Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 09/12/2013 của Tỉnh uỷ khóa XIV và Nghị quyết số 80/2013/NQ-HĐND ngày 11/12/2013 của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ Sáu - khoá X; trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tác động của việc thực hiện một số chính sách miễn giảm thuế, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh xuống thấp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện tương đối toàn diện các mặt công tác trọng tâm; dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 20/22 chỉ tiêu theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X – kỳ họp thứ 6 đề ra; cụ thể như sau:
I/ LĨNH VỰC KINH TẾ:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá 1994) đạt 12,71%, trong đó nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 6,51%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,32%; dịch vụ tăng 16% (năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,3%, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,53%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,66%; dịch vụ tăng 16,15%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 38,04%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,92%, dịch vụ chiếm 29,03%. GDP bình quân đầu người đạt 34,1 triệu đồng, tăng 13,73% so với năm 2013.
1. Nông - lâm nghiệp:
Năm 2014, diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng; tổng diện tích gieo trồng năm 2014 là 507.717 ha, đạt 101% kế hoạch, tăng 2,8% so với năm 2013; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản ước đạt 9.444,8 tỷ đồng, bằng 100,2% kế hoạch, tăng 6,6% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực đạt 566.738 tấn, bằng 96,6% kế hoạch, tăng 4,4%; trong đó thóc 350.101 tấn, bằng 101% kế hoạch, tăng 5,9%, năng suất bình quân đạt 46,6 tạ/ha, tăng 4,2%.
- Ngành chăn nuôi có bước tăng trưởng khá, bước đầu theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn (điển hình là dự án chăn nuôi của Công ty CP chăn nuôi Gia Lai, dự án đầu tư 6.300 tỷ đồng - đang triển khai cuối năm 2014). Hiện tổng đàn bò toàn tỉnh có 383.100 con, tăng 9,1%; đàn trâu có 14.520 con; tăng 2% so với năm 2013; đàn heo 456.900 con, tăng 6,2%; tổng sản lượng thịt hơi gia súc ước đạt 52.026 tấn, tăng 12,7%. Những tháng đầu năm đã xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, tổ chức chốt chặn, xử lý chất thải và tiêu hủy kịp thời 13.507 con gia cầm, không để dịch lây lan.
- Năm 2014, toàn tỉnh huy động được 2.909,7 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (trong đó vốn ngân sách 858,6 tỷ đồng; vốn lồng ghép với các chương trình, dự án trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới 735,2 tỷ đồng; vốn tín dụng 1.920,2 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 26,3 tỷ đồng; vốn nhân dân 96,2 tỷ đồng; vốn các nguồn lực khác 8,4 tỷ đồng). UBND tỉnh đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt; chọn 25 xã đạt từ 9 tiêu chí trở lên và yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực để đầu tư, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đã nâng cao về nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức quản lí xây dựng nông thôn mới; hoạt động của bộ máy thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn đã có sự liên kết và hoạt động hiệu quả.
- Hoạt động lâm nghiệp: giao khoán quản lý bảo vệ rừng 85.486 ha, đạt 102% kế hoạch; chăm sóc 2.964 ha rừng, đạt 100% kế hoạch; khai thác 100.000 m3 gỗ rừng trồng, đạt 100% kế hoạch; trồng rừng sản xuất 1.043 ha, đạt 125,7% kế hoạch. Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định, tính đến hết tháng 10/2014 đã tạm ứng chi trả cho các cơ sở cung ứng dịch vụ môi trường rừng 33 tỷ đồng, đạt hơn 70% kế hoạch.
- Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng trong những tháng cao điểm của mùa khô 2014, không để xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại lớn. Tiếp tục chỉ đạo rà soát quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ; thành lập 03 đoàn liên ngành truy quét lâm tặc tại các huyện Krông Pa, Ia Pa, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh. Từ đầu năm đến nay xảy ra 881 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (giảm 137 vụ); đã xử lý 431 vụ (trong đó xử lý hình sự 14 vụ), tịch thu 649,3m³ gỗ tròn, 1.193m³ gỗ xẻ các loại, 189 ô tô, xe máy; thu nộp ngân sách gần 18,4 tỷ đồng.
