Cả một khu vực đầm Bù rộng hơn 2 héc ta là nơi trú ngụ của hàng vạn con cò suốt hơn 20 năm qua.
Đến đầm Bù thôn Trại Lê (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) khi mặt trời sắp ẩn sau núi là lúc hàng ngàn con cò quay về tổ sau một ngày kiến ăn. Cò sải cách trắng cả một vùng trời, tiếng gọi đàn tựa bản nhạc du dương chấm phá lên bức tranh miền quê tĩnh lặng.
Hàng chục năm nay trong suy nghĩ của người dân thôn Trại Lê, đầm Bù như một địa danh thiêng liêng. Họ hãnh diện vì “đất lành chim đậu”, mỗi người dân đều mang trong mình một sứ mệnh bảo vệ đàn cò khỏi kẻ săn bắn.
Đàn cò bay rợp trời quay về đầm Bù trú ngụ sau một ngày kiếm ăn
Ông Thân Văn Lượng (55 tuổi, người trong thôi Trại Lê) nhớ như in thời gian đàn cò lạ chọn đầm Bù làm nơi trú ngụ.
Đó là thời điểm cuối năm 1999, đầm Bù vẫn còn giữ được nét hoang sơ, người dân sống quanh đầm còn thưa thớt. Vào một buổi chiều, người dân nghe tiếng đàn cò độ hơn 100 con bay lượn trên mặt đầm, tối đến đàn cò đậu trên những ngọn tre trú qua đêm, sáng tinh sương chúng vội vã bay đi.
Người trong thôn lúc đầu đều cho rằng đàn cò trú tạm ở đầm Bù trong thời gian di cư để tìm miền đất mới. Năm tháng trôi qua, tập tính sinh hoạt của đàn cò không thay đổi, đàn cò về trú tại đầm Bù vào chiều muộn và bay đi kiếm ăn khi bình minh lên, chỉ khác mỗi ngày trôi qua số lượng đàn cò lại tăng lên. Người dân chợt nhận ra rằng đàn cò đã là “cư dân” thực thụ ở Trại Lê.
Khoảng năm 2004, số lượng đàn cò trú ngụ tại đầm Bù đạt cực điểm, lên đến cả vạn con.
“Tháng 8 năm đó, bão quật đổ nhiều cây cối, cò chết vô số, trứng cò rơi khắp nơi. Sau cơn bão đó, người dân tổ chức phát quang, chặt đi một số cây cối trong đầm Bù. Đàn cò bị đánh động, chúng kéo đi tìm nơi khác trú ngụ. Khoảng 2 năm sau đó khi khu vực đầm Bù được trả lại sự bình yên, chúng mới kéo nhau quay về", ông Lượng cho biết.
Cò đậu chen chúc vắt vẻo trên những ngọn tre
Đàn cò trú tại đầm Bù từ khoảng tháng 8 năm này đến tháng 4 năm sau, tới mùa sinh sản chúng bay đến một nơi khác không ai hay, sau đó lại trở về với số lượng đàn tăng lên.
Báu vật của làng
Ở thôn Trại Lê, người dân xem đàn cò như “báu vật”, họ cấm săn bắn cò. Người nào lỡ trộm cò trong đầm, bị phát hiện sẽ bị cả làng ghét bỏ.
Ông Thân Văn Lượng rất hãnh diện sống cạnh khu vực đàn cò trú ngụ
Ông Thân Văn Hộ (46 tuổi, nhà đối diện đầm Bù) cho biết, khi đàn cò mới về có một số người dùng súng cao su săn bắn. Cò vốn nhát người, khi có động chúng bay đi mất nên không bắn được nhiều.
“Sau lần cò bay đi mất 2 năm mới quay lại, dân làng hiểu ra nên giữ gìn, bảo vệ, không còn săn bắn nữa. Một số người từ nơi khác tới săn bắn được người dân thuyết phục nên vui vẻ trở về”, ông Hộ nói.
Cách đây 2 năm, bèo tây mọc kín cả mặt đầm. Chiều đến đàn cò trở về lượn trên bầu trời rồi bay đi mất, không vào đầm trú qua đêm như thường lệ.
Người dân thôn Trại Lê xem đàn cò như báu vật, bảo vệ nghiêm ngặt trước những kẻ săn bắn
Người dân nhận thấy điều bất thường nên tổ chức xuống đầm vớt bèo, khi mặt đầm được trả lại nguyên trạng, 2 ngày sau đàn cò lại kéo nhau trở về trú ngụ như trước.
Cũng theo ông Hộ, hàng chục năm nay sự xuất hiện của đàn cò được người dân xem như “thành viên” của làng. Chiều đến đàn cò bay về rợp trời, tiếng cò gọi đàn thành một không gian quen thuộc và rất riêng ở vùng quê này.
18h, mặt trời bắt đầu khuất sau rặng tre, những đàn cò với số lượng lớn từng tốp từ tứ phương đổ về. Chúng lượn lờ trên không trung rồi đáp xuống những ngọn cây quanh đầm trú qua đêm.
20 năm qua, người dân thôn Trại Lê luôn xem đàn cò là quà tặng của thiên nhiên, cần bảo tồn, gìn giữ.
Chủ tịch UBND xã Quang Lộc (huyện Can Lộc) Đặng Đình Vinh cho biết, vùng đất ở thôn Trại Lê khá yên bình nên đàn cò từ nhiều nơi tìm về. Người dân ở đây có ý thức bảo vệ đàn cò rất tốt. Họ không cho người khác đến săn bắn nên đàn cò có không gian an toàn để trú ngụ.