Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng đồi trung du có lợi thế và điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển các mặt hàng nông sản với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng. Mặc dù thời gian trước, nông sản của Phú Thọ chưa được nhiều người biết đến nhưng những năm gần đây các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm đầu tư về kỹ thuật, nguồn giống để nâng cao chất lượng và chủng loại. Đến nay, một số mặt hàng nông sản như chè, bưởi, hồng, chuối... và các loại cây lương thực đã dần dần khẳng định được vị trí trên thị trường.
Nhắc đến Phú Thọ không ai là không biết đến bưởi Đoan Hùng - mặt hàng nông sản nổi tiếng của tỉnh. Tại Đoan Hùng, chỉ có 2 vùng đất trồng được giống bưởi thơm ngon nhất, đó là xã Chí Đám và xã Bằng Luân. Bưởi Sửu cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, hương vị thơm ngon, ngọt mát. Còn bưởi Bằng Luân là giống được người dân gọi là giống bản địa, quả nhỏ lá to, quả hình đầu dẹt, múi đều, ráo tay và đặc quả, vị ngọt thơm.
Trên địa bàn huyện Đoan Hùng hiện có trên 3.000 hộ tham gia trồng bưởi với tổng diện tích khoảng 1.650 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 800 ha. Năm 2014, cây bưởi đặc sản đã cho thu hoạch trên 8 ngàn tấn quả, đạt giá trị 120 tỷ đồng. Giai đoạn 2013 - 2015, để tiếp tục hoàn thiện quy trình thâm canh bưởi Đoan Hùng nhằm nâng cao giá trị và thu nhập cho người trồng bưởi, UBND huyện Đoan Hùng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, Sở NN&PTNT, UBND các xã, thị trấn vùng dự án triển khai mở rộng diện tích mô hình “Ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi và phát triển bền vững bưởi đặc sản Đoan Hùng” trên diện tích 240 ha được người nông dân trồng bưởi tại các xã hưởng ứng. Mô hình đã góp phần hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác giống bưởi đặc sản theo hướng hàng hóa, ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu bưởi đặc sản từ đó tạo dựng niềm tin để nông dân yên tâm với nghề trồng bưởi.
![]() |
Bưởi Đoan Hùng được vinh danh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015” |
Theo số liệu tổng hợp từ Sở NN&PTNT, đến hết năm 2014, cả tỉnh có khoảng trên 2.500 cây ăn quả gồm bưởi 1.500 ha, hồng 120 ha, chuối trên 1.000 ha, còn lại là táo, vải, xoài… trồng phân tán. Năm qua, giá trị cây ăn quả thu về ước đạt trên 300 tỷ đồng. Ngoài cây bưởi đặc sản, bưởi Diễn, hồng Gia Thanh được đầu tư phát triển, gần đây cây chuối tiêu, chuối phấn tiếp tục được quan tâm xây dựng thành vùng hàng hóa. Một số kỹ thuật trồng, chăm sóc nâng cao năng suất, bảo quản sản phẩm được quan tâm để nâng cao giá trị.
Với tổng diện tích đạt xấp xỉ 15.720 ha, chiếm 12% diện tích trồng chè của cả nước, tập trung ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ... từ lâu cây chè đã được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Phú Thọ. Chung niềm vui với những người trồng chè cả nước, những người trồng chè của Phú Thọ cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng những giống chè mới như PH10, LDP1, LDP2... thay thế những giống chè cũ kém năng suất và chất lượng. Tại các địa phương có quy mô trồng chè lớn đã hình thành các làng nghề chế biến chè, nhiều mô hình chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP cũng đã được xây dựng. Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 75 nhà máy chế biến chè có công suất từ 1 tấn búp tươi/ngày trở lên và khoảng 700 cơ sở chế biến chè mi-ni với tổng công suất ước đạt trên 260 ngàn tấn/năm. Hằng năm, sản lượng chế biến chè khô các loại của tỉnh đạt khoảng 54.000-55.000 tấn. Nhiều sản phẩm chè xanh, chè đen, chè Ôlong, chè thảo dược, chè Hà Trang… của Phú Thọ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pakistan. Đặc biệt, sản phẩm chè của Phú Thọ đã xâm nhập một số thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản.
Bên cạnh những mặt hàng nông sản trên, lúa cũng được coi là cây trồng chủ lực của nền nông nghiệp tỉnh nhà, những năm qua, Phú Thọ đã đẩy mạnh thâm canh, duy trì diện tích gieo trồng hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, có thể kể đến một số giống lúa mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân như HT1, Khang dân, JO2... đây là những giống lúa thuần chất lượng cao, cơm thơm, mềm, dẻo, vị đậm đang được người tiêu dùng khá ưa chuộng. Đặc biệt, giống lúa JO2 đã được Công ty cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam thu mua với giá từ 10.500 đồng/kg lúa trở lên để cung cấp gạo cho các siêu thị, qua đó đã tạo tâm lý ổn định trong sản xuất của người nông dân.
So với các tỉnh miền núi phía Bắc, Phú Thọ có quỹ đất dồi dào, khí hậu thuận lợi cùng lực lượng lao động tại chỗ có kinh nghiệm bảo quản, phát triển cây giống, qua đó hội tụ nhiều tiềm năng phát triển một số mặt hàng nông sản có giá trị cao. Vì vậy, tỉnh Phú Thọ đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất, chế biến tập trung; huy động các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cuộc với nông dân và doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ sản xuất, lai tạo giống, thâm canh, bảo quản và chế biến, cho đến việc hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Đồng thời, Phú Thọ cũng đã xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích cho những mặt hàng nông sản đang được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng của các mặt hàng nông sản trong thời gian tới, theo ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trong sản xuất; kiểm tra các đơn vị trong quản lý, sử dụng vốn vào mục đích sản xuất; thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư kịp thời để nhân dân yên tâm sản xuất; tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ nông dân nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân; đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm; duy trì, phát triển bền vững những thương hiệu đã có để Phú Thọ khẳng định được vị thế trên thị trường trong phát triển nông sản.
Theo phutho.gov.vn