- Chỉ đạo triển khai công tác phòng tránh, ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi trong mùa mưa lũ. Ngay khi xảy ra sự cố vỡ đê quai công trình thủy điện Ia Krel 2, lãnh đạo UBND tỉnh đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo quyết liệt việc xử lý sơ tán dân đến khu vực an toàn, hỗ trợ kịp thời những nhu cầu bức thiết của người dân; kiểm tra xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan để xử lý, khắc phục theo đúng quy định.
2. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 1994) ước đạt 8.386 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 11,4% so với cùng kỳ; trong đó: công nghiệp khai thác giảm 42,1%; công nghiệp chế biến tăng 16,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, ga tăng 8%. Các sản phẩm tăng so với năm 2013 như: gạch các loại tăng 24,8%, đường tăng 25,3%, chè tăng 9,2%, tinh bột sắn tăng 27,1%, đá granit tăng 62%,... Riêng phân vi sinh chỉ đạt 54,6% kế hoạch, giảm 38,1% so với cùng kỳ; xi măng đạt 33,5% kế hoạch, giảm 52,2%.
Khu Công nghiệp Trà Đa hiện có 43 dự án đầu tư (có 4 dự án FDI) tổng vốn đăng ký 1.691 tỷ đồng (tăng 01 dự án và 225 tỷ đồng so với cuối năm 2013), đã đầu tư 795 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 68,4% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm cho 2.195 lao động với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
3. Thương mại - xuất nhập khẩu:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước cả năm đạt 33.130 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch và tăng 18,8% so với năm 2013; lượng hàng hoá dồi dào, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân, nhất là trong dịp Lễ, Tết; các doanh nghiệp tích cực thực hiện Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “đưa hàng Việt về nông thôn”. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả các loại hàng hóa tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2014 giảm 0,11% so với tháng trước, tính chung 11 tháng tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước; một số nhóm hàng hóa có biến động tương đối trong năm như: nhóm lương thực tăng 4,13%, thực phẩm tăng 3,33%, ăn uống ngoài gia đình tăng 7,16%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,72%. Nhóm giao thông giảm 2,8%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,2%.
- Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 580 triệu USD, bằng 193,3% kế hoạch, tăng gấp 2,24 lần so với năm 2013; tình hình xuất khẩu cà phê, sắn lát thuận lợi; việc không thu thuế VAT đối với các mặt hàng nông sản đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại tỉnh tăng cường thu mua, mở rộng thị trường thu mua ngoài tỉnh, góp phần cho kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tình hình xuất khẩu mủ cao su những tháng cuối năm có dấu hiệu khả quan hơn, các doanh nghiệp đã tăng cường xuất khẩu tại các thị trường Malaysia, Singapore, Đài Loan,... Tuy nhiên, do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh so với cùng kỳ nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm đến 53,6%.
- Kim ngạch nhập khẩu ước cả năm đạt 80,3 triệu USD, bằng 236,2% so kế hoạch, tăng 38% so với năm 2013. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh hiện có 19 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; có 138.559 lượt hành khách xuất, nhập cảnh, tăng 30% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 237,1 triệu USD (trong đó doanh nghiệp trong tỉnh xuất nhập khẩu 101,2 triệu USD), tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.
-Việc cung ứng các mặt hàng chính sách như: bò giống, phân bón, giống cây, muối Iốt cấp không thu tiền, bán trợ cước trợ giá ước đạt 100% kế hoạch.
4. Đầu tư - xây dựng cơ bản:
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 13.250 tỷ đồng, đạt 100,38% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,7%, vốn ngoài nhà nước chiếm 76,3%. Các công trình, dự án vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch năm 2014 được phân bổ theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã thường xuyên tổ chức giao ban xây dựng cơ bản, ban hành nhiều văn bản, tập trung chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư, thay thế các cán bộ Ban quản lý dự án kém năng lực để triển khai công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm những vi phạm của một số chủ đầu tư, đơn vị thi công. Trong năm đã triển khai thi công một số công trình có vốn đầu tư lớn như: Mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Pleiku - Cầu 110, Quốc lộ 19, dự án kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đậu máy bay Cảng Hàng không Pleiku...
Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, bố trí vốn đầu tư, nhất là tại thành phố Pleiku; công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực được thực hiện đúng quy định.
