Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng tăng trưởng chậm; tình hình kinh tế, chính trị một số nước, trong khu vực và thế giới còn diễn biến phức tạp. Sản xuất kinh doanh trong nước vẫn còn khó khăn, sức mua thị trường nội địa yếu, sản phẩm hàng hoá tiêu thụ chậm, tình trạng nợ xấu đang là gánh nặng của nền kinh tế,…Trong tỉnh, hai mặt hàng chủ lực tiếp tục gặp khó khăn về giá cả và thị trường, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục, chi phí đầu vào tăng mạnh đã tác động nhiều đến đời sống người dân, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vẫn còn bấp bênh.
Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh sớm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời, bám sát và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với tinh thần chủ động và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2014 đạt được như sau:
Trong 24 chỉ tiêu Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh, đã thực hiện đạt và vượt 16 chỉ tiêu (chiếm 66,7% tổng chỉ tiêu), còn lại 08 chỉ tiêu không đạt nghị quyết đề ra, chủ yếu là các chỉ tiêu về kinh tế, cụ thể:
Stt | Chỉ tiêu | Chỉ tiêu 2014 | Ước 2014 |
So sánh | |
Nghị quyết HĐND | Tính theo PP mới | ||||
1 | Tốc độ trưởng GRDP (%) | 7 | 5,75 | 5,1 | Không đạt |
| TĐ: - Khu vực I | 1 | 1,72 | 2,04 |
|
| - Khu vực II | 9,17 | 6,95 | 5,36 |
|
| - Khu vực III | 9,7 | 8,63 | 7,5 |
|
2 | GRDP bình quân đầu người (triệu đồng) | 35,421 | 32,301 | 29,328 | Không đạt |
3 | Cơ cấu kinh tế |
|
|
| Không đạt |
| - Khu vực I | 26,98 | 34,95 | 36,30 |
|
| - Khu vực II | 13,05 | 13,04 | 13,00 |
|
| - Khu vực III | 59,98 | 49,57 | 48,28 |
|
| - Thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách |
| 2,44 | 2,42 |
|
4 | Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tỷ đồng) | 28.269 | 22.806 | 19.684 | Không đạt |
5 | Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD) | 1.000 |
| 950 | Không đạt |
6 | Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn (tỷ đồng) | 5.710 | 5.253 | Không đạt | |
7 | Tốc độ tăng dân số (%) | 0,08 | 0,08 | đạt | |
8 | Quy mô dân số (ngàn người) | 2.157 | 2.157 | đạt | |
9 | Tạo việc làm khoảng (lao động) | 35.000 | 35.000 | đạt | |
10 | Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%) | 47 | 47 | đạt | |
11 | Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề (%) | 33,5 | 33,5 | đạt | |
12 | Giảm tỷ hộ nghèo (%) | 1,2 – 1,4 | 1,4 | đạt | |
13 | Tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế (%) | 61,72 | 61,72 | đạt | |
14 | Số giường bệnh trên 10.000 dân (giường) | 17,84 | 17,92 | Vượt | |
15 | Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể cân nặng (%) | 14 | 13,6 | Vượt | |
16 | Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi (%o) | 7 | 7 | đạt | |
17 | Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi (%o) | 14 | 14 | đạt | |
18 | Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học (%) | 99,7 | 99,88 | Vượt | |
19 | Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc THCS (%) | 75,83 | 75,95 | Vượt | |
20 | Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc THPT (%) | 43,58 | 43,02 | Không đạt | |
21 | Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh (%) | 87 |
| 88 | Vượt |
22 | Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước hợp vệ sinh (%) | 100 | 100 | đạt | |
23 | Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán (%) | 20,7 | 21,4 | Vượt | |
24 | Phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã) | 3 | 02 | Không đạt |
I. Về kinh tế
1. Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản
a) Trồng trọt:
Cây lúa: do chuyển dịch cơ cấu cây trồng nên diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 625.918 ha, bằng 97,6% so cùng kỳ (giảm 15.422 ha). Năng suất lúa bình quân đạt 64,68 tạ/ha, tăng 3,02% so cùng kỳ. Sản lượng lúa đạt 4,048 triệu tấn, tăng 0,67% (tăng 27 ngàn tấn) so cùng kỳ. Diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn 34.200 ha, tăng 200 ha so năm 2013; trong đó: vụ Đông Xuân 11.833 ha, Hè Thu 12.435 ha, Thu Đông 10.000 ha.
