để lựa chọn những sản phẩm thủ công của đúng người dân tộc làm, thay vì đồ Trung Quốc bán sang.
Ngoài quần áo vải vóc, người ta còn mang trâu đến chợ để bán. Một khu đất rộng đủ sức chứa cho hàng trăm người đứng mua bán, chợ trâu luôn là nơi sôi nổi sầm uất nhất nhì chợ Bắc Hà. Ở đây, trâu trắng, trâu đen, đực, cái, to, nhỡ đủ cả. Giá trâu dao động tùy vào mục đích sử dụng, mua về để cày cấy hay lấy thịt. Quá trình tuyển trâu diễn ra khá ngặt nghèo, hầu như chỉ có sự tham gia của các đấng mày râu. Nhiều người lặn lội trèo đèo dắt trâu lên chợ rồi lại thất thểu đưa về chỉ vì cả buổi không lọt vào mắt xanh của người mua nào.
Tuyển trâu tại chợ phiên Bắc Hà.
Bên dưới chợ trâu là khu bán “khuyển” của dân tộc Mông, Dao. Ở đây người ta bán những chú cún con đến chú chó to tinh khôn với nhiều màu sắc, giống loài như chó lông xù, lông dài, cộc đuôi. Giá mỗi con từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Nhiều người lặn lội từ dưới xuôi lên chợ để chọn cho mình những chú khuyển ưng ý đóng mác Bắc Hà, nổi tiếng là trung thành.
Bên cạnh chợ chó là khu bán gia cầm nuôi thả, chạy bộ trong bản với gà, vịt, chim các loài.
Thắng cố “trâu”, đặc sản chợ Bắc Hà.
Một đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến chợ Bắc Hà là thắng cố. Nằm trong khu ẩm thực to rộng với hơn 20 gian, gần như gian nào cũng bán thắng cố. Món ăn này luôn thu hút không chỉ người dân tộc mà với nhiều người Kinh cũng là món khoái khẩu. Là cái nôi ra đời thắng cố cách đây gần 200 năm khi người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú; thưởng thức món ăn này tại Bắc Hà có phong vị nguyên bản không đâu sánh bằng.
Theo truyền thống, thịt nấu thắng cố là thịt ngựa, nhưng ngày nay có nhiều biến tấu với thịt trâu, thịt lợn. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó. Trời lạnh mà được lai rai ăn bát thắng cố nóng hổi, kèm chén rượu ngô, ai nấy đều ấm lòng, thỏa mãn cho một buổi đi chợ phiên vùng cao tất bật cuối tuần.
Khu bày bán hương, nhang.
Phụ nữ bán nhang.
Du khách tham quan chợ Bắc Hà.
Mua bán chổi đót.
Chợ khuyển tại Bắc Hà.
Khu bán gia cầm.
Khu bán xôi bảy màu, mèn nghén.
Một góc chợ bán đồ thổ cẩm.
Khu ẩm thực.
Bài và ảnh: Thu Phương