Bánh tráng Hòa Đa nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng của nguyên liệu chế biến, sản phẩm làm ra không chỉ tiêu ở tỉnh Phú Yên mà còn đi khắp trong Nam ngoài Bắc.
Người dân thôn Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) sống dựa vào cây lúa là chủ yếu. Cũng chính từ nguồn nguyên liệu dồi dào này mà nghề làm bánh tráng ở đây ra đời rất sớm và trở thành nghề truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến nay.
Khi lấy bánh từ lò ra vỉ, người làm bánh phải thật khéo léo nếu không bánh dễ bị cuốn gập hoặc rách đôi
Người làm bánh tráng ở Hòa Đa có bí quyết gia truyền, kinh nghiệm riêng nên bánh của họ làm ra đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì thế mà nơi đây có khoảng hơn 20% hộ gia đình chọn nghề làm bánh tráng để mưu sinh. Bánh tráng Hòa Đa trở thành một thương hiệu nổi tiếng.
Để có được bánh tráng ngon, người làm bánh phải có tay nghề cao và một vài bí quyết gia truyền. Nguyên liệu chủ yếu để làm ra chiếc bánh tráng là bột gạo lấy từ cây lúa được trồng ở vùng đất Tuy An. Người làm bánh sẽ không dùng gạo bị móc hay bị hư và nhằm loại bỏ hết mọt nên phải rây qua để sàng lọc gạo. Gạo sẽ được đem đi ngâm trong nước từ 3 - 4 giờ đồng hồ cho mềm, sau đó đem xay thành bột, rồi rộng bột để tách nước chua trong gạo và tăng thêm độ kết dính cho bột.
Bánh sau khi tráng được được đem đi phơi dưới nắng
Tiếp theo là công đoạn pha bột. Người làm bánh sẽ cho thêm gia vị, có thể là một ít muối hay một công thức bí truyền nào đó. Đây chính là giai đoạn tạo nên sự khác biệt của mỗi lò bánh vì mỗi lò sẽ cho ra một công thức pha trộn không giống nhau, giúp cho mỗi cơ sở sản xuất sẽ có một hương vị độc đáo, khác lạ không đâu có thể trộn lẫn được.
Sau đó, người làm bánh dùng một chiếc nồi inox to để nấu nước và sẽ căng một tấm khuôn vải lên trên miệng nồi để chuẩn bị tráng bánh. Ngoài ra, còn có một chiếc gáo dùng múc bột gạo, một ống lăn chuyên dụng dùng để lấy bánh.
Khi tráng bánh, phần bột cho mỗi chiếc bánh phải vừa đủ. Đồng thời, người làm bánh phải tráng bột cho đều tay để tránh tình trạng chỗ dày chỗ mỏng và phải tính toán cân bằng chiếc bánh để ra được hình tròn. Khi lấy bánh từ lò ra vỉ, người làm bánh phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận vì lúc này bánh vẫn còn độ ướt rất dễ bị cuốn gập hoặc bị rách đôi nếu không khéo léo.
Bánh mỏng nhúng cuốn với thịt luộc, lòng heo, bánh hỏi kèm rau sống chấm với nước mắm nhĩ
Bánh tráng sau đó được đem đi phơi dưới nắng. Phơi đến khi bánh khô vừa đủ thì mang cả vỉ vào để trong mát. Việc này là tránh không để ngoài nắng quá lâu vì như thế bánh sẽ bị teo lại, không còn hình dáng tròn đã tráng lúc ban đầu và dễ bị vỡ. Để vỉ bánh trong mát một lúc thì bánh sẽ tự bung ra khỏi mặt vỉ. Lúc này, việc lấy bánh và xếp bánh sẽ dễ dàng hơn.
Bánh tráng Hòa Đa được người tiêu dùng lựa chọn vì đồng đều, chất lượng dẻo thơm, không có vị chua, không bị vỡ khi nhúng nước. Bên cạnh đó, độ dẻo của bánh tráng được kiểm định chỉ dùng bột gạo chứ không pha thêm bột sắn như ở một số địa phương khác. Ngoài bánh tráng từ bột gạo, người làm còn pha bột gạo với mè, nước cốt dừa… để tráng bánh, tương ướng với tên gọi bánh tráng mè, bánh tráng nước cốt dừa.
Bánh thơm mùi gạo và nắng của khí chất đồng quê có thể ăn với rất nhiều món. Bánh mỏng nhúng cuốn với thịt luộc, lòng heo, bánh hỏi, mực luộc, cá hấp, tôm chiên hay nem chả kèm rau sống chấm với nước mắm nhĩ, mắm nêm, mắm mực, mắm ruốc. Bánh dày nướng ăn với các món gỏi, xào, nộm thì rất ngon.
Nhiều đoàn du khách đến tham quan làng nghề bánh tráng truyền thống Hòa Đa và mua về làm quà
Bánh tráng Hòa Đa có mặt từ mâm cơm nhà nghèo đến bàn tiệc sang trọng. Bánh tráng nơi đây là món quà dân dã được gói bọc cẩn thận làm quà cho người thân, bạn bè để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Bánh tráng Hòa Đa cũng hay được cha mẹ, ông bà mua rồi gói ghém chuyển cho con cháu mình khi đi học xa, đi làm xa như một món quà động viên tinh thần con cháu đi xa cố gắng học hành, làm ăn.