Hoa màu: diện tích giao trồng 63.497 ha, tăng 5,9% so cùng kỳ (tăng 6.534 ha). Năng suất hoa màu tiếp tục ổn định nhờ giá cả ở mức cao, nông dân tích cực chăm sóc và đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Một số loại hoa màu tăng khá so cùng kỳ: bắp, khoai môn, đậu phụng...
Cây lâu năm, tổng diện tích là 10.606 ha, tăng 0,28% so cùng kỳ, trong đó các loại cây ăn quả là 8.447 ha, chiếm 79,6% tổng số. Năng suất và sản lượng đa số tăng so cùng kỳ.
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong giai đoạn 2013-2014, các sở, ngành tổ chức triển khai xây dựng 29 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Từ hiệu quả các mô hình trên, tỉnh tiếp tục tìm kiếm và lựa chọn mô hình và giải pháp công nghệ phù hợp đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Qua tổng kết 11/29 mô hình thực hiện đến nay, bước đầu đã xác định các mô hình cho hiệu quả cao và có tiềm năng nhân rộng như: (1) trồng rau ăn lá trong nhà lưới giá rẻ, (2) trồng nấm rơm trong nhà, (3) mô hình nuôi lươn trong bể mật độ cao, (4) mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất.
b) Chăn nuôi: dịch bệnh được khống chế có hiệu quả, góp phần ổn định đàn chăn nuôi của tỉnh. Hiện đàn gia cầm có 4,3 triệu con, tăng 5,5% so cùng kỳ (trong đó, đàn gà 1,1 triệu con, đàn vịt 3,2 triệu con); trâu, bò có khoảng 100.230 con, tăng 4,8% so cùng kỳ (trong đó đàn bò 95.100 con, tăng 5,2%). Riêng đàn heo, do giá cả thiếu ổn định nên số lượng giảm, bằng 92% so cùng kỳ. Ước cả năm 2014, sản lượng thịt hơi đạt 36.223 tấn, bằng 99% so cùng kỳ (giảm 434 tấn), trứng gia cầm 288 triệu quả, tăng 2,8% so cùng kỳ.
c) Lâm nghiệp: tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng; diện tích rừng trồng thực hiện chăm sóc trong năm đạt 121 ha, giao khoán bảo vệ 743 ha, trồng mới 8,8 triệu cây phân tán. Tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 78 vụ vi phạm lâm luật, tăng 27 vụ so cùng kỳ, các vụ vi phạm chủ yếu là vận chuyển và săn bắt động vật hoang dã; phạt hành chính 44 vụ với số tiền 94 triệu đồng. Sản lượng gỗ khai thác cả năm đạt khoảng 73.200 m³, bằng 95% và 390 ngàn ster củi, bằng 92% so cùng kỳ.
d) Thủy sản: do giá cá tra nguyên liệu luôn biến động tăng giảm thất thường trong khi giá thức ăn ở mức cao, người nuôi vẫn chưa thật sự an tâm đầu tư sản xuất. Diện tích nuôi trồng thủy sản được thu hoạch 2.396 ha (kể cả diện tích sản xuất giống), bằng 96% so cùng kỳ, trong đó: diện tích nuôi cá tra 1.218 ha (không kể diện tích sản xuất giống), bằng 96% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản thu hoạch cả năm đạt 308 ngàn tấn, bằng 94,3% so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá tra 236 ngàn tấn, bằng 97,4% so cùng kỳ.
đ) Xây dựng nông thôn mới: chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai, trong năm đã có 02 xã (Vĩnh Châu và xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc) đạt chuẩn xã nông thôn mới và đã tổ chức lễ công bố.
2. Lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng
a) Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp:
Tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vẫn còn một số khó khăn như sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, giá chi phí đầu vào luôn biến động tăng bất lợi cho sản xuất, đã tác động đến khu vực này. Chỉ số sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng khoảng 2,28% so cùng kỳ, đây là năm có chỉ số tăng thấp nhất tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay . Một số sản phẩm chủ yếu tăng khá so cùng kỳ là: nước máy ghi thu tăng 17%; điện thương phẩm tăng 19,5%; gạo ngô xay xát tăng 16%; rau quả đông lạnh tăng 9,3%,...
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh triển khai chính sách khuyến khích để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thông qua Chương trình Khuyến công hỗ trợ vốn đầu tư đổi mới máy móc cho các cơ sở sản xuất nhỏ, làng nghề thủ công truyền thống; hỗ trợ quảng bá các sản phẩm nghề mộc, nghề dệt thổ cẩm tham gia hội chợ,…Tổ chức đối thoại với các ngân hàng thương mại giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu vốn vay, hạ lãi suất vốn vay tín dụng; chủ động gặp gỡ với doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa) để tháo gỡ những khó khăn và giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp.
b) Đầu tư xây dựng:
Các ngành và địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ công tác đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ theo Chỉ thị 1792/CT-TTg; Chỉ thị 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương. Thường xuyên kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Giải ngân vốn đầu tư xây dựng ước thực hiện 2.779 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương 2.283 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; vốn nước ngoài 87,7 tỷ đồng, tăng 100,5% so kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ 408 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, đến ngày báo cáo còn khoảng 24,877 tỷ đồng, giảm 44,1% so cùng kỳ năm 2013.
3. Lĩnh vực Dịch vụ
a) Thương mại:
Thắt chặt chi tiêu, sức mua thị trường yếu, hàng tồn kho cao đang phản ánh thực tế trong lĩnh vực hoạt động thương mại dịch vụ. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân chỉ tập trung những mặt hàng thiết yếu; mặc dù nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, hoạt động hội chợ… diễn ra liên tục trong năm nhằm kích cầu, nâng sức mua thị trường, nhưng tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại vẫn không cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 64.571 tỷ đồng, tăng 11,76% so năm trước . Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, 11 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tăng 1,43%, thấp hơn cùng kỳ 0,93% (11 tháng năm 2013 tốc độ trượt giá là 2,63%).
Tổng lượt khách đến các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 5,7 triệu lượt khách, bằng 99,6% so cùng kỳ, trong đó lượt khách lưu trú và lữ hành đạt 457 ngàn lượt khách, tăng 12,7% so cùng kỳ. Doanh thu do các doanh nghiệp du lịch phục vụ đạt 365 tỷ đồng tăng 14% so cùng kỳ.
b) Xuất nhập khẩu:
Hoạt động ngoại thương trong năm qua tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường sụt giảm, thời gian thanh toán hợp đồng xuất khẩu kéo dài, rào cản thương mại tại một số thị trường trọng điểm gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp; nguồn cung nguyên liệu trong nước giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD, bằng 98,9% so cùng kỳ và đạt 95% kế hoạch năm. Trong đó: gạo xuất đạt 540 ngàn tấn, tương đương 240 triệu USD, tăng 18,8% về lượng và tăng 21% về kim ngạch so cùng kỳ; Thuỷ sản đông lạnh xuất 156 ngàn tấn, tương đương 365 triệu USD, bằng 92% về lượng và 89% về kim ngạch; Rau quả đông lạnh xuất đạt 10 ngàn tấn, tương đương 13 triệu USD, tăng 13,8% về lượng và 18,5% về kim ngạch; Hàng dệt, may xuất 19 triệu sản phẩm, tương đương 90 triệu USD, tăng 9,2% về sản lượng và tăng 20% về kim ngạch so cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu 120 triệu USD, tương đương cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu phục vụ ngành dệt may, chế biến thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu.