5. Tài chính - Ngân hàng:
a) Tài chính:
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước cả năm đạt 3.346 tỷ đồng, bằng 114,9% dự toán trung ương giao, 103% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó thu cân đối là 2.949 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán trung ương và dự toán HĐND tỉnh giao. Nếu tính cả khoản 380 tỷ đồng do thực hiện Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT (theo đó miễn thuế GTGT các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác) thì thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.726 tỷ đồng, đạt 128% dự toán trung ương giao, 114,6% dự toán HĐND tỉnh giao.
- Tổng chi ngân sách địa phương ước cả năm đạt 8.470,5 tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán trung ương giao, bằng 108,3% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 0,2% so với cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển từ nguồn cân đối ngân sách địa phương đạt 122,6% dự toán HĐND tỉnh giao; chi thường xuyên đạt 105,8%; chi các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình, dự án, nhiệm vụ do Trung ương bổ sung đạt 122,9%.
Thực hiện Thông tri số 22-TT/TU ngày 08/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách của từng cấp; chủ động sử dụng các nguồn tài chính của địa phương để chi trả kịp thời các khoản chi theo chế độ, nhất là tiền lương, lương hưu, trợ cấp người có công và các chế độ chính sách an sinh xã hội,… Không để xảy ra tình trạng nợ lương và các khoản chi an sinh xã hội trực tiếp cho con người.
b) Ngân hàng: Đến cuối năm 2014, nguồn vốn ngân hàng huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 21.670 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 17% so với cuối năm 2013; dư nợ cho vay đạt 42.200 tỷ đồng, tăng 15%; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,01%. Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ cho 61.050 khách hàng (hiện dư nợ lãi suất từ 13% trở xuống chiếm 98%); cho vay mới đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên cho 12.595 khách hàng, với dư nợ 3.381 tỷ đồng; triển khai 84 gói sản phẩm lãi suất ưu đãi cho 2.184 khách hàng, với dư nợ 9.008 tỷ đồng; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 19.026 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Hiện trên địa bàn có 26 tổ chức tín dụng với 110 điểm giao dịch; có 156 máy ATM, 44.037 thẻ của 1.396 đơn vị thanh toán tiền lương qua tài khoản.
6. Giao thông vận tải: Hoạt động vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và đi lại của nhân dân, nhất là trong các dịp Lễ, Tết; doanh thu vận tải cả năm ước đạt 2.820 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Trong năm đã tăng cường công tác kiểm tra việc đảm bảo trật tự trong vận tải hành khách theo tuyến cố định và taxi, kiểm tra điều kiện hoạt động của xe ô tô đưa đón học sinh; triển khai kế hoạch kiểm tra tải trọng xe lưu động, kế hoạch khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, rà soát các công trình cầu treo trên địa bàn, qua đó yêu cầu dừng ngay việc khai thác các cầu không đảm bảo lưu thông, có phương án tổ chức giao thông thay thế đảm bảo an toàn, thông suốt; nếu để xảy ra tai nạn, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
7. Tài nguyên và môi trường: Công tác quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường được thường xuyên chỉ đạo; triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013 đúng quy định; đã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015) của các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh đã cấp 555.335 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 912.818,2 ha, chiếm 88,07% diện tích cần cấp; trong đó cấp cho tổ chức đạt 95,32% về diện tích, hộ gia đình - cá nhân đạt 78,21%; hoàn thiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên nước, triển khai có hiệu quả Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn; triển khai công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cung cấp vật liệu thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn; tiếp tục đôn đốc các tổ chức, cá nhân nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Công tác giao đất, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước được thực hiện đúng quy định.
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cùng với các chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định canh, tái định cư cho dân trong vùng dự án thuỷ điện An Khê - Ka Nak, dự án Quốc lộ 14 đoạn Pleiku - Cầu 110, Quốc lộ 19, dự án nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku, dự án công trình đường dây 500KV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, dự án mở rộng Hoa viên Quang Trung và Nhà luyện tập thể thao tỉnh....
8. Công tác đăng ký kinh doanh, thu hút đầu tư và kinh tế tập thể:
Trong năm có 350 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có 690 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể, phá sản; 170 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; toàn tỉnh hiện có 3.020 doanh nghiệp đang hoạt động. Đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án với tổng vốn đăng ký 8.400 tỷ đồng; điều chỉnh 11 dự án, thu hồi 8 giấy chứng nhận đầu tư; tổ chức hậu kiểm 280 doanh nghiệp; qua hậu kiểm đã xử phạt vi phạm hành chính 5 doanh nghiệp với số tiền 69 triệu đồng.