Ước tổng giá trị xuất - nhập qua các cửa khẩu biên giới An Giang năm 2014 đạt 1.040 triệu USD, bằng 75% so cùng kỳ.
c) Bưu chính viễn thông - Giao thông vận tải:
- Bưu chính viễn thông: mạng lưới dịch vụ bưu chính - viễn thông tiếp tục phát triển. Tính đến ngày báo cáo, số thuê bao điện thoại cố định giảm 11.390 thuê bao, lũy kế thuê bao hiện có trên mạng 104.990 thuê bao, bằng 86,7% so cùng kỳ. Số máy điện thoại di động trả sau tăng 3.200 thuê bao, lũy kế số thuê bao hiện có trên mạng là 33.770 thuê bao, tăng 8% so cùng kỳ. Số thuê bao Internet tăng 5.500 thuê bao, lũy kế số thuê bao hiện có trên mạng là 190.025 thuê bao, tăng 58% so cùng kỳ.
- Quản lý nhà nước về xuất bản, báo chí và truyền hình được tăng cường, đã thẩm định và cấp mới 75 giấy phép xuất bản các loại. Đồng bào dân tộc Khmer tự nguyện tháo dỡ và không lắp đặt mới chảo Parabol DTV thu tín hiệu trực tiếp từ nước ngoài theo đúng chủ trương của tỉnh.
- Giao thông vận tải: tiếp tục được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa. Thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các bến phà, đò ngang đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Tính đến ngày báo cáo, đã thực hiện vận chuyển hành khách đạt 34.367 ngàn người, bằng 1.185.636 ngàn người.km, tăng 3,9% về người và tăng 4,2% về người.km so cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đạt 20 tiệu tấn bằng 1.608 ngàn tấn.km, tăng 5,8% về tấn và tăng 5,6% về tấn.km so cùng kỳ.
4. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư
- Phát triển doanh nghiệp: tình hình kinh tế khó khăn, hiệu quả hoạt động kinh doanh đạt thấp nên số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đều tăng hơn so năm trước. Tính đến ngày báo cáo, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 719 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.687 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 429 doanh nghiệp (- 46,7%), tổng vốn đăng ký giảm 753 tỷ đồng (- 30,9%). Đã có 219 doanh nghiệp tiến hành làm thủ tục giải thể, tăng 26% so cùng kỳ.
- Thu hút đầu tư: đã tiếp nhận 69 dự án đầu tư trong nước (34 đăng ký cấp mới; 35 dự án đăng ký điều chỉnh), với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.593 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 60 dự án (31 dự án cấp mới; 29 dự án đăng ký điều chỉnh), với tổng với đăng ký đầu tư khoảng 4.516 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số dự án cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư giảm 04 dự án (-10%), nhưng tổng vốn đầu tư tăng 997 tỷ đồng (+27%) so cùng kỳ. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 213 triệu USD.
5. Tài chính – Ngân hàng
- Tài chính, ngân sách: tình hình kinh tế khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động nhiều, doanh nghiệp đăng mới phát sinh thấp, kinh doanh mua bán các mặt hàng nông sản giảm đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nên đạt thấp hơn dự toán . Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 5.253 tỷ đồng, bằng 92% dự toán và bằng 95% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 9.175 tỷ đồng, bằng 95,3 % so dự toán giao.
- Ngân hàng: chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện kiểm soát hoạt động tín dụng, lãi suất ngân hàng giảm theo quy định; thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng miếng được quản lý tốt, tỷ giá ngoại hối tiếp tục giữ ổn định, bảo đảm đúng quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tính đến ngày 30/10/2014, số dư vốn huy động đạt 26.332 tỷ đồng, tăng 10,9% so với ngày 31/12/2013; tổng dư nợ cho vay đạt 46.555 tỷ đồng, tăng 11,26% so với ngày 31/12/2013, trong đó: dư nợ ngắn hạn là 32.130 tỷ đồng, chiếm 69,02%; dư nợ trung, dài hạn là 14.424 tỷ đồng, chiếm 30,98%; nợ xấu 2.576tỷ đồng, chiếm 5,53% tổng dư nợ/tổng dư nợ và tăng 1,48 lần so cuối năm 2013.
6. Khoa học và công nghệ
Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Ban hành danh mục đề tài cơ sở thực hiện hỗ trợ năm 2014, trong đó có 13 đề tài thuộc lĩnh vực trồng trọt, 02 đề tài thuộc lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản, 09 thuộc lĩnh vực y tế và 02 thuộc lĩnh vực khác; tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; kết nối hợp tác giữa Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang nghiên cứu nhiều giải pháp hỗ trợ triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hạn chế những sai phạm trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ,...
7. Tài nguyên và môi trường
Đã thực hiện hoàn thành công tác thống kê đất đai trên địa tỉnh; phê duyệt 36/37 quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu của 37/37 phường, thị trấn. Quy hoạch sử dụng đất của 119 xã nông thôn mới đã được thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã. Tập trung xử lý dứt điểm 35 công trình công trình đo đạc, lập bản đồ địa chính đã triển khai từ năm 2012 trở về trước nhưng chưa hoàn thành; hướng dẫn, hỗ trợ cấp huyện xây dựng phương án đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với các xã do huyện tự bố trí kinh phí đầu tư (Tân Châu: 03 xã, Phú Tân: 03 xã và Thoại Sơn: 02 xã) trong 3 năm 2014 - 2016.
Công tác quan trắc môi trường được thường xuyên thực hiện, đáp ứng yêu cầu theo dõi và giám sát môi trường, nhằm phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường, nuôi trồng thủy sản, phòng chống thiên tai. Cảnh báo kịp thời nguy cơ ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường, khai thác cát sông trái phép theo quy định của pháp luật; qua thanh, kiểm tra, phát hiện 102 trường hợp vi phạm, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 04 trường hợp (lĩnh vực môi trường) với số tiền phạt là 39 triệu đồng, nhắc nhở 98 trường hợp.
II. Văn hóa - xã hội
1. Giáo dục và Đào tạo
Công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, củng cố nâng cao chất lượng giáo dục được ngành và địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả. Các hoạt động ôn tập, thi kiểm tra học kỳ, khen thưởng và xét lên lớp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông, tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh đại học năm 2014 được thực hiện nghiêm túc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014 đạt 99,64% (năm 2013 là 98,97%). Năm học 2014 - 2015, tỷ lệ huy động học sinh vào nhà trẻ 3.673 cháu, đạt 99,3% kế hoạch (cùng kỳ 77,8%); mẫu giáo 57.014 em, đạt 95,8% kế hoạch (cùng kỳ 98,2%); tiểu học 196.341 em, đạt 101,2% kế hoạch (cùng kỳ 101,26%); trung học cơ sở 113.776 em, đạt 99,37% kế hoạch (cùng kỳ 97,9%); trung học phổ thông 43.196 em, đạt 91,8% kế hoạch (cùng kỳ 94,38%).
Trường đại học An Giang có 1.773 sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2013-2014. Năm học mới 2014 - 2015, trường Đại học An Giang có 3.140 sinh viên nhập học, tăng 1,95% so năm học trước; trong đó: bậc đại học có 2.250 sinh viên, bậc cao đẳng có 890 sinh viên. Trường cao đẳng nghề có 2.175 học viên, bằng 80,86% so năm học trước; Trường trung học y tế, hệ trung cấp chuyên nghiệp có 640 học viên, bằng 96,97%. Trường trung cấp kỹ thuật An Giang có 1.100 học viên, tăng 46,6% so năm học trước.
2. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngành y tế đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ chuyên môn, triển khai đồng bộ và kịp thời công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh; vì vậy các chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt theo yêu cầu của Nghị quyết đã đề ra. Đối với các bệnh nguy hiểm, thường gặp, ngành y tế đã can thiệp và điều trị kịp thời các trường hợp mắc để giảm thiểu tối đa số ca tử vong . Công tác tiêm chủng mở rộng đã được tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng thời thường xuyên kiểm tra quy trình tiêm chủng, thời gian sử dụng và quy trình bảo quản các loại vaccin để đảm bảo tuyệt đối cho người bệnh, nên trong thời gian qua không có những trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Công tác khám và điều trị bệnh nhân dân; các khu tiếp nhận bệnh của nhiều bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp đã tạo sự thoải mái cho bệnh nhân; quy trình quản lý và xử lý hồ sơ bệnh nhân được cải thiện nhiều giúp rút ngắn thời gian can thiệp chuyên môn.