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Gia Lai năm 2013 đứng thứ 31, tăng 01 bậc so với năm 2012 và là năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Công tác sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2014 thành lập mới 06 hợp tác xã, hiện toàn tỉnh có 128 hợp tác xã, với trên 23.609 xã viên, giải quyết việc làm trên 8.731 lao động. Tuy nhiên, hoạt động của một số hợp tác xã còn khó khăn về vốn, trụ sở làm việc, cán bộ quản lý còn yếu về trình độ, hoạt động còn lúng túng, nhiều hợp tác xã chưa có phương án hoạt động nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.
II/ VỀ VĂN HÓA - XÃ HỘI:
1. Giáo dục- Đào tạo: Cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư từ nhiều nguồn vốn; năm 2014 tỉnh đã bố trí kinh phí để đầu tư dứt điểm 617 phòng học mầm non còn thiếu trên địa bàn; tập trung thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Năm học 2014 - 2015 toàn tỉnh có 808 trường học mầm non và phổ thông, 15 trung tâm giáo dục thường xuyên, 210 trung tâm học tập cộng đồng. Hiện có 205/222 xã, phường, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt 92,3%; tiếp tục duy trì công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở, với 222/222 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; có 151 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 18,7%; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,2%.
Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tập trung chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm; chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 được tổ chức nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,12% (thấp hơn năm trước 0,23%), hệ giáo dục thường xuyên đạt 69,57% (tăng 26,46%). Triển khai kế hoạch năm học 2014-2015, đã cấp phát sách, vở dụng cụ học tập cho 63.227 học sinh trong diện được hưởng theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ; cấp phát gạo theo Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 7.817 học sinh với 586.275kg.
2. Y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình:
Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống y tế các cấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân, không để xảy ra các bệnh nguy hiểm; đã chú trọng áp dụng một số kỹ thuật y tế mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; công tác đấu thầu thuốc y tế cho các cơ sở y tế công lập được triển khai kịp thời, cơ bản đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng và chữa bệnh.
Các cơ sở y tế trên địa bàn đã khám chữa bệnh cho 1.651.450 lượt người, trong đó điều trị nội trú 150.728 lượt, ngoại trú 534.923 lượt. Trong năm đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 138 người mắc, 01 trường hợp tử vong (năm 2013 xảy ra 9 vụ, với 90 người mắc, 01 tử vong); tuy nhiên, vẫn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, sử dụng chất phụ gia không được phép sử dụng,...
3. Văn hóa - Thể thao - Du lịch: Các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, triển lãm phục vụ các ngày lễ, Tết; tập trung tôn tạo, sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc giá trị văn hoá các dân tộc của tỉnh; triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ văn hóa, lễ hội, quán bar, nhà hàng, karaoke, vũ trường. Bảo tàng Hồ Chí Minh Gia Lai - Kon Tum, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, các đội chiếu phim lưu động đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phục vụ. Quảng trường Đại đoàn kết và các công trình trong khu vực là địa điểm tham quan, vui chơi của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Các hoạt động thể dục thể thao diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương, đơn vị; tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 29%; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VII và phối hợp tổ chức thành công các giải thể thao cấp tỉnh năm 2014. Hoạt động thể thao thành tích cao năm nay tạm ngừng đầu tư để ổn định tổ chức, cơ cấu, xây dựng phương án tối ưu cho việc đầu tư phát triển.
Tham gia hưởng ứng các hoạt động trong chương trình “Năm du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014”; doanh thu du lịch cả năm ước đạt 210 tỷ đồng; có 225.000 lượt khách du lịch đến tỉnh (trong đó 9.500 lượt khách quốc tế); tuy nhiên hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn đơn điệu, chưa tạo ra sản phẩm chất lượng nhằm thu hút khách du lịch; năng lực của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn hạn chế.
4. Thông tin - truyền thông – Phát thanh truyền hình:
Các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh tăng cường công tác quản lý mạng, ngăn chặn các loại tội phạm về công nghệ thông tin; tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động các cơ quan nhà nước của tỉnh; quy định về quy chế quản lý, vận hành, khai thác hệ thống một cửa điện tử trong các cơ quan hành chính; toàn tỉnh có 262 đơn vị thiết lập trang thông tin điện tử, hơn 6.200 tài khoản thư điện tử công vụ.
Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng lưới thông tin trong dịp Lễ, Tết; mạng lưới bưu chính, viễn thông, số thuê bao điện thoại tiếp tục phát triển. Doanh thu bưu chính viễn thông năm 2014 đạt 1.380 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh truyền hình đã tập trung tuyên truyền việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chính trị, các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn. Duy trì họp báo định kỳ của UBND tỉnh, kịp thời phản hồi các thông tin mà cơ quan báo chí phản ánh. Toàn tỉnh hiện có 04 cơ quan báo chí địa phương và 19 cơ quan có văn phòng đại diện hoặc có phóng viên thường trú.
5. Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chú trọng quan tâm và chăm lo đến các gia đình chính sách, người có công, đối tượng xã hội cộng đồng, nhất là các dịp Lễ, Tết, ngày kỷ niệm; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định hỗ trợ đối tượng chính sách, người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hoàn thành việc tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 08 Mẹ Việt Nam anh hùng được nhận phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo; giải quyết chế độ điều dưỡng cho 10.306 đối tượng; tổ chức đưa 182 đối tượng người có công đi điều dưỡng tại Quảng Nam và Bình Định.
Triển khai đồng bộ các chính sách để thực hiện giảm nghèo bền vững; phong trào xóa đói giảm nghèo đã được xã hội hóa, thu hút được sự tham gia của toàn xã hội; dự ước đến cuối năm 2014, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,53%, với 7.410 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 14,7% (tương đương 46.500 hộ).
Trong năm đã giải quyết việc làm mới 24.055 lao động, đạt 100,2% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động 1.315 lao động, đạt 101% kế hoạch; UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn; việc dạy nghề cho lao động nông thôn chỉ tổ chức khi người lao động xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học.
Chú trọng công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với 17.850 trẻ em được chăm sóc, giúp đỡ. Làng trẻ em SOS đang nuôi dưỡng 50 trẻ mồ côi; Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp đang quản lý và nuôi dưỡng 166 đối tượng.
Năm 2014 ước chi trả trên 1.323 tỷ đồng BHXH, BHYT; thu BHXH, BHYT 1.605 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch; toàn tỉnh có 64.441 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 7,8% lực lượng lao động toàn tỉnh; đã rà soát, chấn chỉnh việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách bị trùng lắp.
6. Khoa học và Công nghệ: UBND tỉnh đã rà soát lại các nhiệm vụ khoa học -công nghệ, tập trung ưu tiên thực hiện việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống. Hiện có 43 đề tài, dự án cấp tỉnh đang được triển khai; trong năm đã nghiệm thu 16 đề tài, dự án; cấp 14 giấy phép tiến hành công việc bức xạ, kiểm định kỹ thuật máy X-quang cho 13 cơ sở; hướng dẫn 15 cơ sở đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; cấp, kiểm định 3.756 phương tiện đo các loại (có 53 phương tiện đo không đạt yêu cầu), thử nghiệm 1.270 mẫu sản phẩm với 6.184 chỉ tiêu; thanh tra 19 cơ sở kinh doanh xăng dầu, vàng bạc, phát hiện 02 cơ sở vi phạm. Trong năm 2014, các huyện, thị xã, thành phố có 25 dự án đang triển khai sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học.
7. Công tác dân tộc: Thực hiện tốt các chính sách dân tộc; phát huy vai trò tích cực của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ II. Các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, định canh định cư, trợ cước trợ giá, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn phát triển sản xuất,... đến cuối năm ước đạt 100% kế hoạch. Chỉ đạo rà soát, tổng hợp số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở thôn, xã đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất để có giải pháp giải quyết.
8. Công tác phối hợp với Mặt trận, hội, đoàn thể: Phối hợp tổ chức Đại hội MTTQ các cấp, tổ chức Hội nghị biểu dương già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu. Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân thông qua các cuộc vận động: “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “ngày vì người nghèo”, các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số”; phối hợp tổ chức tốt việc kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện hỗ trợ cho các đối tượng, nhất là người nghèo nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, tin tưởng, ủng hộ, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải theo đúng luật pháp quốc tế.
(Trích Báo cáo số 209/BC-UBND của UBND tỉnh Gia Lai ngày 20/11/2014)
Nguồn: www.baochinhphu.vn