Chương trình phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được triển khai đồng bộ từ tuyến huyện đến tuyến xã bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến ngày báo cáo đã phát hiện 151 người bị nhiễm HIV mới, số chuyển sang AIDS là 152 ca và tử vong do AIDS 58 ca. So với cùng kỳ năm 2013, số phát hiện HIV mới giảm 67 ca (giảm 43,2%), số bệnh nhân AIDS giảm 22 ca (giảm 12,6%), số tử vong giảm 11 ca (giảm 15,9%).
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên đã xảy ra 02 vụ ngộ độc tập thể: tại Công ty TNHH Oriental Garment (Thái-lan), có 125 công nhân phải cấp cứu; Cty may xuất khẩu Đức Thành, phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên có hơn 100 công nhân bị ngộ độc, trong đó có 06 công nhân phải nhập viện cấp cứu.
3. Lao động, việc làm
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm: được triển khai theo kế hoạch, đã tổ chức Lễ khai trương sàn giao dịch việc làm tỉnh An Giang - phiên giao dịch việc làm lần thứ I năm 2014, có 27 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia, khoảng 1.500 người đến tham gia giao dịch việc làm. Cả năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 35.000 lao động, tổ chức đưa 50 người đi lao động nước ngoài.Trong năm đã có 6.257 người nhận trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí 2,36 tỷ đồng (tăng 250 người và 1,7 tỷ đồng so cùng kỳ). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 47%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,4%, hiện chỉ còn 3,56%, trong đó, huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, thành phố Châu Đốc hộ nghèo thấp nhất tỉnh.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em: tiếp tục được các cấp, các ngành tiếp tục triển khai. Thực hiện hỗ trợ 97.982 đối tượng trong dịp Tết Quý Tỵ với kinh phí trên 45 tỷ đồng; 15.960 đối tượng được nhận quà Chủ tịch nước với kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1952/QĐ-UBND hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong đó: Tổng số hộ người có công được hỗ trợ 4.678 hộ (xây dựng mới: 2.523 hộ và sửa chữa: 2.155 hộ) với mức hỗ trợ xây mới nhà ở là 50 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà ở là 20 triệu đồng/hộ. Tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân lễ kỷ niệm 67 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, tổ chức cải táng 183 bộ hài cốt liệt sĩ quân nhân tình nguyện Việt Nam hy sinh chiến trường Campuchia và trong nội địa tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc huyện Tịnh Biên.
Tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em đến năm 2020. Tổ chức tháng hành động vì trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn đạt xã, phường phù hợp với trẻ em.
4. Văn hoá thông tin, Thể dục thể thao
Ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng xuân, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước như: giải phóng miền Nam 30/4, Quốc khánh 2/9, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, lễ Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Ngày hội Văn hóa đồng bào dân tộc Chăm tỉnh lần thứ VII; lễ hội Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên huyện An Phú...
Phong trào thể dục, thể thao tổ chức rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với hơn 150 giải thể thao, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân. Thể thao thành tích cao tham gia thi đấu 51 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế như: giải Vô địch Kick Boxing toàn quốc năm 2014; giải Xe đạp ĐBSCL lần thứ XXIII tranh Cúp Bảo vệ Thực vật An Giang; giải Vô địch Thể hình và Fitness Châu Á lần thứ 48; giải vô địch điền kinh mở rộng năm 2014.
5. Công tác dân tộc - tôn giáo
Công tác dân tộc, tôn giáo luôn được quan tâm; tổ chức thăm hỏi thường xuyên gia đình đồng bào dân tộc gặp khó khăn; chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thể hiện tự do tín ngưỡng của mình. Quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần của các đồng bào dân tộc, xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể dục - thể thao. Mối quan hệ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo, dân tộc, các vị chức sắc ngày càng thân thiện và hiểu nhau.
Các chương trình mục tiêu hỗ trợ cho đồng bào dân tộc được tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, các cấp các ngành tích cực thực hiện để từng bước giúp đồng bào dân tộc cải thiện đời sống vươn lên trong xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015.
(Trích Báo cáo số 221/BC-UBND của UBND tỉnh An Giang ngày 1/12/2014)
Nguồn: chinhphu.vn